Nhiệt kế - Văn hóa

Mỹ thuật Việt Nam - Gian nan hành trình chuyên nghiệp hóa

Lâu nay, xã hội đã quen với cụm từ chuyên nghiệp/chuyên nghiệp hóa trong tất cả các khâu công việc. Lĩnh vực sáng tác mỹ thuật cũng không ngoại lệ. Nhưng giữa bối cảnh giao thương ngày càng rộng mở như hiện nay, mới thấy hành trình chuyên nghiệp hóa trong riêng lĩnh vực này thật sự gian nan.

Một phần sáng tác của nữ nghệ sĩ người Đức Veronika Radulovic trong triển lãm nghệ thuật đương đại "Gió thổi đổi giời"do Tuấn Mami làm curator, gây chú ý trong giới chuyên môn về chất lượng nghệ thuật.
Một phần sáng tác của nữ nghệ sĩ người Đức Veronika Radulovic trong triển lãm nghệ thuật đương đại "Gió thổi đổi giời"do Tuấn Mami làm curator, gây chú ý trong giới chuyên môn về chất lượng nghệ thuật.

Từ tình trạng phân thân của nghệ sĩ...

Công việc sáng tác mỹ thuật đòi hỏi rất nhiều thời gian, sức lực, sự tập trung và tri thức. Để hoàn thiện được một bức tranh, bức tượng, nghệ sĩ có khi mất hằng năm, thậm chí nhiều năm trời, nhất là với những người luôn coi tác phẩm là nơi hội tụ và truyền tải tư tưởng, thẩm mỹ, sự độc sáng...

Nhưng trong một vài năm trở lại đây, qua quan sát từ các triển lãm mỹ thuật cá nhân và nhóm lớn nhỏ, người viết thấy phần lớn vẫn do cá nhân/ nhóm cá nhân người sáng tác tự tổ chức nhằm tiếp cận công chúng. Nghĩa là họ đóng thêm cả vai trò của chủ gallery/ nhà tổ chức sự kiện nghệ thuật. Bởi thế, trong nhiều triển lãm mới có tình cảnh: họa sĩ ghi tên tranh, kích thước, chất liệu và kèm luôn giá tiền, số điện thoại liên lạc. Khách ngắm nghía một bức tranh, thấy cũng có chút tâm trạng xao xuyến, liếc sang bảng tên tác phẩm, ghi: "Độc thoại, sơn dầu, giá:10.000.000đ", hay "Hồi ức, sơn dầu, giá: 70.000.000đ"... kèm số điện thoại . Việc ghi giá bán ngay ở phần thông tin về tranh khiến cho người xem thấy phòng trưng bày nghệ thuật không khác gì một cửa hàng bán lẻ, điều có lẽ chỉ có ở mỹ thuật Việt Nam (?!). Việc coi một sáng tác mỹ thuật là một món hàng không có gì sai. Nhưng tính chất đặc biệt của một món hàng thẩm mỹ ấy lại đòi hỏi cách thức ứng xử mua - bán nó sao cho phù hợp, chuyên nghiệp: sơ giản nhất là làm một tệp danh mục tranh và thông tin về giá bán, số điện thoại liên hệ để ở bàn tiếp đón. Ai có nhu cầu mua, họ sẽ tự biết cách tìm kiếm thông tin.

