Tôi là tôi khi tôi về nhà

Sáng sớm, tôi thận trọng mặc một chiếc áo khoác mỏng, xỏ chân vào giày vải và đi vào rừng. Bây giờ đã chớm sang hè, nhưng ở đây vẫn là cuối xuân. Một chút giá lạnh vẫn còn len qua mọi khoảng trống.

Minh họa: Lê Thiết Cương
Minh họa: Lê Thiết Cương

Khu rừng nhỏ, thật ra tôi thích gọi nó là rừng thôi chứ nó chỉ có một ít cây bụi, một ít cây cao tầm trung, bao bọc lấy gần như kín mít một tu viện cổ hoang tàn. Theo thời gian, tu viện chỉ còn lại mấy bức tường.

Nó bị quên lãng.

Tôi luôn bị hưng phấn trước những gì bị lãng quên.

Trong cái quỹ đạo quay quanh mặt trời cùng tám hành tinh khác, trái đất không một giây nào dừng lại, liệu có thứ gì ở trên nó lại không vận động? Thực tế thì chẳng có gì hết, kể cả mấy bức tường xây bằng đá từ thế kỷ trước của tu viện kia. Những viên đá mòn đi, những vạch vữa bị khoét sâu, những bức tường nghiêng theo lực hút của Trái đất, những lớp rêu mọc rồi rụng, lại mọc lại rụng... Dù sao, chúng chỉ tự vận động thôi, còn thì hầu như không ai bận tâm đến chúng nữa.

Không bận tâm, không làm phiền và không bị làm phiền.

Khu rừng đẹp đến nỗi tôi muốn ngồi xuống, dưới một bức tường. Bức-tường-của-tôi, thật lâu. Đủ lâu để viết một cuốn sách. Một cuốn sách mà trong đó chứa đựng tất cả mọi vui sướng cũng như muộn phiền, mọi hạnh phúc cũng như cay đắng... nhưng bao trùm là niềm vui sống, niềm khát khao được sống thật đích đáng, từng ngày. Và cũng có thể, nó viết về cái chết. Tôi từng nghĩ rằng cuốn sách cuối cùng mình viết sẽ là một cuốn sách về cái chết - sự tồn tại vĩ đại của mọi kiếp phận trong cõi nhân gian này.

Những bức tường phủ đầy rêu đỏ, dưới nắng chúng óng lên như nhung. Nghe nói tu viện này được xây dựng từ năm 1942 và là nơi tu hành của 12 nữ tu theo lối khổ hạnh thuộc dòng Nữ tu của Hội thánh Kito cải giáo sinh hoạt truyền đạo. Nhưng họ chỉ ở đó một thời gian ngắn, vài năm, rồi sau đó không có ai quay lại nữa.

Sự tĩnh lặng bao trùm.

Chỉ có tiếng những con côn trùng di chuyển trên cỏ và vài chiếc lá nghiêng trong úa tàn.

Nắng cuối xuân như mật, ngọt và lấp lánh.

Gió cuối xuân như lụa, một chút giá lạnh.

Hương cuối xuân như hoa rụng, lưu luyến, thơm tho.

Ở đây, tôi không cảm thấy thành phố nữa.

Cái thành phố ấy, mặc dù đã nương tựa vào nó hơn hai thập kỷ nhưng rất nhiều khi tôi cảm thấy mình giống hệt một hạt ngô bị văng ra khi chiếc cối xay quá nhanh. Hay có những khi thấy mình không có chỗ để dù chỉ đứng yên và thở. Xa lạ, ngơ ngác, bơ vơ giữa cái đô thị kinh khủng tiếng ồn. Ồn từ đời sống tới tận tâm can. Tới mức bấn loạn, hoàn toàn không thể tập trung vào bất kỳ một việc gì dù quan trọng tới đâu. Hình như đô thị càng hiện đại càng có khả năng phá hoại đến tan hoang những xúc cảm trong trẻo vốn có của loài người.

