Huấn luyện viên Kịch ứng tác Trần Thanh Vân:

Dám làm và không bao giờ sợ hãi

The Yes And Show - đêm diễn tốt nghiệp kịch ứng tác level 3 của Sài Gòn Improv House – Ngôi Nhà Ứng Tác kết thúc, cô giáo Trần Thanh Vân (Vân Possible) vẫn chưa hết cảm giác hồi hộp và vui sướng. Hơn một năm trước, rời Mỹ về Việt Nam, Vân mở những lớp học Kịch ứng tác đầu tiên. Giờ đây, những lớp học của cô luôn lấp đầy chỗ chỉ sau vài ba tiếng đồng hồ đăng tuyển… 

Huấn luyện viên Kịch ứng tác Trần Thanh Vân.
Huấn luyện viên Kịch ứng tác Trần Thanh Vân.

Kịch ứng tác giúp Vân “tự chữa lành”

Năm 2017, Trần Thanh Vân đến Mỹ bằng tấm vé của Chương trình học bổng Fulbright để học thạc sĩ ngành Truyền thông. Một ngày, cô bạn học cùng - vốn là một người dẫn chương trình tại một đài truyền hình ở NewYork - nói với Vân: “Vân ơi, thử đi học kịch ứng tác đi. Tôi nghĩ chắc chắn sẽ hợp với bạn lắm”. Lúc đó, Vân cũng chỉ ậm ừ mà không thật sự để tâm lắm. Cho đến khi kết thúc hai năm học, Vân đối mặt với những vấn đề trong công việc cuộc sống cá nhân. 30 tuổi, cô loay hoay với những câu hỏi về những việc đã và sẽ diễn ra. Trong lúc chán nản, chợt nhớ lời cô bạn, Vân đi xem thử một buổi biểu diễn kịch ứng tác. “Tại sao có bộ môn vui và hay như vậy mà giờ mình mới biết!”, Vân thốt lên và đăng ký đi học thử ngay sau lần đầu tiên đi xem.

Ở lớp Kịch ứng tác, Vân là người nước ngoài duy nhất. Ban đầu, cô hết sức khổ sở vì sự thua kém về ngôn ngữ cũng như chưa hiểu được văn hóa, cách ứng xử của người bản địa để ứng tác trong những buổi học. Nhưng dần dần Vân biết lợi thế của mình, và tập trung vào những điều mình có. Thay vì dằn vặt làm thế nào để cư xử thật đúng, để nói như một người Mỹ, thì cô tập trung làm đúng những gì được dạy: thể hiện đúng cảm xúc của mình trong thời điểm đó. “Trong Kịch ứng tác, chân thành là nguyên liệu quan trọng nhất chứ không phải thả miếng, gây cười. Sự chân thành, sự ngô nghê đôi khi tạo nên nét hài rất riêng, mà bạn không cần gồng lên để diễn”, Vân chia sẻ.

Vân mê Kịch ứng tác đến độ đăng ký rất nhiều lớp để học. Cô học một lúc nhiều trường bởi mỗi trường theo một trường phái và kỹ thuật dạy khác nhau. Kịch ứng tác ở NewYork khác với kịch ứng tác ở Los Angeles, ở Chicago… Vân muốn hiểu hết ngọn ngành về nó. Để có tiền trang trải việc học, Vân đến nhà hát làm soát vé, bán bia, bán nước và lau dọn sân khấu để được học kịch ứng tác. Cứ ba đêm làm việc đổi lấy một đêm học kịch ứng tác miễn phí. Từ nhà Vân ở Brooklyn đi tàu điện phải đổi qua ba trạm và đi một quãng xa mới tới nhà hát, vậy mà bất kể ngày tuyết rét mướt hay những đêm muộn - có một cô bé mũm mĩm người Việt tay kéo chiếc balo hồng miệt mài trên những chuyến tàu đi về để được sống trọn vẹn với đam mê.

Dám làm và không bao giờ sợ hãi -0
 Lớp học level 1.

