Lan tỏa thương hiệu “Tủ sách Huế”

Tỉnh Thừa Thiên Huế đang xây dựng đề án cũng như ưu tiên phát triển và lan tỏa “Tủ sách Huế”. Đề án nhằm giới thiệu những cuốn sách quý, quảng bá những giá trị di sản văn hóa, hình ảnh Huế qua sách, phát triển văn hóa đọc, xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học cho việc nghiên cứu Thừa Thiên Huế trên tất cả các lĩnh vực và hình thành bộ quà tặng có ý nghĩa văn hóa của vùng đất Cố đô.

Một buổi tọa đàm về giá trị sách Huế và việc xây dựng "Tủ sách Huế".
Một buổi tọa đàm về giá trị sách Huế và việc xây dựng "Tủ sách Huế".

Đề án “Tủ sách Huế” được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện nhằm bảo tồn nhiều tủ sách, nhiều cuốn sách về Huế đang có nguy cơ bị thất lạc; phục vụ công cuộc xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành đô thị văn hóa, di sản trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Giữ gìn sách quý trước nguy cơ thất lạc

Với truyền thống hình thành và phát triển hơn 700 năm, Thừa Thiên Huế có kho tri thức đồ sộ liên quan đến tất cả các lĩnh vực: văn hóa, văn học-nghệ thuật, khoa học-kỹ thuật… Ngoài hệ thống thư viện nhà nước, nhiều tủ sách gia đình được xem là bảo vật gìn giữ cẩn thận với những đầu sách có giá trị. Điển hình, tủ sách của gia đình nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan (đường Nguyễn Huệ, thành phố Huế) với hơn 10 nghìn cuốn được gây dựng từ thời cụ thân sinh là kỹ sư Nguyễn Hữu Đính và về sau do ông tiếp tục gom góp, sưu tầm. Tủ sách có đủ các danh mục từ lâm học, khoa học nhân văn, mỹ thuật, nhất là nhiều bộ sách quý về Huế với nhiều thứ tiếng. Cũng nhờ đó mà tạp chí “Nghiên cứu Huế” do ông Châu Phan làm chủ bút đã được xuất bản, tồn tại qua 10 số liên tiếp trong nhiều năm qua.

Cùng với thư viện của ông Nguyễn Hữu Châu Phan, tủ sách gia đình của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cũng là một thư viện lớn và một trong số những thư viện đã nhận được giải thư viện lớn nhất của Huế trong ngày Hội sách gần đây. Ngoài ra, nhiều ngôi chùa, tu viện trên địa bàn Thừa Thiên Huế đang sở hữu nhiều tủ sách với các kho sách quý chuyên về tôn giáo. Điều đó đặt ra vấn đề cần tổ chức đánh giá, thẩm định, thiết lập và bảo tồn những cuốn sách về Huế để vừa xuất bản lại những cuốn sách chất lượng có nguy cơ mai một, tuyệt bản; vừa lưu trữ một cách có hệ thống về sách Huế.

Từ năm 2021, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức ra mắt và khởi động Đề án xây dựng “Tủ sách Huế”. Dự kiến mỗi năm, sẽ xuất bản, phát hành ít nhất ba đầu sách chất lượng, và phấn đấu đến năm 2025, có 100% thư viện trên địa bàn tỉnh được trang bị các ấn phẩm về sách Huế. “Tủ sách Huế” có con dấu nhận diện, logo nhận diện, giống như đặc sản Huế. Còn đối với việc in sách nào tùy thuộc vào việc huy động nguồn lực, ý kiến của hội đồng thẩm định, nhà xuất bản… Khi đã hình thành “Tủ sách Huế”, tỉnh sẽ có những cuộc đấu giá những đầu sách quý, hiếm, có không gian trưng bày và giới thiệu sách Huế, có không gian đường sách Huế thật ý nghĩa.

Việc ra mắt “Tủ sách Huế” là điều mà những người yêu sách, các nhà nghiên cứu văn hóa Huế mong mỏi từ lâu. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan cho biết, đề án hết sức cần thiết và ý nghĩa. Đây sẽ là nơi tập hợp những đầu sách, những tư liệu quý về Huế trong dân gian; giữ gìn và công bố rộng rãi ra công chúng, tránh nguy cơ bị thất truyền. Cũng theo ông Phan, sau khi lên ngôi Hoàng đế lập ra Vương triều Nguyễn, Vua Gia Long đã cho sưu tập những đầu sách, tư liệu trong dân gian về vùng đất Cố đô, trong đó đáng chú ý là nhà vua đã lệnh cho quan Thượng thư Lê Quang Định biên soạn bộ Hoàng Việt nhất thống dư địa chí - bộ địa chí đầu tiên dưới triều Nguyễn.

Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế là người chỉ đạo thành lập đề án “Tủ sách Huế”. Theo ông Thọ, ý tưởng về xây dựng “Tủ sách Huế” hướng đến ba mục tiêu: Giới thiệu về Huế thông qua các tác phẩm, những đầu sách độc, lạ, có giá trị được sưu tầm, phục dựng; khôi phục các đầu sách viết về Huế, khích lệ văn hóa đọc đang dần mai một; hướng tới xây dựng một xã hội đọc sách. Trong quá trình xây dựng đề án này, tỉnh đã chỉ đạo thực hiện kế hoạch tổng thể, từ việc mời gọi những đơn vị, tư nhân sở hữu những tủ sách, cuốn sách quý để phát huy giá trị, lan tỏa đến cộng đồng cũng như bảo quản và gìn giữ cho các thế hệ mai sau. Đồng thời, nghiên cứu các vấn đề liên quan đến công nghệ trong việc bảo quản, lưu giữ để phát huy hiệu quả, giá trị của “Tủ sách Huế”.

