Giải pháp giảm ô nhiễm làng nghề sơn mài truyền thống

NDO -

NDĐT - Thực hiện kế hoạch hành động Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2019, từ ngày 3 đến 6-12, Sở Công thương Hà Nội tổ chức Kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững trong ngành sơn mài thành phố Hà Nội năm 2019, tại Làng nghề sơn mài Hạ Thái, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội.

Các sản phẩm sơn mài ngày càng phong phú, đa dạng và có tính thẩm mỹ cao.
Các sản phẩm sơn mài ngày càng phong phú, đa dạng và có tính thẩm mỹ cao.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Lê Thị Liễu cho biết, làng nghề sơn mài truyền thống Hạ Thái có lịch sử phát triển hơn 200 năm. Trước đây, các sản phẩm của làng nghề chủ yếu là đồ thờ cúng, tượng phật, tranh sơn mài… sử dụng chất liệu gỗ và sơn ta. Hiện nay, bên cạnh việc kế thừa truyền thống, các nghệ nhân đã sáng tạo nhiều loại sản phẩm phong phú, đa dạng có cốt vóc bằng nguyên liệu sẵn có như: gốm, tre, nứa, mây… để tạo hình sản phẩm. Sản phẩm sơn mài của làng nghề Hạ Thái đã có chỗ đứng tại thị trường trong nước và nhất là thị trường xuất khẩu.

Tuy nhiên, quá trình sản xuất của ngành sơn mài cũng phát sinh ra nhiều chất thải, ảnh hưởng đến môi trường. Đại diện các cơ sở sản xuất tại đây cho biết, phát thải đầu tiên của nghề này chính là bụi gỗ, mùn cưa và phoi bào gỗ. Tiếp đó là các loại sơn và dầu để rửa dụng cụ sơn… Hướng tới bảo vệ môi trường, các cơ sở sản xuất tại đây là thu gom, chuyển các chất thải từ gỗ cho các cơ sở sản xuất gỗ công nghiệp, gỗ ép. Đồng thời, thu gom và tái sử dụng lượng dầu rửa, không đổ bỏ ra môi trường như trước.

Về lâu dài, theo Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải, cần có sự kết nối giữa sản xuất và tiêu dùng ngành sơn mài một cách bền vững, đáp ứng các tiêu chí của từng giai đoạn. Sở Công thương đã ban hành tiêu chí Kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững trong ngành sơn mài thành phố Hà Nội năm 2019, dựa trên việc xác định đánh giá vòng đời sản phẩm, bảo đảm sử dụng hiệu quả các tài nguyên, giảm phát thải nhằm phát triển kinh tế- xã hội một cách bền vững.

Giải pháp giảm ô nhiễm làng nghề sơn mài truyền thống ảnh 1

Trải nghiệm trình diễn nghề làm sơn mài tại làng Hạ Thái.

Các đơn vị tham gia chuỗi cung ứng phải đáp ứng chín tiêu chí với bốn lĩnh vực. Đối với nguyên vật liệu sử dụng, quy định không sử dụng hóa chất độc hại để xử lý và bảo quản các nguyên liệu, hàm lượng formaldehyt trong gỗ công nghiệp và nồng độ chì phải dưới giới hạn cho phép. Nhóm về quá trình sản xuất gồm ba tiêu chí gồm: Áp dụng sản xuất sạch hơn; thực hiện các quy trình sơn phải theo đúng quy định; có giải pháp thu gom, phân loại, xử lý rác thải trong sản xuất. Nhóm về sản phẩm hàng hóa yêu cầu nhãn mác sản phẩm phải đầy đủ các thông tin. Nhóm hệ thống phân phối có hai tiêu chí về quy trình nhập hàng và giải pháp giảm phát thải bao bì nhựa, túi ni-lông…

Tại lễ khai mạc, Ban tổ chức đã trao giấy chứng nhận cho 36 đơn vị tham gia chuỗi cung ứng sản xuất và tiêu dùng bền vững ngành sơn mài. Đồng thời diễn ra Lễ ký kết hợp đồng hợp tác giữa Hội sơn mài Hạ Thái – Duyên Thái và các đơn vị cung ứng, phân phối sản phẩm. Chương trình còn tổ chức các gian hàng giới thiệu sản phẩm tiêu biểu của làng nghề sơn mài Hạ Thái; trải nghiệm trình diễn nghề qua các công đoạn như vẽ, gắn trứng, gắn trai, sơn son thếp vàng, công đoạn làm vóc, thí, hoàn thiện sản phẩm.

Chương trình góp phần giúp các cơ sở sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng có cái nhìn cụ thể hơn về mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững trong ngành sơn mài, nhằm sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường.