Những điều đặc biệt về chiếc xe ô-tô trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Thái Bình

NDO -

Nếu ai có dịp ghé thăm Bảo tàng tỉnh Thái Bình sẽ thấy ở gian chính giữa đang trưng bày chiếc xe ô-tô con màu trắng sữa, mang biển số EL-6899. Đây là hiện vật lịch sử quý giá trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai trao tặng cho Bảo tàng.

Chiếc xe ô-tô hiệu Volkswagen của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai được trưng bày trang trọng tại Bảo tàng tỉnh Thái Bình.
Chiếc xe ô-tô hiệu Volkswagen của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai được trưng bày trang trọng tại Bảo tàng tỉnh Thái Bình.

Ông Đỗ Quốc Tuấn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thái Bình cho biết: Nhiều người đến đây có lẽ thấy thú vị và bất ngờ khi nghe thuyết minh về hiện vật rất giá trị này, bởi Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai (1920-2002), quê xã Vũ Đông, thành phố Thái Bình chính là nhân vật Tư Chung, chủ Hãng sơn Đông Á trong bộ phim nổi tiếng một thời “Biệt động Sài Gòn”.

Chiếc xe hiệu Volkswagen do đồng chí Trần Văn Lai tự mua và sử dụng khi làm cán bộ biệt động Sài Gòn từ năm 1963 đến năm 1968. Đồng chí thường xuyên lái chiếc xe này ra vào các nơi đầu não của Mỹ ngụy để nghiên cứu, trinh sát nắm tình hình, thu thập tin tức, tài liệu của địch chuyển ra chiến khu an toàn. Đồng thời, thường xuyên chở các đồng chí lãnh đạo quân khu Sài Gòn-Gia Định vào thành phố chỉ đạo Tổng công kích, tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân 1968. Ngoài ra, đồng chí còn dùng xe vận chuyển vũ khí, tiền, vàng ra vào nội thành Sài Gòn phục vụ cho yêu cầu của cách mạng.

Theo hồ sơ lưu trữ, ngay từ đầu những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, ông đã tham gia vào các tổ chức tự vệ quyết tử, làm công tác vận động tài chính, phá hoại cơ sở hậu cứ địch. Sau hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, ông được cấp trên giao nhiệm vụ làm tình báo nằm vùng trong lòng địch.

Năm 1965, dưới vỏ bọc nhà thầu khoán trang trí nội thất trong Dinh Độc lập, đồng chí Trần Văn Lai đã nghiên cứu vẽ sơ đồ, nắm quy luật tuần tra, canh gác của binh lính tại Dinh, sau đó ngụy trang và vận chuyển thành công ra quân khu. Đồng thời lấy được toàn bộ bản đồ đường cống ngầm Sài Gòn, cắt ra thành nhiều mảnh nhỏ, đánh ký hiệu thứ tự, rồi ngụy trang bọc dưới đệm xe và bánh xe ô-tô chuyển ra quân khu tuyệt đối an toàn.

Bên cạnh đó, đồng chí Trần Văn Lai đã bí mật xây dựng nhà cửa, đào hầm ngay trong nhà riêng phường 5, quận 3, thành phố Sài Gòn (gồm 2 hệ thống hầm nổi và hầm ngầm chứa trên 2,5 tấn vũ khí các loại, đồng thời là địa điểm tập kết của Đội 5 Biệt động Sài Gòn).

Từ năm 1966-1968, đồng chí đã tự lái xe, dưới danh nghĩa nhà thầu khoán Mai Hồng Quế, đưa đồng chí Ngô Thanh Vân, tức Ba Đen (Bí thư Đảng ủy 19 T700), đồng chí Tư Quỷ (Nguyễn Ngọc Lộc), đồng chí Hai Trí (Đơn vị bảo đảm A20) từ căn cứ Quân khu (Củ Chi) về Sài Gòn điều tra nghiên cứu, chỉ đạo hoạt động nội thành chuẩn bị tổng công kích mùa Xuân năm 1968 và ngược ra căn cứ bảo đảm an toàn.

Những điều đặc biệt về chiếc xe ô-tô trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Thái Bình -0

Ngày 28/4/2017, bà Đặng Thị Thiệp (vợ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai) trao tặng chiếc xe ô-tô cho Bảo tàng tỉnh Thái Bình.

Sau chiến dịch Mậu Thân 1968, đồng chí tiếp tục ở nội đô Sài Gòn củng cố lại cơ sở, gây dựng mạng lưới biệt động thành. Năm 1972, ông bị địch bắt rồi tù đày cho tới năm 1975.

Khi giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, năm 1975, đồng chí Lai đã lái chiếc xe trên đi đón mẹ và em trai từ quê hương Thái Bình vào thăm.

Dù là thương binh hạng 1/4 nhưng ông vẫn cống hiến cho cách mạng tới ngày nghỉ hưu. Năm 2002, ông mất sau nhiều ngày đêm vết thương tái phát, hành hạ thể xác.

Ghi nhận thành tích đặc biệt xuất sắc của đồng chí Trần Văn Lai, năm 2015 Chủ tịch nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho ông.

Ngày 28/4/2017, thay mặt gia đình, bà Đặng Thị Thiệp (vợ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai) đã trao tặng Bảo tàng tỉnh Thái Bình chiếc xe ô-tô cùng hơn 100 hình ảnh, tài liệu, hiện vật, đĩa ghi âm, ghi hình phản ánh những đóng góp hy sinh to lớn của đồng chí Trần Văn Lai trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.

Ông Đỗ Quốc Tuấn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thái Bình cho biết, chiếc xe này đã được sử dụng là đạo cụ trong phim tư liệu lịch sử “Biệt động Sài Gòn”, “Từ tết đầu tiên đến tết này”,...

Đối với Bảo tàng tỉnh Thái Bình, đây là sưu tập hiện vật quý, phản ánh những đóng góp hy sinh của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai và các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn, với tinh thần chiến đấu mưu trí, dũng cảm trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc.

Bộ sưu tập hiện vật của gia đình anh hùng Trần Văn Lai hiến tặng cần được lưu giữ, bảo quản, trưng bày giới thiệu tới đông đảo quần chúng nhân dân trong và ngoài tỉnh, tới các thế hệ hôm nay và mai sau.