Phát huy giá trị, lan tỏa đến cộng đồng

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Xuân Sơn cho biết, hiện có rất nhiều tủ sách gia đình khá đồ sộ với nhiều cuốn sách hay, quý ở nhiều thể loại, lĩnh vực. Trong quá trình xây dựng đề án “Tủ sách Huế”, Sở sẽ kêu gọi những đơn vị, tư nhân sở hữu những tủ sách, cuốn sách quý tham gia để phát huy giá trị, lan tỏa đến cộng đồng cũng như bảo quản và gìn giữ cho các thế hệ mai sau. Trong đó có việc nghiên cứu các vấn đề liên quan đến công nghệ trong việc bảo quản, lưu giữ để phát huy hiệu quả, giá trị của “Tủ sách Huế”. Trước mắt, Sở sẽ chỉ đạo các sở, ngành liên quan cho sưu tầm một thư mục về sách Huế. Đó là các đầu sách đang nằm ở nước ngoài, trong nước, tại các thư viện, nhà dân… đều được lên danh sách và phân loại công phu, huy động sự tham gia xã hội hóa của các tổ chức, cá nhân.

Theo ông Sơn, trên cơ sở tổng hợp và phân loại, Hội đồng thẩm định của tỉnh sẽ tuyển chọn theo từng giai đoạn, từng chủ đề. Có thể đây là cây thư mục quan trọng, phân theo tuyến, theo thứ tự thời các vua chúa, thời kỳ trước năm 1945, trước năm 1975, sách thời kỳ kháng chiến chống Pháp, thời kỳ chống Mỹ, sách thời kỳ đương đại, sách nằm ở thư viện các nước, sách đang nằm ở các thư viện tư nhân… Tiếp đến, triển khai thi và xây dựng logo nhận diện “Tủ sách Huế”. Lãnh đạo tỉnh sẽ kêu gọi các cá nhân, tổ chức tham gia đóng góp đầu sách cho “Tủ sách Huế”. Cùng với đó, xây dựng một nguồn quỹ cho “Tủ sách Huế” để huy động nguồn lực cho việc hình thành, in ấn, phát hành, nuôi dưỡng “Tủ sách Huế”.

Lựa chọn được những cuốn sách có giá trị là cách để xây dựng thương hiệu cho “Tủ sách Huế”. Điều này cần có sự tham gia của các nhà nghiên cứu, những người am hiểu, đưa ra những tiêu chí lựa chọn sách hay ra mắt trong thời gian tới. Nhà nghiên cứu Huế Trần Đại Vinh cho rằng: “Các cơ quan được giao nhiệm vụ cần phối hợp để xác định những cuốn sách nào được công bố trong “Tủ sách Huế”, đưa ra giải pháp để những cuốn sách này phát huy giá trị trong đời sống của người dân Huế, đáp ứng nhu cầu của xã hội, hướng đến mục tiêu phát triển nền kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống người dân”.

Theo Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế, cần ưu tiên rà soát những công trình nghiên cứu đã xuất bản về Huế, sắp xếp lại và tái bản thành một hệ thống để tranh thủ được thành quả rất lớn của các thế hệ. Để lan tỏa giá trị của “Tủ sách Huế”, song song với tủ sách thực, nên phát triển tủ sách số bởi đây là xu thế tất yếu của thời đại, cũng là cách tốt nhất để đưa “Tủ sách Huế” đến với đông đảo cộng đồng, nhất là giới trẻ.

Ngoài nguồn lực của Nhà nước, việc xã hội hóa để huy động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân, các nguồn tài trợ hỗ trợ cho việc phát triển “Tủ sách Huế” rất quan trọng. Quỹ phát triển “Tủ sách Huế” được thành lập do Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế làm đầu mối quản lý sẽ huy động sự đóng góp hỗ trợ xuất bản, phát hành các ấn phẩm và duy trì, phát triển “Tủ sách Huế”. Để huy động sự đóng góp hiệu quả, tỉnh cũng cần có cơ chế tiếp nhận, ghi nhận sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Hiển cho biết: “Chúng tôi sẽ huy động, thu hút các nguồn lực xã hội để xây dựng và phát triển “Tủ sách Huế”. Đặc biệt, chú ý phương thức huy động xã hội hóa tối đa các thành phần kinh tế tư nhân, các thiết chế văn hóa nước ngoài tại Huế và quốc tế nhằm hỗ trợ nguồn tư liệu, tài chính để phát triển “Tủ sách Huế”. Có thể tài trợ xuất bản một cuốn sách trong danh mục được chọn hoặc tài trợ cho các công đoạn xuất bản, in và phát hành. Tỉnh cũng sẽ tổ chức đấu giá những cuốn sách quý hiếm, độc bản để tạo nguồn thu cho Quỹ phát triển “Tủ sách Huế”.

Đề án xây dựng và phát triển “Tủ sách Huế” đang được nhiều người quan tâm bởi đây là việc làm thiết thực và cần thiết để giữ gìn và phát huy văn hóa đọc. Đồng thời, một lần nữa tôn vinh, khẳng định vai trò, vị trí và tầm quan trọng của sách, của văn hóa đọc đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.