Những cô nàng “đanh đá”

Ở mươi năm lại đây, thể loại tản văn bỗng thành thời thượng trên văn đàn Việt. Cũng có thể là do hình thức của nó ngắn gọn phóng khoáng, cũng có thể vì nội dung của nó dễ dãi chân thành. Khi viết tản văn, người ta vừa hư cấu được, lại vừa “non-fiction” được.

Những cô nàng “đanh đá”

Không phải ngẫu nhiên mà có khá đông người viết đã khởi nghiệp bằng nó, trong đó không hiếm những cây bút chuyên nghiệp. Có điều, cũng giống như thể thơ lục bát, tuy rằng dễ làm nhưng để nó hay thì tuyệt khó. “Những đứa con của cây cầu Long Biên” là một tập tản văn hay.

Chỉ cần xem “Lời tác giả” thưa ở ngay trang đầu, thì người đọc không cần quá tinh tế cũng đoán được Đông Di là một phụ nữ. Và khủng khiếp hơn, đấy là một người nữ “đanh đá”, nhất là nam độc giả nào trót có tính gia trưởng. Các anh đừng săm soi Nàng bằng con mắt của mấy ông nhà văn hiện thực phê phán, làm như vậy các anh sẽ mất Nàng (Trang 49). Mà “đanh đá” thì biết nói thế nào nhỉ, chỉ biết nó là một thuộc tính, thậm chí là một “phẩm tính” của đám con gái phố cổ có từ thời Hà Nội mới manh nha là Kẻ Chợ.

Đại loại là một kiểu mặn mà hoạt bát thông minh, đặc biệt là sắc sảo. Vừa thanh vừa ngoa, vừa biết làm lại vừa biết ăn. Có lẽ vì thế mà một thuở chưa xa, các bà buôn giỏi ở chợ Đồng Xuân khi xét nét chọn con dâu thường chọn mấy nàng đi chợ sành sỏi thích ăn quà. Bà bảo con giai, “con nhìn nó ăn mà xem. Mới chưa 5 giờ chiều mà nó xé tay ăn vã cả nửa con gà luộc, rồi cả bộ lòng với tràng trứng.

Thế nhưng để cạnh chân nó là một con cá chép to với đầy đủ rau sống gia vị để bữa chiều về nấu riêu cho cả nhà. Một đứa biết mua biết ăn như thế chắc chắn là một đứa đảm”. Lạy mẹ, sao cụ nói đúng thế. Rồi đây những cô bé đấy nếu nối nghiệp nhà, sẽ gánh vác được cái sạp hàng gia truyền mà các cụ đã ba đời cố giữ. Họ sẽ thành mẹ thành bà thành tay hòm chìa khóa, đảm đang tần tảo biết chiều chồng nuôi con.

Tất nhiên, tác giả có hơi khác, Đông Di thuộc trong những thế hệ sinh viên đầu tiên đi du học ở các nước ngoài hệ thống xã hội chủ nghĩa. Lúc này, kinh tế tư nhân vẫn là một khái niệm mới lạ, khái niệm kinh tế thị trường còn nằm trong sách nghiên cứu của các giáo sư đại học. Hơn thế, cô còn có một người bạn trai quá thân là một gã Tây. Những trang viết đặc sắc nhất là những đối thoại hoặc tranh luận giữa một thiếu nữ Việt vẫn mang đậm truyền thống với chàng “Tây” có chữ đến từ một nền văn hóa khác biệt.

Có những chủ đề mang vẻ to tát, kiểu như “bình đẳng giới”, “nhân sinh quan” hay “đức tin”, nhưng có những chủ đề rất đỗi bình thường được diễn tả bằng câu chữ hóm hỉnh. Kết hôn với phụ nữ Việt, chỉ sau vài năm đàn ông Pháp trở nên giống đàn ông Việt. Phụ nữ Việt quá tuyệt vời, vì thế đã trở thành nguyên nhân chính trong việc làm hư hỏng chồng. Ai cũng biết rằng Hà Nội của ngày hôm nay được hình thành trên nền hợp lưu văn hóa Đông-Tây, mà từ những thập niên thượng bán của thế kỷ Hai Mươi mà các cụ nhà Nho Việt gọi là thời “gió Âu mưa Á”.

Ở thời đoạn sơ khai ra một Hà Nội hiện đại này, không thể không nhắc đến vai trò của người Pháp. Không phải ngẫu nhiên mà ở hôm nay, Hà Nội vẫn trân trọng có con phố với vườn hoa tuyệt đẹp mang tên Yecxanh. Có thể nói không ngoa, thế hệ vàng thi văn tiền chiến 1930-1945 với những Xuân Diệu, Thạch Lam hay nữ sĩ Anh Thơ… là hệ quả thành tựu từ sự tiếp biến văn minh tích cực ấy. Có phải vậy chăng mà ngay từ những dòng đầu, Đông Di đã trân trọng xin dành tặng cuốn sách này cho những người yêu Hà Nội, những người yêu văn hóa Pháp.

