Vào Nghề

Nhà báo Hữu Thọ

Nhà báo Hữu Thọ

Nhà báo Hữu Thọ

Có thể coi từ 21/8/1957 là ngày tôi bước chân vào nghề làm báo chuyên nghiệp, kéo dài hơn 40 năm. Sau đó, cho đến nay, tôi vẫn là nhà báo, được cấp thẻ nhà báo, vẫn viết báo đều đặn, nhưng tự coi như người làm báo nghiệp dư, yêu nghề thì giữ nghề, thích thì viết, có thời gian thì viết, không có gì bó buộc, như một việc làm thêm, làm theo sở thích.

Làm báo, mà lại về ngay Báo Nhân Dân ở Trung ương, quả thật tôi thấy rất “ngợp”, mà “ngợp” đủ mọi lẽ. Báo Nhân Dân ra đời ngày 11/3/1951, sau Đại hội lần thứ  II của Đảng, xuất bản hằng tuần ở Việt Bắc; tiền thân trực tiếp của tờ báo sau Cách mạng Tháng Tám là các tờ báo Cờ Giải phóng, Sự Thật. Từ ngày 20/10/1954, Báo Nhân Dân ra hằng ngày giữa Thủ đô giải phóng. Trước đó, và sau đó là sự bổ sung lực lượng rất lớn, cho nên ở đây hội tụ đủ mặt anh tài.

Cùng thời về làm Báo Nhân Dân với tôi có Văn Sơn ở Khu 3, Trần Minh Tân và tôi ở Tả ngạn lên và các anh, các chị Lê Khánh Căn, Tâm Trung, Trúc Kỳ, Văn Trọng… Có lẽ những người từ địa phương, từ các ngành về báo Nhân Dân đều đã từng làm báo, chỉ có tôi và một số ít người là mới làm báo lần đầu. Xem ra những người đã từng làm báo, dù ở địa phương mới lên, đều xử sự thoải mái, vui vẻ trẻ trung, hoạt bát, đôi khi ăn nói “văng mạng” khiến những đồng chí công tác ở các ngành khác mới về không quen; nhưng với tôi lại dễ hòa nhập vì cái tính tự do, phóng khoáng của mình.

Về làm báo là bắt tay ngay vào làm việc. Cũng chẳng hiểu làm sao, tôi được phân công về Ban tuyên truyền nông nghiệp, cũng có người nói là trong lý lịch thấy tôi có thời gian dài công tác ở vùng nông thôn Thái Bình. Thực ra, trong kháng chiến ai mà chẳng ở nông thôn nhưng công tác ở nông thôn lúc đó chủ yếu là vận động nhân dân kháng chiến, bây giờ hòa bình, đi vào sản xuất, thì vốn hiểu biết về nông nghiệp rất mù mờ. Cho nên phải vừa làm, vừa học. Học chính trị, học văn hóa, học lĩnh vực mà mình sẽ viết bài. Chế độ học tập ở cơ quan đặt ra rất nghiêm ngặt. Mà tinh thần học tập chính trị, văn hóa của chúng tôi rất tự giác như để “bù” cho cái thời chín năm “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu”.

Rồi nói tới nghề nghiệp đối với người “lính mới tò te” là tôi thì cũng rất “ngợp” trước các vị làm báo lâu năm từ các báo Trung ương sang, báo Khu lên, từ chiến trường về. Nguyễn Thành Lê, Hồng Hà từ báo Cứu Quốc, Trần Kiên từ báo Độc Lập sang; Phan Thao, Hồ Dưỡng, Quang Chí, Hà Đăng, Đặng Minh Phương… từ báo Khu 5 về. Hùng Lý từ báo Nhân Dân miền Nam ở Nam Bộ ra. Phan Quang từ báo Khu 4, Ngô Dư, Phạm Lê Văn từ báo Khu 3 lên, Trần Việt, Lê Văn… từ báo Hà Nội sang…

Đội ngũ phóng viên thường trú của Báo Nhân Dân năm 1963 (Ảnh Tư liệu)

Đội ngũ phóng viên thường trú của Báo Nhân Dân năm 1963 (Ảnh Tư liệu)

