Vẹn nguyên sau nhiều trầm lắng

Kể một cách mạnh dạn và chân thành về tâm tư những người lính, thương binh từng bị địch bắt, cuốn tiểu thuyết “Trò chơi trời cho” mở thêm cùng bạn đọc những điều cần suy nghĩ tiếp về con người qua chiến tranh và cuộc sống thời hậu chiến.
0:00 / 0:00
0:00
Tái hiện hình ảnh nơi giam giữ nhiều chiến sĩ cách mạng - phục vụ hoạt động tham quan, du lịch. Ảnh: TL
Tái hiện hình ảnh nơi giam giữ nhiều chiến sĩ cách mạng - phục vụ hoạt động tham quan, du lịch. Ảnh: TL

1/Dường như trong cuộc đời mỗi con người, những nỗi niềm hay được nhớ lâu hơn tháng ngày vui tươi, hạnh phúc. Cả với những người bước ra từ cuộc chiến của súng đạn, để bước vào cuộc chiến mới của cơm áo gạo tiền một thời dài khó khăn chung, thì tâm trạng cũng không phải lúc nào cũng thường trực tự hào. Mà len lỏi trong những lo toan thường nhật vốn đã không ít nhiêu khê, là những băn khoăn về cách con người ta sống, ứng xử, đối đãi với nhau. Điều này bắt nguồn từ những va vấp cuộc đời không tự mình gây ra, nguyên cớ của nó là từ những ngờ vực nào đó bên ngoài, ngay cả với những người đã cầm súng và chiến đấu ngoan cường.

Những tâm tư không phải lúc nào cũng dễ nói ra ấy, được truyền tải qua cuốn tiểu thuyết “Trò chơi trời cho” (NXB Hội Nhà văn, 2022) của tác giả Hoàng Khôi, một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nghiên cứu Truyện Kiều, một thầy giáo dạy văn có bề dày và uy tín trong nhiều thế hệ học sinh, đồng nghiệp. Cuốn tiểu thuyết có nhiều chi tiết, diễn biến được khai thác từ cuộc đời thực của tác giả và những người bạn thân thiết, những đồng chí từng chia ngọt sẻ bùi, chung cả những hoạn nạn thời chiến và xa xót trong thời bình. Vì thế cũng có thể coi đây gần như một cuốn tự truyện, chân thực và chân thành, gửi gắm những suy tư của tác giả và bằng hữu về tình người, tình đời, thế sự, về chính tâm hồn, tư cách của bản thân.

2/Trong đội ngũ những người rời giảng đường đi cứu nước khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang bước vào cao trào, những người thanh niên ấy đã chiến đấu quả cảm. Họ giữ gìn sự kiên trung khi không may sa vào tay giặc, bị tù đày, giam giữ tại một số nhà lao và đưa ra Phú Quốc cho đến ngày miền nam giải phóng, đất nước thống nhất. Những cựu chiến binh, cựu tù binh ấy mà trong đó nhiều người cũng là thương binh, vẫn luôn giữ sự đàng hoàng, tử tế trong lối sống; giữ sự bình tâm, tha thiết với cuộc đời. Mặc dù cuộc đời đầy những vất vả do sự eo hẹp về cơ chế, đãi ngộ, điều kiện phát huy năng lực; do không ít những nghi kỵ và kìm hãm đến từ nhận thức ấu trĩ, cứng nhắc của tổ chức, tập thể một thời.

Mang cái “án vô hình” bởi đã từng ở trong tù của địch, họ vẫn nỗ lực học tập, công tác, cống hiến bằng hơn cả sức lực của mình và có những đóng góp được ghi nhận, tôn trọng. Đó là tinh thần, quan điểm sống tích cực mà tác giả bộc bạch khi nhìn lại đời mình, đời bạn ở cái tuổi nghỉ ngơi vui cùng con cháu nhưng lại vẫn tiếp tục hào hứng lao tâm cùng nghề văn, nghiệp chữ.

3/Đọc cuốn sách của một nhà giáo cẩn trọng, miệt mài với những tư liệu văn hóa và các trang viết khảo cứu, những bài giảng, có lẽ người đọc không ham khám phá sự phóng túng của văn chương, hay những nghệ thuật của ví von, liên tưởng, đưa đẩy trong ngôn ngữ. Nhưng điều thú vị đã đến từ chính cách kể với những câu chuyện, những tình huống, chi tiết đời sống chân thực, sống động mà tác giả là người trong cuộc, hoặc trực tiếp trải nghiệm, hoặc thấm thía qua những tâm sự gan ruột của đồng đội. Đó là bom đạn rót xuống trên đường hành quân, là chuyện vui với đồng bào nơi những miền đất lửa. Là những phút đấu trí trước các thủ đoạn dọa nạt và dỗ dành của địch, có cả những ứng phó ngoạn mục của người lính tù binh. Là những câu chuyện về đời sống và tổ chức đấu tranh trong lao tù. Đó còn là tình cảm rất đời, rất người trong tình thế ngặt nghèo của người chiến sĩ hoạt động bí mật với người nuôi giấu, cũng là du kích, là vợ liệt sĩ. Và còn là bao lo toan công ăn việc làm, thu nhập, nhà ở của những người lính sau chiến tranh ở những đơn vị trường sở, bộ, ngành trong thời bao cấp… Sự giàu có, phong phú về chi tiết đời sống toát lên qua việc xen kẽ những đoạn đời, những hồi ức của nhóm đồng đội, giúp bạn đọc so sánh, làm rõ nét hơn về mỗi nhân vật, ghép nên bức tranh đa dạng của cuộc sống, những cảnh đời, những tâm trạng.

Cuốn tiểu thuyết “Trò chơi trời cho” kể về những uẩn khúc, những nỗi niềm, nhưng vẫn tràn đầy nhân văn, lạc quan trong cách nghĩ, cách sống, sự vượt lên và vượt qua của những người lính năm xưa, những người trí thức, cán bộ, công dân có trách nhiệm hôm nay. Dường như hoàn thành cuốn sách, tác giả cũng nhẹ lòng hơn khi chia sẻ được tâm trạng, suy tư suốt nhiều chục năm. Tất nhiên, quan trọng hơn cuốn sách này, tác giả và đồng đội của mình, cũng là những nhân vật trong câu chuyện, họ đã chọn lựa và kiên trì với cách sống từ mấy chục năm trước. Để khi tóc đã bạc, ngồi bên nhau vui cười, vẫn có thể tếu táo: Trò chơi, trời cho thôi ấy mà! Họ vẫn sống xứng đáng với lý tưởng đẹp đẽ mà từ đó, họ đã vượt qua nhọc nhằn, hiểm nguy, sợ hãi để lên đường chiến đấu.