Hà Nội vốn mênh mông, nên bất cứ ai cũng có một “thứ Hà Nội” của riêng mình, đám buôn bán ở chợ Giời thời bao cấp thường gọi đó là “chất”. Cái “chất” này mơ hồ hằn đậm trong một không gian khá hẹp, nó đặc trưng tới mức chỉ có đám “cao bồi già” lọc lõi quen ở phố mới nhận ra. Đông Di là thế. Đại loại giống như ông chủ hàng phở xe đẩy lừng danh ngõ Tạm Thương, (và Chúa ơi, ông cũng đã mất rồi).

Khi nghe thực khách gọi, ông chủ xe phở biết ngay khách xuất xứ từ đâu. Đám ở cửa ô hay ngoài đê thì giọng vất vả hơi the thé. Bọn ở Hoàn Kiếm thì giọng trịch thượng khàn đục. Văn Đông Di đậm đặc giọng của những thị dân downtown, vùng văn hóa “lõi” đã góp phần không nhỏ làm nên Hà Nội đương đại. Hãy thử đọc, Hà Nội của tôi còn là những ánh lửa đỏ từ những bếp than tổ ong có mùi khét đến khó thở đặt ở bên lối lên phòng trưng bày hội họa, điêu khắc của các nghệ sĩ Việt, là âm hưởng của hệ thống loa truyền thanh dù kém chất lượng nhưng vào các buổi trưa vẫn kiên trì phát thanh những bản giao hưởng kinh điển của nền âm nhạc cổ điển phương Tây do các dàn nhạc nổi tiếng trình bầy, là những cuốn sách chứa đầy tri thức nhân loại được in trên những trang giấy không thể đen hơn vẫn được nâng niu truyền tay nhau với lời dặn dò xem xong nhớ trả lại nhé.

Một ký ức “đanh đá” nồng nàn nghèn nghẹn tới hoang đường của một người nữ vừa biết cắm hoa vừa biết nói tục. Nó khác xa với những cái nhớ “nhà quê” của những người sống trong các khu gia binh huênh hoang quân khu nghĩa hiệp. Lại càng khác với những kể lể bồi hồi thật thà của những cư dân từng sống ở khu Kim Liên-Trung Tự.

Đa phần những người thích viết văn thường nhoi nhói bất hạnh, hình như sổ “đoạn trường” có lờ mờ ghi tên của họ. Bởi ngay cả khi Đông Di phơi ra những niềm vui hay nỗi buồn, kể cả lúc hăng say luận thuyết về tôn giáo triết học hay nghệ thuật, thì thẳm sâu đằng sau vẫn là những nghẹn ngào phiền muộn. Tác giả thích đọc sách Phật, nên cô nhỡ có phải dịch chữ “phiền” ấy thì chắc sẽ dịch là “klésa”.

Thường những người công chính là những người biết hóa giải phiền não thành năng lượng hiện sinh lạc quan tích cực. Ta sinh ra ở cõi giới này để làm gì. Ta tin là cõi giới này là nơi duy nhất giúp ta có cơ hội tiến hóa về tâm linh. Văn của Đông Di tiêu biểu cho cách nghĩ của một phụ nữ thị dân trí thức hiện đại. Thừa tự tin, thừa can đảm.

Vỉa hè phố cổ khi truyền khẩu các giai thoại về những đứa con của phố vẫn hay thiên vị đám con giai. Đấy có thể là một trong những lý do tạm để giải thích vì sao tản văn về Hà Nội gần đây thường đông đảo đàn ông, rất hiếm phụ nữ. Đám đàn ông khi nhớ cũ thì chỉ thích kể chuyện của chính mình. Một kiểu kể nồng nặc history, chuyện của ông ấy.

Dân chủ bình đẳng đến như “Tây” cũng không chấp nhận lịch sử là her-story. Vì thế, thật thú vị khi được đọc “Những đứa con của cây cầu Long Biên”. Có thể nói không ngoa rằng, lần đầu tiên qua một giọng văn cứng cỏi nữ tính, nhan diện của những con gái phố cổ đương đại được khắc họa một cách chân thực và tinh tế đến thế.

Và cái nữ tính ấy không phải bây giờ mới có. Này các nam độc giả yêu gia trưởng, hãy xem tác giả trân trọng trích Le Cid. Bằng việc xúc phạm đến thiếp, chàng đã tỏ ra xứng đáng với thiếp. Thiếp phải giết chàng để xứng đáng với chàng.

Đông Di đùa hay thật.