Mở “lối về” cho giấy dó

Suốt cả nghìn năm, giấy dó được người xưa chép sách, đề thơ, in tranh, viết thư pháp... Những dòng tranh nổi tiếng nhất Việt Nam như Hàng Trống, Kim Hoàng, Đông Hồ... đều in trên giấy dó. Hiếm có loại giấy nào trên thế giới có độ bền mấy trăm năm, có khả năng chống ẩm, mốc như giấy dó. Nhưng kỹ thuật làm giấy dó từng suýt thất truyền. Không hẹn mà gặp, có hai cô gái đã tìm “đường về” cho giấy dó, bằng những sáng tạo, để giấy dó thích ứng với cuộc sống.

Ngô Thu Huyền (trái) giới thiệu sản phẩm bằng giấy dó.
Ngô Thu Huyền (trái) giới thiệu sản phẩm bằng giấy dó.

1. Bộ lịch bàn của Giấy dó Ngô Đức và các họa sĩ trẻ được nhiều người ví như một “bộ sưu tập” nghệ thuật nho nhỏ. Đi kèm 12 tháng là 12 bức tranh được các họa sĩ vẽ dành riêng để thiết kế bộ lịch này. Tháng đầu tiên của năm mới Nhâm Dần là bức họa về một gia đình, gồm hổ mẹ, hai chú hổ con được vẽ theo hướng nhân cách hóa. Bức họa được thực hiện bởi Cẩm Anh-một họa sĩ trẻ ưa thích vẽ mầu nước trên giấy dó. Tham gia nhóm làm lịch còn có các họa sĩ: Kim Ngân, Diệu Linh, Hải Yến, Mia. Mỗi người một phong cách. Song, khi đưa lên chất liệu giấy dó, mầu trắng ngà và bề mặt xù xì của giấy dó, một cách rất tự nhiên đem lại cảm giác hoài cổ và rất gần gũi, như đượm màu thời gian. Giấy dó có độ bền hàng trăm năm, vì thế, sau khi hết năm, người ta có thể đóng khung và treo lên, hoặc để trên giá sách làm vật phẩm trang trí. Cùng với lịch bàn, Giấy dó Ngô Đức còn phối hợp các họa sĩ, nhà thiết kế cho ra đời nhiều sản phẩm khác như: bưu thiếp, sổ tay, các loại tranh, ảnh treo tường... bằng chất liệu giấy dó.

“Cô chủ” của thương hiệu Giấy dó Ngô Đức là Ngô Thu Huyền, thuộc thế hệ 9X. Dịch bệnh khiến lượng tiêu thụ lịch giảm, nhưng dịp giáp Tết, Huyền vẫn khá bận bịu với các đơn hàng thủ công mỹ nghệ và viết thư pháp, viết chữ Hán-Nôm đầu xuân. Thu Huyền là cháu nội của cố nghệ nhân Ngô Đức Điều-gia đình vốn nổi tiếng ở “thủ phủ giấy dó” Dương Ổ (thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh). Sống với ông bà nội từ nhỏ, Huyền có cả một “kho” chuyện về giấy dó. Huyền được xem những người thân của mình làm các công đoạn, từ giã dó, nấu dó, cho đến từng động tác xoay liềm seo giấy, rồi gỡ giấy hong khô... Tất cả những điều giản dị nhất đều thấm vào tâm tư, tình cảm của Huyền. Cầm liềm seo trên tay, một cái nhấn sâu xuống bể, một cái lắc tay mạnh nhẹ, một cái chao nghiêng... đều thay đổi cách những sợi “tơ” từ vỏ dó đan cài vào nhau, tạo nên những tờ giấy khác nhau. Huyền mê giấy dó không chỉ bởi truyền thống, mà cả bởi những yếu tố như thế. Cô gái trẻ học đại học ở Hà Nội rồi đi làm trước khi về với dó. “Lúc ấy, cả nhà lo chứ không mừng. Cả làng mọi người bỏ nghề gần hết, nói gì một đứa con gái mới “nứt mắt”. Nhưng khi ra ngoài tiếp xúc, em lại nghĩ khác. Giấy dó có tiềm năng ứng dụng vào cuộc sống. Tại sao mình không khai thác những tiềm năng ấy?”, Huyền nhớ lại.