Từ các ngành sang thì có Trần Các, Hà Hoa, Hồ Thị Minh, Bạch Diệp… đều là những người có cống hiến, có vị trí này nọ trong các ngành đó. Đó là chưa kể những vị “công thần” từ báo Sự Thật, Nhân Dân ở chiến khu tiếp tục công việc ở Thủ đô như Hoàng Tùng, Quang Đạm, Thép Mới, Xuân Trường, Anh Vũ, Trần Dũng Tiến…

Những người làm báo thì bao giờ cũng nhớ những tên tuổi; với họ có khi không nhớ lãnh đạo tờ báo, lãnh đạo các Ban Biên tập là ai nhưng lại nhớ những cây bút đã từng có những bài gây cho họ những ấn tượng sâu sắc. Đối với tôi, khi về báo và những năm đầu ở báo, đã thuộc các tên như Thép Mới, Quang Đạm, Xuân Trường, Lê Điền. Rồi cũng đã nhớ các bài viết của Lê Vân, Hồng Hà, Phan Quang, Anh Vũ, Địch Dũng, Bạch Diệp, Trần Việt, Trần Dũng Tiến, Đông Hoài, Trần Nguyên, Chính Yên, Hà Hoa…

Tôi không đánh giá, xếp thứ bậc, chỉ ghi nhớ những người có một số bài viết để lại dấu ấn trong tôi, mà chủ yếu ở thể loại bình luận có ký tên và phóng sự mà tôi thích. Và cũng đã lâu ngày, không chắc có nhớ được hết. Họ đều hơn tuổi tôi (có lẽ, về thế hệ viết ở Báo Nhân Dân, lúc đó tôi là loại trẻ nhất); nhưng các anh chị đó cũng đã có bút danh được nhớ ở tuổi 28-29-30, nghĩa là còn trẻ.

Học nghiệp vụ báo chí thì cũng cố gắng học trong các buổi sinh hoạt nghiệp vụ do anh Quang Đạm chủ trì. Bây giờ xem lại, từ sổ tay ghi chép tôi còn giữ được, thì cũng chủ yếu là dịch từ sách nghiệp vụ của Liên Xô, Trung Quốc mà ra. Rồi mời phóng viên thường trú của Trung Quốc, Tiệp Khắc đến nói chuyện về nghiệp vụ. Thỉnh thoảng Thép Mới cũng “đăng đàn”, xem ra cũng chủ yếu nói kinh nghiệm của một số nhà báo cộng sản Pháp mà anh đã đọc.

Đấy, học nghiệp vụ thì chỉ có thế, nhưng đã là rất quý đối với chúng tôi. Ai nấy đều thuộc lòng các “tính”, tính Đảng, tính chân thật, tính quần chúng… để xác định lập trường của người viết báo cách mạng. Cho nên phong cách trên báo lúc bấy giờ rất đa dạng, ai thích kiểu gì thì viết kiểu đó, mà bây giờ giở chồng báo cũ đọc lại vẫn thấy sinh động. Lúc bấy giờ chúng tôi rất quan tâm nghiệp vụ. Chủ yếu đọc bài của nhau mà học tập, thẳng thắn phân tích, tranh luận, có lúc đỏ mặt tía tai, ngay trong bữa ăn ở nhà ăn tập thể của cơ quan. Cơ quan hằng tuần lại tổ chức các buổi “điểm báo” khen, chê; rút kinh nghiệm thẳng thắn, nghiêm túc. Nhưng chủ yếu là không khí học tập tự giác của từng người.

Mới về, lao vào công tác ở cơ quan, được hưởng ngay không khí đó, cũng vì thế mà rút ngắn được thời gian mò mẫm.

Tuy mới vào nghề, nhưng vốn từ cơ sở lên, nên tôi thích những bài viết xông thẳng vào vấn đề. Như loạt bài “Vải chạy đi đâu” của Lê Vân, điều tra xem vì sao vải ở các cửa hàng mậu dịch thì khan hiếm nhưng vải “chợ đen” thì nhiều, báo với giá cắt cổ; lúc bấy giờ đã chỉ ra các thủ đoạn tuồn hàng của nhân viên nhà nước ra cho tư thương bóp chẹt người tiêu dùng. Bài “Trèo me, trèo sấu” của Bạch Diệp miêu tả số phận các trẻ em lang thang trên đường phố mới giải phóng, vô gia cư, vô nghề nghiệp, lấy nghề trèo me, trèo sấu để kiếm sống. Loạt bài về nghề “bói toán quàng xiên” quanh hồ Hoàn Kiếm của Trần Minh Tân.

