Tản mạn về tranh ngựa

Bên cạnh những đề tài về thiên nhiên, con người, nhiều họa sĩ đã dụng công đầu tư công sức sáng tác tranh về các loài vật, trong đó có hình tượng con ngựa được tập trung miêu tả trên nhiều chất liệu: sơn dầu, thuốc nước, bột mầu...

Tản mạn về tranh ngựa

Ở Việt Nam và một số nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, tranh ngựa đã xuất hiện từ hàng trăm năm nay. Đặc biệt, Trung Quốc có nhiều họa sĩ tài danh vẽ ngựa, tiêu biểu và nổi bật có danh họa Từ Bi Hồng. Ông có cách nhìn sâu sắc, tổng thể về nét biểu cảm, dáng thế, hành động của con ngựa thực trong đời sống xã hội. Tranh ngựa của ông vẽ rất phóng khoáng, tự nhiên, không gò ép vào một khuôn phép nào, mỗi con ngựa có cách tạo hình riêng, mang tính cá thể, song người xem vẫn cảm thấy như nó đang sống trong một bầy đàn với thiên nhiên hoang dã. Nhìn tranh của ông, người ta cảm thấy như ngựa bay trong không gian có tiếng rít của gió, có tiếng lốc cốc của vó ngựa, có tiếng thì thầm đùa dỡn của ngựa trên thảo nguyên và có cả hình cờ bay ở bờm ngựa, đuôi ngựa trong những ngày hội. Với bút pháp điêu luyện và hiểu rất sâu về đời sống của ngựa nên cách miêu tả của ông ở góc độ nào của con ngựa cũng sinh động và hàng trăm tác phẩm mà ông vẽ về nó như nhìn thẳng, nghiêng, sau, chéo góc,... đều thấy con vật này có da, có thịt, không tĩnh mà luôn luôn chuyển động, làm người xem không chán mắt.

Tranh ngựa của họa sĩ Từ Bi Hồng đã được nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam in và phát hành rộng rãi, trang trí vào những ngày Tết năm con ngựa... Ở Việt Nam từ xưa và cho đến những năm của thời kỳ bao cấp sau này, cứ mỗi dịp Tết đến, người dân thường sắm tranh Tết về trang trí trong nhà để đón xuân, trong đó có tranh con ngựa. Nói đến tranh Tết về ngựa thì có nhiều dòng tranh. Ở cố đô Huế trước đây, nhu cầu tâm linh dẫn đến nghề vẽ tranh khá phổ biến để phục vụ người dân trong dịp Tết Nguyên đán. Tranh dân gian về ngựa tại các tỉnh miền trung còn gọi là tranh ông Ngựa. Ông Ngựa có mầu hồng, mầu trắng, sắp xếp đối diện nhau, được trang trí nhiều ở các nhà dân thật vui mắt và trang nghiêm. Tuy nhiên, nói về tranh dân gian phong phú nhất thì phải ra các tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ. Các dòng tranh dân gian tại đây đều có những bức thể hiện ngựa khá đa dạng và được thể hiện trên nhiều chất liệu, theo nhiều cách thức, từ in thủ công cho đến in theo khuôn ấn hành hàng loạt. Tranh dân gian Đông Hồ về ngựa rất sinh động và có cốt truyện. Bên cạnh đó, còn có dòng tranh dân gian vẽ ngựa của Hàng Trống - Hà Nội hay tranh Kim Hoàng ở Hà Tây (cũ). Hình ảnh con ngựa đã đi vào tiềm thức của nhân dân một cách rất tự nhiên. Đó là tranh Quang Trung cưỡi ngựa, tranh song ngựa dùng trang trí hai bên bàn thờ gia tiên đã tạo không khí cho ngày Tết thêm đầm ấm vui tươi. Vào các năm Ngọ, người ta còn in giấy cứng rồi cắt hình ngựa gắn trên cành đào, dán cả trong nhà, ngoài sân. Các dòng tranh dân gian ở nhiều nơi hiện vẫn còn những bản khuôn khắc gỗ in ấn thủ công lưu giữ hình tượng con ngựa, có cốt truyện, tiêu biểu như: Đám cưới chuột có cưỡi ngựa, Trạng nguyên vinh quy bái tổ, tranh Phù Đổng Thiên Vương đại phá giặc Ân... Trong cách biểu hiện tranh dân gian Việt Nam, người ta thường dùng mầu của thực vật lá cây, than, son vì thế tranh màu sắc êm dịu, không lòe loẹt, dễ xem và dễ cảm thụ.

Ngày nay, hình tượng con ngựa vẫn là những đề tài sáng tác tranh lôi cuốn các họa sĩ, vì đây là con vật dễ gần, công dụng cho đời sống xã hội. Bản thân nó có cấu trúc tạo hình đẹp cả về mặt hình thể và màu sắc. Những năm chống ngoại xâm trong chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, hình ảnh các anh hùng hào kiệt thường gắn với vẻ đẹp trên lưng tuấn mã. Thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược ở chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các tướng lĩnh quân đội thường nhiều lần cưỡi ngựa đi công tác. Con ngựa cũng đã trở thành bạn đồng hành sớm hôm leo đèo, lội suối bên cạnh các chiến sĩ bộ đội ta hành quân đánh giặc và là cảm hứng sáng tác của nhiều họa sĩ.

Tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hiện lưu giữ nhiều tranh ngựa của các dòng tranh dân gian và của các họa sĩ đương đại gắn với những trang sử oai hùng của dân tộc.

Tuy nhiên, hiện tại, mảng tranh về ngựa được miêu tả trong các đề tài lịch sử và hiện tại còn ít ỏi. Để khắc họa thành công hình ngựa, họa sĩ phải khổ công nghiên cứu, đầu tư sáng tạo.

Mong rằng năm Ngọ, con ngựa biểu tượng cho vẻ đẹp vươn lên đầy phóng khoáng sẽ tiếp tục được giới hội họa thể hiện thành công.