Tháng Ba - Góc nhìn giàu tính nữ

Diễn ra từ ngày 19 đến 28/03/2022, tại Nhà triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền (Hà Nội), triển lãm “Tháng Ba” – với hơn 70 tác phẩm nhất quán một phong cách hiện thực pha ấn tượng hàm chứa một góc nhìn đậm đặc tính nữ chính là món quà mới nhất mà hai cây cọ nữ sở hữu rất nhiều nét tương đồng trong cả đời và nghiệp gửi tặng công chúng yêu mỹ thuật Thủ đô. 

Họa sĩ Trần Thị Trường trong xưởng vẽ.
Họa sĩ Trần Thị Trường trong xưởng vẽ.

Trần Thị Trường không còn là cái tên lạ, ngay cả trong lĩnh vực hội họa mà bà quyết định rẽ ngang ba năm trở lại đây sau bao tháng ngày định danh nhà văn – nhà báo. Bao năm say mê tung hứng cùng 24 con chữ, bao năm đồng cảm yêu thương sẻ chia cùng những thân phận đàn bà, nhà văn Trần Thị Trường đã kịp sở hữu một gia văn chương dày dặn, với nhiều tiểu thuyết và tập truyện ngắn được độc giả đón nhận như Lời cuối cho em, Người mắc chứng điên hay Thời gian ngoảnh mặt, Tình như chút nắng…

Công chúng biết đến Lê Thiếu Ngân chủ yếu bởi bà là con gái yêu của nhiếp ảnh gia Lê Vượng, là vợ của Đại sứ Nguyễn Phú Bình. Gắn bó với khoa Tiếng Nga, trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội ở cả hai vai trò sinh viên và giảng viên, nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Tổng hợp Leningrad rồi về nước giảng dạy tại khoa Ngôn ngữ và văn hóa Nga cho tới lúc nghỉ hưu. Những tháng năm theo chồng đảm nhiệm vai trò Phu nhân Đại sứ tại Hàn Quốc rồi Nhật Bản, bà dốc lòng góp sức trong mọi hoạt động ngoại giao, với vai trò một sứ giả nhiệt thành quảng bá văn hóa – du lịch Việt Nam đến bè bạn phương xa. Từ tổ chức Lễ hội Việt Nam tới sự kiện Gặp gỡ Mùa thu, từ dạy nấu ăn trên kênh truyền hình NHK tới đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội phụ nữ châu Á – Thái Bình Dương tại Tokyo… Một không gian nghệ thuật tổ chức hằng tháng, với sự góp mặt của những văn sĩ – trí thức – nghệ sĩ nổi tiếng trong nước đã góp phần đưa những tinh hoa văn hóa nghệ thuật đến với cộng đồng quốc tế.

Tháng Ba - Góc nhìn giàu tính nữ -0
Chân dung NSND Ngô Hoàng Quân. Tranh: Trần Thị Trường 

Trần Thị Trường từng theo học Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, từng bỏ ngang không tốt nghiệp rồi quyết định tìm thầy, cầm cọ và trải lòng trên toan bằng những hình khối và mảng mầu. Lê Thiếu Ngân đã từng theo các tên tuổi Shoko và Suiko Ohta học vẽ tranh thủy mặc (sumi-e) tại Tokyo, từng thọ giáo họa sĩ Văn Dương Thành. Và không hẹn mà nên, cả hai đều trở thành học trò của họa sĩ Hải Kiên, đều định hình và gắn bó với phong cách hiện thực pha ấn tượng.

Quyết định song hành cùng cây cọ tấm toan khi đã ở tuổi xế chiều nhưng cả hai người phụ nữ đều để lại những dấu ấn riêng, với cái nhìn đằm thắm, hồn hậu và dịu dàng, nhu hòa thấm đẫm trong từng tác phẩm. Trước Tháng Ba, họa sĩ Trần Thị Trường đã nhanh chóng có được triển lãm cá nhân đầu tiên sau tám tháng theo học, với 48 tác phẩm mang cái tên rất nữ tính Những xúc cảm bằng màu.

Và cũng trước Tháng Ba, họa sĩ Lê Thiếu Ngân đã kịp trưng bày vài phòng tranh cá nhân, tham gia vài triển lãm nhóm và tác phẩm đã kịp thuộc về một số bộ sưu tập cá nhân trong và ngoài nước.

Tháng Ba - Góc nhìn giàu tính nữ -0
Họa sĩ Lê Thiếu Ngân.

Cả hai đều là phụ nữ gốc Hà thành. Cả hai đều đã an nhiên bước qua ngưỡng tuổi “xưa nay hiếm”. Cả hai đều thuộc tuýp người năng động, đam mê nghệ thuật và không chịu được nhịp sống an nhàn, đơn điệu. Một danh sách dài những điểm tương đồng có lẽ đã trở thành nguyên do để hai cây cọ quyết định đứng chung, trong cuộc triển lãm diễn ra đúng vào “tháng tôn vinh phái đẹp”. Gửi đến công chúng những tác phẩm mới nhất, chủ yếu sáng tác trong suốt quãng thời gian hai năm đại dịch phủ bóng đen hắc ám khắp toàn cầu, “giữa thời điểm khó khăn, khi dịch bệnh vẫn đang hoành hành, hy vọng người xem sẽ có cảm giác thư giãn, dịu lòng và có thêm động lực vượt qua tất cả” – họa sĩ Lê Thiếu Ngân chia sẻ. Còn với họa sĩ Trần Thị Trường “tuy tranh của chúng tôi đều được đón nhận trong những cuộc trưng bày riêng lẻ nhưng cả hai vẫn hy vọng có một triển lãm chung, như một dấu ấn đẹp và đáng nhớ trên chặng đường sáng tác”.

Tĩnh vật – Chân dung – Phong cảnh là ba chủ đề mà cả hai cây cọ cùng say mê gửi gắm, trong những bức tranh khổ nhỏ và vừa. Chất liệu chính mà họ sử dụng đều là sơn dầu trên toan. Chỉ duy nhất ba bức theo phong cách thủy mặc của họa sĩ Lê Thiếu Ngân là điểm xuyết chất liệu mầu nước.

  • Tinh_vat_1_Le_Thieu_Ngan-1648531076122.jpg

    Tĩnh vật 1. Tranh: Lê Thiếu Ngân

  • Vu_dieu_hoa_ly_Tran_Thi_Truong-1648531075740.jpg

    Vũ điệu hoa ly.Tranh: Trần Thị Trường

  • Chan_dung_le_Thieu_Ngan-1648531075631.jpg

    Chân dung. Tranh: Lê Thiếu Ngân

..

Bên cạnh những lọ hoa khoe sắc, những đồ vật gần gũi thân thuộc trong mỗi căn nhà hay những khung cảnh bàng bạc sắc màu hoài niệm, chân dung những con người bình dị trong tranh Lê Thiếu Ngân hay những nhân vật nổi tiếng như nữ sĩ Xuân Quỳnh, nghệ sĩ cello Ngô Hoàng Quân, nhạc trưởng Lê Phi Phi, luật sư Ngô Bá Thành cũng hiện lên đầy sinh động, yêu thương dưới nét cọ của họa sĩ Trần Thị Trường…

Tính nữ xuyên suốt, tính nữ bao trùm trong mọi hình khối, đường nét lẫn mảng mầu. Đó là cảm xúc chủ đạo của phần đông người xem khi được gặp gỡ “Tháng Ba”. Dễ hiểu thôi, bởi họ đều là những người phụ nữ!