Khi người trẻ nặng lòng cùng di sản

Rất nhiều người trẻ đang cùng chung tay gìn giữ nâng niu những tinh hoa mà nhiều thế hệ cha ông đã trao truyền cho con cháu bằng những đóng góp lặng thầm đầy nhiệt huyết trên các hội nhóm, diễn đàn. Rất nhiều người trẻ đang hành động để cùng nỗ lực lan tỏa và bảo tồn giá trị những di sản Việt. Bởi trong suy nghĩ của họ, như “trưởng thôn” Nguyễn Đức Bình của nhóm Đình làng Việt từng chia sẻ, “chỉ cần mỗi người yêu mến di sản với thái độ chân thành thì di sản sẽ trường tồn”.

Khôi phục và bảo tồn áo dài nam là hoạt động được nhóm Đình làng Việt ưu tiên trong thời gian gần đây.
Khôi phục và bảo tồn áo dài nam là hoạt động được nhóm Đình làng Việt ưu tiên trong thời gian gần đây.

Đông tay thì vỗ nên kêu

Bảy năm về trước, trong quá trình thực hiện đề án nghiên cứu giá trị văn hóa đình làng Việt, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình nhận thấy có rất nhiều người quan tâm, trăn trở trước sự tồn vong của những ngôi đình làng vốn ôm chứa trong mình những cội rễ giá trị văn hóa dân tộc nhưng lại không có điều kiện để kết nối, sẻ chia để cùng tìm ra những giải pháp giữ gìn hiệu quả. Bảy năm sau, ngôi nhà Đình làng Việt của “trưởng thôn” Nguyễn Đức Bình cùng những chuyên gia tên tuổi như Trần Hậu Yên Thế, Nguyễn Hoài Nam, Trần Trung Hiếu... đã có sự chung tay của biết bao bạn trẻ. Ngoài hơn 40 chuyến điền dã được tổ chức giúp các thành viên được tiếp cận với di sản để rồi tích cực thông tin tới cộng đồng về những giá trị nổi bật, cảnh báo nguy cơ xuống cấp của di tích cũng như sự biến dạng do các tác động thiên tai và con người, Đình làng Việt còn triển khai nhiều hoạt động đa dạng như tổ chức triển lãm, hội thảo, tọa đàm, tái hiện những lễ hội truyền thống trong không gian xưa cũ, khôi phục và bảo tồn áo dài nam... Không chỉ dừng lại ở việc gìn giữ những di sản vật thể, nhóm còn mở rộng sự quan tâm tới tinh hoa của những di sản phi vật thể như hát xẩm, hát văn, ca trù hay hát xoan, đờn ca tài tử...

Tương tự, Đài quan sát Di sản Sài Gòn trở thành nơi “nâng cao ý thức cộng đồng về tình trạng các công trình lịch sử, cảnh quan đô thị và thiên nhiên đang gặp nguy cơ bị hư hại hay phá hủy” với kho hình ảnh lịch sử 130 nghìn tấm kèm phụ đề được các thành viên kỳ công sưu tầm và lưu trữ. Chùa Việt là diễn đàn chia sẻ mọi thông tin về chùa chiền và văn hóa Phật giáo Việt Nam nói chung. Còn Tản mạn Kiến trúc là “dự án nghiên cứu và truyền thông đặt trọng tâm vào các công trình di sản tại miền nam Việt Nam, trải dài từ kiến trúc gỗ truyền thống, kiến trúc thuộc địa thời Đông Dương thuộc Pháp đến kiến trúc hiện đại bản địa (đến trước năm 1975) với tầm nhìn tạo ra một kênh truyền thông kiến thức hướng đến giới trẻ”.