Loạt bài của Văn Sơn về Tết của người H’Mông (lúc đó gọi là Tết Mèo) và nông thôn vùng đồng bào theo đạo Thiên chúa giáo ở Phát Diệm, với câu nói nổi tiếng lạnh lùng của một ông trùm Đạo trước số phận người nông dân, mà đến nay tôi còn nhớ: “Bố tôi đặt tên tôi là Lý, cho nên tôi cứ lý tôi làm!”… Những bài như thế vừa có tính xã hội vừa có chất văn, đọc lên thấy lý mà rung cảm, không “ngọt ngào” kiểu pha “xi-rô”, cũng không “khô như ngói”.

Có những bạn nghề mà tôi rất kính phục như Thép Mới, đọc rất cuốn hút. Văn anh sôi nổi, ào ạt như cuộc sống của anh; anh khéo chọn lọc tình tiết để nhấn mạnh nhưng vừa miêu tả vừa bình theo kiểu “dấn thân”, nhiều khi chất “bình” đậm hơn, rõ chất chủ quan gần với tùy bút văn học. Anh tận dụng cái thế đi nhiều, trải nhiều, đọc rộng, nhớ kỹ, chắp nối các sự kiện đông tây, cổ kim để tôn cái sự thật và nói lên ý kiến của mình. Cho nên phục, nhưng học thật không dễ. Vả lại, Trần Dũng Tiến hay ăn nói bỗ bã, có lần nói vui: “Thép Mới thì hay rồi. Nhưng đời này chỉ cần một Thép Mới là đủ”. Ngẫm câu nói đó để hiểu rằng: học bạn để làm khác bạn, xây dựng phong cách của mình; đấy là sự học nhau của nghề báo.

Đồng chí Thép Mới, Hồng Khanh tại Mặt trận Quảng Trị năm 1972

Đồng chí Thép Mới, Hồng Khanh tại Mặt trận Quảng Trị năm 1972

Đấy, mỗi người một tính một nết, có chỗ chịu nhau, có chỗ chê nhau nhưng đều chấp nhận nhau, có điều nói thẳng với nhau nhưng không phải điều gì cũng nói ra được vì “văn mình, vợ người”; phân tích về nhau cốt là để xây dựng phong cách của mình chứ không phải là khen thưởng, đề bạt ai. Nhưng xem ra cái nghề này, chê người thì dễ nhưng làm cho hơn thì rất khó vì mỗi người đều tiềm ẩn những khả năng riêng. Và nói cho cùng thì tờ báo phải có nhiều phong cách viết của nhiều cây bút, người đọc mới thích.

Còn về bài vở của tôi thì các bạn cho rằng: “Nắm tình hình tốt. Phân tích được. Có ý kiến riêng. Nhưng đọc khô không khốc, rất mệt!”. Có bạn còn cho rằng: “Văn mộc mạc nhà quê”. Đó là nhận xét của nhiều bạn sau khi tôi bắt đầu viết một số bài phóng sự và điều tra về nông thôn.

Nhà báo Hữu Thọ qua nét ký họa của họa sĩ Bình Thiểm.

Nhà báo Hữu Thọ qua nét ký họa của họa sĩ Bình Thiểm.

Văn tức là người; người đây là đời sống bên trong của con người. Có những người bề ngoài rất khô, lại viết thể bình luận khô khan, nhưng có nhiều bài khá chững chạc, bay bổng nhưng đầy lý tính như Lê Dân. Có những người cuộc sống rất thoải mái, hoạt bát thì văn chương cũng linh hoạt, thoải mái như nhiều bạn tôi đã kể ở trên.

Còn tôi không phải là người “khô”; có lúc đã làm thơ, được in chung vào tập; nhưng văn chương lúc đầu lại gò bó. Sau này tôi cũng cố sửa; có những bài điều tra được người đọc khen. Ngẫm ra, khi chưa làm chủ được vấn đề, chưa làm chủ được phương pháp thì con người không thể có tự do, cho nên hoặc làm buông tuồng, lan man, hoặc là câu thúc, gò bó. Nhưng còn một vấn đề nữa, phải chăng có liên quan tới sự gò bó trong cách viết của tôi trong thời kỳ đầu?

