THẾ HỆ Z

Sắc diện mới của nhạc Việt

Chọn những nghệ danh trúc trắc như Wren Evans, AMEE, Tlinh hay giản dị như Minh, Tùng, Pháo…, “những công dân của thời đại kỹ thuật số” được gọi bằng cái tên chung “Thế hệ Z” đang từng ngày từng giờ thổi những luồng gió tươi mới, lạ lẫm cho đời sống âm nhạc nước nhà. Có thể nói, trong thời gian gần đây, thị trường nhạc Việt đã dần mang một sắc diện mới, hiện đại, trẻ trung – nhờ vào những nỗ lực sáng tạo không bị giới hạn bởi bất cứ biên độ nào của những gương mặt trẻ đa năng này. 

Nghệ sĩ Wren Evans.
Nghệ sĩ Wren Evans.

Hướng đến mô hình “full – package”

Hàng loạt gương mặt thế hệ Z (gen Z) được công chúng yêu nhạc nhắc tới thời gian gần đây đều sở hữu những tác phẩm có giai điệu “bắt tai”, ca từ hiện đại và tiệm cận xu hướng âm nhạc toàn cầu. Họ đều thể hiện tư duy âm nhạc mới lạ, thông điệp chuyển tải mang dấu ấn cá nhân đậm đặc, ngôn ngữ sử dụng đa phần là tiếng Anh. Những lợi thế của gen Z giúp họ sở hữu năng lực nhạy bén trong sàng lọc thông tin, giỏi ngoại ngữ nên dễ dàng học hỏi kỹ năng và tiếp cận những góc nhìn mới mẻ đa chiều. Mang sẵn “chuỗi ADN” ngập tràn năng lượng sáng tạo, luôn đam mê thể hiện bản thân, lại có mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến bắc nhịp cầu kết nối cộng đồng rộng khắp, họ thường lựa chọn hình tượng nghệ sĩ đa năng (full - package), khi có thể đảm trách hầu hết mọi bánh răng trong cỗ máy sáng tạo âm nhạc. Những gương mặt được liệt kê dưới đây đều có sẵn trong mình năng khiếu, tiềm lực sáng tạo cùng những tố chất cần và đủ để vươn mình ra ngoài biên giới. Và những mảng màu, đường nét trẻ trung mới lạ mà họ ngày đêm phác thảo đang mang lại một bức tranh toàn cảnh mới lạ, hấp dẫn cho đời sống âm nhạc nước nhà.

Gây ấn tượng từ MV đầu tiên Got You với tổng chi phí sản xuất vỏn vẹn một triệu đồng, Mỹ Anh trở thành cái tên được chú ý nhất trong đời sống nhạc Việt năm 2021 vừa qua. Có năng khiếu ca hát, thích nhảy và nhảy đẹp, có thể cùng lúc đóng nhiều vai: nhà sản xuất, sáng tác, phối khí, biểu diễn và lên concept cho MV, cô gái vừa bước sang tuổi 20 này đã kịp trở thành thí sinh nhỏ tuổi nhất của gameshow Thần tượng đối thần tượng – The Heroes 2021, là đại diện Việt Nam tham dự lễ hội âm nhạc Head in the Clouds tại Mỹ, có cơ hội góp mặt trong chương trình Round Music Festival 2021 tại Hàn Quốc và nhận được áp đảo 62% số phiếu bình chọn để trở thành Gương mặt mới xuất sắc nhất (Giải thưởng Làn sóng xanh 2021).

