Vệt xám trên ước mơ xanh

Trong bài phát biểu chào mừng năm mới 2022, Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định: Nước Đức sẽ phát huy vai trò chủ tịch luân phiên Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) từ ngày 1/1/2022, để đưa nhóm trở thành những "nước tiên phong" trong các mô hình kinh tế thân thiện với môi trường-"kinh tế xanh".

Mục tiêu này, theo ông, sẽ không chỉ thúc đẩy sự chuyển dịch toàn cầu nhằm bảo vệ môi trường, mà còn để tránh xung đột thương mại liên quan các chính sách thuế quan xanh khác nhau, như thuế biên giới carbon của Liên minh châu Âu (EU).

Và bởi vậy, cũng như mọi vấn đề quan trọng mang tính chất toàn cầu khác, hợp tác quốc tế đóng một vai trò then chốt. "Trong một thế giới sắp là nơi sinh sống của 10 tỷ người, tiếng nói của chúng ta sẽ chỉ được lắng nghe nếu chúng ta tạo ra sự hài hòa với những quốc gia khác" - Thủ tướng Đức nhấn mạnh.

"Kinh tế xanh" (Green Economy), như vậy, có thể xem là nấc thang tiếp theo trên tiến trình phát triển của loài người, nhằm thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường, vì sự tồn vong của chính mình.

Khái niệm "kinh tế xanh", như định nghĩa của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), "là nền kinh tế vừa mang lại phúc lợi cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm đáng kể các nguy cơ về môi trường và suy giảm sinh thái". Nghĩa là, kiểu nền kinh tế có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo đảm tính công bằng về mặt xã hội.

"Kinh tế xanh", do đó, phụ thuộc rất nhiều vào tiến trình thay thế các nguồn nhiên liệu hóa thạch bằng những dạng năng lượng tái tạo. Và nước Đức chính là một trong những quốc gia đặt ra những mục tiêu tham vọng nhất thế giới, về lĩnh vực mới mẻ này. Mới nhất, ngày 31/12/2021, Berlin tuyên bố đóng cửa ba nhà máy điện hạt nhân, dù cái giá phải trả là giảm 50% sản lượng điện hạt nhân hiện tại.

Trước mắt, nhằm phục vụ lộ trình cắt giảm khí thải, nước Đức sẽ hướng tới việc đóng cửa toàn bộ các nhà máy điện hạt nhân vào cuối năm 2022 này. Trong trung hạn, đến năm 2038, mục tiêu đã được xác định từ năm 2019 là từ bỏ cả 84 nhà máy nhiệt điện than. Song, với tân Thủ tướng Olaf Scholz, và với một chính phủ gồm khá nhiều thành viên đảng Xanh (như Bộ trưởng Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Robert Habeck, hay Bộ trưởng Môi trường Steffi Lemke), điều này sẽ còn được đẩy nhanh để "cán đích" càng sớm càng tốt.

Quyết tâm của Berlin - "trái tim châu Âu"-dường như cũng đã nhanh chóng được truyền vào EU. Ngay ngày 2/1, Ủy ban châu Âu (EC) đã bắt đầu tiến hành thảo luận để "dán nhãn xanh" cho một số loại năng lượng, nhằm hoạch định những bước phát triển bền vững cho tương lai.

Song, nếu cả Đức lẫn Pháp-quốc gia cùng nắm giữ vai trò dẫn dắt EU-đều hoan nghênh việc "dán nhãn xanh" cho các dự án cung cấp khí đốt tự nhiên, thì điện hạt nhân lại trở thành vấn đề khúc mắc. Đối với Paris cũng như theo đề xuất của EC, điện hạt nhân là một công nghệ carbon thấp, quan trọng và cần thiết để bảo đảm an ninh năng lượng, trên tiến trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo của EU. Do đó, nên dán nhãn "đầu tư xanh" cho các nhà máy điện hạt nhân nếu những dự án ấy có kế hoạch cụ thể, đủ vốn và địa điểm để xử lý an toàn chất thải phóng xạ.

Ngược lại, Berlin duy trì quan điểm: "Năng lượng hạt nhân có thể dẫn đến những thảm họa tàn phá môi trường và để lại một lượng lớn chất thải phóng xạ nguy hại ở mức độ cao. Do đó, nó không thể bền vững".

Dưới những áp lực hết sức nặng nề về mặt kinh tế, nhất là trong bối cảnh các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 vẫn còn hết sức trầm trọng, việc đầu tư hàng nghìn tỷ USD nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ "năng lượng xanh" để hướng tới "kinh tế xanh" hoàn toàn không phải là một lựa chọn dễ dàng. Ngay cả với nước Đức, chuyện đáp ứng được nhu cầu năng lượng vốn rất lớn, khi đóng cửa toàn bộ các nhà máy điện than cũng như điện hạt nhân, đã là một phương trình hóc búa.

Bởi vậy, để chạm đến ước mơ, tân Chủ tịch G7 có lẽ sẽ còn nhiều "khổ tứ" lao tâm.