Diễn viên, NSƯT Trịnh Kim Chi:

“Phải chấp nhận thực trạng một số sân khấu đóng cửa, dù rất buồn...”

Gần đây, sân khấu TP Hồ Chí Minh rơi vào tình trạng như thể bị “ngược tâm”. Tưởng như đang khởi sắc với nhộn nhịp suất diễn Tết, với tưng bừng Liên hoan Sân khấu toàn quốc phía nam ngay sau đại dịch thì đột nhiên đóng cửa gần hết, chỉ còn vài sàn diễn cầm cự bằng số ít suất diễn theo đơn đặt hàng... Chúng tôi có cuộc trao đổi với NSƯT Trịnh Kim Chi - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu TP Hồ Chí Minh chung quanh thực trạng này.

NSƯT Trịnh Kim Chi.
NSƯT Trịnh Kim Chi.

Trên cương vị Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu thành phố, chị có thể cho biết: điều gì đang xảy ra với những sàn diễn xã hội hóa (XHH) từng được coi là hình mẫu thành công cho sân khấu cả nước vậy?

Suốt gần hai năm bị bóng ma Covid-19 che phủ, tất cả các ngành nghề đều gặp khó khăn, riêng với lĩnh vực sân khấu thì gần như tê liệt. Sau đại dịch, các đơn vị XHH-vốn chiếm tới 80% sàn diễn thành phố cũng đã cố gắng hoạt động trở lại nhưng không mấy khả quan. Kinh tế người dân eo hẹp vì ảnh hưởng đại dịch, khán giả vẫn e ngại đến nơi đông người, thói quen thưởng thức nghệ thuật trực tiếp đang dần mai một... Một số sân khấu buộc phải đóng cửa hoặc chuyển hướng hoạt động là thực trạng phải chấp nhận, cho dù rất buồn lòng...

Còn với tư cách “bà bầu” Sân khấu Trịnh Kim Chi, tương lai sân khấu của chị sẽ ra sao?

Tôi sẽ cố gắng cầm cự để sân khấu của mình không phải tuyên bố “đóng cửa” nhưng quả thật để duy trì nó vất vả vô cùng. Hiện tại, tôi còn tiếp nhận sân khấu Kịch Phú Nhuận bởi muốn tiếp tục chèo chống giúp người chị đồng nghiệp - NSND Hồng Vân, bởi không đành lòng để một thương hiệu sân khấu XHH suốt 20 năm qua của thành phố bị đóng cửa mất tên.

Và dù khó chồng khó, thì sân khấu của tôi vẫn đang chuẩn bị để dàn dựng vở kịch nói Ước vọng một con đường (kịch bản: Trần Văn Hưng, đạo diễn: NSND Trần Minh Ngọc) do Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP Hồ Chí Minh đầu tư, dự kiến ra mắt vào tháng 7 hoặc tháng 9 năm nay tại Nhà hát Thành phố hoặc Sân khấu Phú Nhuận.

Nguồn kịch bản không thiếu, nhiều diễn viên tài năng, khó khăn hiện nay của sân khấu phải chăng là thiếu tiền đầu tư dựng vở hay thiếu sự hỗ trợ cần thiết từ các cơ quan liên quan?

Đúng là không thiếu nhưng để có một kịch bản chất lượng, hợp thời và hút khán giả thì lại rất hiếm hoi. Sân khấu Trịnh Kim Chi hầu như phải đặt hàng kịch bản để dàn dựng cho đúng ý và đúng với đặc thù của sân khấu mình.

Nếu nói sân khấu thiếu kinh phí đầu tư cũng chỉ một phần, vì nếu không có tiền thì đầu tư sân khấu để làm gì, để rồi rước họa vào thân sao? Tôi tin rằng trước khi quyết định chọn sàn diễn làm đối tượng kinh doanh, các ông - bà bầu cũng phải cân đong tiềm năng kinh tế và mức độ sẵn sàng đối mặt với thử thách của chính mình... Vấn đề là chúng ta vừa trải qua đại dịch, cứ tiếp tục đầu tư mà chịu lỗ mãi như vậy thì chẳng mấy chốc là phá sản. 

Diễn viên không thiếu và họ rất tài năng, nhưng với tình hình khó khăn chung như thế này, chúng ta không thể giữ chân họ trụ lại lâu dài bởi gánh nặng cơm áo gạo tiền. Vì thế, sân khấu thiếu vai cũng là một thực tế dễ hiểu. Nhà nước luôn khuyến khích, động viên văn nghệ sĩ tự do trong sáng tạo nghệ thuật... Gần đây tôi cũng có tham dự buổi họp lấy ý kiến những người đứng đầu các sân khấu XHH, để tìm cách vực dậy ngành sân khấu thành phố. 

Hầu hết các ý kiến đều gặp như ở một điểm: mình đam mê thì mở sân khấu và mình không gánh nổi thì quyết định đóng cửa chứ không nên đổ thừa cho ai và vì cái gì... Nếu được Nhà nước hỗ trợ thì quá mừng, nhưng nếu chưa hoặc không có thì cũng phải tự thân vận động tìm ra giải pháp để tiếp tục tồn tại.

Liên hoan Sân khấu Kịch nói toàn quốc diễn ra vào tháng 3 vừa rồi luôn chứng kiến những khán phòng phủ kín người xem, dù e ngại lây nhiễm dịch bệnh vẫn còn. Khán giả vẫn có nhu cầu đến với sân khấu, tôi nghĩ vậy?

