Vị thế củng cố đối trọng

Hội nghị cấp cao Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) lần thứ 22 đã bế mạc ngày 16/9 tại thành phố Samarkand (Uzbekistan). Hội nghị được đánh giá là lớn nhất từ trước đến nay không chỉ về quy mô mà cả các kết quả đạt được, góp phần quan trọng vào nỗ lực chung của toàn cầu trong việc đối phó các thách thức lớn hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
Một phiên làm việc của các nhà lãnh đạo Hội nghị cấp cao SCO 2022. Ảnh: AP
Một phiên làm việc của các nhà lãnh đạo Hội nghị cấp cao SCO 2022. Ảnh: AP

SCO là một thể chế đa phương được xem là độc đáo, giúp gắn kết các quốc gia có các quy tắc văn hóa và văn minh khác nhau, các đường lối chính sách đối ngoại và mô hình phát triển quốc gia riêng biệt. Hiện nay SCO đã trở thành một bộ phận cấu thành của trật tự chính trị và kinh tế toàn cầu hiện đại. Sự thành công của SCO là thúc đẩy hợp tác nhiều mặt thông qua bảo đảm an ninh khu vực. Vì thế, số lượng các quốc gia sẵn sàng tham gia các hoạt động của SCO đang tăng lên hằng năm, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi hệ thống quan hệ quốc tế và khu vực hiện đại.

Với sự tham gia của 15 lãnh đạo các quốc gia trên thế giới, gồm nhiều quốc gia Trung Đông, hội nghị năm nay kết thúc với hơn 20 văn kiện được ký kết, trong đó có Tuyên bố chung Samarkand và bốn tuyên bố chung khác về các nội dung đang là mối quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế hiện nay, như biến đổi khí hậu, bảo đảm chuỗi cung ứng đáng tin cậy, bảo vệ an ninh lương thực và năng lượng.

Do tác động của đại dịch Covid-19, SCO bị gián đoạn kể từ năm 2019. Hội nghị năm nay diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế căng thẳng và biến động mạnh mẽ, nền kinh tế thế giới phục hồi yếu và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là các vấn đề an ninh năng lượng và an ninh lương thực, dịch bệnh vẫn đang gây nhiều khó khăn cho người dân thế giới.

Tại kỳ hội nghị lần này, Iran đã trở thành quốc gia Trung Đông đầu tiên ký bản ghi nhớ về các nghĩa vụ để trở thành thành viên đầy đủ của SCO; khởi động quá trình kết nạp Belarus với tư cách thành viên đầy đủ; Ai Cập, Saudi Arabia và Qatar - vốn vẫn được coi là đồng minh của Mỹ, được cấp quy chế đối tác đối thoại; trong khi các quốc gia Bahrain, Kuwait, Maldives. Myanmar, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) bắt đầu thủ tục nhận quy chế nói trên.

Không chỉ mở rộng thêm thành viên, SCO còn mở ra các hướng hợp tác chiến lược mới. Đó là giao thông và kết nối, năng lượng, lương thực và an ninh môi trường, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi kỹ thuật số và nền kinh tế xanh. Thông qua thảo luận tại hội nghị lần này, các quốc gia thành viên đang nỗ lực sớm tiến tới xây dựng các hành lang vận tải mới để giải quyết vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng do cuộc xung đột Ukraine, đi từ đông sang tây (hành lang xuyên Caspi sẽ nối Thổ Nhĩ Kỳ, nằm trên bờ Địa Trung Hải, với các cảng biển ở bờ đông của Trung Quốc, đi qua lãnh thổ Trung Á) và từ bắc vào nam (kết nối Ấn Độ qua Iran với các quốc gia ở Trung Âu, Á-Âu). Ngoài ra, các vấn đề về ưu đãi thuế quan và phương án sử dụng đồng tiền quốc gia trong trao đổi thương mại nội khối, trên cơ sở những kinh nghiệm và hệ thống của Nga và Trung Quốc, cũng được đề cập tại hội nghị lần này.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng đang lan rộng ra thế giới, giới phân tích nhận định SCO hoàn toàn có khả năng ổn định cung - cầu dầu khí ở một mức độ nhất định. Đó là do SCO có thành viên và quan sát viên là các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt lớn, có thể gây ảnh hưởng đáng kể trên thị trường dầu khí toàn cầu. Về nguồn cung, các quốc gia này chiếm một phần tư trữ lượng và sản lượng dầu, 30% công suất lọc dầu của thế giới cũng như khoảng 44% trữ lượng và 30% sản lượng khí đốt toàn cầu. Về nhu cầu, hai nền kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ là những nước nhập khẩu dầu lớn thứ nhất và thứ ba trên thế giới.

Tiềm năng đang rộng mở nhưng SCO vẫn đối mặt một số thách thức, như bất đồng giữa các quốc gia thành viên. Những căng thẳng biên giới giữa các quốc gia thành viên Trung Quốc và Ấn Độ, Kyrgyzstan và Tajikistan, Ấn Độ-Pakistan và giữa các đối tác đối thoại Armenia-Azerbaijan có thể là yếu tố kìm hãm mục tiêu chung của SCO.

Trong bối cảnh quan hệ giữa Nga, Trung Quốc với phương Tây đều đang ở mức thấp, việc nhiều quốc gia, từ Trung Đông đến châu Á, vẫn mong muốn gia nhập SCO - một tổ chức được coi là đối trọng với các cơ chế khu vực của phương Tây, đang cho thấy tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của SCO, cũng như xu hướng đa cực trong đời sống chính trị toàn cầu.