Kết hợp tiền kiểm và hậu kiểm đối với việc phổ biến phim trên không gian mạng

NDO -

Đại biểu Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) nhấn mạnh, cần có giải pháp kết hợp giữa tiền kiểm và hậu kiểm đối với việc phổ biến phim trên không gian mạng để tránh lọt những nội dung không phù hợp với các quy định trong Luật hiện hành.

Đại biểu Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 23/10.
Đại biểu Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 23/10.

Thảo luận tại tổ về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) sáng 23/10, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai nhận định việc quản lý phim trên không gian mạng là một trong những nội dung quan trọng của dự thảo Luật sửa đổi lần này, bởi trong xu thế của công nghệ thông tin hiện nay, xuất hiện rất nhiều loại hình chiếu phim trên mạng, cùng với nhiều ứng dụng xem phim trực tuyến như Galaxy, FPT Play, Netflix, hay YouTube.

Theo đại biểu, dự thảo Luật quy định phổ biến phim trên không gian mạng theo hướng hậu kiểm. Tuy nhiên, nội dung nhiều phim có tính bạo lực, chất lượng không tốt và không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam, thậm chí chứa nhiều nội dung xuyên tạc. Vì vậy, nếu chỉ quy định hậu kiểm và xử lý bằng cách gỡ bỏ các phim đó, sẽ không thể giải quyết triệt để vấn đề.

“Trước khi gỡ bỏ, những phim đó đã tồn tại khá lâu trên không gian mạng và có hàng triệu lượt người xem, như vậy việc can thiệp xử lý của các cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn. Vì không chỉ liên quan đến các ứng dụng chiếu phim tại Việt Nam, mà còn có những nền tảng được cung cấp xuyên biên giới, nên mất rất nhiều thời gian để xử lý, và thậm chí có thể không xử lý được”, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai cho hay.

Thời gian qua đã có những sơ suất của các cơ quan thẩm định duyệt và cấp phép phổ biến phim, dẫn đến lọt một số phim có nội dung, hình ảnh không phù hợp, cho nên khâu tiền kiểm cũng rất quan trọng. Tuy nhiên, tiền kiểm đối với phim trên không gian mạng cũng tạo áp lực rất lớn cho cơ quan chức năng vì số lượng phim rất nhiều, không đủ nguồn lực để làm.

“Cần phải có giải pháp kết hợp giữa tiền kiểm và hậu kiểm đối với việc phổ biến phim trên mạng, tiền kiểm ở mức độ nào, hậu kiểm ở mức độ nào để tránh lọt những nội dung đưa lên mạng không phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành”, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai đề nghị.

Kết hợp tiền kiểm và hậu kiểm đối với việc phổ biến phim trên không gian mạng -0
 Đại biểu Lê Anh Tuấn (Hà Tĩnh) phát biểu.

Cũng có chung ý kiến, đại biểu Lê Anh Tuấn (Hà Tĩnh) cho rằng phổ biến phim trên môi trường mạng và dịch vụ truyền hình xuyên biên giới đang phát triển mạnh mẽ hiện nay, với hàng nghìn bộ phim có doanh thu lớn, tiêu biểu là “Squid Game” (Trò chơi con mực) trên Netflix. Vì vậy, việc quản lý, kiểm tra đối với loại hình phổ biến này cần được quan tâm đúng mức.

“Dự thảo quy định hậu kiểm, tuy nhiên phương án này cũng khó khả thi, vì số lượng phim trên không gian mạng là rất lớn. Cho nên ngoài giải pháp pháp lý cần áp dụng kết hợp kỹ thuật công nghệ để đáp ứng yêu cầu quản lý”, đại biểu Lê Anh Tuấn nói.

Cần làm rõ nguồn ngân sách duy trì Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh

Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) bổ sung một chương mới về quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh, và Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. Theo dự thảo, Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, nhà nước hỗ trợ vốn điều lệ, được thành lập và hoạt động theo quy định pháp luật; có khả năng tài chính độc lập; có nguồn thu, nhiệm vụ chi không trùng với nguồn thu, nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước.

