Khói cháy rừng có thể làm tăng nguy cơ Covid-19

NDO -

Trong một nghiên cứu mới,các nhà khoa học Viện Nghiên cứu Sa mạc ở Nevada, Mỹ cho rằng, khói cháy rừng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2.

Khói bụi vì cháy rừng ở California ngày 19/8/2020 làm mờ cả đường phố ở Sparks Nev, bang Nevada cách đó hơn 320km. Ảnh: AP.
Khói bụi vì cháy rừng ở California ngày 19/8/2020 làm mờ cả đường phố ở Sparks Nev, bang Nevada cách đó hơn 320km. Ảnh: AP.

Một nghiên cứu vừa được các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Sa mạc công bố trên Tạp chí Khoa học Phơi nhiễm & Dịch tễ học Môi trường cho thấy, tỷ lệ nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng lên không cân đối trong mùa cháy rừng năm 2020, khi khói từ các đám cháy ở các bang lân cận bao trùm phần lớn miền bắc Nevada.

Trong bài báo, nhà khoa học dữ liệu Daniel Kiser của Viện Nghiên cứu Sa mạc và bốn đồng tác giả lưu ý rằng, tỷ lệ xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 ở hạt Washoe đã tăng lên đáng kể trong thời gian thiết bị đo được mức độ bụi mịn trong không khí từ khói lửa tăng cao.

Nghiên cứu cho thấy, cứ 10 microgam hạt vật chất nhỏ, được gọi là bụi mịn PM2.5 trong 1m3 không khí thì tỷ lệ dương tính với Covid-19 tăng khoảng 6,3% từ hai đến sáu ngày sau đó.

Ông Kiser cho biết, nghiên cứu này chỉ mang tính chất quan sát và lưu ý rằng sự gia tăng này có thể là do các yếu tố khác nữa. Tuy nhiên, ông cho rằng sự gia tăng nhất thời trong thời kỳ ô nhiễm cao cho thấy mối liên hệ giữa khói bụi và sự lây lan của virus.

Các tác giả suy luận rằng, từ mối liên quan giữa khói cháy rừng và virus SARS-CoV-2 cho thấy có khả năng ô nhiễm cũng khiến con người dễ bị nhiễm virus hơn.

Họ viết: “Phát hiện của chúng tôi cũng củng cố lập luận rằng bụi mịn PM2.5 từ các nguồn khác như lưu lượng xe cộ hoặc khói bụi công nghiệp, làm tăng tính nhạy cảm với virus SARS-CoV-2”.

Ông Kiser cho biết, cháy rừng và các hiện tượng thời tiết do biến đổi khí hậu khác có thể sẽ được tính toán đến nhiều hơn trong các nghiên cứu virus trong tương lai.

Hiện tại, hơn 80 đám cháy lớn đang thiêu rụi hơn 1 triệu mẫu rừng ở các vùng miền Tây nước Mỹ.