Về bon ăn cơm lúa mới

Mới sáng sớm nắng đã tràn ngập. Điểu K’Khét đợi tôi bên chiếc cầu thang nứt nẻ rồi nói, “Nhanh chân lên. Mọi người đi hết rồi. Chỉ những cái chân già không đi mau được mới phải ở nhà buồn thôi”.
0:00 / 0:00
0:00

Lần đầu tiên trong đời, tôi đi thử cảm giác Lễ ăn lúa mới cùng đồng bào M’Nông bon Đắk Phia, xã Đắk N’Drung, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông.

Khi tiết trời đang chuyển vào mùa khô, khi lúa trên nương đã bắt đầu chín và chim Chơ rao liệng bay trên nền trời là lúc báo hiệu cho mọi người chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch, tháng bảy (khei tơ xin) trở về với mỗi nhà trong bon.

Từ bon Đắk Phia, tôi theo chân Điểu K’Khét lên một con dốc dài, qua hai ngã ba và hai con suối nhỏ róc rách quanh co, rồi men theo một lối mòn khúc khuỷu để tới rẫy lúa của bon Đắk Phia. Tôi đi như chạy mới kịp níu lấy lưng Điểu K’Khét vì sợ lạc đường. Điểu K’Khét dừng lại chỉ cho tôi xem những sợi dây rừng giăng suốt từ bon đến rẫy. Đồng bào làm vậy để hồn lúa biết mà theo về nhà. Rẫy lúa nhà Điểu K’Khét qua nhiều ngã rẽ, ngã ba nên phải hái thêm những bông lau cắm xuống đất để làm dấu chỉ đường cho hồn lúa đi không bị lạc.

Tôi như lạc vào xứ sở miên man sắc vàng. Những ô lúa vàng như chiếu trải, rưng rức chín trải dài trước mắt, chấp chới cả không gian. Nắng cũng mỏng như tấm lụa vàng choàng lên cây cỏ. Mãi ngắm ruộng lúa vàng mê mải, tôi quên luôn Điểu K’Khét đang ở đâu. Một tiếng chiêng ngân dài vọng đến lay tôi ra khỏi ảo giác. Lần theo tiếng chiêng, tôi đến một bãi đất bằng, thấy Điểu K’Khét cùng lũ làng bon Đắk Phia đã đủ đầy ở đấy. Lẫn trong tiếng chiếng là giọng trầm trầm của già làng Điểu Nhiêu mời các thần về ăn cơm lúa mới: “Ơ thần Lúa, người tạo ra lúa gạo và các loại cây trồng. Hôm nay, chúng tôi muốn tạ ơn thần đã ban cho chúng tôi lúa gạo để ăn. Chúng tôi mời thần cùng xuống đây ăn hạt cơm lúa mới, ăn gan gà đen, uống rượu cùng những lễ vật chúng tôi dâng cúng thần”.

Mấy đứa con gái vừa mới lớn, tay tuốt bên rẫy nhà mình, mà mắt liếc ngang sang rẫy thằng con trai hẹn hò nơi nhà Sang đêm qua. Con mắt hư, cái tay bỏ sót, vẫn còn phía sau lưng những bông lúa trĩu hạt. Đứa nhỏ Điểu K’Phăm con trai nhà Điểu K’Khét lóc chóc cũng tranh nhau những bông lúa mẩy, bỏ qua bông lúa nhỏ, liền ngay bị mẹ la rầy, bắt quay trở lại tuốt cho sạch, không được để sót bông nào.

Phải tuốt cho bằng sạch, mót cho bằng hết chứ không để hạt lúa rơi xuống đất. Thần lúa giận, thần lúa bỏ đi, gây mất mùa. Ngày mừng đón lúa vào kho, chỉ được cười, không được khóc. Nhà hai mươi gùi, người già cười hở răng hở lợi. Nhà bảy mươi gùi, cái bụng ưng hung. Nhà một trăm gùi đến chiêng trống cũng reo vui. Nhà Điểu K’Khét lúa rẫy mùa này hơn năm mươi gùi, ăn không hết, làm rượu cần không hết. Nhà Điểu K’Khét mang lúa đi đổi heo, gà để làm vật hiến sinh kính dâng cúng thần lúa.

Vào mùa thu hoạch lúa, rừng như ám khói bởi những đám lửa nướng thịt, nướng cơm lam nối từng hàng dài. Lễ ăn lúa mới trên rẫy chung bon Đắk Phia. Lễ ăn lúa mới trên rẫy riêng gia đình. Tiếng chiêng rộn rã khắp nơi như mời gọi, như thúc giục, vút cao lên không trung bao la. Cả chủ lẫn khách đều hòa trong niềm vui của một năm lao động, chia sẻ với nhau những vất vả của công việc nhà nông nay đã có thành quả thu hoạch.