Từ lúc nào, Trần Thanh Vân đã đi qua quãng thời gian khó khăn của bản thân nhờ Kịch ứng tác. Thay vì việc suy nghĩ nhiều tới vấn đề của mình, cô quan tâm đến người khác và tận hưởng những phút giây của hiện tại. “Tôi không còn nghĩ nhiều đến quá khứ và tương lai, vốn là những điều khiến mình cảm thấy stress sau khi tốt nghiệp. Đôi khi cuộc sống bắt mình đạo mạo, nghiêm túc, kịch ứng tác khiến mình có thể cười vui như một đứa trẻ, được làm những điều ngốc nghếch. Hơn hết, học kịch ứng tác mình biết lắng nghe, luôn đồng ý với người khác và khiến mình tốt hơn”, Vân chia sẻ.

Trở thành Huấn luyện viên kịch ứng tác vì muốn có nhiều người “chơi” cùng

Mê “chơi” ứng tác, Vân muốn thật nhiều người “chơi” cùng để mọi người có thêm những nguồn năng lượng tích cực. Nghĩ là làm, tháng 12/2020, sau khi về Việt Nam, Nguyễn Thanh Vân mở lớp học đầu tiên về Kịch ứng tác. Chỉ trong một thời gian ngắn sau khi thông báo trên Facebook, hai lớp học Kịch ứng tác đầu tiên đã kín chỗ.

Những học viên vừa tốt nghiệp lớp Kịch ứng tác level 3 chính là những học viên đầu tiên của Vân. Lớp học đi qua những buổi học online – offline vì dịch, vậy mà đã đi đến được buổi biểu diễn tốt nghiệp level 3. “Lòng tôi run lên mỗi khi thấy các bạn lúng túng gian nan trong mỗi khúc khó; nhưng tôi cố gắng hiểu và để các bạn tự đi và tìm thấy câu chuyện của mình. Vì cuối cùng ứng tác không chỉ quan trọng việc diễn hay, mà quan trọng hơn là việc mình dám bước ra và make a move (dịch chuyển) dù chưa biết trước kết quả”, Trần Thanh Vân trải lòng.

Ở Việt Nam, kịch ứng tác đã xuất hiện một thời gian nhưng mức độ phủ sóng còn ít, những người giảng dạy chủ yếu là người nước ngoài với những buổi đào tạo ngắn hạn. Trần Thanh Vân được đào tạo khá bài bản ở nước ngoài và được coi là một trong những huấn luyện viên kịch ứng tác chuyên nghiệp đầu tiên ở Việt Nam.

Theo Vân, cái khó nhất của việc dạy Kịch ứng tác ở Việt Nam chính là chuyển thể sang văn hóa Việt và tiếng Việt. Người phương tây tự do hình thể và bày tỏ cảm xúc dễ dàng. Đối với các bạn Việt Nam, Vân tập trung sáng tạo ra nhiều bài tập “Việt hóa” để luyện tập, kích thích người chơi bày tỏ cảm xúc và giải phóng hình thể hơn.

Kịch ứng tác là một môn biểu diễn sống. Không đạo cụ, không kịch bản, các tình tiết được xây dựng dựa trên gợi ý của khán giả và sự tương tác bất ngờ của người diễn. Có một nguyên tắc bất di bất dịch, đó là “Yes, and…”, nghĩa là bạn cần luôn lắng nghe, đồng ý với các chi tiết mà bạn diễn đưa ra, từ đó khai thác sâu hơn. Bởi vậy, không có cách nào hiểu và cảm môn này hay hơn bằng cách đến và ngồi chung một không gian duy nhất và không bao giờ gặp lại. TP Hồ Chí Minh đóng cửa vì dịch, Vân bắt buộc phải chuyển qua dạy những lớp học online. Khó khăn trong việc chuyển tải tinh thần của Kịch ứng tác, nhưng nhờ đó, Kịch ứng tác được nhiều người biết đến hơn. Vân đã lan tỏa được bộ môn này tới rất nhiều bạn không chỉ ở TP Hồ Chí Minh, mà còn ở Hà Nội, Long An, Cần Thơ… cả những học viên ở những đất nước xa xôi như Pháp, Mỹ, Nhật… Kịch ứng tác còn được các bạn nhỏ đón nhận và “chơi” theo những cách riêng của mình.