Những ngày đầu tôi về Báo Nhân Dân, cơ quan tổ chức những cuộc tranh luận chung quanh “quan điểm báo chí cách mạng” và “văn với báo”, rất sôi nổi. Vào vùng giải phóng, đất nước có hòa bình, nhiệm vụ cách mạng đã thay đổi, làm báo với điều kiện tiếp xúc với báo chí nhiều nước và đội ngũ báo chí ở Thủ đô tạm chiếm cho nên phải xác định quan điểm báo chí cách mạng là rất đúng. Báo ra hằng ngày, cái chất thông tin, bình luận cập nhật phải rất cao, phải làm việc khẩn trương và phạm vi thông tin phải mở rộng. Rồi lực lượng mới bổ sung về rất đông, chủ yếu từ báo tỉnh, báo khu mà lên, báo ngành mà sang cho nên phải thống nhất với nhau quan điểm làm báo Trung ương của Đảng, tính chính trị và tính toàn quốc phải rõ… Từng ấy vấn đề rất hệ trọng đặt ra cho Báo Nhân Dân thời đó. Có một vấn đề, cũng từ lịch sử đặt ra cho tờ báo chính trị của Trung ương lúc đó.

Trong lịch sử báo chí Việt Nam, nhiều nhà văn viết báo và nhiều nhà báo viết văn, báo nào cũng có những trang văn thơ, cho nên cái chất hư, chất thực dễ lẫn lộn nhiều phóng sự được gọi là phóng sự điều tra, phân tích những sự kiện thật đặt ra những vấn đề xã hội lớn, nhưng thường không có địa chỉ cụ thể, thường góp nhặt nhiều sự thật vào một sự thật, rất gần với cái chất chân thực của văn học “Truyền thống” đó cũng ăn sâu vào nhiều cây bút trẻ cách mạng, do đó cần xác định lại về mối quan hệ giữa chân thật của văn học và chân thật của báo chí vì đã có bài viết rất hay của N. trên một “sự thật” được “hư cấu”, gây phản ứng gay gắt, phải nhận kỷ luật “treo bút” mấy tháng. Rồi phong cách miêu tả của văn học cũng không thật phù hợp với cái chất ngắn gọn, trực tiếp của báo chính trị… Tất cả những vấn đề đó đặt ra một cuộc thảo luận rất lý thú về “văn và báo”.

Nhiều ý kiến thảo luận rất sâu sắc, cốt phân biệt quan điểm nghiệp vụ là rất cần thiết, nhưng bấy giờ nghĩ lại kết luận lúc đó phải chăng có phần cực đoan? Sự phê phán “ngoại tình” lúc bấy giờ rất nặng, chỉ những người không thật “trung thành”  với nghề báo, “chân báo, chân văn”, “mang văn vào báo”. Thực ra, cũng có một số anh chị em không chịu các kết luận đó. Cái không khí đó ảnh hưởng rất sâu sắc đến buổi đầu làm báo của tôi, cố rèn ngòi bút của mình theo kết luận đó, nhất là khi tôi xông vào thể loại điều tra mà tôi ưa thích.

Thực ra báo khác văn, nhưng báo phải có chất văn, nhưng văn báo có đặc điểm gì? Và làm sao cho báo chính trị hấp dẫn vẫn là câu hỏi chưa được trả lời đầy đủ cho tới ngày nay. Không nghi ngờ gì khi khẳng định, chính trị là những vấn đề rất hấp dẫn với đại đa số nhân dân ở ý nghĩa liên quan tới số phận của đông đảo đồng bào, cho nên rất quan tâm tới việc lựa chọn vấn đề trong cuộc sống và khi phân tích vấn đề.

Và sự “xuôi chiều” bao giờ cũng gây cảm giác nhàm chán. Nhưng điều cần bàn là “cách viết”, “cách trình bày” thế nào cho hấp dẫn người đọc. Vì có hấp dẫn thì người đọc mới đến được vấn đề mà anh đề cập, đến ý tưởng anh muốn truyền đạt. Cách viết cũng chỉ là một phần thôi, nhưng cũng là cái phần phải tính đến… 

(*) Trích hồi ký "Vào nghề"

Trình bày: Nguyễn Trang
Ảnh và dữ liệu: Báo Nhân Dân