Về đâu "làng nổi" bên sông Cầu?

NDĐT - Mấy năm nay, con nước sông Cầu bị "đầu độc" bởi nước thải của nhà máy cồn bên sông. Cá tôm trốn sạch khiến cuộc sống của người dân làng thuyền vốn đã khó càng vất vả hơn. Không những vậy, lượng thuyền về neo bến lại càng đông hơn, tức là lượng người không có việc làm tăng lên. Cái đói, cái nghèo vốn đã lùi xa nay có nguy cơ trở lại.

Làng nổi Nguyệt Đức.
Làng nổi Nguyệt Đức.

Ô nhiễm bủa vây

Chỉ tay xuống con nước đục lờ, xộc lên mùi cồn hoăng hoắc, chua chua, trưởng thôn Nguyệt Đức (Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang) Trần Văn An, lắc đầu ngán ngẩm: Anh nhìn xem, cá tôm nào mà sống được ở nước này, nghề chài lưới của dân Nguyệt Đức cũng vì thế mà không còn đất sống. Hồi trước, họ (nhà máy cồn - PV) chỉ xả thải theo giờ, nay họ xả cả ngày lẫn đêm. Kêu cứu mãi mà có được đâu. Người Nguyệt Đức khó sống đến nơi rồi”.

Điều lo lắng của ông trưởng thôn không phải là không có cơ sở, tôm cá dần biến mất do nước sông ô nhiễm nặng, thuyền chạy hàng theo tuyến sông không cạnh tranh nổi với đội tàu hàng trăm tấn của các tỉnh khác, đến tàu hút cát cũng không có chỗ hoạt động vì không đủ tải để xin vào hợp tác xã.

Thời điểm này hằng năm là lúc làm ăn, thôn Nguyệt Đức chưa bao giờ tàu thuyền về neo bến nhiều như thế. Nghĩa là, người dân không có việc làm, nghĩa là số hộ nghèo và tái nghèo ở ngôi làng không đất này có nguy cơ tăng phi mã.

Theo trí nhớ của những người già ở đây, thôn Nguyệt Đức hình thành từ sau năm 1954, ban đầu chỉ có dăm bảy chiếc thuyền gỗ nhỏ tụ lại trên khúc sông Cầu, sinh nhai bằng nghề chài lưới. Theo thời gian, đến nay cả thôn có 181 hộ dân, 779 khẩu. Những chiếc thuyền gỗ cũng được thay bằng thuyền xi măng - cốt thép tải trọng hàng chục tấn, "nhà thuyền" được xây gạch hoặc gỗ tùy khả năng của chủ nhà. Mỗi "ngôi nhà" như thế là nơi trú ngụ của cả gia đình, thậm chí đại gia đình ba, bốn thế hệ có hàng chục nhân khẩu.

Chục năm trước, người làng tứ tán làm ăn xa, chỉ áp Tết mới về lại, neo thuyền đón giao thừa. Nay những chiếc thuyền đi không còn nhiều, chỉ khoảng một phần ba số gia đình trẻ của thôn. Người già, phụ nữ định cư ở hai ven bờ sông, kéo điện, mua nước và làm đủ thứ việc để sinh sống, chỉ trừ làm ruộng bởi cả làng hầu hết chẳng ai có lấy một tấc đất "cắm dùi". Đến như người chết, con cái cũng phải "mua" một chỗ an nghỉ ở khu đất của các thôn ven sông để mai táng.

Ông Nguyễn Văn Thưởng, 73 tuổi, cư dân làng Nguyệt Đức cũng không nhớ được gia đình ông định cư ở đây từ khi nào. Nhà có tám người con, ông bà gắng gỏi sắm cho mỗi đứa một chiếc thuyền để chúng tự sinh nhai. Thế mà có đứa làm ăn được cũng có tiền lên bờ, mua đất, làm nhà.

Ông Thưởng cho biết chưa khi nào nước sông Cầu ô nhiễm nặng thế này, "đến tắm cũng còn không dám tắm do nước sông đầy nước thải cồn, ngứa ngáy lắm".

