Nhớ chợ hoa đào Hà Nội tuổi năm trăm

Từ TP Hồ Chí Minh, mùa Tết Nguyên đán cổ truyền, nhớ cố hương Hà Nội, tôi chỉ nhớ sắc hoa đào Nhật Tân ánh ỏi mùa đông giá lạnh. Tôi tuổi Canh Dần đã trải sáu con giáp, năm tới, theo lịch Can Chi, là năm Nhâm Dần. Vì thế, năm 2022 lại càng nhớ Thăng Long-Hà Nội, tròn 1000 năm tuổi cũng vào năm Canh Dần 2010. Và bỗng dưng, chỉ nhớ cái thú riêng: đi chợ hoa Hàng Lược vào ngày áp Tết.

Chợ hoa đào Hàng Lược. Ảnh trong bài | TRẦN HẢI
Chợ hoa đào Hàng Lược. Ảnh trong bài | TRẦN HẢI

Nhưng hai thập niên qua, tôi hầu như mất thú riêng này. Bởi bao năm xa quê và “sao dời vật đổi”, chợ hoa Hàng Lược đã phôi pha cái bóng dáng ngày xưa, và có khi, nó chỉ còn đẹp trong cõi nhớ. Tôi nhớ hình, nhớ ảnh, nhớ hương sắc, nhớ cả biến thiên trầm bổng trong suốt chiều dài đã 500 tuổi của chợ hoa đào Hà Nội...

Ngày xưa Hà Nội có chợ Hoa đào

Chợ hoa Hàng Lược ngày xưa, người Hà Nội kinh kỳ từng mua bán nhiều loài hoa, nhưng nhiều nhất và sắc thắm nhất vẫn phải là hoa đào. Theo nghiên cứu của GS Trần Quốc Vượng, kiểu khí hậu như vùng châu thổ sông Hồng, thì gió Đông (ấm hơn gió mùa Đông Bắc, còn kêu là gió bấc), đã khiến hoa đào thành minh chứng cho loài hoa có thể nở hơn hớn trong gió bấc. Vì thế, hoa đào và gió bấc đủ đôi kết thành biểu tượng mùa xuân.

Vì từng yêu Hà Nội cố hương thiên lệch qua sắc hoa đào Tết của chợ hoa Hàng Lược, nên từ thuở bé, tôi đã tưởng đâu Hà Nội chỉ có chợ hoa duy nhất ấy. Về sau, mới vỡ nhẽ, khi GS Trần cho biết: Làng hoa Hà Nội còn là bản sắc của vùng ven đô thị cổ Hà Nội. Và Hà Nội đã không chỉ có một làng hoa. Ông bảo: hai làng hoa Ngọc Hà-Hữu Tiệp nằm kề nhau, nay thuộc quận Ba Đình. Xưa là “làng ven đô” Hà thành và nổi tiếng: Đất Ngọc Hà-hoa Hữu Tiệp, đất sinh hoa, hoa kết tinh hương từ đất.

Một biểu trưng khác của Tết Việt là chơi Quất.  Hà Nội ngày xưa có Quất Nghi Tàm nổi danh với nghệ thuật đảo quất: đánh cây lên, rồi trồng lại vào ngày tháng nào đó được nghệ nhân tính toán kỹ, sao cho cây cận Tết sai trĩu quả vàng. GS Vượng đồ rằng, nói đến Đào ngày xưa, phải nói đến Đào Nhật Tân.  Theo kinh nghiệm lâu đời của người làm vườn xưa, đất cận phù sa trồng đào là đắc địa. Ngày xưa, người trồng đào cất công gánh các tảng đất hồng nâu mầu phù sa sông Hồng, từ ngoài đê vào trong đê, đổ đất dựng vườn: Công anh gánh đất trồng đào/Bây giờ anh để lọt vào tay ai? Nếu không có người trai gánh đất, sẽ chẳng có làng hoa chợ hoa ngoại thành, cho các cô hàng hoa gánh vào nội thành, mà thành chợ hoa Hà Nội-thành phố bên trong sông Hồng.

Vậy từ xa xưa ấy, chợ hoa Hà Nội được gọi tên gì?

