Những sắc màu kể chuyện

Quét mã QR trong sách để chiêm ngưỡng đồ họa thực tế ảo tăng cường về 54 dân tộc Việt Nam, xem ảnh chân dung và đọc chuyện đời xúc động của đồng bào ở những vùng đất “sơn cùng thủy tận”, hay ngắm nhìn bộ sưu tập búp bê mặc trang phục truyền thống rực rỡ và tỉ mỉ đến từng chi tiết siêu nhỏ…, những trải nghiệm độc đáo ấy có thể lôi cuốn người xem háo hức bước vào hành trình khám phá vẻ đẹp của các tộc người trên khắp đất nước. Đó cũng là thành quả sáng tạo của những tâm hồn mang tình yêu sâu sắc với văn hóa Việt Nam cùng khát khao được sẻ chia, lan tỏa. 

Một phần bộ sưu tập búp bê trong trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam của họa sĩ Hoàng Anh.
Một phần bộ sưu tập búp bê trong trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam của họa sĩ Hoàng Anh.

Một kho tàng vô giá

Trước khi quen nhau ở Đà Nẵng vào năm 2018, Nguyễn Thị Yến Trinh (quê Kon Tum) và Alden Anderson (đến từ California, Mỹ) đã quan tâm, yêu thích văn hóa và đời sống của các dân tộc thiểu số. Có chung đam mê du lịch, chụp ảnh và tìm hiểu văn hóa bản địa, cả hai sáng lập dự án nhiếp ảnh “Vietnam The People” (Con người Việt Nam) và dành gần ba năm đi xuyên Việt, xây dựng bộ ảnh đặc trưng của 54 dân tộc Việt Nam. Trước khi tạm hoãn vì đợt bùng phát dịch Covid-19 vào giữa năm 2021, dự án đã tìm hiểu được 43 dân tộc với nhiều tấm chân dung giàu nghệ thuật. Mỗi hình ảnh là một câu chuyện được đăng tải bằng song ngữ Việt-Anh lên nhiều nền tảng số phổ biến như Facebook, Instagram và website www.360nomad.org để giới thiệu với cả người Việt Nam và người dùng mạng khắp thế giới.

Nhiếp ảnh gia Anderson, người từng làm việc trong ngành công nghiệp điện ảnh Hollywood và chu du qua 35 quốc gia ở nhiều châu lục, khẳng định: “Với 54 dân tộc, Việt Nam là nguồn cảm hứng khám phá bất tận cho tôi. Khi đi chụp ảnh, chúng tôi trò chuyện cùng nhiều người từ những nền văn hóa, ngôn ngữ khác nhau, và tôi luôn luôn cảm thấy được chào đón. Tôi muốn mọi người biết rằng Việt Nam là một nơi xinh đẹp, văn hóa đa dạng, với những cư dân tốt bụng và tuyệt vời”. Anderson từng giành giải đặc biệt của Giải thưởng Nhiếp ảnh Heritage-Hành trình Di sản năm 2019 cho bộ ảnh chụp 11 dân tộc miền núi phía bắc trong trang phục truyền thống. Tiếp tục với “Vietnam The People”, Anderson và Yến Trinh ghi lại chân dung cận cảnh đồng bào với cách phục sức riêng. Họ còn làm được nhiều hơn thế, đó là tìm hiểu, ghi chép và chia sẻ những tâm sự của nhân vật, những lát cắt cuộc sống hay những nét văn hóa đang dần biến mất. Mới đây, “Vietnam The People” đăng ảnh của cụ ông Brê, 80 tuổi dân tộc Mạ ở Tây Nguyên đóng khố, đeo trang sức sặc sỡ và cười tươi hồn hậu.

Ông cho biết có thể làm nỏ, làm đàn, đan gùi và nhiều việc khác, nhắn nhủ con cháu đừng bỏ quên gốc gác. Một số bức ảnh khác được tương tác nhiều là chân dung cô bé 8 tuổi Scon người Brâu ở Kon Tum, một trong những dân tộc ít người nhất hiện nay; bà Quáy 102 tuổi, người Dao Đỏ ở Hà Giang; bà Sáu 103 tuổi, người Chăm ở Ninh Thuận; bà Len 57 tuổi, người Kinh, làm nghề lái đò chở khách du lịch ở Hội An (Quảng Nam)… Yến Trinh cho biết, cô nhận được nhiều tin nhắn động viên và chia sẻ, không chỉ từ người trong nước mà còn có người nước ngoài hoặc Việt kiều. Họ cảm ơn dự án đã mang đến những hình ảnh đẹp và thông tin giá trị, khiến họ cũng muốn đi và gặp thêm nhiều con người Việt Nam.

Cũng chọn thể hiện bản sắc văn hóa qua trang phục, “Đồng bào Việt phục” lại là một dự án sách tranh kết hợp công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR). Từ đồ án tốt nghiệp của ba sinh viên Thảo Nhi, Minh Thảo, Huyền Trân (Trường đại học FPT Cần Thơ), bộ tranh được yêu thích và lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội, khiến những người sáng lập quyết tâm biến thành một dự án cộng đồng “dài hơi”, quảng bá vẻ đẹp đa dạng của 54 dân tộc. Cuốn sách với 108 bức tranh, 200 trang đồ họa tái hiện trang phục nam và nữ của 54 dân tộc, cung cấp thông tin chất liệu, họa tiết, ý nghĩa thiết kế cũng như khái quát nguồn gốc xuất xứ, cách ăn mặc gắn với lễ hội dân gian hoặc phong tục tập quán, sinh hoạt tín ngưỡng của mỗi cộng đồng.

Với toàn bộ thành viên thuộc “thế hệ Z”, dự án có tạo hình ngộ nghĩnh, dễ thương và cách viết nội dung hợp xu hướng, thị hiếu giới trẻ. Đặc biệt, công nghệ AR giúp người xem vừa thấy hình ảnh nổi có chuyển động của nhân vật trong tranh, vừa nghe âm thanh của nhạc cụ hoặc làn điệu dân ca truyền thống. Những thông tin, kiến thức được truyền tải theo cách sinh động, mới mẻ và miễn phí của dự án đã được nhiều giáo viên, sinh viên sử dụng làm tư liệu cho bài giảng hoặc thuyết trình.

Để tôn vinh và lan tỏa văn hóa các dân tộc, không chỉ có những sản phẩm của thế giới kỹ thuật số. Từ xưởng vẽ của mình ở Hà Nội, suốt 10 năm qua họa sĩ Nguyễn Hoàng Anh miệt mài chế tác hàng nghìn búp bê mô phỏng phụ nữ các dân tộc Việt Nam trong trang phục truyền thống, với tính thẩm mỹ và độ chính xác cao. Bộ sưu tập búp bê các dân tộc Việt Nam của anh được lựa chọn vào danh mục quà tặng Chính phủ, được bày bán tại nhiều sân bay, cửa hàng lưu niệm ở các khu du lịch, được nhiều du khách trong nước và nước ngoài ưa chuộng.

Họa sĩ kể rằng, ý tưởng làm búp bê đã nhen nhóm sau vài lần thấy khách du lịch ít mặn mà với búp bê len, giấy. Trong những chuyến đi miền núi năm 2011, anh choáng ngợp, mê mẩn trước trang phục của các cô gái dân tộc thiểu số, từ mầu sắc, kiểu cách đến trang sức. “Nghĩ đến búp bê mặc trang phục truyền thống Nhật Bản, Hàn Quốc có giá cao mà vẫn được săn đón, tôi quyết tâm làm búp bê trưng bày mang đậm chất Việt để nhiều người biết và hiểu văn hóa Việt Nam hơn”, anh Hoàng Anh nói. Đến nay, bộ sưu tập độc đáo này lên tới con số gần 5.000 búp bê, với hai kích cỡ 25cm và 35cm, trong trang phục của 45/54 dân tộc.

Vẻ đẹp thống nhất trong sự đa dạng

Ba dự án ở ba miền bắc-trung-nam, qua lăng kính của những cá nhân và tập thể khác nhau, nhưng có điểm chung là tình yêu, tâm huyết dành cho văn hóa và nghệ thuật của đại gia đình 54 dân tộc Việt. Nền văn hóa Việt Nam kết tinh từ lao động, sáng tạo, gìn giữ qua hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước của cộng đồng các dân tộc anh em nơi núi rừng, đồng bằng và biển cả. Mỗi dân tộc có bản sắc, sắc thái riêng, tạo nên sự thống nhất trong đa dạng. Trong kho tàng khổng lồ ấy, trang phục chỉ là một khía cạnh, song cũng là điều có thể nhận biết nhanh và rõ nét. Chung quanh trang phục truyền thống mỗi dân tộc là biết bao câu chuyện thú vị gắn liền với lịch sử, nhân sinh quan, thẩm mỹ, nghề thủ công… của đồng bào.

