Vì một Biển Đông hòa bình, thịnh vượng

Những vấn đề mới nổi trên Biển Đông cùng với nỗ lực của các quốc gia trong khu vực và thế giới, đã từng bước tháo gỡ được vướng mắc, hướng đến sự phát triển ổn định, thịnh vượng trên khu vực. Việt Nam là quốc gia chủ động trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh trên Biển Đông trên cơ sở Luật pháp quốc tế và Luật pháp Việt Nam. Việt Nam nỗ lực hợp tác với các nước trên nhiều lĩnh vực và luôn đề cao vấn đề an ninh quốc gia, sự phát triển thịnh vượng của cả khu vực.

Các chuyên gia, học giả thảo luận tại Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 10.
Các chuyên gia, học giả thảo luận tại Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 10.

10 năm vì hòa bình trên Biển Đông

Tại Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 10 với chủ đề “Biển Đông - Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực” do Học viện Ngoại giao (DAV), Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông (FESS) và Hội Luật gia Việt Nam (VLA) phối hợp tổ chức tại Đà Nẵng trong hai ngày 8 và 9-11, rất nhiều vấn đề liên quan đến Biển Đông đã được các chuyên gia, học giả đến từ nhiều nước trong khu vực thảo luận.

Theo DAV, sau 10 năm tổ chức bắt đầu từ năm 2009, đến nay, đã có hơn 300 diễn giả và hơn 2.000 đại biểu trong nước và quốc tế đến từ các viện/trung tâm nghiên cứu, trường đại học của Singapore, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Anh, Đức và ASEAN tham dự. Những đề xuất đưa ra từ các hội thảo đã phần nào làm dịu căng thẳng trên Biển Đông.

Theo PGS, TS Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc DAV, sau 10 năm tổ chức, hội thảo đã xây dựng được khung chương trình nghị sự ổn định, giúp hình thành một mạng lưới học giả quốc tế nghiên cứu về Biển Đông, góp phần nâng cao nhận thức của giới hoạch định chính sách và công chúng về vấn đề Biển Đông. PGS Tùng nhấn mạnh: “Rất nhiều vấn đề trước đây các học giả còn quan ngại, nay đã thẳng thắn trao đổi trên tinh thần khách quan, khoa học và cầu thị. Từ đó, tích cực đưa ra nhiều kiến nghị xác đáng nhằm giúp chính phủ các nước liên quan phối hợp hành động vì môi trường hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực”.

Đây là hội thảo đánh dấu chặng đường 10 năm khi sáng kiến tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế Biển Đông được khởi xướng. Với bảy phiên nghị sự chính thức về các chủ đề lớn như: Xu hướng phát triển và cục diện khu vực trong thập kỷ qua, vị trí của Biển Đông trong khu vực Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương, nội hàm chính sách của các nước lớn đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và các tác động đối với khu vực, các biện pháp hòa bình quản lý và giải quyết tranh chấp. Có 32 tham luận được trình bày liên quan đến tình hình Biển Đông, tập trung đánh giá những chuyển biến tích cực ở Biển Đông trên nhiều lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, ngoại giao, công nghệ, pháp luật quốc tế.

Thẩm phán Kriangsak Kittichairasee, Tòa án Luật Biển quốc tế ITLOS nhìn nhận, chuỗi hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông tổ chức 10 năm qua là diễn đàn thiết thực để các chuyên gia, học giả trao đổi, tìm kiếm các cách thức quản lý và giải quyết xung đột ở Biển Đông. Ông đúc kết, vấn đề hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực Biển Đông cần dựa trên bốn thành tố, như ngăn ngừa xung đột, quản lý khủng hoảng, giải quyết tranh chấp và các cơ chế giám sát; khẳng định giải pháp cơ bản để giải quyết tranh chấp là các bên tìm kiếm các sáng kiến hợp tác cụ thể, thực chất, đồng thời kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình.

Hợp tác vì an ninh, phát triển của khu vực

Các học giả đã thẳng thắn nhìn nhận, phân tích thực trạng tình hình Biển Đông, từ đó đề xuất các sáng kiến khả thi hướng đến kiểm soát tốt tình hình và từng bước xây dựng một Biển Đông hòa bình, hữu nghị và hợp tác bền vững.

GS Carlyle Thayer, Trường ĐH New South Wales, Học viện Quốc phòng Australia, đưa ra cách nhìn tổng quan về các nỗ lực của ASEAN nhằm quản lý tranh chấp Biển Đông từ năm 1992 đến 2018. Ông đánh giá 10 bước ngoặt lớn và phân tích kỹ sáu nguyên tắc chung: nghĩa vụ hợp tác, thúc đẩy hợp tác thực chất trên Biển Đông, kiềm chế/thúc đẩy lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau, ngăn ngừa sự cố, quản lý sự cố và các cam kết khác và đánh giá các vấn đề chính cần giải quyết trước khi Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) có thể được thông qua.

Đồng quan điểm này, theo bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Tổng Thư ký Hội Luật Quốc tế Việt Nam, 10 năm qua, Biển Đông chứng kiến một loạt tranh chấp phát sinh, những nỗ lực của các bên liên quan nhằm giải quyết tranh chấp, kiểm soát căng thẳng leo thang, xây dựng lòng tin trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 và các cam kết, thỏa thuận khu vực. Là quốc gia ven biển đồng thời là bên có tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán ở Biển Đông, Việt Nam đã và đang đóng vai trò tích cực để giải quyết vấn đề. Trong tiến trình trên, yêu sách và quan điểm của Việt Nam đối với Biển Đông đã có những điều chỉnh quan trọng, phù hợp với nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế và nội luật của Việt Nam; thúc đẩy minh bạch và hợp tác nhằm bảo đảm quyền và lợi ích, duy trì hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở Biển Đông.

Hội thảo khoa học quốc tế Biển Đông đã trở thành sự kiện có uy tín và tầm ảnh hưởng hàng đầu khu vực. Trong nhiều nỗ lực, Việt Nam kỳ vọng các nước xây dựng được cơ chế phù hợp duy trì an ninh, thúc đẩy hợp tác ở Biển Đông và cả khu vực, bảo đảm lợi ích chính đáng, hợp pháp của tất cả các quốc gia, đề xuất các giải pháp công bằng, hợp lý, bền vững nhằm giải quyết tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.