Họa sĩ Thăng Fly

Vẽ để tri ân và tiếp lửa tuyến đầu

Đợi chờ thưởng thức những bức tranh thấm đẫm tình người nơi tâm dịch qua nét vẽ của Bùi Đình Thăng đã trở thành thói quen của hơn 1,4 triệu cư dân mạng chọn theo dõi fanpage Thăng Fly Comics, kể từ thời điểm làn sóng dịch bệnh thứ tư bùng phát vào đầu tháng 5.

Tác phẩm “Đi dưới mưa” được Thăng Fly chọn làm ảnh bìa cho trang FB Thăng Fly Comics.
Tác phẩm “Đi dưới mưa” được Thăng Fly chọn làm ảnh bìa cho trang FB Thăng Fly Comics.
IMG_1627640100875_1627640314655_-1629949573410.jpg

Mỗi tác phẩm được chia sẻ hằng ngày thường thu hút cả trăm nghìn lượt thích, cả nghìn bình luận cũng như lượt chia sẻ. Đó là cách mà họa sĩ Thăng Fly (ảnh bên) chung tay cùng cộng đồng, “để thể hiện trách nhiệm công dân của người nghệ sĩ, để tri ân và truyền ngọn lửa lạc quan cho những chiến binh trên tuyến đầu chống dịch”.

Từ niềm đam mê sáng tác truyện tranh

Thăng từng chia sẻ rằng mình nghiện truyện tranh. Thứ nghệ thuật “gây nghiện” ấy đến với anh từ lúc nào?

Tôi biết tới truyện tranh qua những trang báo Nhi Đồng, Thiếu niên Tiền phong từ khi còn học cấp I. Rồi nhân vật lừng danh Conan gợi cảm hứng giúp tôi có được tác phẩm đầu tiên về hành trình điều tra vụ án của chàng thám tử tí hon khi tôi mới lên lớp 6. Nghệ danh Thăng Fly bắt nguồn từ ngôi trường cấp III Đô Lương 1 (Nghệ An), khi tôi tìm một cái tên Tây để tham gia diễn đàn. Thăng trong tiếng Anh là Fly, gọi thế cho đơn giản. Gia đình không có ai theo nghệ thuật, những nét vẽ ban đầu của tôi hoàn toàn xuất phát từ bản năng chứ kiếm đâu ra thầy dạy mỹ thuật trong môi trường tỉnh lẻ. Rồi tôi trở thành sinh viên khoa Sư phạm Mỹ thuật của Trường Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc. Và sau đó làm thầy với ba năm dạy cấp II, bốn năm luyện thi năng khiếu hình họa cho những sinh viên mỹ thuật - kiến trúc tương lai. Rồi động lực đứng lớp rơi rụng dần, khi cơ hội vào đại học ngày càng rộng mở, học viên chẳng cần học thầy vẫn có thể đỗ một trường nào đó. Vậy là tôi quyết định lập nghiệp ở một thành phố khác. Đà Nẵng mở rộng vòng tay với tôi, một thành phố đáng sống với mức chi phí sinh hoạt khá rẻ. Thứ duy nhất mà mảnh đất này không thể mang lại cho tôi là cơ hội phát triển nghề nghiệp, vậy là một lần nữa, tôi chuyển hướng vào TP Hồ Chí Minh và gắn bó tới tận hôm nay.

Đúng là tôi nghiện vẽ truyện tranh, nghiện việc đọc những cảm xúc chia sẻ của cộng đồng sau khi đăng tải tác phẩm lên mạng miễn phí. Đó chính là động lực thôi thúc tôi cầm bút và gửi gắm những bức vẽ lên không gian mạng mỗi ngày. Trước dấu mốc Pikalong, tôi theo đuổi chủ đề tình cảm gia đình, tình bạn - tình yêu hay những câu chuyện lịch sử. Nội dung hiền hiền điểm chút hài hước, nhân vật chính dễ thương nhang nhác giống tác giả (đeo kính, cô đơn, hoang mang vì chưa có sự nghiệp). Sau bộ truyện đầu tay Vạn sự khởi đầu nan, gian nan đừng có nản ra mắt tháng 8 năm 2014, tôi có Cả nhà thương nhau, Thư gửi nỗi buồn, Trước bến Văn Lâu, 100 điều anh yêu em và Quan trọng phải đẹp trai. Nhìn lại, tôi thấy đó đều là những lát cắt gợi lại kỷ niệm ngọt ngào cho những người từng sống qua những năm tháng tuổi trẻ ấy chứ chưa hẳn đã là một tác phẩm thực sự hoàn hảo.