Tất nhiên, theo đuổi một đề tài rộng lớn, lâu đời và ở khắp mọi nơi như văn hóa dân tộc không hề dễ dàng. Nhóm thực hiện “Đồng bào Việt phục” phải tìm kiếm, phân tích, tra cứu, đối chiếu dữ liệu từ rất nhiều nguồn chính thống, bởi thông tin trên mạng internet về trang phục các dân tộc sai lệch, lẫn lộn rất nhiều. Từ đó lại chọn lọc chi tiết rồi lên kế hoạch ý tưởng sao cho phù hợp. Dự án phi thương mại ngốn không ít thời gian mưu sinh hay học hành, nhưng bù lại họ cũng nhận được sự hỗ trợ, tư vấn của thầy cô giáo, bè bạn. Còn Yến Trinh và Anderson để có những bức ảnh đẹp đã trải qua hàng năm ròng rã lặn lội đến tận những bản làng xa xôi hiểm trở nhất của vùng núi phía bắc hay đại ngàn Tây Nguyên, vượt những hoang mạc cát trong nắng gió Nam Trung Bộ và không đếm nổi số lần gặp mưa hay lạc đường…

Yến Trinh bộc bạch: “Mỗi chuyến đi, chúng tôi luôn cố tìm những gì truyền thống và gốc gác nhất để lưu lại, mà số người lớn tuổi am hiểu văn hóa bản địa không còn nhiều, trang phục hay trang sức cổ cũng vậy. Nhưng tôi cũng thấy được phần lớn những nơi tôi qua, người dân và chính quyền địa phương đều cố gắng động viên, truyền dạy cho lớp trẻ văn hóa truyền thống”. Ngoài việc giới thiệu các dân tộc tại Việt Nam bằng hình ảnh, Yến Trinh và Anderson còn hướng tới giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Cả hai thường trở lại những ngôi làng mình từng đến để tặng cho người dân ảnh chân dung họ, cùng thực phẩm, đồ chơi trẻ em.

Với họa sĩ Nguyễn Hoàng Anh, sau hơn hai năm đi thực tế, khảo cứu văn hóa và tìm tòi về các chất liệu, thiết kế, anh mới bắt tay vào “thu nhỏ” các trang phục dân tộc. Mọi công đoạn từ sưu tầm vải, cắt, may, đính trang sức đều được làm thủ công từ nguyên liệu lụa, lanh hoặc thổ cẩm do chính đồng bào thêu, dệt. Mỗi khi có khách đến tham quan, tìm hiểu, anh Hoàng Anh có thể say sưa thuyết minh trang phục từng đồng bào cùng các đặc trưng cụ thể. Chẳng hạn như: hoa văn trên trang phục Tà Ôi là thổ cẩm dệt cườm, vải của người Dao phải bôi sáp ong lên rồi mới nhuộm mầu, trang phục người Mường thường là mở cúc ngực khoe mảnh thổ cẩm trong áo yếm, còn phụ nữ H’Mông thường may váy nhiều tầng lớp và có kiểu thêu ngược đặc biệt... Là họa sĩ chuyên nghiệp, anh vẽ luôn những bức tranh phong cảnh vùng cao để làm phông nền cho các cô búp bê xinh đẹp. Thời gian tới, họa sĩ ấp ủ hoàn thành bộ búp bê nữ đủ 54 dân tộc Việt Nam và ra mắt búp bê nam. Lợi nhuận từ việc bán búp bê được anh trích một phần để cùng tổ chức Plan International Việt Nam hỗ trợ trẻ em nghèo miền núi.

Từ trước đến nay, việc bảo tồn, phát triển, quảng bá trang phục truyền thống dân tộc vẫn được mỗi cộng đồng duy trì dưới nhiều hình thức, với sự quan tâm, định hướng, hỗ trợ của ngành văn hóa các cấp. Tuy nhiên, nguy cơ mai một cũng hiển hiện trước những tác động nhanh chóng của đô thị hóa, toàn cầu hóa. Sự ra đời của nhiều dự án mang mầu sắc văn hóa dân tộc với cách tiếp cận hiện đại, hấp dẫn đã và đang góp phần tích cực lưu giữ những tinh hoa ấy cho muôn đời sau