Đại Việt sử kí toàn thư, Bản Kỷ Thực lục quyển XV, chép rằng, chợ hoa ấy mang tên Chợ Hoàng Hoa và được ghi chú là thuộc trại Ngọc Hà. Đó là tên gọi chợ hoa của đất Thăng Long từ 1516, năm thứ nhất niên hiệu Quang Thiệu đời Lê Chiêu Tông. Như thế, chính sử đã chỉ đích danh làng hoa Ngọc Hà và chợ hoa cạnh đó có niên đại 500 năm cách ngày nay. Suy ra, chợ hoa có trước, rồi mới có cái cho nhà sử chép. Bởi vậy, xác định niên đại chợ hoa Hà Nội 500 năm, theo GS Trần Quốc Vượng, là cử chỉ khiêm cung và phong nhã. Giáo sư lưu ý, tên phường An Hoa với cánh đồng Bông (Yên Phụ) có từ thời Lý, thuở Chiếu dời đô (1010-1226), và dẫn thêm ca dao về chợ hoa An Quang gần đấy: Phiên Rằm chợ chính An Quang/ Yêu hoa anh đợi hoa nàng mới mua...  GS Vượng đưa thêm sử liệu từ Toàn thư, Bản kỷ thực lục quyển X: “Năm Kỷ Dậu Thuận Thiên thứ hai (1429), tháng 3, ngày 20, vua (Lê Thái Tổ) hạ lệnh cho đô tổng quản cùng các quan viên ở các phường trong kinh thành: hiện nay, đất của các quận và phủ đệ, gia viên của các công hầu bách quan đều có phần nhất định, phải nên trồng cây, trồng hoa và rau đậu, không được bỏ hoang”.

Thi sĩ xứ Huế Hoàng Phủ Ngọc Tường đánh giá cao nghiên cứu của GS Vượng, bởi đã đưa niên đại cho loại hình nhà vườn Việt Nam: 1429, loại hình mà kinh thành Huế xưa và Huế nay còn rất thịnh! Ngoại suy tiếp tục, GS Trần còn đẩy lên đời Lý-Trần sự xuất hiện của gia viên (nhà vườn Việt). Ông đầy hứng khởi trong đề xuất một tưởng tượng lạ: Ức Trai tiên sinh Nguyễn Trãi (1380-1420) có thể đã từng có nhà vườn để di dưỡng tính tình: “Hé cửa đêm chờ hương quế lọt/Quét hiên ngày lẹ bóng hoa tan”; chỉ riêng hoa đào, Quốc âm thi tập đã có tới sáu bài, riêng một bài còn ẩn hiện trong tâm thức kẻ yêu thơ Ức Trai: Một đóa đào hoa khéo tốt tươi/Tường xuân mơn mởn thấy xuân cười/Đông phong ắt có tình chăng nữa/Kiện tiễn (*) mùi hương dễ động người. (Đào Duy Anh chú: tiếng Việt cổ “kiện tiễn” là quý mến phi thường).

Có ai đó bảo: Đào Nhật Tân gốc bên Tàu, mới hiện diện ở nước ta khoảng 300 năm! GS Vượng phản bác: có giao lưu văn hóa thì có hội nhập cây ngoại sinh: có đào ta, đào phai, đào bích, đào phớt kép gốc Vân Nam! Không thể phủ nhận sự thực ấy, cũng không thể nói: số tuổi chợ hoa Hàng Lược chỉ khoảng trên dưới trăm năm đầu thời thuộc Pháp. Vì đoạn đường ôm trọn chợ hoa đó vốn là lòng sông Tô Lịch bị lấp cuối thế kỷ 19, và đoạn phố đó ngày trước vẫn đeo biển “Phố Sông Tô Lịch” và đoạn “Cống chéo Hàng Lược” là khúc ngoặt của sông Tô chuyển mình chảy dọc đường Phan Đình Phùng-Quán Thánh, rồi đổ xuống Thụy Khuê, Bưởi...

Thương nhớ quay về chợ hoa đào Hà Nội

Mấy năm đầu thế kỷ 21, tôi và bạn bè nhà văn, nhà báo thân nhau, bỗng nổi máu phiêu du. Thay vì mua cành đào ở Hà Nội, chúng tôi “đổi gió”, rủ nhau phóng ô-tô lên mạn ngược  mua đào rừng Mộc Châu, mang về Hà Nội chơi Tết. Cành đào cắt từ vườn dưới chân núi, dáng to khỏe, vỏ cành mầu nâu đen mốc trắng, hoa ngủ sâu im thin thít trong nụ non lấm tấm chi chít khắp thân cành, thoạt trông khô khốc. Nhưng bất ngờ, cành khô ẩn sâu nụ bé li ti bên trong ấy, về đến Hà Nội chiều 26, 27 Tết, chưa hé bất kỳ nụ phớt hồng nào, chỉ một hai ngày sau, sáng 28 Tết, hoa sẽ rụt rè khe khẽ nở vài ba nụ hồng phơn phớt. Rồi liên tiếp ba ngày Tết, từ cành hoa to khỏe ấy bỗng bất ngờ nở bung hàng chục, hàng trăm bông năm cánh hồng phấn dịu dàng. Và cứ thế tung tẩy nở không dứt đến Rằm tháng Giêng. Một cái Tết thân mật êm vui cùng ngồi dưới bóng đào rừng phai ăn uống, chuyện nở như cơm gạo vàng mừng năm mới. Trong lòng tôi, dù không ghé chợ hoa Hàng Lược, vẫn nhớ không chỉ chợ hoa truyền thống ấy mà nhớ tất cả những ngõ phố bán hoa Hà Nội, với bao cành hoa đào đẹp từ ngoài Hà Nội đổ về, cùng những chậu quất trĩu vàng, chậu hoa bạch mai và hoa thủy tiên muốt trắng...

