Chuyển tải đề tài hiện đại trên sân khấu tuồng

“Không còn đường nào khác” là vở diễn sân khấu vừa được Nhà hát Tuồng Việt Nam phục dựng và biểu diễn nhân kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2022), hưởng ứng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Với việc đưa hình tượng Bác Hồ, nữ tướng Nguyễn Thị Định lên sân khấu tuồng, ê-kíp sáng tạo đã cho thấy nhiều thử nghiệm mới mẻ để tuồng có thể thể hiện thành công đề tài hiện đại.

Cảnh trong vở “Không còn đường nào khác”.
Cảnh trong vở “Không còn đường nào khác”.

Vở diễn được dàn dựng dựa trên kịch bản tuồng của tác giả Văn Sử, viết theo truyện ký cùng tên của nguyên Bộ trưởng Văn hóa, Thiếu tướng Trần Văn Phác, kể về cuộc đời hoạt động của đồng chí Nguyễn Thị Định - Phó Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Giải phóng miền nam Việt Nam và phong trào Đồng Khởi của Bến Tre những năm đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Cách đây 36 năm, “Không còn đường nào khác” đã được cố đạo diễn, NSƯT Đoàn Anh Thắng dàn dựng và được các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam biểu diễn ra mắt công chúng Thủ đô vào tháng 11/1986 để chào mừng Đại hội thứ VI của Đảng.

Ngay ở thời điểm đó, đây đã được coi là vở diễn tiêu biểu của sân khấu tuồng khi thể hiện đề tài hiện đại. Nói về quá trình dàn dựng, tác giả Văn Sử từng chia sẻ, ông và đạo diễn luôn sát cánh để cùng nhau điều chỉnh kịch bản, trăn trở tìm cho ra những trò diễn, những “miếng” tuồng, nhưng phải là tuồng của ngày hôm nay, không rập theo những khuôn mẫu hay mô hình sẵn có của tuồng truyền thống.

Năm 1994, vở tuồng được NSND Lê Tiến Thọ cùng các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam khôi phục, dàn dựng lại với nhiều mảng miếng tuồng. Vở diễn đã được tặng giải thưởng của Bộ Quốc phòng về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng. Lần này, vở diễn tiếp tục được NSND Lê Tiến Thọ biên tập, chỉnh lý và phục dựng với màu sắc tuồng đậm chất hơn.

Theo dõi vở diễn, không chỉ cảm phục, yêu mến trước tài trí, sự kiên trung, bất khuất của nữ anh hùng - Thiếu tướng Nguyễn Thị Định và sự anh dũng, hiên ngang của các chiến sĩ, bà con miền nam trong phong trào Đồng Khởi, người xem còn đặc biệt xúc động trước những lớp diễn cho thấy tình cảm sẻ chia, yêu thương đùm bọc cùng sự hy sinh của đồng bào ta trong khó khăn hoạn nạn, và cả những xúc cảm nhân văn được lột tả qua từng nhân vật. Ấy là khi Má Tư, Má Năm kể chuyện đưa từng nắm cơm xuống hầm nuôi chiến sĩ, khi Ba Định đau đớn biết tin trong tổ chức có kẻ phản bội, hay khi cô Chín chia sẻ cảm giác cô đơn khi xa chồng biền biệt...

Mạch diễn dồn dập với tiết tấu nhanh, khẩn trương cùng sự kết nối khéo léo giữa các lớp diễn đã cuốn người xem theo dòng chảy cảm xúc của các nhân vật để cùng khóc, cùng cười và nhận ra những con người đã làm nên lịch sử thật gần gũi, thật đời biết bao.

NSND Lê Tiến Thọ cho biết, để thể hiện lại một vở diễn sao cho vẫn phù hợp với điều kiện xã hội sau 36 năm, kịch bản vở diễn đã được cấu tứ lại theo hướng ngắn gọn hơn, bên cạnh những xung đột, kịch tính còn có thêm những không gian mở để làm đậm nét hơn màu sắc tự sự, trữ tình của sân khấu tuồng truyền thống. Nhiều mảng miếng, trò diễn của tuồng đã được đưa vào vở diễn để tạo nên sự sinh động, hấp dẫn, khai thác hình thức biểu diễn đặc trưng của tuồng như lớp diễn Nguyễn Thị Định đánh Tức - kẻ phản bội trên sông, màn cô Chín tắm, màn xưng danh của đồn trưởng, tỉnh trưởng hay màn ông Hai Lửa chiến đấu với kẻ địch đến ủi nhà...

Xem “Không còn đường nào khác”, khán giả còn ấn tượng với những phân đoạn có múa xuất hiện. Các động tác múa kết hợp khéo léo cùng hình ảnh chiếc khăn đặc trưng của Nam Bộ đã khiến những cảnh diễn tuồng lâu nay vẫn bị cho là hay lên gân, cách điệu trở nên mềm mại, dễ đi vào lòng người. Với vở diễn này, Nhà hát Tuồng Việt Nam cũng khoe được tài năng và độ sung sức của lớp diễn viên trẻ nhiều tâm huyết. Bên cạnh lối diễn chắc chắn của các diễn viên trong vai Nguyễn Thị Định (NSƯT Đỗ Quyên), Bảy Hiền (NSND Xuân Quý), Hai Lửa (NSND Ánh Dương), Tỉnh trưởng (NSND Văn Thủy), Đồn trưởng (NSƯT Hải Vân), phần thể hiện của các nghệ sĩ trẻ trong vai Bà Tư (nghệ sĩ Hà Thanh), Bà Năm (nghệ sĩ Diễm Hương), Chín (nghệ sĩ Thùy Dung), On (nghệ sĩ Tuyết Mai), Tức (nghệ sĩ Xuân Tùng), Lài (nghệ sĩ Đức Anh)... còn cho thấy sự tiếp nối vững vàng của lực lượng biểu diễn tuồng truyền thống.

Đặc biệt, sự xuất hiện của hình tượng Bác Hồ (do NSƯT Trần Long thể hiện) ở thời khắc quan trọng nhất giúp đồng bào miền nam thêm vững tin vượt qua những khó khăn, thử thách đã mang đến nhiều dấu ấn đậm nét với người xem. Là người đã từng thể hiện hình tượng Bác ở phiên bản trước của vở diễn, nay lại đưa thêm những sáng tạo ở phiên bản này, NSND Lê Tiến Thọ cho hay việc được thể hiện hình tượng Bác là vinh dự thiêng liêng nhưng cũng vô cùng áp lực.

Chuyển tải những đề tài hiện đại về cuộc sống hôm nay vẫn luôn là thách thức của sân khấu truyền thống. Với tuồng - thể loại mang tính cách điệu, ước lệ cao vốn bị mặc định chỉ phù hợp để thể hiện đề tài truyền thống, lịch sử, đây càng là thách thức lớn. Bởi thế, việc dàn dựng, phục dựng những vở như “Không còn đường nào khác” đến nay vẫn là bài học quý với những nghệ sĩ tuồng trong lựa chọn, xây dựng, cấu trúc kịch bản, khai thác tích truyện, tạo ra những trò diễn hấp dẫn, đặc sắc để chinh phục đề tài hiện đại, thu hút công chúng hôm nay...