Phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng nông thôn mới

Đến nay tỉnh Thanh Hóa đã có 333 xã nông thôn mới, trên tổng số 465 xã (đứng thứ hai cả nước sau Hà Nội). Điều đáng ghi nhận là bên cạnh việc huy động tổng hợp các nguồn lực để hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, nhiều xã đã hết sức trân trọng và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống để làm nên những làng quê nông thôn mới  mang đậm nét văn hóa nông thôn Việt Nam.

Làng nghề đúc đồng Chè Đông (huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.Ảnh: PHÙNG TUYÊN
Làng nghề đúc đồng Chè Đông (huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.Ảnh: PHÙNG TUYÊN

Đến Thanh Hóa hôm nay, chúng ta dễ dàng bắt gặp những làng quê trù phú, không chỉ có đường làng, ngõ xóm trải bê-tông rộng rãi, sạch sẽ, nhà cửa khang trang, mà còn là những con đường hoa, những hàng rào cây xanh được cắt tỉa gọn gàng và đâu đó, tiếng chuông chùa ngân vọng trong ráng chiều bình yên.

Hai sắc màu ở Thiệu Trung

Xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) nhìn từ trên cao… nổi bật với hai “gam” mầu đỏ và xanh; mầu đỏ của những mái nhà, những công trình xây dựng mới, cờ và hoa từ các ngõ xóm; mầu xanh của những vườn cây ăn trái, bờ ao, thửa ruộng vuông vắn của một xã có lịch sử văn hóa lâu đời và giàu truyền thống cách mạng. Dẫn chúng tôi đi thăm các di tích, danh thắng (cấp tỉnh và cấp quốc gia) trên địa bàn xã, từ chùa Hương Nghiêm (có từ thế kỷ thứ 10), đền thờ lăng mộ nhà sử học Lê Văn Hưu, đến bia đá văn chỉ Đông Sơn, Chủ tịch UBND xã Trần Ngọc Tùng tự hào chia sẻ: “Là địa phương có bề dày lịch sử văn hóa lâu đời, chúng tôi luôn ý thức việc bảo tồn cũng như phát huy các giá trị văn hóa, nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế làng nghề, tạo ra những sản phẩm truyền thống đặc sắc. Bên cạnh đó, xã rất chú trọng phát triển du lịch làng nghề gắn với du lịch văn hóa tâm linh. Mỗi năm xã đón hàng chục nghìn lượt khách đến tham quan”.

Theo chân bà Trần Thị Lự (năm nay đã ngoài 80 tuổi) đi thăm khuôn viên ao vườn, bà phấn khởi nói: “Ngày xưa đường làng nhỏ hẹp lắm, ngày mưa thì trơn ướt, ngày nắng thì gồ ghề, bụi bặm. Giờ đây trong xã, đường nào cũng rộng, sạch, hàng rào đẹp, nhà cửa khang trang, đời sống chúng tôi được nâng cao rất nhiều. Phó Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa Nguyễn Văn Phúc chia sẻ thêm: “Thiệu Trung được huyện chọn là xã đầu tiên xây dựng nông thôn mới của toàn huyện, một phần là do sự đoàn kết trong tập thể Đảng bộ, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, phần vì đây là vùng đất giàu truyền thống lịch sử lâu đời, nơi có nhiều di tích, di sản văn hóa. Từ đó, chúng tôi hướng đến phát triển kinh tế theo hướng du lịch làng nghề, du lịch tâm linh và phát triển sản phẩm OCOP của địa phương, nhằm nâng cao đời sống cho nhân dân”.

Là xã điểm trong xây dựng nông thôn mới nâng cao của huyện Thiệu Hóa, những năm qua, bám sát chương trình của tỉnh, huyện và căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, nhất là việc gắn xây dựng nông thôn mới nâng cao với bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống để phát triển kinh tế làng nghề, đến nay, toàn xã Thiệu Trung có 32 hộ đăng ký vào làng nghề đúc đồng truyền thống, thủ công mỹ nghệ để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho hàng trăm lao động với thu nhập ổn định. Trong làng nghề có hai sản phẩm trống đồng được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Với hình thức tổ chức sản xuất và cơ cấu kinh tế hợp lý đã góp phần nâng cao đời sống của người dân, thu nhập bình quân đầu người hiện đã đạt 57,02 triệu đồng/người/năm.

Đối với các tiêu chí văn hóa, xã luôn quan tâm, chú trọng và thực hiện nghiêm túc, bảo đảm giữ được nét văn hóa đặc trưng của làng quê trong quá trình phát triển. Đến nay, xã đã cơ bản hoàn thành tất cả 15 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, tạo cho Thiệu Trung một bức tranh hài hòa của vùng quê giàu đẹp, giàu truyền thống cách mạng, luôn lưu giữ trong mình nhiều bản sắc văn hóa truyền thống lâu đời.

Đến một trong những cái nôi của sản xuất nông nghiệp

Rời xã Thiệu Trung, xuôi về hướng biển, nơi có Nghè cổ Yên Trung tại làng Yên Trung, xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa), mảnh đất thấm đẫm giá trị văn hóa - lịch sử, khảo cổ nằm trong không gian văn hóa Hoa Lộc. Là khu vực đồng bằng ven biển, mang đậm đặc tính chung của vùng đất thuộc cụm trầm tích trước châu thổ, Hoa Lộc là một trong ba xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao đầu tiên của huyện Hậu Lộc và đang tiến tới hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Bí thư Đảng ủy xã Hoa Lộc, Nguyễn Văn Đáng chia sẻ: “Xã chúng tôi là trung tâm của vùng trồng cây rau màu của huyện, khi xây dựng nông thôn mới nâng cao, chúng tôi ý thức rằng phải bắt đầu từ phát triển sản xuất. Để làm tốt việc đó, chúng tôi luôn lấy việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa làm gốc, bởi theo “Di chỉ khảo cổ học văn hóa Hoa Lộc” đã được phát hiện từ năm 1973 ở địa phương cho thấy, nơi đây là một trong những cái nôi của lao động sản xuất nông nghiệp từ xa xưa”.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa Phạm Nguyên Hồng chia sẻ: “Cùng với việc quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất văn hóa trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, những năm qua, sở đã tập trung chỉ đạo công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở gắn với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đưa phong trào phát triển rộng khắp, thật sự đi vào đời sống, tạo sức lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

Phát huy nguồn lực nội sinh

Nhằm khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để phát triển kinh tế nông thôn, gia tăng giá trị sản phẩm, đến nay, Thanh Hóa đã xây dựng được 120 sản phẩm OCOP cấp tỉnh và một sản phẩm OCOP cấp quốc gia. Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa Bùi Công Anh cho biết: “Chúng ta mới xây dựng nông thôn mới được hơn 10 năm, nhưng kế thừa trên một nền văn hóa lâu đời hàng nghìn năm. Do đó, mỗi sản phẩm OCOP không những mang tính cộng đồng, địa phương mà đều bắt nguồn, chứa đựng những nét văn hóa truyền thống. Như vậy, người làm ra cũng như người tiêu dùng sản phẩm đã thể hiện và hiểu được truyền thống lịch sử cùng những giá trị văn hóa trong từng sản phẩm ấy”.

Du lịch làng nghề gắn kết với bảo tồn và phát triển nghề truyền thống đang là một hướng đi phát huy hiệu quả. Bên cạnh những lợi ích về kinh tế, xã hội đem lại, hình thức du lịch này đang giúp bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa từng vùng miền, địa phương. Những làng nghề như: làng nghề đúc đồng Chè Đông, xã Thiệu Trung, làng nghề dệt thổ cẩm Cẩm Lương (Cẩm Thủy), làng nghề bánh gai Tứ Trụ (Thọ Xuân)… đã thu hút được nhiều khách tham quan, mua sắm sản phẩm. Như vậy, việc phát triển du lịch gắn với làng nghề truyền thống ở địa phương cũng đã từng bước phát huy được tiềm năng, thế mạnh.

Có thể thấy rằng, việc chú trọng và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đang giúp phong trào xây dựng nông thôn mới ở Thanh Hóa đi đúng hướng, mang lại nhiều kết quả tích cực. Văn hóa chính là “nền tảng, động lực, nguồn lực nội sinh” bảo đảm xây dựng và phát triển nông thôn mới bền vững ■