Người ta nói rằng, kể từ khi loài Homo Sapiens đứng đầu chuỗi thức ăn thì chỉ trong có vài nghìn năm, 2/3 số động vật hoang dã to lớn trên hành tinh đã bị tuyệt chủng. Người ta nói, tính trung bình, cứ 6 giây, một diện tích rừng tương đương một sân bóng đá bị biến mất. Người ta cũng nói, một trong những vấn đề lớn nhất toàn cầu, là ô nhiễm ánh sáng. Những đại đô thị sáng đèn thâu đêm khiến cho hàng triệu triệu chú chim bị mất phương hướng, mất thói quen sinh trưởng và bấn loạn trên bầu trời không biết đâu là những vì sao. Tất cả, không trừ một ai, đều phải đánh mất mình dù nhiều dù ít, khi đổi lấy sự sinh tồn ở các đô thị - trung tâm của các nền văn minh hiện đại.

Và so với sự kinh khủng ấy, một cá nhân như tôi có là gì. Không bị bóp nghẹt tới bẹp dúm, mỏng dính, đã là một kì tích rồi. Để có thể tái sinh năng lượng, tôi phải xoay sở bằng việc chạy trốn khỏi thành phố và trở về những cánh rừng. Tất nhiên, đâu có thể chạy trốn được mãi. Và quan trọng là, trốn được sự việc, chắc gì trốn được bản thân? Những câu tự vấn mới là gánh nặng thật nhọc nhằn. Rồi thì cũng phải quay về cái đô thị ấy thôi. Trốn mãi sao được.

Đêm qua tôi chỉ cho lũ trẻ vầng trăng gần giữa tháng giống như một món quà đính trên bầu trời thẫm đen nhưng trong trẻo. Đã bao lâu rồi chúng không được nhìn thấy dù chỉ là một ngôi sao, chứ đừng nói một vầng trăng khuyết hay tròn? Không chắc nữa. Những đứa trẻ lớn lên trong không gian ngột ngạt của những bức tường, những hành lang, những vỉa hè chật cứng xe máy, và hầu như không bao giờ nhìn thấy một bầu trời thật sự. Chúng tồn tại, không phải sống. Tôi cảm thấy ngậm ngùi khi nghĩ vậy. Và cũng cảm thấy có lỗi vì đã buộc lũ trẻ không thể sống một cuộc sống khác, giả dụ như tôi khi xưa.

Chúng đang biết về thế giới này hầu như hoàn toàn qua internet. Những cánh đồng cò trắng, những đàn trâu đủng đỉnh ven đê lúc hoàng hôn, những rơm rạ và nếp nhà khói tỏa, những khu rừng đầy chim chóc và động vật hoang dã... Tất cả, đều ở trên những cái màn hình tinh thể lỏng. Khi chúng kêu thét lên vì nhìn thấy một con gián, hay rên rẩm vì bị muỗi đốt trong thang máy, tôi cũng chỉ muốn hét lên. Rằng mẹ của các con đã từng lớn lên trong một khu rừng mà mỗi lúc nhập nhoạng muỗi lại bay ra hàng đàn hàng lũ, tiếng vo ve inh tai nhức óc. Mà có làm sao đâu, vẫn lớn lên đấy thôi. Tất nhiên, cuối cùng tôi kìm được. Bọn trẻ không có lỗi, và thật ra thì tôi cũng chẳng có lỗi.

Tôi ngồi thật im lặng trên một vạt cỏ. Không ai động đến nên ngay cả những vạt cỏ cũng xanh non, cứ rợp cả lên. Tôi ước lòng mình được yên tĩnh, thật là yên tĩnh, như cái không gian thấm đẫm hoang phế trộn lẫn với sự hồi sinh đáng kinh ngạc của cây cối này. Cây sống cuộc sống của cây và những bức tường vẫn còn thẳng đứng. Chỉ là chúng chưa đổ thôi. Một ngày nào đó chúng sẽ ụp xuống, vụn vỡ, và cỏ cây sẽ cứ thế mà phủ lên, mọc lên. Trước mặt tôi có một cây mận. Cây mận cao tới mức tán của nó vượt qua cả đỉnh của bức tường.

Trong số những loài cây ăn quả ra hoa vào mùa xuân thì mận là loài tôi thích nhất. Khi xưa tôi có một cây như thế ở cuối khu vườn trong thung lũng. Nó lớn lên cùng với tôi, ra hoa mỗi mùa xuân và quả chín vào mỗi mùa hè. Tôi đã ngồi vắt vẻo trên chạc của cây mận ấy và đọc cuốn sách mà tôi thích nhất trong suốt tuổi thơ. Tôi không nhớ đã bao nhiêu lần tôi viết về cây mận, về hoa và quả, thậm chí cả về tình yêu và thân phận đàn bà bên tán một cây mận nào đó...