Wren Evans là nghệ danh của chàng trai Lê Phan, sinh năm 2001. Thông thạo ba ngoại ngữ Anh – Pháp – Tây Ban Nha, chơi được ba nhạc cụ piano – guitar – guitar bass, gắn bó với ba dòng nhạc Jazz – Disco – Trap, Wren Evans được đánh giá là một nhà sản xuất âm nhạc có tiềm năng. Cách anh chọn bắt tay với K-ICM và đưa chất funky cùng trap mang đậm màu sắc Anh – Mỹ vào trong ca khúc Fever, cách anh khôn ngoan sử dụng dòng nhạc bossa nova (hòa trộn sắc màu samba Brazil cùng tiết điệu jazz Mỹ) và kết hợp cùng rapper Hieuthuhai để làm nên thành công của sáng tác tiếng Việt đầu tay Thích em hơi nhiều đã cho thấy sự biến hóa đầy thông minh của nghệ sĩ trẻ tuổi này.

Sắc diện mới của nhạc Việt -0
Nghệ sĩ Tlinh.

Giọng hát cá tính, vũ đạo bùng nổ cùng khả năng đọc rap ấn tượng. Chơi được cả piano lẫn guitar, tham gia vũ đoàn Last Fire Crew như một vũ công chuyên nghiệp. Bảng thành tích học tập đáng nể với điểm IELTS 8.0, trúng tuyển Đại học Y Dược thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Tlinh – thí sinh nữ nổi bật của sân khấu Rap Việt mùa đầu đã định vị thành công hình ảnh một gen Z cá tính kèm chút nổi loạn rất dễ thương. “Luôn mong muốn sự khác biệt và sợ sự an toàn”, Tlinh đưa cách gieo vần và chơi chữ rất thông minh, mượt mà, cuốn hút vào những sản phẩm âm nhạc Thích quá rùi nè (với xấp xỉ 50 triệu views) và Gái độc thân (7,2 triệu views). Tlinh cũng được cộng đồng underground đặc biệt yêu thích, với những sản phẩm mang cái tên ngộ nghĩnh như Vứt zác, Ngã vào lưới tình hơi sớm…

Sẽ là thiếu sót nếu không kể thêm một số cái tên ấn tượng như Thịnh Suy – tác giả của những tác phẩm Một đêm say, Chuyện rằng, Thắc mắc, Tình yêu xanh lá… với giọng hát khàn trầm, cách kể chuyện độc đáo cùng tiếng guitar mộc bập bùng; như Minh – kiên định với âm hưởng tự sự, u sầu miên man trong những ca khúc tiếng Anh có phần phối khí, hòa âm và kỹ thuật xử lý mang màu sắc hiện đại; như Tùng – “chọn vị trí của một người kể chuyện bằng âm nhạc để xác quyết lại tinh thần vốn có của âm nhạc là để nghe bằng tai chứ không phải xem bằng mắt. Để rồi, giọng hát của cậu bị lột trần nhưng trở thành độc đạo để hiển lộ nghệ sĩ tính của mình nhất” như nhận xét của nhà báo Đậu Dung…

Có thể nói, cái thời tự tin chinh phục khán giả chỉ bằng “giọng sáng, dáng xinh” đã vĩnh viễn đi qua, nếu nhìn vào đường hướng làm nghề của thế hệ Z. Mô hình đặt hàng nhạc sĩ sáng tác ca khúc độc quyền, thuê đạo diễn tên tuổi làm MV, cày cục nhờ đơn vị truyền thông quảng bá sản phẩm không còn. Giờ là lúc “làm tất, ăn cả” – như cách nói vui của một rapper tên tuổi.

