PGS,TS Nguyễn Thụy Loan:

Thời gian là thước đo chuẩn xác tính hấp dẫn của tác phẩm âm nhạc

PGS,TS Nguyễn Thụy Loan được biết đến là một chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực âm nhạc. Trước thềm Hội nghị Văn hóa toàn quốc nhằm triển khai thực hiện tư tưởng Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”, bà đã đưa ra góc nhìn sâu sắc, toàn diện về tính hấp dẫn của tác phẩm âm nhạc - một phạm trù tưởng như xưa cũ nhưng lại có tính thời sự trong bối cảnh các loại hình văn hóa nghe nhìn đang đua nở, nhập nhằng những giá trị thực và ảo.

PGS, TS Nguyễn Thụy Loan (phải) trò chuyện với tác giả. Ảnh | Nguyễn Hữu Thìn
PGS, TS Nguyễn Thụy Loan (phải) trò chuyện với tác giả. Ảnh | Nguyễn Hữu Thìn

Chào nhà nghiên cứu-phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Loan. Bà có thể đưa ra quan niệm của bản thân về tính hấp dẫn của tác phẩm âm nhạc?

Nói đến tính hấp dẫn của tác phẩm văn học nghệ thuật nói chung, tác phẩm âm nhạc nói riêng, câu hỏi đầu tiên đặt ra là “hấp dẫn ai” và câu trả lời sẽ là “công chúng”, nhưng đến đây lại nảy sinh vấn đề “công chúng nào”... Thế nên, đây là vấn đề không hề đơn giản. Bởi có nhiều loại đối tượng công chúng, với nhu cầu, thị hiếu khác biệt chi phối sự cảm nhận về tính hấp dẫn của nhạc phẩm đối với họ. Vì vậy, rất khó để có tác phẩm hấp dẫn được mọi loại đối tượng công chúng.

Ngay ở mỗi nhóm công chúng và mỗi người, nhu cầu sở thích âm nhạc lại thay đổi tùy thuộc bối cảnh, tình huống hoặc thời điểm, giai đoạn cụ thể trong cuộc đời riêng, cũng như trong từng giai đoạn lịch sử chung của đất nước mà họ đang sống. Chẳng hạn, từng quen và hài lòng với cách thể hiện Chiếc khăn piêu trong những thập niên 50-90 của thế kỷ trước, lúc đầu tác giả - nhạc sĩ Doãn Nho không thích phiên bản do ca sĩ Tùng Dương thể hiện, nhưng sau đó lại đánh giá cao việc “làm mới” của anh cùng nhạc sĩ phối khí Nguyên Lê.

Như vậy, tính hấp dẫn của tác phẩm âm nhạc là có điều kiện. Bởi, nó chịu sự chi phối của nhiều yếu tố khác nhau liên quan tới con người và sự rung động trái tim trong từng bối cảnh cụ thể của cuộc sống từng người và của cộng đồng mà họ là thành viên. Căn cứ đo lường sức hấp dẫn thường là: Số lượng xem, mua (vé, sản phẩm) hoặc bình chọn; giải thưởng, phần thưởng cho tác phẩm hoặc chuỗi tác phẩm và cho nhạc sĩ, nghệ sĩ.

Nhưng trong thực tế, những yếu tố vừa liệt kê có phản ánh trung thực tính hấp dẫn của các tác phẩm hay không, thưa bà?

Đã có nhiều nhà báo bỏ công đi sâu vào các ngóc ngách và vạch ra những sự thật đáng báo động đằng sau các con số, giải thưởng... Cho nên, không phải bao giờ tác phẩm được nhiều lượt xem cũng đều là tác phẩm có sức hấp dẫn đích thực. Bởi, có người do thích, cũng có người chỉ do ngẫu nhiên mà xem, người do hiệu ứng của thị hiếu đám đông, do tò mò, hiếu kỳ, hay vì tâm lý sùng “thần tượng”... Mặt khác, sức hấp dẫn của tác phẩm có khi không tự nảy sinh từ những người hâm mộ, mà là kết quả hưởng ứng chiến dịch “cày view” do chính nghệ sĩ tạo dựng đối với cộng đồng người hâm mộ của mình, hoặc là kết quả của việc tác phẩm, nghệ sĩ “nương nhờ” vào các hãng quảng cáo... Tương tự với số lượng lượt xem, số lượt bình chọn cũng chịu tác động của một số trong các yếu tố vừa kể.

Giải thưởng cũng vậy. Không ít tác phẩm đoạt giải thưởng được đông đảo công chúng mến mộ, song không phải tác phẩm không có giải thưởng là thiếu tính hấp dẫn. Bởi Ban giám khảo cũng chỉ là một nhóm “công chúng” mà không phải bao giờ cũng tuyệt đối sáng suốt, “chí công vô tư”. Lại có tác phẩm được đông đảo công chúng yêu thích, nhưng vì lý do nào đó mà không tham dự thì làm sao có giải thưởng, chưa kể sự “khoanh vùng” bởi danh sách đề cử của Ban tổ chức...

Như thế, dẫu chưa nêu hết mọi tình huống, song có nhiều vấn đề phức tạp, thậm chí hỗn độn, lẫn lộn thật-ảo, khó lường cho việc đánh giá tính hấp dẫn chân thực của tác phẩm âm nhạc.

Vậy, điều gì làm nên tính hấp dẫn chân thực của tác phẩm âm nhạc?

Tính hấp dẫn của tác phẩm âm nhạc nằm ở hai thực thể: Chính tác phẩm do nhạc sĩ sáng tạo; sự cộng hưởng giữa nghệ thuật sáng tạo của nhạc sĩ, có khi cả của nhà thơ - người đặt nền cho lời ca và nghệ thuật thể hiện của nghệ sĩ.