Đặc biệt, những nội dung đầy sáng tạo của nhóm admin thuộc thế hệ 9X luôn nhận được bình luận ngắn gọn: chất - đỉnh - mặn... trên fanpage Di tích nhà tù Hỏa Lò (Hoa Lo Prison Relic) trong thời gian gần đây đã biến di tích lịch sử quen thuộc này trở thành từ khóa thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng. Chọn hướng truyền thông mới mẻ, hóm hỉnh và thông minh, nhóm quản trị diễn đàn thuộc thế hệ 9X của Hoa Lo Prison Relic đã mang lại ánh sáng lấp lánh cho những thông điệp hào hùng từ quá khứ cùng khía cạnh hấp dẫn cho những câu chuyện lịch sử vốn mặc định khô khan.

Không chỉ có vậy, diễn đàn Histo TEA do nhóm admin trẻ trung này phát triển với hơn 11 nghìn thành viên cùng kênh phát thanh độc quyền trên nền tảng ứng dụng Spotify đã nhận được “cơn mưa” lời khen từ thính giả. Lần đầu tiên tại Việt Nam, một kênh phát thanh bao gồm các podcast (loạt tập tin âm thanh hoặc video số) được ban quản lý di tích tự tay thực hiện từ khâu sản xuất nội dung tới hậu kỳ sản phẩm. Và hai tập mới nhất trong chuyên đề Thắp lửa yêu thương kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh liệt sĩ đã nhanh chóng đạt Top 24 hạng mục lịch sử của Apple Podscast Singapore, Top 2 xếp hạng Podcast Spotify Việt Nam chỉ sau một ngày ra mắt... Hướng triển khai của Di tích nhà tù Hỏa Lò cũng là một mô hình hiệu quả có thể nhân bản và ứng dụng rộng rãi để lan tỏa tình yêu nước, giáo dục truyền thống cách mạng theo cách thức hấp dẫn, được người trẻ đón nhận và ủng hộ.

Mạng ảo, hiệu ứng lan tỏa thật

Lang thang trên các hội nhóm, diễn đàn được người yêu di sản đánh giá cao, tôi nhận ra số lượng thành viên tham gia đều lên tới vài chục nghìn, hoạt động tương tác diễn ra khá sôi nổi và chất lượng. Đình làng Việt thu hút 26 nghìn người, Đài quan sát Di sản Sài Gòn với hơn 7 nghìn. Hơn 29 nghìn thành viên có chung niềm đam mê với Chùa Việt, Tản mạn kiến trúc sở hữu tới 30 nghìn người quan tâm. Đạt số người theo dõi lớn nhất là Di tích nhà tù Hỏa Lò với 63 nghìn bạn trẻ, cho dù địa chỉ đỏ này vốn xưa nay chỉ hấp dẫn hai đối tượng khách tham quan chủ yếu: người nước ngoài và các cựu chiến binh. Thực tế đó cho thấy, người trẻ không hề thờ ơ hay vô cảm với những giá trị tinh hoa chắt lọc từ mạch nguồn quá khứ như mặc định. Khi chọn nối vòng tay lớn trong một cộng đồng có chung niềm đam mê, họ sẽ làm được nhiều việc có ích.

Nhờ những hoạt động đầy trách nhiệm của Đình làng Việt, tiếng kêu cứu về những cuộc trùng tu như phá, những di tích chờ sập, những linh vật - biểu tượng ngoại lai xuất hiện trong lòng di tích... đã nhanh chóng vọng tới các cơ quan chức năng. Nhờ vai trò giám sát hiệu quả của đông đảo thành viên Đình làng Việt trong công tác bảo tồn mà hoạt động trùng tu, tôn tạo di tích của nhiều địa phương đã từng bước cẩn trọng hơn, những “vết đen” từng xuất hiện ở đình Quang Húc, lăng Ngô Quyền hay chùa Sổ trước đó đã giảm thiểu rõ rệt.

