VĂN HÓA VÀ PHÁT TRIỂN

Kiến tạo mới và miền ký ức

Trên đất nước Việt Nam, nếu lựa chọn địa chỉ phù hợp để kiến tạo các không gian nghệ thuật, thì Ðà Lạt sẽ là một trong những đô thị mà nhiều người nghĩ đến. Cái nền khác biệt về khí hậu, thiên nhiên, cảnh quan và kiến trúc đã trở thành "đặc sản" cho những người mang trong mình năng lực sáng tạo nghệ thuật...

Một đêm nhạc giữa mênh mông thiên nhiên Đà Lạt.
Một đêm nhạc giữa mênh mông thiên nhiên Đà Lạt.

1 Thực tế thì Ðà Lạt luôn hiện hữu như một nơi chốn nuôi dưỡng nguồn cảm hứng ban đầu cho những người đắm mình và dấn thân trong lĩnh vực sáng tạo cái đẹp. Tôi muốn bày tỏ điều đó, vì bên cạnh giá trị một vùng ký ức xưa cũ của đô thị này, Ðà Lạt luôn là lựa chọn phù hợp, mang chiều sâu và hơi thở mới trong quá trình kiến tạo, bổ sung cho những không gian nghệ thuật đương đại.

Ngày xưa, Ðà Lạt vốn không xa Sài Gòn. Vì vậy, nhiều tên tuổi lớn trong giới nghệ thuật miền nam thời ấy đã lựa chọn thành phố cao nguyên với núi đồi, rừng thông, sương mù, hồ thác liêu sơ làm nơi chốn dừng chân một chặng trên hành trình dấn thân. Phố trong rừng giữa cao nguyên miền thượng từng là không gian giao cảm của tình mặc khách, ấm áp những cuộc hạnh ngộ của các tao nhân. Ðôi bạn thơ tri kỷ Quách Tấn và Hàn Mặc Tử, trong một lần tương ngộ tại Ðà Lạt đã lưu lại hai thi phẩm nổi tiếng diễn tả vẻ đẹp của thiên nhiên hòa điệu cùng trạng thái cô đơn kiếp người. Người dân nơi này còn nhớ tên tuổi các văn nhân từng sống và sáng tác ở đây như Phạm Công Thiện, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Ðức Sơn, Phạm Cao Hoàng, Lệ Khánh... Nhiều nhạc phẩm của không ít nhạc sĩ hình thành luôn có bóng dáng một Ðà Lạt quyến rũ trong ký ức những năm tháng hoa niên mà họ cùng gánh nhạc lăn lóc trong những phòng trà Ðà Lạt. Từ cặp vợ chồng nghệ sĩ Lê Uyên và Phương (ghép nghệ danh chung là Lê Uyên Phương) đến các nhạc sĩ Từ Công Phụng, Hoàng Nguyên, Lam Phương hay các danh ca Tuấn Ngọc, Khánh Ly, cũng đã có những ký ức từ thuở ấu niên hay ít nhất là một phần đời gắn bó với Ðà Lạt…

Cũng có người đã chọn Ðà Lạt làm nơi ký thác đoạn cuối cuộc đời như họa sĩ Hoàng Lập Ngôn dừng bánh chiếc xe lăn Mê Ly từng lăn xuyên qua hai thế kỷ; họa sĩ Lưu Công Nhân gắn với Ðà Lạt những ngày cuối đời; điêu khắc gia Phạm Văn Hạng rời quê nhà đến đây xây vườn tượng giữa một rừng thông cổ thụ…

Lại nhớ về những năm tháng chiến tranh, trong lòng Ðà Lạt có những nghệ sĩ trẻ hằng đêm ngồi bên nhau đàm luận và cầu mong cho một ngày hòa bình về trên đất mẹ. Họ là họa sĩ Trịnh Cung, họa sĩ Ðinh Cường; là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, là vợ chồng đạo diễn Hoàng Anh Tuấn - Ngô Thi Liên. Những salon nghệ thuật của một thời tuổi trẻ đã góp phần hình thành nên sự nghiệp sáng tạo của họ sau này. Ðó là biểu cảm về một đời sống ẩn ức và vô nghĩa của tuổi trẻ đương thời. Tâm trạng ấy đã trở thành xúc tác cảm hứng cho nhiều bản nhạc phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa của Trịnh Công Sơn ra đời, một sự chuyển hướng quan trọng trong âm nhạc của ông…