Trong báo cáo thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết có ý kiến đề nghị thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh nhằm hỗ trợ, khuyến khích các tác giả, nhà làm phim triển vọng, có ý tưởng sáng tạo, tạo ra tác phẩm điện ảnh có giá trị văn hóa nghệ thuật cao.

Ý kiến này cũng nhận được sự đồng tình của một số đại biểu trong phiên thảo luận tổ.

Theo đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên), đây là một điều rất cốt lõi, bởi điện ảnh muốn phát triển cũng cần có các cơ chế tài chính thúc đẩy. Việc thành lập quỹ này đã được quy định trong Luật hiện hành nhưng không thực hiện được vì không có nguồn ngân sách để duy trì.

“Ngân sách nhà nước chỉ cấp một lần. Cần phải có phương án xã hội hóa để quỹ bền cũng như tạo được sự đồng thuận”, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa nhấn mạnh.

Kết hợp tiền kiểm và hậu kiểm đối với việc phổ biến phim trên không gian mạng -0
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) phát biểu tại phiên thảo luận tổ.

Trong khi đó, đại biểu Lê Anh Tuấn cho rằng cần cân nhắc kỹ việc thành lập quỹ hỗ trợ tài chính ngoài ngân sách này, đề nghị dự thảo Luật làm rõ chi tiết sẽ lấy nguồn ngân sách từ đâu để duy trì và phát triển quỹ.

Về sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước, đa số đại biểu đồng ý với phương án 2 như trong đề xuất của dự thảo Luật, đó là giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng (đối với phim có nội dung, đề tài phục vụ nhiệm vụ chính trị) hoặc đấu thầu (đối với phim có các nội dung khác) – không chỉ đấu thầu về giá cả mà còn về điều kiện trang kỹ thuật khác để có những hình ảnh sống động, thuyết phục. Trong trường hợp không đấu thầu được sẽ chỉ định thầu.

Trước đó, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã trình bày Tờ trình về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại hội trường, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi Luật Điện ảnh trong bối cảnh một số quy định của Luật hiện hành không còn phù hợp, không thể hiện được đặc thù của điện ảnh nên không khả thi. Ngoài ra, một số vấn đề mới phát sinh cần bổ sung vào Luật Điện ảnh, như quản lý nội dung phim phát hành, phổ biến trên không gian mạng và tại địa điểm công cộng hay hoạt động xúc tiến, quảng bá phim thông qua việc tổ chức các liên hoan phim, chương trình phim, tuần phim, giải thưởng điện ảnh.

Kết hợp tiền kiểm và hậu kiểm đối với việc phổ biến phim trên không gian mạng -0
Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày Tờ trình về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại hội trường. 

Theo Tờ trình, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) gồm 8 chương, 50 điều, trong đó kế thừa, chỉnh lý, sửa đổi và bổ sung 32 điều, quy định mới 18 điều so với Luật Điện ảnh hiện hành. Đáng chú ý, bổ sung một chương mới về quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh; quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh.

Cơ quan soạn thảo đưa ra một số vấn đề xin ý kiến Quốc hội, gồm quy định về sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước, và phổ biến phim trên không gian mạng.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết Ủy ban cơ bản nhất trí với tên gọi và phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, đề nghị làm rõ sự điều chỉnh của Luật đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ phổ biến phim trên không gian mạng vào Việt Nam.

Về quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh, Ủy ban đề nghị nghiên cứu, bổ sung cơ chế khuyến khích, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia tiếp thị, quảng bá phim, cung cấp dịch vụ và hợp tác sản xuất phim tại Việt Nam. Nghiên cứu, có cơ chế cấp phép đặc thù đối với phim Việt Nam tham gia liên hoan phim, giải thưởng, cuộc thi phim, chương trình phim, tuần phim tại nước ngoài.

Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV