Vĩnh biệt một nhà văn hóa, học giả uyên bác

Tôi thuộc hàng con cháu của Giáo sư (GS), Anh hùng Lao động Vũ Khiêu, cùng tuổi với người con thứ hai của bác - GS, TS Đặng Cảnh Khanh, sinh năm Đinh Hợi. GS Vũ Khiêu phần lớn thời gian làm việc ở Thủ đô, còn tôi là dân thôn quê miền sơn cước từng là “phên dậu” của Đại Việt xưa, ra Hà Nội để học đại học. Lấy bằng cử nhân, chưa công tác ngày nào ở Hà Nội đã vác ba-lô vào chiến trường miền nam.

Vĩnh biệt một nhà văn hóa, học giả uyên bác

Tôi không có điều kiện sớm gần gũi GS Vũ Khiêu như nhiều người làm công tác nghiên cứu khoa học xã hội khác. Mãi đến khi miền nam hoàn toàn giải phóng, GS Vũ Khiêu được Trung ương điều vào công tác, cùng GS Ca Văn Thỉnh và nhiều cán bộ cốt cán khác xây dựng Viện Khoa học xã hội miền nam thuộc Trung ương Cục thì tôi mới thường gặp bác Vũ Khiêu.

Thoạt nghe tên Vũ Khiêu hay khi mới gặp ban đầu, ai cũng biết đó là một bậc trí thức lớn, người đã nổi danh với những đóng góp xuất sắc trong nghiên cứu và xây dựng, phát triển ngành khoa học xã hội. Vầng trán cao, đôi mắt sáng, miệng lúc nào cũng như mỉm cười, toát lên sự cởi mở, bao dung, đặc biệt là khi có những sinh hoạt cộng đồng, bác Vũ Khiêu luôn đóng vai “nhân vật chính” gần gũi, dễ tâm sự, chuyện trò, ai cũng cảm nhận được sự thân thiết hòa đồng hiếm có giữa “thủ trưởng” và “nhân viên”, người trên và người dưới…

Trong hai năm giữ vai trò trụ cột của lãnh đạo Viện Khoa học xã hội miền nam, GS Vũ Khiêu đã tham gia tập hợp được đông đảo trí thức từ nhiều nguồn đào tạo khác nhau trong bối cảnh Sài Gòn vừa được giải phóng sau bao năm đất nước bị chia cắt để hình thành các ngành, các đơn vị nghiên cứu của Viện.

Giới trí thức và một số công chức cấp cao của Sài Gòn trước năm 1975 ở lại sau ngày giải phóng thường nói đến hình ảnh người “trí thức xã hội chủ nghĩa” Vũ Khiêu, một học giả uyên bác, có tầm hiểu biết sâu rộng về nhiều lĩnh vực với tâm hồn và trí tuệ của một nhà văn hóa qua mấy tháng giáo sư trực tiếp tổ chức khóa “nghiên cứu đặc biệt”, có sự tham dự của nhiều “nhân vật đặc biệt” trong chính quyền Sài Gòn trước năm 1975, về các môn khoa học xã hội, đặc biệt là chính trị học…

Cũng trong thời gian này, GS Vũ Khiêu đã biên soạn, công bố nhiều tác phẩm để phổ biến rộng rãi, đáp ứng nhu cầu của xã hội miền nam thời kỳ đầu giải phóng như “Dân chủ là gì”, “Cách mạng tư tưởng và văn hóa”, “Đạo đức và cách mạng”, “Nghệ thuật và cách mạng”…

Với cương vị Phó Viện trưởng Viện Triết học, rồi là người sáng lập Viện Xã hội học, GS Vũ Khiêu là người có công đầu xây dựng ngành Đạo đức học, Mỹ học ở Việt Nam theo quan điểm Mác-xít. Những tác phẩm như “Mác - Ăng ghen - Lê-nin bàn về đạo đức”, “Đạo đức mới”, “Đẹp”, “Anh hùng và Nghệ sĩ”, “Cách mạng và Nghệ thuật”… của giáo sư mãi có giá trị với thời gian. GS Vũ Khiêu là một nhà văn hóa uyên thâm cả văn hóa phương Đông và phương Tây.

Các công trình về văn hóa của ông thể hiện sự am hiểu sâu rộng, phong phú các loại hình, có độ sâu tư tưởng và độ dài lịch sử văn hóa dân tộc và nhân loại khi ông nghiên cứu văn hóa dưới góc nhìn triết học, tư tưởng và lịch sử, truyền thống …

Vừa nghiên cứu, vừa hoạt động quản lý khoa học, GS Vũ Khiêu đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển các ngành khoa học xã hội và nhân văn nước nhà. Ông đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học, công nghệ đợt I (năm 1996) và được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (năm 2000).

Tuy thời gian sống, làm việc ở Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh và Nam Bộ không nhiều, song GS Vũ Khiêu đã dành cho vùng đất này những tình cảm đặc biệt với sự nhiệt huyết của con tim và sự thông thái của trí tuệ. Nhiều lần tôi nghe chú Tư Ánh - Trần Bạch Đằng, một học giả nổi tiếng của Nam Bộ và của cả nước nói: Vũ Khiêu là dân bắc, trí thức Hà thành, ít sống ở Nam Bộ, nhưng rất thông hiểu Nam Bộ, đồng cảm với kẻ sĩ Gia Định.