Nhắc lại một vài tên tuổi, một vài chuyện để muốn nói nhiều hơn rằng, Ðà Lạt từng một thời là nơi chốn của những cuộc tao ngộ nghệ thuật, từng làm điểm xuất phát cho sự tỏa sáng của nhiều tài danh. Ký vãng với những giá trị cũ, như là khẳng định Ðà Lạt từng là một không gian của nghệ thuật, hiếm hoi và khác lạ giữa miền nam trong một giai đoạn đầy mùi thuốc súng. Hồi đó, chỉ là sân khấu sinh viên của giảng đường Spellman của Viện đại học Ðà Lạt mà đã tạo ra những tên tuổi trong nền điện ảnh, kịch nghệ như đạo diễn Lê Cung Bắc, biên kịch Phạm Thùy Nhân, Lê Kim Ngữ. Chỉ là quán cà-phê nhỏ như Tùng của ông bà Trần Ðình Tùng - Lê Thị Giác cũng trở thành địa chỉ giao thiệp, đàm luận của rất nhiều văn nghệ sĩ miền nam khi đến Ðà Lạt. Nhạc quán Lục Huyền Cầm của vợ chồng Lê Uyên Phương là tụ điểm sinh hoạt văn nghệ sang trọng, nơi tập hợp giới văn chương, âm nhạc và hội họa để bàn chuyện văn chương, tranh biện học thuật và kích thích cảm hứng sáng tạo nghệ thuật...

2 Gần đây, chỉ trong một thời gian ngắn, công chúng Ðà Lạt được chứng kiến nhiều cuộc "trở về" của một số văn nghệ sĩ từng sống, từng gắn bó với Ðà Lạt. Tôi muốn nhấn mạnh từ "trở về", bởi lẽ, khi hình thành ý tưởng về việc tổ chức các sự kiện cá nhân ở phố núi trong đoạn sau cuộc đời, các văn nghệ sĩ như muốn được trả món nợ ân tình xưa cũ và làm nguôi ngoai bớt nỗi nhớ về một thời tuổi trẻ. Họa sĩ Ðinh Cường mang từ Mỹ về Ðà Lạt những bức tranh của một thời xa xưa mà ông còn lưu giữ để làm một cuộc triển lãm ngập tràn cảm xúc hoài niệm. Các con của nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Mậu, người được coi là "phù thủy" của nghệ thuật phân sắc độ từ hơn năm mươi năm trước, đã mở một cuộc triển lãm đầy ấn tượng để tưởng nhớ cha mình. Nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân, tác giả của nhiều bộ phim nổi tiếng, cũng đã chia sẻ với bạn bè cũ thời nhóm kịch sinh viên mang tên Thụ Nhân và công chúng Ðà Lạt khi xuất bản cuốn sách "Con đường gai nhọn" của mình…

Những cuộc "trở về" với những sự kiện của các văn nghệ sĩ từng sống, từng gắn bó với Ðà Lạt, cũng là góp phần làm phong phú, tươi mới thêm cho đời sống nghệ thuật của phố núi hôm nay. Họ vừa có dịp hồi niệm những dư âm xa xưa vừa tạo cảm hứng kích thích sáng tạo mới mẻ của lớp người trẻ làm nghệ thuật hôm nay. Bởi lẽ, qua những câu chuyện họ kể bằng nghệ thuật, những người "trở về" đã tái hiện những dòng đáng nhớ trong không gian ký ức của đô thị. Người trẻ sinh ra trong một thời đại khác, tiếp nhận những trào lưu mới, chắc chắn sẽ có những cảm nhận, suy nghĩ, hiểu thêm chuyện của những nghệ sĩ trong một lát cắt lịch sử. Tất nhiên, chắc chắn là họ sẽ có sự thể hiện khác hơn đối với thế hệ của một thời đã qua và đang qua…