Có công mài sắt có ngày nên kim

Pikalong có thể coi là bước ngoặt quan trọng trên hành trình sáng tạo của Thăng Fly. Nhìn lại những bạc tiền, danh vọng mà chú rồng ngộ nghĩnh bất ngờ mang lại cho tác giả từ thời điểm đầu năm 2017, anh nghĩ mình có đôi chút gặp may?

Tôi không nghĩ thế. Không ngừng sáng tác với tinh thần tập luyện là chính, tôi đã dành một thời gian dài làm việc chăm chỉ để luyện tập và dần nâng cao kỹ năng kể chuyện, cách tạo hình nhân vật cũng như sử dụng mầu sắc. Từ phản hồi của người xem với những phép thử đưa ra, tôi đo lường và nắm bắt thị hiếu để ngày càng có được những tác phẩm chất lượng hơn phục vụ công chúng. May mắn chỉ đến với người không ngừng nghỉ sáng tạo mà thôi.

Đúng là Pikalong mang lại cho tôi quá nhiều món quà. Cuộc đời tôi đã lật sang trang mới, sau khi bộ tranh 20 biểu cảm hài hước của chú rồng đến cuốn truyện tranh bốn chương về Pikalong cùng nhóm bạn ra mắt. Danh tiếng, tiền bạc ào tới quá nhanh đã khiến tôi bị ngợp. Trước đó, tôi thuộc số đông những người bình thường trong xã hội, thu nhập và tiêu dùng đều ở mức khiêm tốn vừa phải. Giờ hợp đồng quảng cáo đổ về, lượt theo dõi trên trang cộng đồng tăng vọt, tôi được truyền thông săn đón, tiền bạc rủng rỉnh. Từ chỗ ăn uống lề đường, ở trọ lay lắt, mỗi lần rút ví là một lần đấu tranh tâm lý dữ dội, tôi tự chiều chuộng bản thân bằng việc vung tiền mua sắm hàng hiệu cùng vật dụng xa xỉ. Tôi cố gắng xóa bỏ mặc cảm tự ti, đắp lên những bóng bẩy vật chất bề ngoài để cố san bằng những hố sâu ngăn cách với bè bạn chung quanh vốn giỏi giang, thành đạt và giàu có gấp nhiều lần mình khi trước.

Vẽ để tri ân và tiếp lửa tuyến đầu -0
Tác phẩm “Những chàng trai thế kỷ 21” là món quà họa sĩ Thăng Fly dành tặng lực lượng tuyến đầu chống dịch tại Lạng Sơn. 

Cũng may là chỉ sau một thời gian ngắn tôi nhận ra cái cộng đồng tôn thờ vật chất mà mình giao du hóa ra không tử tế, tốt đẹp như cái vỏ hào nhoáng bên ngoài. Khi nhận ra những thứ phù phiếm theo đuổi bấy nay trở nên vô nghĩa, nếu không dứt bỏ chỉ mang lại đau khổ, buồn bã cho chính mình, tôi đã quyết định thay đổi. Quay về chiêm nghiệm, tìm về những giá trị bản ngã bên trong con người mình, học hỏi và làm giàu vốn kiến thức, tôi nghĩ đã đến lúc chỉ nên vẽ điều mình thích, làm điều mình thấy có ý nghĩa.

Có phải vì thế mà lâu lắm rồi, rồng Pikalong gần như biến mất trong các sáng tác của anh?