Trưởng thôn Trần Văn An, vốn là lính vận tải Đoàn 559, xuất ngũ, lấy vợ cũng có bốn mặt con. "Cơi nới" mỗi đứa một "nhà" cho chúng tự kiếm sống còn mình thì cùng cậu út mở xưởng hàn xì ngay trên thuyền. Gần hai nhiệm kỳ trưởng thôn, ông An đã là một người kỳ cựu, thành tích nổi bật là danh hiệu Làng văn hóa, rồi vận động cho trẻ được đến trường...

“Không biết bao giờ người thôn Nguyệt Đức mới có thể lên bờ định cư được. Từ ngày tôi làm trưởng thôn, chưa năm nào cuộc sống của người dân làng thuyền khó khăn như năm nay”, ông tự hỏi.

Về đâu "làng nổi" bên sông Cầu? ảnh 1

Một số người dân và sinh hoạt ở làng nổi Nguyệt Đức.

Xin đừng để làng... trôi

Làm việc với UBND xã Vân Hà, anh Bùi Tá Thành, Phó chủ tịch UBND xã Vân Hà cũng ngậm ngùi nói về cái khó, cái khổ của người làng thuyền và chính quyền xã.

"Lo được an sinh cho bà con, học hành cho các cháu đã là cố gắng lắm rồi. Chứ công ăn việc làm, tìm đất cho bà con định cư thì ngoài tầm với của chính quyền xã", anh tâm sự.

Đưa chúng tôi ra bờ sông, anh chỉ xuống dòng sông Cầu, giọng bùi ngùi: “Các anh xem đấy, nước này làm sao cá sống nổi. Hơn chục năm nay, nhà máy cồn bên đất Bắc Ninh xả trực tiếp ra sông. Chúng tôi kêu nhiều, kiến nghị cả tỉnh bạn nhưng họ có để ý đâu”.

Quả thật, với diện tích nhỏ hẹp, giáp sông, nhiều đồi núi như địa bàn xã Vân Hà, để cấp đất an cư cho hơn 180 hộ dân Nguyệt Đức quả là khó như lên trời. Mà nếu cứ để vậy, mỗi năm số hộ, khẩu của thôn đều tăng, chẳng mấy chốc cả hai bên bờ sông dài hàng cây số sẽ chật kín nhà thuyền.

Nói đâu xa, hồi năm 1954, cả khúc sông này chỉ có đúng năm chiếc thuyền, toàn loại thuyền vỏ gỗ nhỏ xíu, lợp nứa lá. Nay cả thôn có hơn 180 thuyền, đa số là loại vỏ xi măng, tải trọng 50 - 80 tấn. Những năm trước, Nguyệt Đức cũng không có mấy người ở nhà mà đưa cả gia đình theo những chuyến hàng ngược nguồn, xuôi biển, gần Tết mới lại về, buông neo, sắm sửa. Trẻ con không được đi học là chuyện thường.

Gần đây do làm ăn khó khăn, người già, trẻ con nhiều nên có nhiều nhà buông neo định cư. Lần hồi kiếm sống từ dòng sông khó hơn nhưng nhờ đó mà trẻ con được đến trường. Lứa nọ nối tiếp lứa kia, thế mà cũng đã có đứa đỗ đại học. Đến năm nay, tổng cộng cũng được sáu, bảy đứa.

Theo anh Thành, năm 2013, thôn Nguyệt Đức có chưa đầy 5% hộ nghèo. Dù không có đất nhưng người dân có nghề vận chuyển hàng hóa, khai thác cát sỏi... cũng cho thu nhập khá. Tuy nhiên đến giờ rất khó khăn do bị cạnh tranh và tàu thuyền của thôn không vào được hợp tác xã. Bà con về định cư nhiều khiến quỹ an sinh của xã phình to và rất khó khăn trong công tác quản lý...

"Định cư ở làng để ổn định cuộc sống là điều tốt nhưng để định cư được cho hơn 180 hộ dân thôn Nguyệt Đức thì chúng tôi bó tay. Trước mắt chỉ cố gắng tìm cách tạo cho bà con việc làm, đấu tranh giảm bớt ô nhiễm nguồn nước và vận động bà con thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Nhà nước. Không biết rồi sẽ ra sao chứ nếu vì khó khăn quá mà để bà con dời đi thì chúng tôi mang tội", vị Phó Chủ tịch thành thật.

Nghe cũng có lý, nhưng không khỏi chạnh lòng với phận làng thuyền. Dẫu sao, cũng xin đừng để làng... trôi.

Có thể bạn quan tâm