Ở Ðà Lạt, nhiều năm qua, những người trẻ đã kiến tạo những không gian nghệ thuật mới cho thành phố, dù chưa thật sự có những đột phá nhưng trong ý tưởng, trong cách làm đã thể hiện tình yêu và sự tâm huyết đối với xứ sở. Ðó có thể là dự án nghệ thuật đương đại đa hình thái mang tên "Phố bên đồi" của một nhóm các nghệ sĩ trẻ, do Nguyễn Trung Hiền (sinh năm 1982) sáng lập. Ðó là vườn tượng Ðường hầm đất sét, là khu trình diễn văn hóa bản địa Làng Cù Lần. Ðó là những sân khấu nhỏ trong các khu du lịch, những nhóm nhạc trẻ trên phố đi bộ Hòa Bình những đêm cuối tuần và cả những ban nhạc truyền thống hằng đêm rộn rã dưới chân ngọn núi Lang Biang huyền thoại. Cũng ở Ðà Lạt, nếu ngày trước, các cuộc triển lãm thường được tổ chức trong khán phòng khép kín, thì nay các nghệ sĩ lại phô diễn tác phẩm của mình trên các đồi thông, các đường phố đẹp hay bờ hồ khoáng đạt. Cuối năm 2020, công chúng thưởng lãm đã mãn nhãn với "Ðà Lạt hòa điệu", triển lãm ảnh của bốn tác giả: Lý Hoàng Long, Hoài Linh, Trúc Công và Ðỗ Công Thành trên một con đường đẹp. Cũng cuối năm ngoái, nghệ sĩ M.P. K "thả" những bức ảnh về côn trùng của mình trên bãi cỏ bên hồ Tuyền Lâm để những người yêu thiên nhiên đến với cuộc trưng bày mang tên "Ồ" của anh. Ðầu năm nay, nhóm năm nhiếp ảnh gia Nguyễn Văn Thương, Ngô Trung Dũng, Trần Bảo Hòa, Phạm Huy Trung, Ðồng Lâm Thanh Tùng lại mượn một rừng thông bên đồi dinh Tỉnh trưởng làm nơi trưng bày triển lãm "Nơi tao ngộ". Từ lâu, khách phương xa đến thường ít bỏ qua các phòng trà, quán cà-phê nhạc từng tạo nên dấu ấn Ðà Lạt với những cái tên dễ thương như Cung Tơ Chiều, Lục Huyền Cầm, Mộc, Tình Ca, Phố Xưa… sâu lắng và ấm áp. Nhưng bây giờ, người trẻ ít chọn các phòng trà với không gian trầm lặng để giải trí, nhiều sân khấu ca nhạc - cà-phê giữa mênh mang thiên nhiên mà có người gọi tên là "những đêm nhạc trên mây" đã ra đời. Những tụ điểm ca nhạc mang hơi thở núi đồi như Mây Lang Thang, Lululola Coffee với phong cách mới đã thu hút đông đảo công chúng trẻ đến với các giọng ca như Ðàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên, Ðan Trường, Quang Dũng, Hà Anh Tuấn…

Sẽ còn nhiều điều để nói, có nhiều khiếm khuyết cần được điều chỉnh. Cũng sẽ có những ý tưởng mới lạ ra đời cho một không gian nghệ thuật phù hợp, hấp dẫn và mang lại mỹ cảm dành cho phố núi. Ðiều đáng nói là những người trẻ Ðà Lạt dù kiến tạo cái mới nhưng vẫn tiếp nhận sâu sắc dòng cảm xúc của những ký ức xưa cũ. Như ý kiến của bạn trẻ Nguyễn Trung Hiền, người sáng lập dự án nghệ thuật "Phố bên đồi": "Là người con của đất Ðà Lạt, tôi nhận thấy được lợi thế đặc trưng của thành phố và văn hóa sống đậm chất nghệ sĩ của người dân nơi đây. Ở góc nhìn nghệ thuật, nơi đây chính là một không gian đặc biệt tạo nên nguồn cảm hứng cho những nghệ sĩ sáng tác, nghiên cứu, trao đổi, chia sẻ". Ðó là cách làm nghệ thuật mang nét riêng của người trẻ Ðà Lạt, rất đáng ghi nhận và trân trọng.

Bài và ảnh: UÔNG THÁI BIỂU