Nhà thơ Đặng Thị Thanh Hương:

Tìm thấy chính mình

Hương về Hà Nội ra mắt tập thơ mới: Cánh cửa bên kia trời. Vẫn kiểu của Hương, đông đúc, ồn ào và chân thành, yếu đuối, chị đưa thơ vào không gian sang trọng, để thơ được ưu ái, trọng thị, được săn đón tung hô như những ngôi sao showbiz.

Ký họa chân dung nhà thơ Đặng Thị Thanh Hương của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường.
Ký họa chân dung nhà thơ Đặng Thị Thanh Hương của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường.

Chớp mắt, cô gái ở phố núi Yên Bái về Thủ đô học, lập nghiệp, rồi đổ vỡ hôn nhân, rồi vào TP Hồ Chí Minh làm lại từ đầu, rồi theo con ra nước ngoài chăm con, chăm cháu, trong hoàn cảnh nào chị cũng có thơ làm chốn nương thân. Những trải nghiệm gập ghềnh trên đường đời dằng dặc góp phần xác lập một Đặng Thị Thanh Hương bản năng day dứt, đa tình, nhiều chiêm nghiệm trong làng thơ nữ Việt thời mở cửa...

Năm 1993, Hương tốt nghiệp Đại học Văn hóa, đã lấy chồng sinh con, có việc làm và một cuộc sống ổn định ở quê nhà, đã trình làng tập thơ thứ nhất, nhưng rồi những thúc bách khát khao trong sâu thẳm cõi lòng của thiếu phụ nhiều u uẩn khiến chị gạt hết yên bình sang bên, về lại Hà Nội thi tuyển vào Khóa 5 Trường Viết văn Nguyễn Du. 

Những tháng năm ấy là học, lao động, làm tất cả những việc gì có thể, từ làm báo, tập tành kinh doanh, vật lộn mưu sinh chăm sóc gia đình. Lúc nào cũng nồng nhiệt, làm việc gì cũng hừng hực một tinh thần dấn thân, chị từng tự bỏ tiền túi vào casino thử đánh bài để lấy tư liệu viết phóng sự, tự mò mẫm đến tụ điểm bị coi là tệ nạn rồi thu về hàng loạt bài nóng rẫy mà giàu trắc ẩn. Quyết liệt thế nhưng lúc nào cũng cười, hổn hển cười, Hương như người thừa năng lượng, sẵn sàng lan tỏa cái năng lượng tích cực ấy đến những người chung quanh. 

Éo le nỗi, sự thành công trên đường đời dường như tỷ lệ nghịch với truân chuyên trong hạnh phúc riêng. Đổ vỡ gia đình, Hương tự mình nuôi con, triền miên sau đó là chuỗi tháng năm kiếm tìm tình yêu - cả trong thơ lẫn cuộc sống thực, hoặc thơ đã xoa dịu bớt phần nào nỗi khắc khoải ở chuỗi ngày thường. 

Người đàn bà hai lần đổ vỡ hôn nhân, không bị vướng vào những hận thù trách móc, chị dẫu sao mặc lòng hồn nhiên tươi tắn, nhiệt tâm và bao dung, chỉ luôn thủ thỉ: Thương lắm cho những ai trong cuộc đời từng phải gọi nhau bằng chồng cũ và vợ cũ. Đó mới chính là đích hướng tới của Hương, trước khi thành nhà thơ phải là một người phụ nữ thành đạt và tử tế: Rồi bỗng chốc mọi điều vô nghĩa hết, Cơn gió cuối thu thổi thốc cuối đường về, Ta chợt nhận ra ta vẫn là đứa trẻ, Đuổi lá vàng theo gió cuối trời kia...

Tròn ba thập niên sau tập thơ đầu tiên ra mắt, đã có chín cuốn sách liên tục được xuất bản, một số lượng đủ sức găm cái tên Đặng Thị Thanh Hương vào nỗi nhớ của nhiều người yêu thơ. Chị cũng chủ động lựa chọn thế, tìm kiếm sự đồng cảm, kiếm tìm bạn bè, những sẻ chia chiu chắt giữa bộn bề đời sống. 

Buổi ra mắt tập thơ Cánh cửa bên kia trời cũng là dịp gặp gỡ tụ tập bằng hữu sau những cách ngăn vì dịch bệnh và khoảng xa vời không gian địa lý. Mỗi người một tay xúm vào, Hương chỉ còn biết “cảm động, bạn bè tốt quá, ai cũng nhiệt tình” và mở lòng ra thụ hưởng những ân tình ấy. Trình làng tập thơ có Diva Thanh Lam đến hát, có nhạc sĩ, có những nhà thơ nổi tiếng hàng đầu thi đàn, có rất nhiều người hâm mộ bay về từ nhiều vùng đất. 

Đấy là thành quả chị xứng đáng có được, sau quãng đời hết mình với công việc, với bạn bè, với thơ và trước hết với bổn phận trách nhiệm phải cáng đáng, nặng mang như chị từng bộc bạch: Tôi chỉ là hạt cát nhỏ nhoi, lăn lóc trong cõi đời vô tận, nếu một ngày tan vào gió bụi, tôi biết mình đã cháy đến tàn tro...