Một cống hiến nổi bật của Giáo sư - Anh hùng Lao động Vũ Khiêu trong giai đoạn tiến cận “bách niên” là không quản tuổi cao, sức yếu vẫn nhiệt huyết giúp TP Hồ Chí Minh và các địa phương trong việc tôn vinh truyền thống, phụng thảo văn bia.

Mở đầu là văn bia tại Văn miếu Trấn Biên về hào khí Đồng Nai đúc kết khí phách anh hùng hào kiệt của bao tầng lớp dân cư nối tiếp nhau từ Thăng Long, Thanh Nghệ Tĩnh, Phú Xuân, Thuận Quảng vào khai hoang mở cõi với dấu ấn Mô Xoài - Đồng Nai - Gia Định và sự nghiệp giữ cõi qua bao thời kỳ. “Rừng rậm đầm lầy, việc khai phá biết bao gian khổ/ Bão giông sấm sét đã lắm tai ương/ Rắn rết hùm beo còn nhiều hung dữ/ Trải bao huyết hãn, đất khô cằn cũng hóa phì nhiêu/ Trải mấy ưu tư, miền hoang dại đã thành trù phú”.

Khi kẻ thù đến xâm lược thì tinh thần giữ cõi, bảo vệ chủ quyền quốc gia được nâng cao như “cột chống trời”, kiên cường “như vàng thử lửa”, trở thành “Thành đồng Tổ quốc” và tỏa sáng mãi mãi khi “Nẻo tương lai đã rực sáng hào quang/ Đường phấn đấu còn đầy thách đố”…

Những năm gần đây, vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương tại Khu tưởng niệm các Vua Hùng trong Công viên lịch sử - văn hóa dân tộc ở quận 9, TP Hồ Chí Minh, hàng nghìn người nườm nượp đến và dừng chân trước tấm Văn bia do GS Vũ Khiêu phụng thảo: “Trước đền đài tráng lệ uy nghi/ Giữa trời đất bao la hùng vĩ/ Thắp nén hương dâng tổ Hùng Vương/ Cùng cả nước vui ngày quốc lễ/ Con dân nghìn dặm, cùng nhớ tổ tông/ Già trẻ một lòng, không quên cội rễ”.

Đọc văn bia, con cháu Lạc Hồng thẩm thấu lịch sử oai hùng của dân tộc, của bao thế hệ người Việt Nam và thề nguyện “Coi sơn hà xã tắc là thiêng/ Lấy độc lập tự do làm quý” để “xây quốc gia hùng mạnh văn minh”, “Tổ quốc thành đồng, lưu truyền vạn thế”.

Tại Ngã Ba Giồng - di tích lịch sử Nam Kỳ khởi nghĩa oanh liệt đầy đau thương, GS Vũ Khiêu đã phụng thảo văn bia tưởng niệm “hồn liệt sĩ linh thiêng bốn mùa tám tiết”, “chiếu rọi trăm núi nghìn sông”… Còn ở Củ Chi đất thép, biểu tượng của “chân trần chí thép” của người Việt Nam trong cuộc trường chinh cứu nước, nơi có khu truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định được khánh thành năm 2015, tuy tuổi đã cao nhưng GS Vũ Khiêu vẫn cùng hơn 50 người thuộc thế hệ nhỏ tuổi hơn tham gia sáng tác văn bia và ông đã đạt giải cao nhất, được lựa chọn để khắc bia tưởng niệm. Những văn bia hàm chứa tri thức lịch sử, văn hóa, những chỉ dẫn, gợi mở bằng trí tuệ, tình cảm, tâm huyết của GS Vũ Khiêu dành cho nhân dân thành phố mang tên Bác thật vô cùng trân quý.

Bản chất tư tưởng văn hóa của GS Vũ Khiêu là nhân văn, nhân đạo, luôn đứng về phía nhân dân, chống lại cường quyền áp bức. Gần 30 tuổi, ông đã viết bài “Văn tế những lương dân chết đói năm 1945”. Ngay cả khi đã đến ngưỡng trăm tuổi, ông vẫn lặn lội bên các nghĩa trang liệt sĩ, nhà tù Phú Quốc, Côn Đảo…, viết văn bia phúng viếng linh hồn những người anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì Tổ quốc, nhân dân.

Mừng thọ GS Vũ Khiêu 80 tuổi, Giáo sư, Anh hùng Lao động Trần Văn Giàu viết: “Mừng Anh thượng thọ 80, tôi chắc rằng chiến sĩ Vũ Khiêu luôn thanh thản, vẫn vì nước quên mình và bao giờ cũng quan tâm tới văn hóa, triết lý, nghệ thuật mà Anh hết lòng phục vụ. 100 tuổi có dư”. Bác Vũ Khiêu ra đi lúc 12 giờ 37 phút ngày 30/9/2021, tính ra đã vào tuổi 106. Có một câu nói, như một cách ngôn: “Khi người già chết đi là cả một kho tàng bốc cháy”. Tuy giáo sư đã đi xa, nhưng di sản trí tuệ, kho tàng tri thức của ông mãi mãi được người đời lưu giữ, tôn vinh, trân quý.

PGS, TS PHAN XUÂN BIÊN, Phó Chủ tịch Hội Khoa học, lịch sử Việt Nam