Lưu Công Nhân và những lá thư không gửi

Năm qua, một may mắn hiếm hoi của tôi trong công việc viết về mỹ thuật Việt Nam là được tiếp cận với hàng chục kilogram văn bản và hình ảnh mang tính chất dữ liệu cá nhân của họa sĩ Lưu Công Nhân (1929-2007), một họa sĩ tài năng và có vị trí quan trọng trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam hiện đại.

Làng Thư Thị, sơn dầu, 1960. Tranh | LƯU CÔNG NHÂN
Làng Thư Thị, sơn dầu, 1960. Tranh | LƯU CÔNG NHÂN

Lần giở từng trang dữ liệu, nhiều phần đã nhòe mờ do thời gian, càng thêm hiểu về ông, ngộ ra một điều đơn giản: để trở thành một người luôn giữ cho trái tim mình nồng ấm với đời, với người thật khó, bởi phải biết cách đối diện với nỗi cô đơn sâu thẳm trong tim mình.

Lưu Công Nhân viết nhiều, có lẽ không kém việc vẽ. Bên cạnh đó, việc đọc sách được ông hết sức coi trọng. Từ đầu thập niên 1990 trở đi, khi báo chí trong nước ngày càng đa dạng, phong phú về nội dung, ông cũng đọc nhiều, còn tranh thủ cất giữ lại những bài báo có ý nghĩa với riêng ông, như là giữ lại sách vậy.

Qua nguồn dữ liệu chúng tôi được tiếp cận, có thể xếp những "cái viết" của Lưu Công Nhân thành 6 dạng: nhật ký; thư gửi bạn hữu; bài báo; ghi chép rời; sổ ghi chép và thư không gửi. Hình thức viết đa dạng, nội dung viết phong phú, sức nghĩ dồi dào và cảm xúc tràn chảy mênh mang... Tuy được viết ra dưới nhiều dạng thức khác nhau nhưng suy nghĩ và cảm xúc của ông được bộc lộ rất rõ ràng, cụ thể với các hình ảnh so sánh dí dỏm, hài hước. Có lúc, chúng được giãi bày một cách tinh tế, hàm ý sâu xa. Có khi lại lẩn khuất trong những mơ mộng viển vông, trong những tự trào mà tự tôn kiêu hãnh, cả trong những khiêm tốn run rẩy theo đôi tay của bệnh tật tuổi già. Thật không dễ để nói về chừng ấy tài liệu trong một bài báo nhỏ nên có lẽ, tôi muốn lựa chọn mảnh dữ liệu mà nó cho thấy rõ hơn cả nội tâm của ông, một người sáng tạo khi đối diện với nỗi cô đơn của chính mình: những lá thư không gửi.

Thư viết cho người mà như cho mình

Trong chuyện thư từ với bạn và người thân, Lưu Công Nhân luôn là người gửi đi nhiều hơn. Có những lá thư của bạn gửi lại cho ông mà chỉ nguyên lời xin lỗi kèm giải thích vì sao chậm trễ hồi âm cho ông cũng đã khiến người đọc xao động mãi. Như nhà thơ Thi Hoàng từng giãi bày: "Quả là có lỗi khi đã nhận được thư và tranh anh gửi mà chậm trả lời. Ấy là do cứ băn khoăn không biết anh đang ở đâu, Đà Lạt hay Sài Gòn. Sợ rằng thư đến nơi này người lại ở nơi kia!... Vợ con em hay nhắc đến anh lắm, có lúc nào anh thấy sốt ruột không? Chẳng hiểu sao vợ em chỉ sợ em đã làm gì đó để anh buồn; cô ta cho rằng em chậm viết thư cho anh là một sự... vô lễ! Làm em cũng thấy sợ lây..." (Thư Thi Hoàng gửi Lưu Công Nhân, Hải Phòng, ngày 20/8/2001).

Những câu chuyện chan chứa ký ức quá khứ, đan xen xúc cảm hiện tại và suy tưởng về tương lai được ông gửi đến bạn hữu, hé mở biết bao điều về tình bạn lâu năm, đi qua đủ thăng trầm thời gian, đi qua đủ cay đắng và ngọt bùi cuộc đời của một nghệ sĩ. Ông chơi với bạn bè không chỉ đơn thuần là chơi ở góc độ tinh thần. Ông chăm sóc họ, gửi thuốc chữa bệnh, trà, thuốc lá, cả tiền nhuận bút bài viết cũng sẵn lòng để lại cho bạn dùng trước, hoặc bạn cảm thấy có thể nhẹ lòng dùng trước rồi thư hỏi ông kiểu "tiền trảm hậu tấu" mà không thấy lấn cấn, bởi họ cảm hiểu được tấm tình của ông với mình. Trên nền tảng tương giao ấy, ông thoải mái trút nỗi lòng cá nhân lên từng trang viết, tại khoảng thời gian mà ông đối diện với trang giấy để đối thoại với bạn, mà đúng hơn là đối thoại với nội tâm chính mình. Thật thà và cảm xúc, thấm thía và sâu sắc, nó là chính ông ở thời điểm đó chăng nên Lưu Công Nhân đã làm thường xuyên một việc đẹp: ông tự đánh máy hoặc photocopy lại lá thư ấy để gửi bạn, còn mình giữ lại bản ban đầu. Một "nhân chứng" của việc nhận bản thư thứ hai của ông Nhân là nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn, sau khi tôi được đọc một số thư ông Nhân gửi cho anh, tôi đã phải hỏi liệu anh có nhận được thư của ông như vậy không, thế là nhiều câu chuyện khác về ông lại được anh kể...