Nhu cầu mỗi thời một khác, nếu chỉ làm sản phẩm giấy dó như xưa, thì cầm chắc thất bại. Muốn giữ nghề, phải tìm được đầu ra cho sản phẩm. Ngô Thu Huyền đã làm nhiều kích cỡ, mầu sắc giấy khác nhau, đáp ứng yêu cầu đa dạng của khách hàng như giấy có họa tiết, hoa lá dùng để in danh thiếp, thiệp mừng, phong bì, làm sổ, đèn lồng, gấp giấy nghệ thuật... Một trong những thành công lớn nhất với Huyền là sản xuất thành công dòng giấy dó phục vụ thư pháp hiện đại (calligraphy) và vẽ mầu nước. Tỷ lệ hút mực, độ loang mực của giấy dó hợp với bút lông, mực tàu. Nhưng vẽ bút sắt và mầu nước cần độ loang chậm hơn. Huyền đã phải thử nghiệm nhiều lần, thay đổi công thức pha chế mới thành công. Mỗi lần thử nghiệm, Huyền phải đứng tê chân bên bể seo giấy. Không biết bao nhiêu lần cô gái trẻ cầm liềm seo trong giá lạnh, tay đỏ lựng lên vì buốt mới tìm ra công thức.

2. Thương hiệu Giấy dó Ngô Đức đã có mặt trên thị trường 5 năm. Nhưng có một thương hiệu giấy dó khác, cũng do những người trẻ tạo dựng, còn “trụ” được đến hơn 10 năm nay-đó là Zó Project (Dự án Giấy dó). Người sáng lập Zó Project, tình cờ, cũng là một cô gái-Trần Hồng Nhung.

Hồng Nhung bắt đầu từ... vạch số 0. Nhung biết đến “chất Việt” của giấy dó khi còn du học ở châu Âu. Trở về, Nhung ngạc nhiên vì thấy cộng đồng “quay lưng” với giấy dó. Đến các làng nghề giấy cổ truyền thì nhiều xưởng, các dụng cụ làm giấy như liềm seo, tàu seo, vạc nấu... gần như bỏ không. Nhung rất buồn. Cái hay, cái đẹp của giấy dó không chỉ nằm ở những kỹ thuật, ở bản thân tờ giấy. Mỗi làng nghề giấy, dù ở Bắc Ninh, ở miền trung hay ở Tây Bắc của đồng bào dân tộc... đều là một kho tàng văn hóa. Chắp nối những mảnh ghép ấy là một dòng chảy giấy Việt kéo dài những 800 năm. Nhung tự nhủ: “Nếu mỗi người không làm một điều gì đó, dù nhỏ thôi thì giấy dó sẽ ra sao?”. Đó là lúc câu chuyện của Nhung bắt đầu...

Muốn tồn tại, giấy dó cần thích ứng. Trần Hồng Nhung lại tìm những người thợ làm giấy dó, thẩm thấu “hồn dó”, để tìm được phương thức kinh doanh, tạo ra sản phẩm phù hợp. Sản phẩm của Zó Project gần như không lẫn vào đâu được. Nhiều bức tranh, những tờ lịch, bưu thiếp của Zó Project đều có chiều sâu, mang âm hưởng của thiền, với lối vẽ, trang trí tối giản. Đó chính là kết quả của quá trình nghiên cứu và thẩm thấu “hồn dó”. Ngay cả cuốn sổ tay, cũng có câu chuyện riêng. Nhiều người từng làm sổ tay giấy dó nhưng thất bại. Khi làm Nhung mới hiểu. Giấy dó có đặc tính là xốp. Ngay việc đóng gáy sao cho bền, chắc mà dễ dùng khác hoàn toàn với đóng sổ thông thường. Phải qua vài lần thất bại, mới tìm ra “công thức”. Và còn chuyện in bìa. Mặt giấy dó không phẳng, các sợi nguyên liệu thô mộc thường nhanh chóng làm hỏng máy in. Lại phải mày mò cùng các nghệ nhân tìm cách khắc phục...