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều họa sĩ tranh thủ các kênh truyền thông xã hội để tự tiếp thị và bán sáng tác của mình. Đây là một nhu cầu chính đáng, trong bối cảnh cuộc sống có nhiều đảo lộn. Người tinh tế một chút thì chỉ đưa ảnh sáng tác lên kèm dòng ghi chú đơn giản. Nhiều người khác thì "sát ván hơn", ghi rõ cả giá bán, và không chỉ rao bán ở một nơi. Vừa lướt qua một gallery trực tuyến thấy tranh của anh, vài phút sau gặp lại tác phẩm đó trên chính trang cá nhân của họa sĩ, lúc khác lại bắt gặp ở ít nhất hai nhóm công khai giao dịch trực tuyến. Lại có thực trạng ảnh chụp tranh đẹp lung linh, một phần nhờ vào phần mềm chỉnh sửa ảnh, để trưng lên mạng xã hội, nhận về hàng trăm lượt thích, bình luận khen đẹp "ảo" trong khi thực tế, tranh chưa được hoàn thiện và họa sĩ lại tiếp tục cày cục tô vẽ theo bảng mầu nhờ vào phần mềm chỉnh sửa ấy... Đến đây, người sáng tác còn kiêm thêm vai trò marketing - quảng cáo cho chính sáng tác của mình theo một cách thông dụng nhất, như là các clip quảng cáo thực phẩm chức năng, bột giặt, làm tầm thường hóa sự sáng tạo nghệ thuật. Việc sao chép theo bảng mầu công nghệ còn cho thấy sự non kém của chính họa sĩ trong nghề nghiệp.

Trong một thảo luận mở quanh chủ đề: có phải họa sĩ chuyên nghiệp nghĩa là người "dùng nghệ thuật để nuôi mình", họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan đã thẳng thắn bày tỏ rằng, "chuyên nghiệp hoạt động nghệ thuật khác với chuyên nghiệp kiếm tiền nhờ vào việc bán tác phẩm nghệ thuật". Và theo chị: "Để sống được có nhiều cách, không nhất thiết phải tự (họa sĩ - NV) vận hành như một chủ gallery, một nhà môi giới nghệ thuật của chính mình".

Đương nhiên, vẫn có những họa sĩ, nghệ sĩ điêu khắc đồng thuận với việc tác phẩm của họ được mua thông qua gallery, dù biết phí môi giới không hề thấp. Đổi lại, sáng tác của họ được chủ gallery/người môi giới có kinh nghiệm sẵn sàng tư vấn mức giá cao hơn họ tự hình dung để tương ứng với chất lượng nghệ thuật. Họ được cả người mua lẫn bên môi giới tôn trọng. Mới đây, thông qua giao dịch như vậy, một nghệ sĩ điêu khắc đã có hai tác phẩm được mua bởi một chủ tịch tập đoàn bất động sản. Nghệ sĩ này cho hay, sau giao dịch, chủ gallery và anh được người mua mời đến ngắm sáng tác trong không gian mới và mong muốn nghe anh chia sẻ thêm về ý tưởng sáng tác với một thái độ trọng thị.

Mỹ thuật Việt Nam - Gian nan hành trình chuyên nghiệp hóa -0
Triển lãm tranh có cái tên rất khó hiểu: "Xúc cảnh". Triển lãm có curator nhưng trong toàn bộ thông tin không có một dòng giải thích nào về cách ghép từ cho cái tên khó hiểu ấy. 

... Đến thực trạng lạm dụng danh xưng

Có lẽ, bên cạnh "họa sĩ", "nghệ sĩ", top đầu của các danh xưng thường xuyên bị lạm dụng trong lĩnh vực mỹ thuật hiện nay là "curator/giám tuyển" và "nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật".

Nói riêng về nghệ thuật hiện đại/ đương đại, một nghệ sĩ sáng tác có thể là người tự học, nếu họ thật sự ham muốn sáng tạo, có bản năng sáng tạo mạnh mẽ và kiên trì rèn luyện về kỹ thuật thể hiện tác phẩm. Nhưng một curator - người "giám" và "tuyển" sáng tác của nghệ sĩ để đưa ra công chúng (triển lãm/ trưng bày) thì lại rất cần được đào tạo bài bản. Là người đóng vai trò quan trọng trong việc mở ra thế giới nghệ thuật của nghệ sĩ, họ cần có tri thức sâu rộng để có thể kể một câu chuyện về thế giới ấy và truyền tải thông điệp nghệ thuật của nghệ sĩ đến với công chúng một cách phù hợp. Curatorial practices (nghề giám tuyển)- một thực hành nghề nghiệp vốn đến từ các bảo tàng phương Tây có hệ thống quy chuẩn nghề nghiệp bài bản và ở các nước có thị trường nghệ thuật thật sự phát triển đều có cơ sở đào tạo chuyên ngành này.

