Sải Sán

Con đèo Ô Quy Hồ dài, quanh co dốc và vắng lặng. Nhịp sống ở đây bị khuất lấp, không dễ quan sát, nên khách qua đèo thường cảm nhận sự lạnh lẽo cô đơn, hoang vắng. Nếu nói Sa Pa là đệ nhất cảnh quan "thanh-kỳ-tĩnh" vùng Tây Bắc, thì cái "tĩnh" ấy e rằng một phần thuộc về tâm trạng con người.

Ảnh | CHU VIỆT BẮC
Ảnh | CHU VIỆT BẮC

Mười lăm năm sống trên cao nguyên, ngay giữa lòng thị trấn Sa Pa huyền thoại. Đã có biết bao lần tôi bâng khuâng giữa đỉnh đèo hoang vu, nhận thấy, trong cái lạnh cắt da cắt thịt, trong sương trắng mờ mịt bao phủ là những thanh âm nhỏ bé nhưng rất gần gụi. Đó là tiếng mõ trâu, tiếng gà gáy, là tiếng người đi rừng gọi nhau. Một sợi khói mỏng manh chảy ngược lên nền trời cũng cho tôi hình dung về một căn bếp, một bản nhỏ, một cụm nhà, hay một mảnh lều nương đang thắp lửa. Tôi chưa từng gặp thần linh hay ma quỷ trong những chuyến đi dọc ngang khắp cao nguyên. Tôi chỉ gặp những đứa trẻ H’Mông cõng em, xách nước, lấy củi, chăn trâu, đuổi bắt châu chấu trên ruộng, cuốc đất, tới trường. Tôi chỉ gặp những dáng đàn bà cắm cúi vượt dốc về bản trong nhập nhoạng bóng ngày. Nhưng chính ở những nơi ấy, tôi mới thật sự bắt gặp sự tĩnh lặng của lòng mình.

Càng gần Tết, Sa Pa càng tĩnh lặng. Vì đó là thời điểm du khách , những người làm công trở về nhà, chỉ còn ít người nước ngoài ở lại với Sa Pa. Xưa kia người H’Mông và các đồng bào thiểu số khác thường ăn Tết của họ ngay sau khi thu hoạch vụ đông (trước Tết Nguyên Đán gần một tháng). Còn giờ đây, họ ăn cái Tết chung của dân tộc, giản tiện và nhiều ý nghĩa. Trong chuỗi lễ hội đậm đặc sắc màu văn hóa của đồng bào các dân tộc Sa Pa, tôi đặc biệt thích lễ hội Sải Sán của đồng bào H’Mông ở San Sả Hồ.

San Sả Hồ có nghĩa là nơi giao tụ của ba dòng suối, cách thị trấn Sa Pa về hướng tây 2,5km. Một dòng suối từ đỉnh Can Thàng đổ về. Một dòng là suối Vàng từ dãy Hoàng Liên Sơn đổ xuống. Một dòng từ Phìn Hồ, Tả Phời chảy qua Tả Giàng Phình đổ về. Dòng thứ ba ấy được người Pháp đặt tên là Cát Cát, tức nước rơi từ trên cao xuống. Độ cao chênh lệch từ đầu nguồn và nơi giao thủy là khoảng 500m, đủ để thấy dòng nước hung hăng cuộn xiết thế nào mỗi độ lũ về. Thủy điện Cát Cát chính là nơi hội tụ của ba dòng nước đó. Gần một trăm năm trước, dòng điện sáng từ Cát Cát đã thắp lung linh khoảng ba trăm biệt thự lớn nhỏ trên thị trấn mà dân thường gọi là nhà quan Ba (biệt thự sĩ quan), nhà Quản (biệt thự Hạ sĩ quan) và nhà nghỉ dưỡng.