Âm nhạc là công cụ biểu đạt tâm thức thế hệ

Từ nhiều năm nay, thuật ngữ Gen Z – hay thế hệ Z phổ biến tới mức cả hai từ điển uy tín Merriam - Webster lẫn Oxford đều có mục từ chính thức dành cho những công dân sinh ra từ cuối thập kỷ 1990 đến đầu những năm 2010. Là lứa đầu tiên lớn lên cùng internet, mạng xã hội và điện thoại thông minh, điểm chung của cộng đồng này là biết lướt web trước cả khi biết đọc. Luôn dư thừa những nhịp cầu “kết nối” với cả thế giới vây quanh, nhưng đây cũng chính là thế hệ luôn thiếu những mối quan hệ bền chắc ngoài đời thực, luôn phải chống chọi với nỗi cô đơn thường trực và cảm giác rất khó chia sẻ với ai đó khi cần. Có lẽ vì thế, các nghệ sĩ Gen Z thường có xu hướng chọn âm nhạc như một công cụ hữu hiệu để chuyển tải và biểu đạt tâm thức và dấu ấn cá nhân của thế hệ mình. Họ sử dụng tiếng Anh để sáng tác ca khúc, như Mỹ Anh – Wren Evans hay Hồ Trâm Anh… Họ gửi gắm những góc nhìn cá nhân đậm sắc màu tự sự như Tùng, Ngọt, Cá hồi hoang... Họ hiểu rõ bản thân muốn gì, có thể làm được gì khi theo đuổi tính gợi mở và đa nghĩa trong âm nhạc như Thịnh Suy, kiên định với sắc màu nguyên bản như Minh, kiên định theo đuổi dòng R&B như Kha, xây dựng hình tượng indie độc đáo như Pháo hay Tùng…

Sắc diện mới của nhạc Việt -0
Nghệ sĩ Pháo. Nguồn ảnh trong bài: internet 

Không chỉ yếu tố con người, bầu không khí nhạc Việt giờ cũng đã khác xưa. Nếu những công dân thế hệ X, Y lớn lên trong thời buổi công nghệ sơ khai, lúc Làn sóng xanh, VTV – Bài hát tôi yêu là hàn thử biểu phản ánh chính xác độ nóng lạnh của từng video clip, từng album phát hành hay thứ hạng ăn khách của từng cái tên nghệ sĩ thì giờ đây, internet làm thay đổi hoàn toàn logic tiêu dùng, tiến bộ công nghệ vượt bậc khiến quá trình sản xuất âm nhạc rẽ hẳn sang một lối đi mới. Khỏi cần nhịp cầu phát thanh hay CD, khỏi cần các live concert hay liveshow, công chúng có thể trải nghiệm trực tiếp, cập nhật những tác phẩm hoặc trào lưu mới nhất của thị trường chỉ bằng một cái nhấp chuột. Và sự trợ giúp của internet cùng các thuật toán thông minh giúp định lượng chính xác mức độ quan tâm, hài lòng hay ủng hộ của cộng đồng mạng, thông qua số lượt xem (view) hay thích (like) lượt chia sẻ (share) hay đăng ký theo dõi (subscribe). Sự thành công của mỗi sản phẩm âm nhạc, mỗi gương mặt sáng tác không còn đong đếm bằng những sân vận động ken đặc người xem, lượng bản đĩa phát hành hay bảng xếp hạng uy tín mà bằng những nút kim cương – nút vàng YouTube, những MV thu hút nhiều triệu lượt thưởng thức.

Và để có thể thích nghi, tung tẩy sáng tạo và hướng tới định vị tên tuổi trong bầu dưỡng khí mới mẻ này, thế hệ Z phải thay đổi từ cách kể đến tư duy âm nhạc, từ ngôn ngữ đến thể loại, từ phong cách đến tạo dựng trào lưu. Và dù được chào đón nồng nhiệt hay với thái độ còn khá e dè, dù thuyết phục được số đông khán giả hay mới khiêm tốn luồn lách qua khe cửa hẹp, dù hòa mình vào dòng chảy chính thống (mainstream) hay nhẫn nại lặng thầm trong thế giới underground, dù tỏa sáng như một ngôi sao showbiz hay kiên định đi theo con đường độc đạo của một nghệ sĩ độc lập (indie), sự đa sắc – đa thanh và tâm thế luôn vận động, luôn phát triển của thế hệ mới mẻ này đã mang lại những tín hiệu tích cực đầy lạc quan cho thị trường âm nhạc trong nước.