Sân khấu Việt vẫn chuyện “khát” kịch bản hay

“Khát” kịch bản hay, mang đậm hơi thở thời cuộc vẫn là câu chuyện đau đầu nhất của sân khấu, đặc biệt trong giai đoạn phục hồi, tìm lại khán giả sau một thời gian lao đao vì đại dịch Covid-19. Sự sáng đèn trở lại là tín hiệu mừng, nhưng nhìn chung, vẫn những vở cũ dựng lại trên khắp các sân khấu lớn nhỏ trong nam ngoài bắc.

Cảnh trong vở Thiên mệnh- Nhà hát kịch Việt Nam.
Cảnh trong vở Thiên mệnh- Nhà hát kịch Việt Nam.

Khi đời sống trở về trạng thái “bình thường mới”, sân khấu cũng như các loại hình nghệ thuật lập tức quay trở lại tìm gặp khán giả của mình. Đầu năm 2022, nhiều sàn diễn từ bắc đến nam đã liên tục sáng đèn phục vụ công chúng. Nhiều nhà hát bán vé, tăng suất diễn, thậm chí đông khán giả, nhưng cơ bản vẫn dựng lại, thậm chí diễn lại vở cũ. 

Nhà hát kịch Việt Nam dựng Nghêu, sò, ốc, hến phiên bản mới, Nhà hát kịch Hà Nội diễn lại Làng song sinh - một vở diễn của tác giả Xuân Đức, Nhà hát Tuổi trẻ đầu xuân dựng lại Ông không phải là bố tôi của Lưu Quang Vũ. Ở thành phố Hồ Chí Minh, các sân khấu thắp đèn vẫn chủ yếu diễn lại các vở đã được dựng từ mấy năm về trước. 

Việc sân khấu quay trở lại và được khán giả đón nhận nhiệt tình ít nhiều thắp lên ngọn lửa hy vọng cho một loại hình nghệ thuật vốn nhiều âu lo về việc ngày càng mất khán giả. Nhưng cái mừng này chỉ là chút thoáng qua, an ủi các nghệ sĩ sau một thời gian dài phải “nằm im thở khẽ” vì đại dịch thì nay đã được sống với đam mê, tiếp tục cống hiến cho nghệ thuật. 

Sân khấu tự hào vì đã có một truyền thống dày dặn và nhiều tên tuổi lớn trong quá khứ, nhưng trên bình diện một lĩnh vực nghệ thuật, với mong muốn có những bước đi theo kịp đời sống, phản ánh tiếng nói của đời sống, thì nhìn vào kịch mục của các nhà hát hiện nay, chúng ta không thể không lo lắng. Căn nguyên chính là thiếu kịch bản hay, vấn nạn “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”của sân khấu mấy thập kỷ qua. 

Chạnh buồn là trong hành trình 100 năm tự hào của kịch nói, không có mấy vở diễn của tác giả hôm nay mang dấu ấn đủ mạnh để có thể đứng ngang hàng với những tên tuổi sáng chói thuộc thế hệ đàn anh đi trước.

Dựng lại vở cũ, dù vẫn hay, vẫn được khán giả đón nhận nắc nỏm nhưng cho dù có làm mới đến đâu, vẫn là mượn cái xưa nói cái hôm nay sẽ không tránh khỏi cũ mòn. Một nền sân khấu muốn phát triển thì không thể mãi ngoái nhìn về quá khứ, mà phải xây dựng được những “tháp ngà” của thời đại đang sống, là dấu ấn để lại cho các thế hệ sau này. 

Có quá nhiều vấn đề xảy ra như thiên tai, dịch bệnh, những vụ đại án, thay đổi của nông thôn, thành thị trong thời đại công nghệ... nhưng tiếng nói của sân khấu vẫn còn yếu ớt, chưa đủ mạnh để gây chấn động tình cảm, tâm tư của khán giả. Nếu không rốt ráo dành sự quan tâm thỏa đáng để sớm thay đổi tình hình, sân khấu sẽ ngày càng xa rời đời sống và có nguy cơ bị nhấn chìm trong muôn vàn loại hình nghệ thuật giải trí thời công nghệ hiện nay.

Thiết nghĩ, việc dựng lại những vở cũ, cần được nhìn nhận như giải pháp tình thế, hoặc trong những dịp đặc biệt để lễ lạt, kỷ niệm và chỉ nên chiếm một phần nhỏ trong kịch mục biểu diễn của một đơn vị sân khấu. Dù biết thế, nhưng nhiều lãnh đạo đơn vị sân khấu vẫn không thể xoay xở ra kịch bản hay về đề tài đương đại. Đạo diễn, NSƯT Bùi Như Lai chia sẻ: “Chúng ta thiếu một thế hệ kế cận có thể viết được những kịch bản mang tính thời đại và có giá trị lâu dài như các tác giả trước đây”.

Vậy, làm cách nào để bù đắp khoảng trống này? Giải pháp rốt ráo cho vấn đề này, mạo muội nghĩ, phải bắt đầu từ Hội nghề nghiệp. Đáng quan tâm có thể kể đến ý kiến của NSƯT Đỗ Kỷ, rằng Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam nên là đơn vị chủ trì, phối hợp các cơ quan ban ngành mở những lớp bồi dưỡng ngắn hạn, tạo điều kiện cho các tác giả đi thực tế ở các địa phương, các ngành có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội. 

Từ đó, các tác giả có tư liệu xây dựng các đề cương, xác định chủ đề, đề tài cho kịch bản, sau đó chọn lựa những kịch bản tiềm năng và mời tác giả tham gia trại sáng tác để họ có thời gian hoàn thiện tác phẩm. Phải liên tục có sự kết nối, bồi dưỡng kỹ năng sáng tác cho các tác giả sân khấu trẻ, khuyến khích tạo điều kiện để kịch bản của họ được dàn dựng. 

Ngoài ra, sự thay đổi phải đến từ chính các nhà hát. Hằng năm tỷ lệ vở diễn mới về đề tài đương đại cần phải quy định bắt buộc, để công chúng vẫn luôn có cơ hội được tiếp cận các vở diễn mới. Rồi các kỳ hội diễn cũng cần có quy chế rõ ràng ưu tiên, khuyến khích trao giải cho các vở đề tài đương đại. 

Việc tạo cơ chế, môi trường cho các tác giả sân khấu mới xuất hiện là vô cùng cần thiết. Người viết kịch bản sân khấu khác với người viết tiểu thuyết, làm thơ là bởi những gì họ viết ra để đến được công chúng phải qua các đoàn nghệ thuật, do đó vấn đề kiểm duyệt kịch bản, hợp tác để sửa chữa, nâng cao kịch bản cũng cần một sự tinh nhạy, phù hợp, làm sao khuyến khích được người viết. 

Có như vậy, họ mới có thể đi đường dài, sẵn sàng “sục” vào các vấn đề nóng của đời sống và đưa lên sàn diễn, từ đó dần hình thành và tạo ra một đội ngũ tác giả đáp ứng được đòi hỏi của công chúng, đưa sân khấu đến ngày một gần hơn với đời sống.