San Sả Hồ là địa đầu thung lũng Mường Hoa nằm bên phía hữu ngạn, thuộc dãy núi Hoàng Liên, còn thị trấn Sa Pa là dải đất bằng duy nhất trên cao nguyên Can Thàng, cũng dài vỏn vẹn 2,5 km từ tây sang đông. Nói qua về địa danh Can Thàng, đó là một cao nguyên độc đáo đến lạ kỳ với diện tích 95 km2 nằm ở phía tây tỉnh lỵ Lào Cai. Thời Pháp thuộc, cao nguyên này được đặt tên là Lồ Suối Tổng, có nghĩa là nước rơi xuống thung sâu. Đỉnh Can Thàng là một cánh rừng nguyên sinh khổng lồ ở độ cao 2.228 m. Những mạch ngầm trong rừng già đưa nước gom tụ vào một cái hồ giữa lưng chừng trời mà người dân gọi là Ô Quy Hồ. Từ cái hồ đó, nước chảy qua năm miệng thác đổ xuống suối Mường Hoa mà thác nước nổi tiếng nhất là Thác Bạc.

Ở cái xứ sở quanh năm ẩm ướt, cảm tưởng "bấm ra nước" ấy, San Sả Hồ có khí hậu ôn hòa mát mẻ hơn vùng hạ Mường Bo vào mùa hè, nhưng lại không rét đến khắc nghiệt như trên thị trấn vào mùa đông. Từ giữa tháng Chạp, người San Sả Hồ đã ngược lên phố huyện nhiều hơn để bán rau củ, nông sản, váy áo, sản phẩm thủ công mỹ nghệ và mua về hạt giống, thuốc men, đồ tiêu dùng thiết yếu. Đôi khi, họ lên chợ chỉ để chơi, gặp anh em bạn bè cho bõ cái nhớ nhung.

Sau vụ đông, trong lúc đất đai chờ vụ mới, thì con người cũng nhàn hạ. Người H’Mông dùng quãng thời gian đó để đi thăm thú anh em bạn bè, họ hàng xa gần hoặc làm những công việc tại nhà như đan lát, thêu thùa, rèn nông cụ. Thi thoảng cõng một gùi rau lên chợ bán, chỉ là cái cớ cho một cuộc dạo chơi trong ngày. Họ làm cả năm rồi, nếu có chơi cả tháng Chạp và nửa tháng Giêng cũng chả sao bởi cái tư duy sản xuất "ăn hết bao nhiêu thì sẽ trồng cấy bấy nhiêu" đã ăn sâu vào nếp nghĩ. Nếu người Tày Sa Pa nói, cứ xuống đồng xong đã, rồi làm gì thì làm (tức hội xuống đồng mùa xuân). Thì người Mông nhất định phải Sải Sán cái đã. Tức là hội Gầu Tào đấy.

Gầu Tào, theo nghĩa khởi thủy, là hội cúng cầu mệnh cầu phúc cho những gia đình hay dòng tộc cụ thể đang gặp vấn đề về sức khỏe, vận hạn, hiếm muộn con cái... vào những ngày đầu năm mới (là ngày tốt được chọn từ mùng 1 đến 15 tháng Giêng, thường chọn ngày Thìn đầu tiên của năm mới). Hội Gầu Tào còn được gọi một cách dân dã là Sải Sán, có nghĩa là "đạp núi", "chơi trên núi". Dù là một gia đình hay một gia tộc đứng ra với vai trò chủ lễ thì cũng phải tổ chức ở một không gian rộng lớn để đủ chỗ cho anh em, họ hàng, bạn bè xa gần góp mặt làm hội.

Như đã nói ở trên, San Sả Hồ là chốn giao thủy, để tránh sự hung hãn quẫy đạp quần xé của con nước mùa lũ mà người dân làm nhà trên núi cao, những bản làng nhỏ chênh vênh, làm gì có căn nhà nào đủ rộng cho cả bản tụ họp. Chính vì thế mà những sinh hoạt cộng đồng phải tổ chức ở ngoài trời. Nơi được chọn thường là một mảnh đất lớn khô ráo, bằng phẳng, trên đỉnh một ngọn đồi quang đãng, gần đường đi lại và không xa khu dân cư.