Đây là mấy dòng ông viết gửi một người bạn thân, nhà quay phim, đạo diễn điện ảnh tài liệu Trần Thịnh (1932-1986):

"... Tôi đã đến Sơn La và Điện Biên tất cả bốn lần. Hai lần đi bộ hoàn toàn phải mất hằng tháng mới đến và hai lần bằng xe con... tôi cũng đã từng ngắm say mê các cây hoa rừng nở với váy áo các noọng Thái và tất nhiên cả... khửn các noọng... ôi tuyệt đẹp! Và bông lau bạn gửi cho tôi, lay động tâm hồn tôi đến các đáy thầm kín nhất. Nhưng tôi cũng đã từng nhận ra là mệt mỏi khi nghĩ đến những tranh vẽ thật bất lực với cái thực tại tuyệt vời. Tôi đã từng nghĩ đến... hãy vẽ đi... Tổ quốc bất tận... [...] Bông lau mà bạn gửi cho tôi bây giờ nằm bên cái máy chữ này, nếu như tôi lại gửi cho ông Phái một lá me hay một sợi lông, thì chắc ông Phái cũng se lòng lại đấy chăng, bạn ạ."

("Phái" ở đây là họa sĩ Bùi Xuân Phái, họ đều là bạn thân của nhau, thư này viết gửi "cụ Thịnh" ở Hà Nội, khoảng năm 1978-1979).

Lưu Công Nhân và những lá thư không gửi -0
Những lá thư không gửi.

Thư viết cho người như một bức tranh

Viết dường như chưa đủ. Ông Nhân còn vẽ lên các bức thư ấy. Có thư, chỉ là đôi dòng báo tin, vài từ tâm sự, và tràn trang giấy là một lọ hoa, bó hoa, nhiều nhất vẫn là ký họa nude... Kể từ khi về cư ngụ ở một xóm làng nhỏ thuộc thị xã Vĩnh Yên, giai đoạn 1992-1997, sau nhiều lang bạt đây đó khắp vùng miền đất nước qua đủ năm tháng chiến tranh và nhọc nhằn của đời sống vật chất thiếu thốn, ông Nhân càng nhận ra một cách sâu sắc hơn bao giờ hết tình họa sĩ của mình chỉ là dành cho cái đẹp thuần khiết của đời sống thôn làng Việt, mà tất cả vẻ đẹp ấy hội tụ ở hình thể thuần khiết của một thiếu nữ thôn quê "tắm truồng" bên chum nước, gáo dừa dưới đêm trăng...

Ông vẽ rất nhiều nude, nhưng luôn luôn chưa cảm thấy đủ, đơn giản bởi chưa có bức tranh nào khiến ông cảm thấy đạt tới vẻ đẹp trong tự nhiên, từ tự nhiên của chính những người mẫu của ông. Ông đã từng viết trong một cuốn sổ, như là viết gửi ai đó mà thực ra, ông viết nhật ký cho mình: "... 8 giờ sáng mẫu đến. Một thôn nữ 18 tuổi với dáng người mạnh khỏe và tôi bắt đầu buổi sáng vẽ academique... Ông bạn sẽ lặng người mà ngắm thân hình trong ngọc trắng ngà. Vâng, tôi đã vẽ cả nghìn bức khỏa thân. Tôi không ao ước gì hơn là vẽ được vài tác phẩm khỏa thân tuyệt đẹp cho đất nước mình [...] Và không có gì hạnh phúc hơn là đời sống thôn dã...".

Một trong số bức thư "tâm sự" với bạn họa sĩ Mai Long, ở Hà Nội, được viết vào ngày thứ hai của năm mới 2003, chỉ có vài dòng quanh bức nude choán gần hết tờ giấy, thật trẻ đấy mà tràn đầy nỗi niềm: "... Mai Long ơi, lại hết một năm rồi, năm mới vừa bắt đầu... thì đã hết... 2 ngày...". Và một bức thư khác, đề "Chú Cương ơi" (tức họa sĩ Lê Thiết Cương, Hà Nội), vào tháng 4/2006: "... Thật tiếc, tôi nằm ở Đà Lạt cả năm rồi. Đến lúc bệnh nặng thêm và răng lại rụng, đành phải đi Sài Gòn khám lại thì chú lại vào Đà Lạt!...". Một chút tự trào, hơi xót xa đấy mà vẫn thật ấm áp, và nữa, chút hình nude không thể thiếu...

* *
*

Còn nhiều nhiều lắm những chia sẻ của ông mà cá nhân tôi, đọc đi đọc lại hàng chục, hàng trăm lần, vẫn không nguôi xao động trong lòng. Chan chứa tình của một trái tim mẫn cảm với người, những lá thư của Lưu Công Nhân đã nói với tôi điều ấy. Nhưng làm thế nào để giữ được một trái tim như vậy cho đến những giây phút sống cuối cùng, như ông? Tôi đã nghĩ, câu trả lời là: Yêu người, yêu sự sống không thôi, hẳn chưa đủ! Mà còn phải đủ nhẫn nại để sống cùng cuộc đời, chia sẻ mọi ấm áp cùng người, tất cả những người đã cùng ông đi qua cuộc đời này nữa... và ôm chặt lại nội tâm cô đơn cho riêng mình.

Lưu Công Nhân và những lá thư không gửi -0
Họa sĩ Lưu Công Nhân, lúc sinh thời, trong xưởng vẽ của ông ở Đà Lạt. Ảnh trong bài do anh Lưu Anh Tuấn - đại diện gia đình họa sĩ cung cấp.