Sinh ra và lớn lên ở vùng núi rừng Tây Bắc từng hừng hực cái hoang dã cám dỗ trong một thiếu phụ mải miết săn tìm tình yêu, hạnh phúc và chốt lại đã hạnh ngộ tình yêu hạnh phúc đầy mộng tưởng trong thơ, Đặng Thị Thanh Hương càng lúc càng đằm, chín, sâu lắng cả thơ lẫn đời. Mọi lo toan vất vả đường đời đã hình thành nên một thiếu phụ tỉnh táo và thực tế, đủ để làm kinh doanh để không bị rơi vào cảnh ngộ của những thi nhân vướng vòng luẩn quẩn “cơm áo không đùa với khách thơ”. 

Thực tế khi sang Mỹ thăm con, thăm cháu, mắc kẹt bên đó vì vướng dịch bệnh, Hương sẵn sàng gạt bỏ cái sĩ diện của một doanh nhân, một người lao động chữ nghĩa, một nhà thơ có tên tuổi để làm bất cứ công việc chân tay nào, miễn hợp pháp và ra tiền. Hương chăm sóc người bệnh, cắt cỏ vườn nhà hàng xóm, chiều chiều dắt chó đi dạo. Như bản tính cha sinh mẹ dưỡng, chị sẵn lòng khoe mình trong những hình ảnh khác với niềm kiêu hãnh không giấu giếm của một người thừa tự trọng. 

Có lẽ thế, đã buông được những ràng buộc hình thức, Hương luôn trẻ, luôn cố hữu điệu cười sảng khoái, luôn biết cách khiến cuộc đời mình ấm áp, an lành: Nàng không khoe xiêm áo nữ trang, Không khoe nhà lầu, xe hơi và nhan sắc, Gia tài của nàng là những kỉ niệm và nụ cười chân chất, Là những tình yêu đã bỏ lại bên đường; Nàng là người tắm gió gội sương, Lấp lánh thăng trầm trên đôi mắt, Trí tuệ của nàng là những bài thơ đã viết, Cho kẻ đang yêu đọc lúc dỗi hờn. 

Thời gian, những biến cố cuộc đời chỉ khiến Hương sâu sắc mạnh mẽ hơn, bông hoa rừng hoang dại giữa Hà Nội ngày nào tích tụ nhụy ngọt đầy đặn hơn, chị đã tự tin bỏ hết màu mè cảnh vẻ, bóc gỡ dần từng lớp trang điểm bề ngoài để hiển hiện trong cái tôi nguyên sơ rực rỡ của người đàn bà đã thấu hiểu mọi lẽ đời. Đi một mạch từ rừng xuống phố, rồi vượt đại dương trải nghiệm ở vùng đất xa lạ hoàn toàn khi tuổi trẻ đã xa rời, Đặng Thị Thanh Hương đã nếm trải những quãng đường đời thi vị, dù phía trước mặt với chị vẫn chưa hẳn đã ngớt tạnh giông gió mưa sa... 

Nhân Dân hằng tháng trân trọng giới thiệu 2 bài thơ tiêu biểu của nhà thơ Đặng Thị Thanh Hương:

Bài ca chim nhạn

“Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương”

Đêm dài 
mù mịt khói sương
Nhớ về quê mẹ
con đường càng xa
Mẹ ơi!
năm tháng nhạt nhòa
Con đi 
ngày ấy lá trà hết xanh...
Chén trà nguội
đã bao lần
Mà con
chưa thể 
về dâng cho Người
Đường trần
khuất nẻo mù khơi
Mênh mông cánh nhạn
biển trời xa quê....
Con giờ
đã thoát bến mê
Đường tình
lắt lẻo cầu tre gẫy rồi
Mẹ ơi! 
nước mắt chảy xuôi
Lại thân cò trắng
ngậm ngùi sang sông...
Ngờ đâu 
gió lạnh mùa đông
Để cho
con tạo xoay vòng 
Xót xa.... 

Tìm thấy chính mình -0
Minh họa thơ | NGUYỄN MINH 

Giữa phố đông người sao chỉ thấy mình ta?

Sài Gòn giờ phố đã quen tên
Những cơn mưa ào lên rồi chợt tạnh
Ngày nối ngày bộn bề bao công việc
Chỉ đêm về cô độc nhớ ngày qua

Hà Nội ơi! Hình như phải đi xa
Mới thấy thương con đường về mỗi tối
Những gốc cây là tình yêu để lại
Bằng lăng mùa này tím thẫm hồ Tây

Phải xa rồi mới biết đã dời tay
Bao ân tình bạn bè yêu dấu quá
Nơi đây ồn ào, người chen nhau, rót tràn li mà sao xa lạ
Đêm trở về vẫn chỉ có mình ta

Bạn bè chào nhau vớt nụ cười xa
Nhưng chẳng tìm đâu một người tri kỉ
Hình như ở đây cứ lào phào như thế 
Những ân tình sớm nắng lại chiều mưa!

Giữa chốn đông người sao chỉ có riêng ta?