Phiếm đàm về tranh Hổ

Như một vòng xoay của mùa, của thời gian, chừng vài ba tháng trước Tết, nhiều người Việt đã lại xốn xang với ý nghĩ về năm mới và con giáp tương ứng. Một vòng hoa giáp là 12 năm đời người, qua mỗi vòng hoa giáp là qua mỗi đận lớn lên, thanh xuân, trưởng thành rồi dần già cỗi. Đấy là lẽ tự nhiên, cũng như một lẽ tự nhiên khác của tâm hồn người là không ngừng hy vọng về một năm mới bình an, thịnh vượng. Và treo một bức tranh con giáp trong nhà khi xuân sang cũng là để gia chủ ngầm bày tỏ rõ ràng hơn hoặc ý vị hơn niềm hy vọng ấy...

Lý Hùng Anh, Hổ, acrylic trên giấy, 50x60cm, 2021, trong Sưu tập của NGOC Gallery (Hà Nội).
Lý Hùng Anh, Hổ, acrylic trên giấy, 50x60cm, 2021, trong Sưu tập của NGOC Gallery (Hà Nội).

Ông Hổ thiêng trong tranh xưa

Trong căn nhà nhỏ trên phố cổ Hà Nội, ông Lê Đình Nghiên - nghệ nhân tranh dân gian Hàng Trống duy nhất hiện còn theo nghề, đã chia sẻ nhiều điều với chúng tôi về tính thiêng của bức tranh Ngũ Hổ. Về một bức tranh thờ thì hiển nhiên, người liên quan (từ nghệ nhân làm tranh đến người mua, người thờ phụng) phải có tín niệm, phải bày tỏ niềm cung kính. Thí dụ, không bao giờ gọi “con”  Hổ mà luôn trang trọng là “ông”  Hổ. Với nghệ nhân làm tranh, ngoài yêu cầu tự thân về sự chỉn chu, nghiêm ngắn của từng nét khắc, từng nét tô mầu, còn phải giữ được những nguyên tắc tôn kính, tỉ dụ như tuyệt đối không bao giờ được vứt bỏ bản tranh hỏng mà phải để riêng ra rồi hóa (đốt) đi... 

Theo lời kể của ông Nghiên, Ngũ Hổ là biểu tượng của năm vị tướng đi theo phụng sự Hưng Đạo Vương - người được suy tôn là Đức Thánh Trần trong tín ngưỡng thờ Đạo Mẫu của người Việt. “Theo lời các cụ truyền lại, cũng không kể rõ năm vị ấy cụ thể có tên là gì, giữ chức gì, chỉ biết là cùng với sự lan tỏa của tín ngưỡng Đạo Mẫu, bức tranh thờ Ngũ Hổ này luôn có một vị trí trang trọng trong sắp đặt không gian thờ phụng, nơi diễn ra thánh lễ”. 

Trong dòng tranh dân gian Hàng Trống, bên cạnh bức tranh thờ Ngũ Hổ còn có những bức tranh thờ vẽ riêng từng ông Hổ, có cả bức Bạch Hổ bên cạnh Thanh Long, thành một cặp tranh giàu ý nghĩa như là thần linh bảo trợ. Một phân tích ý nghĩa biểu tượng của ông Nghiên cho thấy rõ ý nghĩa và vị thế của từng bức tranh. Trên tranh Hổ để thờ luôn có hai hình ảnh: hòm ấn với bốn chữ “Pháp Đại Uy Linh” bên chân ông Hổ và cờ lệnh (có chữ Lệnh ở giữa lá cờ) bên cạnh ông Hổ. Các tranh Hổ khác không có hai hình ảnh này.

Có thể nói, với sự kết hợp của bản khắc gỗ, hình thức tranh trục cuốn và việc tự vẽ nét của nghệ nhân đã đem lại cho tranh dân gian Hàng Trống Hà Nội một vẻ khác hẳn với các dòng tranh dân gian khác, trong đó nổi bật là dòng tranh thờ với hình ảnh ông Hổ rất đặc sắc: mầu sắc phần nào tùy tâm ý nghệ nhân, tùy sở thích người đặt tranh. Có bức là mây ngũ sắc bao quanh Ngũ Hổ, có bức chỉ mây đen trắng, có bức là một ông Hổ ngồi, bức ở tư thế đứng... Ý nghĩa chung của hình ảnh Hổ trong tranh thờ thuộc dòng tranh dân gian Hàng Trống là nhấn mạnh vào tính chất biểu tượng của Hổ - sức mạnh để che chở, bảo vệ sự bình an. Có bình an sẽ có thịnh vượng và hạnh phúc.