Để làm nên tính hấp dẫn chân thực, tác phẩm âm nhạc cần có nhiều yếu tố cụ thể, gồm những yếu tố cốt lõi và những yếu tố phụ trợ. Là nghệ thuật sử dụng âm thanh làm ngôn ngữ biểu hiện, cho nên âm thanh là yếu tố cốt lõi tạo nên tính hấp dẫn của tác phẩm âm nhạc. Chỉ có một từ, nhưng “âm thanh” của tác phẩm âm nhạc được tạo dựng từ nhiều nguồn khác nhau: âm thanh của bản nhạc/ bài hát do nhạc sĩ tư duy trong đầu hoặc thử trên đàn trong khi sáng tác; âm thanh với các yếu tố liên quan tới nghệ sĩ thể hiện (bao gồm cả lời ca); âm thanh do người hòa âm, phối khí tạo nên; âm thanh do ban nhạc đệm; âm thanh thông qua các yếu tố phụ trợ như người điều khiển bộ xử lý âm thanh (mixer), chất lượng bàn mixer, micro, loa, phòng hòa nhạc...

Về các yếu tố phụ trợ ngoài âm thanh, có thể phân biệt hai nhóm. Đầu tiên là các yếu tố liên quan tới thị giác. Cũng như âm thanh, yếu tố thị giác được tạo từ nhiều nguồn và tác động tới khán giả bằng sự tổng hòa của nhiều yếu tố: phương thức trình diễn của nghệ sĩ; hình ảnh đẹp (trên sân khấu hoặc trong video); nghệ thuật quay, chọn và dựng hình mang ý tưởng sâu sắc; nghệ thuật dàn dựng của biên đạo múa và nghệ thuật biểu diễn của các vũ công phụ họa; trang phục diễn viên; thiết kế ánh sáng; nghệ thuật dàn dựng tổng thể của đạo diễn; những câu chuyện, những yếu tố điện ảnh được lồng vào MV... Hai là các yếu tố phi thính giác-thị giác như: sự tìm tòi cái mới; sự rung động trái tim của nhạc sĩ khi sáng tác và của nghệ sĩ khi biểu diễn; thời cơ thuận lợi...

Bà suy nghĩ thế nào về bản chất của tính hấp dẫn và mối quan hệ giữa tính hấp dẫn với giá trị của tác phẩm âm nhạc?

Về nguyên lý, bản chất của tính hấp dẫn nằm ở những yếu tố cơ bản sau: Thứ nhất là đáp ứng nhu cầu, tâm tư tình cảm công chúng trong những bối cảnh cụ thể hoặc gợi nhớ những kỷ niệm, trải nghiệm trong đời. Tùy thuộc loại nhu cầu lành mạnh hay không mà yếu tố này có thể mang tính tích cực hoặc tiêu cực. Thứ hai là tác động mạnh tới cảm xúc người nghe và chinh phục họ, không phụ thuộc bất kỳ tình huống, bối cảnh nào. Thứ ba là kích thích sự hiếu kỳ của công chúng. Yếu tố này cũng có cả mặt tích cực và tiêu cực, phụ thuộc vào công chúng có thị hiếu âm nhạc tốt, lành mạnh hay có sở thích với những thứ “độc lạ” rẻ tiền. Thứ tư là đạt tới Chân-Thiện-Mỹ. Tuy có quan hệ mật thiết với nhau, nhưng tính hấp dẫn và giá trị của tác phẩm âm nhạc không phải là một cặp luôn song hành và tỷ lệ thuận với nhau - nhất là khi những thước đo tính hấp dẫn tiềm ẩn những yếu tố ảo, không phản ánh đúng tính hấp dẫn chân thực của tác phẩm.

Tựu trung, đâu là thước đo chuẩn xác nhất tính hấp dẫn chân thực và giá trị bền vững của tác phẩm âm nhạc, thưa bà?

Âm thanh đã qua bộ lọc thời gian là thước đo chuẩn xác nhất giá trị đích thực của tác phẩm âm nhạc. Bởi, âm thanh chính là yếu tố cốt lõi của âm nhạc. Nếu chỉ thuần túy bằng nghệ thuật âm thanh với sự cảm nhận bằng thính giác - không cần sự hỗ trợ của yếu tố thị giác, mà tác phẩm vẫn lay động trái tim người nghe, thì đó là tác phẩm âm nhạc có tính hấp dẫn và giá trị nghệ thuật đích thực.

Còn nếu thời cơ có thể tạo điều kiện để tác phẩm thăng hoa, thì thời gian là bộ lọc khách quan, vô tư và chuẩn xác nhất khẳng định tính hấp dẫn chân thực cùng giá trị bền vững của tác phẩm âm nhạc. Có những tác phẩm từng có hàng chục triệu lượt xem/nghe nhưng sau một thời gian, không mấy ai nhớ hoặc muốn xem/nghe lại nữa. Trong khi đó, có những tác phẩm ra đời từ cách đây vài thế kỷ vẫn khiến trái tim người nghe rung động - kể cả những khán thính giả thuộc các nền văn hóa xa lạ với nền văn hóa đã sản sinh ra tác giả và tác phẩm ấy. Tất nhiên, như đã nói, những tác phẩm có giá trị bền vững thì cũng không phải mọi công chúng đều hiểu và thích, bởi không có tính hấp dẫn vô điều kiện và mỗi loại nhạc có công chúng riêng với số lượng không đồng nhất.