Cây mận ở đây thì gầy, cao, lá đang xanh lắm và trĩu trịt quả non. Bây giờ mới cuối xuân mà. À không, đúng ra thì đầu hè chứ. Cái tiết trời này cứ khiến người ta nhớ nhớ quên quên. Mai kia nó sẽ chín. Có thể hơi chua, có thể rất giòn và ngọt. Nó sẽ là lý do để lũ trẻ quanh đây kiếm cớ tạt ngang mỗi khi tan học về.

Tôi cảm thấy mình đang chìm nghỉm trong cái không gian tĩnh lặng tới mức nghe thấy cả tiếng những miếng vỏ khô mầu trắng bạc của cây mận vừa nứt ra, hay là tiếng của những hạt bụi.

Bên dưới kia, băng qua con đường khấp khểnh dưới chân núi, là thung lũng. Một cái thung lũng rất lớn, nằm sâu dưới đáy những dãy núi liền kề nhau. Con đường ấy chạy đúng một vòng khép kín ở lưng chừng núi. Nghĩa là bạn có đi kiểu gì đi nữa, cứ theo con đường đó, thì cuối cùng cũng sẽ về nơi xuất phát. Những thửa ruộng mới đổ nước, có lẽ lâu lâu nữa người ta mới cấy.

Bạn tôi nói tôi bị hưng phấn khi về miền núi. Mỗi khi gần về tới nhà là bất giác nhấn mạnh chân ga và đột nhiên im bặt. Ừ, đúng là tôi luôn im bặt khi bị xúc động quá. Lúc nào tôi cũng muốn về. Tôi thấy tôi là tôi khi tôi về đây. Khi tôi nhấn chân ga và hạ xuống một chút cửa, thấy mùi của rừng ngập trong không gian, thấy hơi thở của tôi lẫn vào hơi thở của rừng, thấy tim tôi đang đập những nhịp đập của rừng.

Trong thứ ánh sáng thật lộng lẫy của mặt trời, và bên mầu xanh tràn đầy sức sống của những tán lá xanh non, hai đứa trẻ của tôi đang rủ nhau chụp ảnh. Chân tay chúng chưa từng bị một vết gai cào, chưa từng bị một nốt vắt cắn, chưa từng bị đói vì leo rừng quá lâu, quá xa, mãi chưa kịp về nhà. Bất giác tôi ước mình là chúng, khi rời khỏi những chật hẹp của phố phường rộng lớn. Chúng có thấy hạnh phúc khi ở trong khu rừng đẫm ướt và lấp lánh ánh sáng mầu mật ong này không?

Có lẽ chúng cũng giống như con cánh cam có mầu xanh như lụa, hay như sơn mài, đang đậu trên cành tầm xuân bò qua gờ tường kia thôi, hồn nhiên nhìn cuộc đời bằng đôi mắt ngơ ngác, một tâm hồn lương thiện và lòng tin ngập tràn vào những điều tốt đẹp.

Dường như, thực tế là chỉ có tôi mới luôn cảm thấy ngột ngạt vì đã quá muộn để thích nghi với một đô thị không có mặt trăng lẫn những vì sao, còn bọn trẻ, chúng yêu mọi thứ chung quanh hơn chúng ta nhiều. Bằng chứng là ở đây hay ở kia, chúng đều luôn thân thiện mỉm cười. Hai đứa rón rén đến gần con cánh cam, tranh cãi với nhau về việc gọi con bọ đó là con gì trong lúc nắng xuân vẫn đang miệt mài phủ vàng lên khắp các triền núi.

Nắng thật là ấm.

Và tôi chợt nhớ ra là mình có một lời hẹn, sẽ làm một điều rất quan trọng vào một ngày nắng đẹp, sau những dầm dề lê thê ẩm ướt. Ngày đó liệu đã tới chưa? Liệu có phải hôm nay, lúc này, ở đây, nơi những con côn trùng vẫn chưa tỉnh hẳn giấc dài sau mùa đông lạnh giá?