Phải nói thêm, trong các dòng tranh dân gian có lịch sử lâu đời ở ta như tranh Đông Hồ, tranh Kim Hoàng, tranh Hàng Trống (ở phía bắc) hoặc tranh làng Sình (ở Huế), hình tượng Hổ được đưa vào tranh thờ một cách đầy tôn kính mà vẫn chứa đựng sự giàu có trong biểu cảm thẩm mỹ, nổi bật là tranh Hổ của dòng tranh Hàng Trống. Các mẫu tranh thờ của những dòng tranh khác đều không lựa chọn hình ảnh biểu trưng này. Tranh Đông Hồ bao gồm tranh trang trí Tết mang ước vọng về sự sung túc, sum vầy, cùng cả những câu chuyện dân gian sinh động. Tranh Kim Hoàng cũng là dòng tranh nổi bật về khía cạnh nội dung trang trí, cầu ước, trấn trạch. Riêng tranh thờ nổi bật lại là tranh về ông Công, ông Táo và Tiên Sư. Tranh làng Sình lại là dòng tranh phục vụ cho các nghi lễ tín ngưỡng dân gian khác, như lễ cúng Mụ, các dịp lễ tuần trong tang ma, hay lễ nhập trạch... Đấy là điều mà hẳn khiến cho bức Ngũ Hổ thêm phần đặc biệt trong sự tồn tại chung của nghệ thuật dân gian giữa đời sống hôm nay mà những người giàu hoài niệm, tha thiết với vốn cổ của cha ông như nghệ nhân Lê Đình Nghiên mong muốn giữ gìn và trao truyền lại cho thế hệ sau, không chỉ về kỹ thuật, kinh nghiệm mà còn về cả những tín niệm thiêng liêng, sự kiêng khem ngay ngắn mỗi khi thể hiện bức tranh này.

18_1-1643081255631.jpg
Nguyễn Tư Nghiêm, Hổ, khắc gỗ, 24,5 x 23,5 cm, in trên báo Văn nghệ, ngày 1/2/1986. Ảnh do anh NGỌC PHẠM cung cấp 

Hổ đa diện trong tranh nay

Sang đến thời hiện đại, tranh vẽ sáng tác của họa sĩ về hổ thường nằm trong chủ đề 12 con giáp, một chủ đề được thiên biến vạn hóa theo nội tâm riêng tư của người vẽ. Họ ký tên bên dưới bức tranh của mình và xác định cá tính cho “nhân vật” của bức tranh, tùy theo tâm ý và suy tưởng tại thời điểm sáng tác.

Nhìn lại dòng chảy quá khứ mỹ thuật Việt Nam hiện đại sẽ thấy, nhiều họa sĩ nổi tiếng đều có một hoặc nhiều bộ tranh con giáp. Trước kia, có thể vì điều kiện vật chất hạn hẹp, họa sĩ sử dụng chất liệu giản dị như khắc gỗ, bột mầu để “đến hẹn lại lên” với chủ đề con giáp. Nguyễn Tư Nghiêm là một danh họa được nhắc nhớ nhiều hơn cả, mỗi khi giới họa bàn luận về câu chuyện này. Có bức ông chọn con vật đại diện của năm mới làm trung tâm, chung quanh chia ô đủ cho 11 con vật khác, thành một tranh đủ 12 con giáp. Có khi ông vẽ riêng từng con ứng với từng năm, tùy theo vận khí của năm để ra hình hài và thần thái. Sự linh hoạt, biến điệu của tranh con giáp Nguyễn Tư Nghiêm là nhờ vào việc ông rất am tường về “vận hành vũ trụ và nhân sinh” - như trong một chia sẻ của họa sĩ Đỗ Phấn - người từng được ông Nghiêm, lúc sinh thời, giảng giải cho nghe về tranh con giáp. Chính vì vậy, tranh con giáp của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm có một sức hấp dẫn người thưởng lãm mà đôi khi chính họ cũng khó kiến giải cặn kẽ.

Từ những tín niệm trong truyền thống về con vật đại diện cho năm mới, họa sĩ cũng dành thời gian để suy ngẫm về con vật ấy trong tương quan quan hệ với cá nhân mình hay với nhân tình thế thái. Nhìn ở một góc độ nhất định, đó lại là dòng tranh thể hiện được khá rõ nét nhân cách nghệ thuật của họa sĩ. Ở đây, không còn là câu chuyện của kỹ thuật thuần túy, tả hổ là ra “hổ, báo”, mà đúng hơn là câu chuyện của khí chất hổ được thể hiện ra sao, hình ảnh hổ được mượn để gửi gắm điều gì về cuộc đời thế sự, hay về nội tâm chính mình. Hổ mà như em bé vui đùa hồn nhiên. Hổ lại như người già từng trải hóm hỉnh, ý vị. Có khi hổ lại sầu bi yếu đuối - hổ giấy. Có lúc hổ lại trầm tư, ẩn mình... Tùy tạng của họa sĩ, tùy tính của người xem, người mua tranh mà lựa. Và có lẽ những người “vẽ kỹ” bởi hiểu sâu về vận khí gắn liền với tranh con giáp như cụ Nghiêm xưa không còn nữa, thay vào đó là tâm lý vẽ tranh con giáp để thỏa cái cá tính của chính mình. 

Dù thế nào, tranh con giáp vẫn là một chủ đề hấp dẫn giới họa mỗi khi Tết đến xuân về. Cái mới, cái cũ đan xen. Ở nơi trang trọng trong nhà, bạn vẫn có thể treo một bức Ngũ Hổ để trấn an, để hy vọng về một năm mới bình yên. Bạn cũng có thể đặt một bức tranh hổ đầy tâm tư bên bàn trà, để sẻ chia với bạn trong mỗi khoảnh khắc thinh lặng, ngẫm ngợi về chính mình... Trong khoảnh khắc giao hòa Trời-Đất linh thiêng.

18_2-1643081280941.jpg
Tranh Ngũ Hổ trong dòng tranh dân gian Hàng Trống, ảnh chụp tại nhà nghệ nhân Lê Đình Nghiên, tháng 12/2021. Ảnh: AN ĐÔNG