Ngược lại, ở Việt Nam, chuyên ngành này chưa xuất hiện ở bất cứ một trường đại học mỹ thuật nào. Thị trường mỹ thuật trong nước thì chưa thật sự được vận hành đúng theo quy luật phát triển nên tuyệt đại đa số các curator từ hàng chục năm qua đều là tự phong, tự nhận, nhiều khi dẫn đến những nhầm lẫn tai hại. Điển hình là gần đây, trên website của một gallery mới mở có công bố về một nhóm curator của mình có tám người thì bốn trong số đó đồng thời lại thuộc danh mục họa sĩ/ nghệ sĩ nhiếp ảnh bán tác phẩm ở gallery. Điều đáng kể là gallery này chỉ bán ảnh chụp tác phẩm với cam kết là bản duy nhất, được số hóa từ bức tranh thật - kèm chữ ký "không thể thay thế" của tác giả. Nhưng thực tế là các họa sĩ này vẫn còn sung sức sáng tác với phong cách tạm gọi là định hình, giá bán tranh thật cũng không theo một định chuẩn nào. Mô hình kinh doanh mà gallery này áp dụng ở Việt Nam thực ra không mới trên thế giới, song nó chỉ phù hợp cho các sáng tác trên nền tảng kỹ thuật số (digital art). Còn việc số hóa các bản sáng tác thật có thể được sử dụng để kinh doanh như in phiên bản với mức giá rất thấp, mang mục đích phổ biến/ đại chúng hóa hình ảnh tác phẩm. Câu hỏi đặt ra là bản thân các họa sĩ/ curator làm việc cho gallery này có thực sự hiểu được mô hình kinh doanh của chính nó? Hay đây là một cách để hợp sức tạo tiếng vang cho cả hai bên: bên gallery được giới thiệu là có các họa sĩ tên tuổi làm curator; bên họa sĩ / curator thì có tranh thật được "thổi giá", một khi thông tin đấu giá bản số hóa duy nhất tranh của họ được công khai lên đến hơn 10 nghìn đô-la Mỹ, thậm chí có bản được định giá khởi điểm là một triệu đô-la Mỹ?

Riêng về danh xưng "nhà nghiên cứu mỹ thuật", để trở thành một nhà nghiên cứu mỹ thuật đúng nghĩa đòi hỏi rất nhiều yếu tố chuyên môn cũng như trải nghiệm nghề nghiệp và thành tựu nghiên cứu như các bài báo khoa học, tiểu luận nghiên cứu, sách, chuyên khảo... chuẩn mực chứ không chỉ đơn giản là các bài báo tán tụng đơn lẻ, các điểm tin nghệ thuật trên "phây" hay công việc biên tập một vài cuốn sách giới thiệu tranh của họa sĩ. Tương tự, nhiều người chỉ từng tốt nghiệp khoa Lý luận, Lịch sử và Phê bình mỹ thuật, Đại học Mỹ thuật Hà Nội (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam) rồi đi làm các công việc hành chính, sự vụ ở một vài cơ quan liên quan đến mỹ thuật, không hề công bố các bài viết phê bình thường xuyên, nhưng tên của họ trên truyền thông luôn có đính kèm danh xưng "nhà phê bình mỹ thuật".

Thay lời kết

Chuyên nghiệp, xét cho cùng và đơn giản, dễ hiểu nhất, chính là sự tận tâm vói nghề nghiệp và sự tôn trọng đúng nghĩa dành cho công việc mà mình đang làm. Như vậy, người làm việc chuyên nghiệp sẽ luôn ý thức được một cách đầy đủ nhất về vị trí và khả năng của bản thân mình để tiếp tục phát triển, tiến bộ trong nghề nghiệp. Hy vọng rằng, hành trình chuyên nghiệp của mỹ thuật Việt Nam sẽ sớm bớt gian nan, khi ngày càng nhiều người làm việc trong lĩnh vực này bỏ được thói hư danh và thực dụng.