Tương tự, được tin Thương xá TAX - công trình kiến trúc theo trường phái Art Deco tuyệt đẹp sẽ bị dỡ bỏ để xây dựng một trung tâm thương mại cao 40 tầng, cuộc vận động của Đài quan sát Di sản Sài Gòn (Saigon Heritage Observatory) đã bảo lưu được những chi tiết có giá trị lịch sử và mỹ thuật vô giá (như các thảm gạch thủ công mosaic làm thủ công từ Bắc Phi, hệ thống cầu thang và mái vòm đồng hồ cổ điển để tái hiện trong công trình mới) nhờ một bản kiến nghị tập hợp 3.500 chữ ký.

Không thể không nhắc tới SEN Heritage - dự án nghiên cứu, đề xuất và ứng dụng, quảng bá di sản Việt vào đời sống xã hội hiện đại với hành trình phỏng dựng tổng thể kiến trúc chùa Diên Hựu thuộc Dự án tái lập các di sản kiến trúc - mỹ thuật thời Lý. Từ bi ký, hiện vật khảo cổ đến bản vẽ phỏng dựng 2D, rồi từ bản vẽ 2D đến bản VR3D nhằm giúp người xem hôm nay có thể ngược dòng thời gian, trải nghiệm nét đẹp vàng son xưa cũ trong một không gian thực tế ảo VR và AR. Nhóm tác giả trẻ mong muốn sản phẩm đầy tâm huyết này sẽ trở thành giáo cụ sinh động trong các chương trình giảng dạy chuyên sâu về kiến trúc - mỹ thuật đời Lý cũng như quảng bá những giá trị văn hóa rực rỡ thời Lý đến với xã hội đương đại hôm nay.

Cần sự định hướng để hoạt động hiệu quả

Là sân chơi quy tụ người trẻ nhưng điểm chung của các hội nhóm, diễn đàn kể trên là đều được điều phối, hướng dẫn và định hướng phát triển bởi những chuyên gia giỏi nghề, tận tâm và nhiệt huyết với sự tồn vong của di sản nước nhà. Đứng sau thành công ban đầu của fanpage Di tích nhà tù Hỏa Lò, bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Trưởng ban quản lý Di tích từng chia sẻ: “Các bạn trẻ có thể quá sung, lại thiếu kinh nghiệm nên rất cần có sự cẩn trọng. Để dung hòa, chúng tôi đã phân công những cán bộ nghiên cứu thẩm định, góp ý và hỗ trợ cho nhóm trẻ”.

Khi người trẻ nặng lòng cùng di sản -0Nhờ nỗ lực của Đài quan sát Di sản Sài Gòn những chi tiết có giá trị lịch sử và mỹ thuật vô giá của Thương xá Tax đã được bảo tồn.

Và để vận hành hiệu quả hoạt động của hơn 30.000 thành viên, nhóm quản trị Tản mạn kiến trúc cũng phải định hướng rất bài bản: “Trong thời gian gần đây, vấn đề bảo tồn kiến trúc đang nhận được sự quan tâm mạnh mẽ, đặc biệt từ giới trẻ. Tuy nhiên, họ gặp phải các khó khăn trong việc tiếp cận thông tin, do những thành tựu nghiên cứu hàn lâm vẫn chưa tiếp cận cộng đồng nhiều. Do vậy, chúng tôi chú ý đến việc mang các kiến thức thường thức nghệ thuật đến với cộng đồng, biến các thông tin chuyên môn trở nên dễ tiếp cận và thân thiện để xây dựng tình cảm trân trọng và cung cấp các lý do giúp giới trẻ thấy rằng bảo tồn di sản kiến trúc là cần thiết. Bởi tạo ra các kết nối giữa các cơ quan chức năng, các chuyên gia, chủ sở hữu và cộng đồng trẻ đóng vai trò thiết yếu trong việc nâng cao hiệu quả bảo tồn”.

Nhờ sự đồng hành đó, danh sách những sân chơi quy tụ người yêu di sản đang ngày một dài, nỗ lực bảo tồn di sản của người trẻ đang trở thành một trào lưu tích cực trên không gian mạng và mang lại những tín hiệu lạc quan, để kho tàng di sản sống mãi.