Có lẽ vì thế mà suốt tám năm, từ nước Nga Xô-viết, về định cư ở TP Hồ Chí Minh, không Tết Nguyên đán nào mẹ con tôi không về Hà Nội ăn Tết. Về với nỗi nhớ giá rét ngày đông, với hoa đào, hoa mai tinh khôi, với bánh chưng mẹ gói tay, năm nào cũng một nồi vài chục cái, đun bếp củi, cả nhà thay nhau canh suốt đêm, trên cái sân căn hộ tầng một của nhà năm tầng cũ kỹ. Chao ôi là ấm êm mùa Tết Nguyên đán ở Hà Nội của tôi, khi hết đạn bom, vẫn còn Mẹ, còn hoa đào ánh ỏi gọi Tết về nhà...

Có thể, còn vì đất trồng đào Hà Nội đã bị đô thị hóa, để xây nhà cao tầng và biệt thự-nhà vườn thi nhau mọc lên quanh vùng Hồ Tây, Nghi Tàm, Quảng Bá... Và chính bọn tôi, vốn thích lang bạt kì hồ, cũng đã trở nên bận rộn việc gia đình hơn, già hơn, lười phiêu du hơn, nên nhiều năm đã lấy làm tiện khi sắm một hai cành đào rừng phai ở bất kì chợ hoa nào ở Hà Nội về chưng Tết tại nhà.

Thời gian xoay vần, con gái tôi cùng gia đình nhỏ lại lích kích từ TP Hồ Chí Minh, mỗi năm hết Tết đến, bay ra Hà Nội. Cho đến năm 2021, dịch Covid bùng phát mạnh, thì lần đầu, đại gia đình biết Tết Sài Gòn. Cái Tết chói chang sắc vàng hoa mai, sắc vàng hươm của trái quất, của hoa cúc đại đóa, và đủ các loại hoa quả mang hương sắc miền nam, trong nắng vàng tươi vùng văn hóa Nam Bộ.

Nỗi nhớ hoa đào Tết Hà Nội bỗng quay về, xen lẫn sự ngỡ ngàng của Tết Sài Gòn nắng nóng. Sáng bay Hà Nội, chiều tối ba cành đào con gái đặt đã có mặt trong căn hộ xinh nhỏ của tôi. Tôi chơi hai cành đào nối nhau: đào phai trước Tết và đào bích từ 30 Tết đến Rằm tháng Giêng, cúc đại đóa Đà Lạt, hoa mai vàng, rực rỡ hoàng hoa cả căn hộ. Và thế là cái Tết Sài Gòn đầu tiên của gia đình tôi, vẫn được thương nhớ chợ hoa đào Hà Nội trong dọc dài thời gian-không gian của tâm thức riêng tư. Và trong lát cắt đẹp Tết Tân Sửu, cả nhà quây quần ăn Tết trong sắc hồng đào phai, sắc thắm đào bích Hà Nội, chen sắc vàng hoa mai, hoa cúc  Sài Gòn...

Tôi ngẫm ngợi: Có khi/ nhiều khi phải xa Tết Hà Nội, mới biết mơ về một Hà Nội lung linh sắc hoa đào, thấy mình có quyền nhớ chợ hoa Hàng Lược và thấy ông già nhà văn Nguyễn Tuân chí lý, khi hình dung chợ hoa đào Hàng Lược như “dòng sông hoa đào” bất tận, tuổi năm trăm, từ Đào nguyên Thiên Thai trên trời cao, chảy về lòng Thủ đô Hà Nội. Và ông già Văn Cao nữa, khi còn ở cõi dương gian, chẳng đã mơ màng khói sương trong ca khúc Thiên Thai của mình đấy thôi: Có một vườn đào dòng ngày tháng không tàn qua một lần.