"Vết thương sâu" ở Nam Phi sau bạo loạn

Nam Phi như vừa trải qua một "cơn địa chấn" khi bạo loạn bùng phát trên cả nước trong hơn 10 ngày khiến gần 300 người chết, hàng nghìn người bị bắt giữ, hàng chục nghìn doanh nghiệp bị ảnh hưởng, đẩy nhiều người vào cảnh cùng quẫn. Mặc dù Chính phủ Nam Phi đã nỗ lực ổn định tình hình, song cuộc bạo loạn đã để lại "vết thương sâu" trong lòng xã hội khi khoảng cách giàu - nghèo bị nới rộng, chia rẽ, bất đồng phe phái sâu sắc.

Các đối tượng cướp phá tại một trung tâm thương mại ở Vosloorus, Nam Phi ngày 14/7. |(Ảnh: AFP/TTXVN)
Các đối tượng cướp phá tại một trung tâm thương mại ở Vosloorus, Nam Phi ngày 14/7. |(Ảnh: AFP/TTXVN)

Các cuộc biểu tình nổ ra ở Nam Phi sau khi cựu Tổng thống Jacob Zuma, người nhận được sự ủng hộ của một số người nghèo và những người trung thành tại đảng Ðại hội dân tộc Phi (ANC), bắt đầu thụ án tù 15 tháng với tội danh bất tuân lệnh triệu tập của tòa án liên quan cuộc điều tra tham nhũng.

Biểu tình nhanh chóng biến thành bạo loạn khi đám đông cướp bóc cửa hàng, nhà kho, trung tâm thương mại, đập phá tài sản khiến nhiều khu vực bị tàn phá tan hoang. Quân đội Nam Phi đã triển khai 25.000 binh sĩ để hỗ trợ cảnh sát dập tắt bạo lực.

Bất ổn gây ra hậu quả nghiêm trọng về nhân đạo, kinh tế - xã hội, tàn phá nền kinh tế, doanh nghiệp, cuộc sống và an ninh, an toàn của người dân bởi chuỗi cung ứng bị gián đoạn ở các mức độ khác nhau trên toàn quốc, trong bối cảnh "đất nước Cầu vồng" đang ở mức suy thoái tồi tệ nhất và thất nghiệp cao nhất trong nhiều thập kỷ. Mức độ gián đoạn, tàn phá và cướp bóc tại các "tâm chấn" KwaZulu-Natal và Gauteng đến nay chưa thể tính toán đầy đủ, bởi hai tỉnh này chiếm 50% GDP và 45% dân số Nam Phi.

Cuộc bạo loạn ở Nam Phi đã khiến ít nhất 161 trung tâm mua sắm, 8 nhà máy và 11 nhà kho bị hư hại nghiêm trọng, 40.000 doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Theo ước tính của chính phủ, các vụ bạo động trên khắp cả nước đã khiến nền kinh tế Nam Phi thiệt hại ước tính 3,4 tỷ USD.

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho biết, bạo lực đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế. Các chuyên gia dự báo, tác động của các cuộc bạo loạn đối với nền kinh tế sẽ còn rất nghiêm trọng trong những năm tới khi chỉ số GDP của Nam Phi trong tương lai sẽ thấp hơn từ một nửa đến toàn phần so với trước đây.

Chính phủ Nam Phi thừa nhận các cơ quan chính quyền đã không được chuẩn bị đầy đủ năng lực để đối phó làn sóng bạo lực ở mức chưa từng thấy kể từ khi nhà nước dân chủ Nam Phi thành lập năm 1994. Tổng thống Cyril Ramaphosa đã đưa ra những biện pháp nhằm giải quyết nguyên nhân sâu xa dẫn tới bạo loạn, đồng thời cam kết nghiêm trị những kẻ đứng sau và tiến hành các hành vi bạo lực nhằm ngăn chặn tình trạng tương tự tái diễn.