Liên hoan chỉ diễn ra trong vòng hai tuần, hầu như các tác phẩm được chọn lọc rất kỹ từ các sân khấu XHH và các buổi diễn được phục vụ miễn phí nên họ tranh thủ đến xem cũng là tất nhiên. Hơn nữa, trong số khán giả đến xem đó có một lực lượng hùng hậu là đồng nghiệp, sinh viên các trường nghệ thuật, bạn bè người thân của các nghệ sĩ... nên rất khó để so sánh.

Khán giả yêu thích sân khấu có thể không cần vội tới rạp, bởi quan niệm, muốn xem thì mua vé lúc nào cũng được, đợi hết dịch, đợi ổn định kinh tế, đợi có thời gian... Nếu buồn thì mở mạng xem đỡ những chương trình khác, rất sẵn! Nhưng các sân khấu thì không đợi được, bởi phải bỏ kinh phí làm vở, bởi phải thu được lợi nhuận để đóng tiền mặt bằng, để nuôi quân... Không thể tiếp tục thì đóng cửa hoặc chọn hoạt động theo hình thức khác.

“Phải chấp nhận thực trạng một số sân khấu đóng cửa, dù rất buồn...” -0
Cảnh trong vở Rặng trâm bầu - vở diễn giành HCV trong Liên hoan sân khấu kịch nói 2021 của Sân khấu kịch Trịnh Kim Chi. 

Theo chị, muốn sân khấu sống khỏe chứ không phải đứt đoạn, thoi thóp như hiện tại thì cần những điều kiện gì và phải làm gì để có hướng tới phát triển bền vững?

Bước vào thời kỳ công nghệ số, sân khấu kịch sẽ hiếm khi còn cảnh chen chân xếp hàng mua vé, cảm giác náo nức, chộn rộn mỗi khi cầm tấm vé xem kịch sẽ không còn. Nhiều nghệ sĩ ở các sân khấu XHH giờ sống lay lắt bằng nghề diễn, ai may mắn đóng phim truyền hình và thành “sao” sẽ có cơ hội kiếm thêm thu nhập ở khâu quảng cáo, bán hàng online...

Gần đây Sở Văn hóa Thể thao TP Hồ Chí Minh cũng đã có chủ trương quảng bá những tác phẩm đạt Huy chương vàng trong Liên hoan Sân khấu vừa qua đến với người yêu sân khấu... Một động thái tích cực của các cấp lãnh đạo, khích lệ tinh thần để các sân khấu XHH có thêm động lực sáng tạo tác phẩm nghệ thuật mới. Nhưng để sân khấu XHH sống khỏe là một bài toán khó. 

Đối với rạp hát, sân khấu kịch, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị xuống cấp, chưa ổn định dẫn đến sự quan tâm, đầu tư, quảng bá nội dung hoạt động chưa phong phú, tiện nghi cũ kỹ. Các nhà hát, địa điểm biểu diễn còn thiếu về quỹ đất cũng như kỹ thuật đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Cần chú trọng phát triển đồng bộ từ yếu tố con người đến cơ sở hạ tầng và đặc biệt là các sản phẩm văn hóa mang tính điển hình, đặc trưng và hợp thời, sát với thực tế phát triển của xã hội.

Sân khấu truyền thống xem ra còn buồn hơn khi tại một trung tâm cải lương, tuồng cổ phía nam mà giờ chỉ có thể thưởng thức bằng cách mở mạng hay xem đĩa... Theo chị, liệu có hy vọng khả quan nào cho sân khấu này sống lại?

Loại hình nghệ thuật truyền thống cải lương có dấu hiệu “tụt dốc” vì hầu như không còn tác giả sáng tác, nghệ sỹ không chú trọng dựng vở diễn mới mang hơi thở của cuộc sống đương đại.

Để không bị mai một, sân khấu cải lương gần đây cũng nhận được sự quan tâm từ nhiều cấp lãnh đạo và quản lý. Hy vọng sau đó sân khấu truyền thống cũng được vực dậy nhưng sống khỏe trở lại như thời hoàng kim thì tôi e rất khó.

Số phận sân khấu kịch nói cũng khó tránh sẽ rơi vào tình trạng sân khấu cải lương hiện tại. Thành phố cần chủ động bố trí nguồn ngân sách để đầu tư cải tạo, nâng cấp một số rạp hát, trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật biểu diễn cũng như có chính sách ưu đãi cho các đơn vị sân khấu tư nhân thuê lại. 

Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn... Song song với đó, có những chính sách kích cầu, hỗ trợ và nâng cao tầm nhận thức, thụ hưởng văn hóa nghệ thuật cho người dân.

Trân trọng cảm ơn chị!

Mới đây, đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương đã vào TP Hồ Chí Minh để trực tiếp lắng nghe tiếng nói, nguyện vọng, yêu cầu của các sân khấu XHH cũng như các nhà hát thuộc Nhà nước quản lý. Họ đang cần gì, muốn gì ở cơ quan quản lý để sân khấu tồn tại và phát triển.

Đã có nhiều ý kiến rất thẳng thắn và trọng tâm. Giải pháp trước mắt về kinh phí là đầu tư trọng điểm cho những thương hiệu có tiềm năng, khả năng để dàn dựng và quảng bá những tác phẩm theo đơn đặt hàng của Nhà nước. Về lâu về dài phải đầu tư cho cơ sở vật chất, xây dựng những nhà hát đúng chuẩn, Sân khấu XHH nào muốn biểu diễn tại đó phải hoàn thiện mình, tự nâng cấp “chất lượng cao”, đúng chuẩn nghệ thuật. Và Nhà nước đầu tư Nhà hát không lấy mục tiêu lợi nhuận, những đoàn nghệ thuật hoạt động ở đó phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản và duy tu.