Các thành viên của Dự án Giấy dó không thể đảm đương hết các công đoạn. Cần sự hợp tác của những làng nghề để xây dựng mô hình kinh doanh bền vững, từ việc trồng cây, làm giấy, rồi từ đó làm ra các sản phẩm mỹ thuật, tác phẩm nghệ thuật. “Điểm dừng” của Zó Project là nhóm Suối Cỏ (huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình). Nhóm Suối Cỏ vốn là những nông dân được dạy nghề giấy dó chưa lâu. Nhưng các nghệ nhân tại đây có động lực làm nghề.

Mở “lối về” cho giấy dó -0
 Một số sản phẩm của Zó Project.

Hiện Dự án giấy dó có ba dòng sản phẩm chính: Tác phẩm nghệ thuật, sản phẩm thủ công mỹ nghệ và giấy dó. Văn phòng đại diện của Zó Project nằm ngay sát khu phố cổ Hà Nội. Do đó, các dòng sản phẩm chính của Dự án Giấy dó chủ yếu bán cho khách du lịch quốc tế, hoặc xuất khẩu. Không chỉ làm sản phẩm, Zó Project còn thường xuyên tổ chức những lớp học hướng dẫn sáng tạo cùng với giấy dó. Zó Project còn giúp các nghệ nhân Suối Cỏ tăng thu nhập nhờ những chuyến du lịch trải nghiệm.

3. Suốt cả nghìn năm, giấy dó được người xưa chép sách, đề thơ, in tranh, viết thư pháp... Những dòng tranh nổi tiếng nhất Việt Nam: Hàng Trống, Kim Hoàng, Đông Hồ... đều in trên giấy dó. Cũng hiếm có loại giấy nào trên thế giới có độ bền mấy trăm năm, có khả năng chống ẩm mốc như giấy dó. Giấy dó mất dần vị thế khi chữ Nho, mực tàu lùi vào dĩ vãng. Nhưng khi cuộc sống đầy đủ hơn, nhiều giá trị văn hóa trở lại. Điển hình như tranh dân gian, viết thư pháp, học chữ Hán-Nôm... Nhưng chừng ấy chưa thể đủ để “cứu” giấy dó, nếu không có những sáng tạo để giấy dó thích ứng.

“Cộng đồng dó” ngày nay đã mở rộng hơn, gồm những người viết thư pháp, những nghệ sĩ tạo hình, nghệ nhân làm đồ handmade... Nhưng không thể phủ nhận, con đường của hai cô gái này ảnh hưởng khá nhiều đến tương lai của giấy dó Việt Nam. Hồng Nhung là một chuyên gia về giấy dó, và cũng là người có kiến thức dày dặn về giấy thủ công, ngay cả Thu Huyền cũng coi cô là bậc “tiền bối”. Còn ở thủ phủ giấy dó làng Dương Ổ, chỉ còn sáu hộ làm nghề. Thu Huyền là người duy nhất của thế hệ trẻ.

Giấy dó Ngô Đức giờ hiện diện ở ba thành phố lớn là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, thông qua các đại lý bán hàng thủ công mỹ nghệ. Còn Zó Project, bất chấp một năm đầy khó khăn do phải mấy lần đóng cửa, thương hiệu này vẫn cho ra mắt những sản phẩm mới, và chuẩn bị cho những dự án mới. Cả hành trình của hai cô gái, chủ yếu chỉ dựa vào nỗ lực của bản thân, bạn bè, đồng nghiệp. Họ vẫn miệt mài bất chấp khó khăn về vùng nguyên liệu, về nghiên cứu, phát triển sản phẩm cũng như tìm kiếm thị trường. “Lối về” của giấy dó, hẳn sẽ rộng mở hơn, nếu họ không đơn độc trên hành trình, nếu những lời hô hào về bảo tồn di sản, được biến thành những hỗ trợ cụ thể.