Năm tháng qua đi, từ cái lễ cầu mệnh (cầu xin thần linh cho người sống lâu, khỏe mạnh, tật bệnh lui) và cầu phúc (cầu cho con cháu đông đàn dài lũ, có con trai nối dõi) biến thành một lễ hội tạ ơn. Tạ ơn thần linh, đất trời đã ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống ấm no. Phần lễ mỗi năm một ngắn lại, đơn giản đi, tuy vẫn đủ các thứ cần thiết như cây nêu, cum lúa nếp, túm ngô, vải lanh, rượu thóc, xâu tiền và sự hiện diện hết sức trang trọng của thầy mo, chủ hội, cùng tập thể những người giúp việc. Phần lễ diễn ra chỉ trong một ngày, hai ngày còn lại là phần hội. Nam thanh nữ tú mong muốn hội thật to, thật vui, thật đông người đến để biết đâu đấy, trong biển người, họ tìm thấy nửa kia của đời mình. Như thế, hội Sải Sán ngày nay hướng đến ba mục đích chính là cầu xin, tạ ơn và vui chơi. Sải Sán là lễ hội ngoài trời được cho là lớn nhất của người H’Mông Sa Pa. Đến nỗi bạn tôi bảo, chỉ đến hội mới biết Sa Pa cũng đông người đến thế và người ta ham vui đến thế. Trong cuộc "chơi núi" ấy, người ta đem những trò chơi dân gian mang đậm bản sắc dân tộc như đi cà kheo, đánh quay, bắn nỏ, múa khèn, thổi sáo... vào không gian lễ hội để tất cả mọi người từ người già tới trẻ nhỏ và du khách đều được tham gia, thưởng thức.

Người H’Mông có thể đến bất cứ nơi nào trên trái đất này để làm việc, mưu sinh, kể cả tới những thành phố châu Âu hoa lệ như Paris. Nhưng để chơi thì cái sự chơi đình đám đáng kể nhất phải là Sải Sán, là chơi núi, ngay tại bản mình, ngay tại mảnh đất tổ tiên khai thiên lập địa. Chơi đến độ mùa xuân phải ghen tị, giá rét phải lùi xa. Hội diễn ra ba ngày nhưng người ta chuẩn bị tinh thần và vật chất cả tháng Chạp và dư âm của nó dai dẳng suốt cả tháng Giêng, suốt cả mùa xuân. Đến nỗi, khi trở lại nương rẫy, ruộng đồng rồi, ống sáo vẫn đi theo, khèn vẫn đi theo. Một chàng trai đưa tiếng sáo vút lên giữa núi rừng giai điệu da diết xuyến xao, cũng là chơi. Ba đứa trẻ trai và ba con quay trên một bãi đất trống cũng là chơi. Hai đứa trẻ gái và những bó hoa dại bày ra dệ cỏ cũng là chơi. Vì chỉ một lát sau là có người ham vui tìm đến, vây quanh và sẵn sàng tham gia, quên trời quên đất. Làm ra làm mà chơi ra chơi. Tết là dịp mà người H’Mông chăm chút cho những cuộc chơi sao cho hay nhất, tưng bừng nhất. Chỉ có vậy thôi. Nếu như nam nữ Dao đỏ Sa Pa, trong cuộc chơi xuân của mình thường dùng đến những lời lẽ hoa mỹ lãng mạn bậc nhất để đối đáp:

Được thấy kim hoa đứng tại đấy

Muốn bứng hoa về, hoa muốn không?

Không phải hoa vàng, hoa rừng đấy

Hoa rừng quen sống ở sơn lâm

E sợ mai ngày về bên ấy

Người hỡi, người ơi, còn thương không?

Thì người Mông không dùng đến những lời hoa mỹ đó. Họ dùng một thứ ngôn ngữ vô cùng quyến rũ của cây khèn đại, của chiếc lá rừng đẫm sương, của ánh mắt và cả cơ thể uyển chuyển trong điệu múa khèn để thổ lộ với bạn tình. Đem tâm hồn và sức lực dẻo dai ra để giao lưu, đối đãi, ấy mới thật sự là duyên. Cái duyên bền lâu đi từ Sải Sán mùa xuân vào những cuộc hạnh phúc lứa đôi. Nó khiến cho người ta háo hức đến Sa Pa, miệt mài tìm kiếm và không phải khi nào cũng may mắn thấy được.

Hai năm qua, dịch bệnh khiến Sa Pa tĩnh lặng đến nhói lòng. Mùa xuân lại về, nao nao nhớ Sải Sán!