Không may mắn như ai đó nhận ra được chân lý cùng những giá trị đích thực của cuộc đời mà không cần phải trả giá, tôi chỉ có thể thay đổi sau khi đã trải qua cả nỗi đau, mất mát cùng những dằn vặt, sai lầm. Nhưng từ nói đến làm là một khoảng cách rất dài. Thí dụ, khai thác hình tượng chú rồng cùng những câu chuyện hài hước thì kiếm tiền rất dễ và nhanh, đối tượng người theo dõi rất rộng. Nhưng nó không còn hợp tạng tôi, không phải là con người thật của tôi từ thời điểm đó. Không còn Pikalong, không còn yếu tố hài hước chủ đạo, đỡ phải vật lộn mệt nhoài trong quá trình sáng tạo nhưng tiền kiếm được cũng ít hơn. Để được làm thứ mình thích, để tìm được những giá trị đích thực của cuộc sống, tôi phải chấp nhận đánh đổi.

Đóng góp cho cộng đồng cũng vì chính bản thân mình

Anh từng chia sẻ mới đây, rằng “tôi không thể tha thứ cho bản thân nếu chỉ biết cắm cúi kiếm tiền, trong khi ngoài kia còn biết bao con người cần sự hỗ trợ tinh thần từ chính mình. Bởi thế, thời gian gần đây, tôi chỉ vẽ những gì mình thấy có ý nghĩa, chỉ chuyển tải những lát cắt đời thường tích cực như một liều thuốc tinh thần ý nghĩa cho cộng đồng”. Đó có phải là điểm xuất phát cho loạt tranh chia sẻ, động viên đồng bào trong lũ lụt miền trung 2020 và sau đó là đại dịch Covid-19 năm 2021?

Những ngày khúc ruột miền trung oằn mình trong nước lũ, tôi thấy tiếc khi nhiều câu chuyện đời thường cảm động, nhiều nhịp cầu nối giữa người muốn cho đi và người cần giúp đỡ không có cơ hội đến được với đám đông vì nội dung thường là thông tin văn bản, lại được đăng tải trên những trang ít tương tác nên hiệu ứng lan tỏa rất khiêm tốn. Chuyển tải thông điệp bằng những mẩu truyện tranh với ngôn ngữ thể hiện sinh động, bắt mắt hơn trên trang fanpage của mình là việc nằm trong khả năng, cũng là trách nhiệm và nghĩa vụ công dân mà tôi nghĩ mình có thể làm.

Làn sóng dịch bệnh lần thứ tư bùng phát, rồi thành phố phía nam nơi tôi gắn bó mệt nhoài chống chọi với đại dịch, nếu không động viên tuyến đầu, không tiếp thêm động lực tích cực để họ giữ vững tinh thần chiến đấu thì làm sao cộng đồng nói chung và chính mình nói riêng giữ được an toàn? Bởi thế, đều đặn mỗi ngày, tôi cố gắng chọn lọc và chuyển tải bằng ngôn ngữ hoạt họa một câu chuyện đời thường xúc động, hướng tới cảm xúc lạc quan, tích cực để tri ân những chiến binh quả cảm nơi tuyến đầu. Nguồn tư liệu rất nhiều, từ các phương tiện truyền thông, từ chính người trong cuộc gửi gắm. Mỗi sáng, tôi luôn dành ra vài tiếng đồng hồ đọc và trả lời tin nhắn của mọi người, kiểm chứng tính chính xác của nguồn tin nếu nó xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội, liên hệ với chính chủ để giải quyết vấn đề bản quyền... Để rồi sau đó, tái hiện lát cắt khiến mình xúc động nhất bằng một hoặc cả chùm tranh, đăng tải và chờ cộng đồng thưởng thức, phản hồi và chia sẻ để cùng lan tỏa năng lượng tích cực, để giữ được tinh thần mạnh mẽ và kiên cường, khi đại dịch vẫn chưa thể được kiểm soát.

Dự án vì cộng đồng này đã kéo dài hơn ba tháng, lượng tác phẩm mà tôi thực hiện cũng đã khá nhiều. Tôi có dự định kết hợp với một trung tâm người khuyết tật để tổ chức một cuộc triển lãm, xuất bản cuốn sách về những ngày không thể nào quên, khi cuộc chiến cam go này đi qua. Tất cả lợi nhuận sẽ dành tặng những người kém may mắn hơn mình, tôi mong thế!

Trân trọng cảm ơn anh!