“Thứ duy nhất bạn có là một tinh thần dám làm và không sợ hãi”

Những học viên của Trần Thanh Vân là diễn viên, là giáo viên, bác sĩ, kế toán hay nhà báo… Mỗi người tìm đến Kịch ứng tác với những mục đích khác nhau và đều nhìn thấy ở Kịch ứng tác những nét đẹp riêng. Có những bạn tìm đến lớp và phần nào vượt qua được thời gian trầm cảm khó khăn, có những bạn học xong mạnh dạn hơn, trở nên gần gũi với gia đình và bạn bè hơn... Và quan trọng nhất, được vui, được là chính mình.

Dám làm và không bao giờ sợ hãi -0
Lớp ứng tác level 3 tốt nghiệp thành công và nhiều cảm xúc. 

Bạn Hà Trần (TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Sau bài học kiểm soát sợ hãi, mình đang nhận diện và thực hành bài tập về lắng nghe. Thành công đầu tiên là dẫn thành công chương trình giao lưu khách mời cho một câu lạc bộ tiếng Anh mà không cần kịch bản hay chuẩn bị nhiều. Mình cũng nhìn người khác bởi những điều tốt đẹp của họ, bớt đánh giá người khác dựa trên suy nghĩ của mình”.

N.T.N. từ Tây Ninh vượt 90km lên Sài Gòn đi về chỉ để học ứng tác. N. luôn tự ti, mặc cảm vì bị mụn nặng. Những bài học giúp bạn học cách chấp nhận nỗi sợ, chấp nhận vẻ bề ngoài của mình hơn: “Nếu không học hành tử tế trong hai tháng qua chắc em sẽ trở thành người luôn lo sợ, luôn giấu mình và sợ người”. Kịch ứng tác giúp người chơi luyện tập “bó cơ” vượt qua nỗi sợ bằng những bài tập giúp ta tự tin nói ra suy nghĩ và cảm nhận chân thật của mình.

Kịch ứng tác là một bộ môn nghệ thuật vẫn còn mới mẻ ở Việt Nam, không ai biết tương lai của nó như thế nào. Vân vẫn cần mẫn với những lớp học của mình. Vân muốn cộng đồng “chơi” Kịch ứng tác ở Việt Nam ngày càng lớn mạnh hơn. Bởi như người thầy của Vân nói: “Không ai chơi Kịch ứng tác mà không dễ thương cả”.

Cách đây ba năm, Vân không hề biết đến Kịch ứng tác. Hồi bé, Vân ước mơ xây nhà từ thiện mầu tím, lớn dần lên mơ trở thành nhà ngoại giao, được đi du học. Những việc Vân đã làm đều đi rất xa so với trí tưởng tượng của Vân. Nhiều người biết đến Vân bởi series Hoa Hậu Toàn Dải Ngân Hà, những vlog hài hước, và cả vị trí host Xone FM-VOV3… Vân gác lại mọi thứ để đi du học, tốt nghiệp ngành truyền thông nhưng lại rẽ hướng đi dạy Kịch ứng tác.

Kịch ứng tác dạy Vân một điều: “Không ai biết trước điều gì sẽ đến, thứ duy nhất bạn có là một tinh thần dám làm và không sợ hãi”. Điều đẹp nhất trong cuộc sống là hành trình tìm ra những câu trả lời cho bản thân và những bất ngờ cuộc sống mang lại. Và bạn chỉ có một cuộc đời, bạn chọn màu sắc nào, vẽ cái gì là lựa chọn của mỗi người. Trần Thanh Vân muốn làm việc mình yêu để mỗi ngày đều muốn bật dậy và đắm chìm trong nó.