Chuyện chăn chuyện gối một thời

Những ngày cuối năm tranh thủ dọn dẹp lại nhà cửa, tôi thấy cuốn album ảnh cũ của gia đình trong ngăn tủ để đồ kỷ niệm. Thế là lần giở lại ngắm từng bức. Một bức ảnh chụp gia đình trong căn phòng xưa cũ làm tôi nghẹn lại. Trong ảnh có chiếc chăn chiên và chăn con công, những tấm chăn ủ ấm cho chúng tôi suốt một thời thơ bé.

Minh họa: HẢI KIÊN
Minh họa: HẢI KIÊN

Chắc các sinh viên, bộ đội hay những cán bộ, công nhân viên ở tập thể hồi đó đều mong có chiếc chăn chiên. Cán bộ công nhân viên cũng phải tích góp dành dụm vài năm trời mới đủ tiền mua. Chăn chiên chủ yếu được làm từ sợi thô loại ra từ quá trình sản xuất len kết hợp với sợi bông vụn. Nhà máy lớn ở miền bắc sản xuất đại trà chăn chiên là nhà máy dệt Nam Định. Bà cô họ tôi là kỹ sư nhà máy ấy nên mỗi năm được ưu tiên mua rẻ thêm hai chiếc. Vậy là gia đình tôi cũng được nhờ mà sớm có một cặp chăn chiên loại A. Chăn loại A dệt từ lông cừu loại sau khi chọn nguyên liệu làm len, rồi tổng hợp cùng sợi bông dệt nên một tấm chăn mượt mịn. Tấm chăn trông thì mỏng manh nhưng cũng đủ sưởi ấm ngày đông.

Nhưng chăn chiên cũng có năm bảy đằng, có loại của dệt Nam Định, có loại sang Việt Nam từ Trung Quốc thời không có  xung đột đường biên. Có loại xịn nhất sau này mới thấy là chăn chiên đóng thùng của dân học tập, nghiên cứu sinh hay xuất khẩu lao động từ Đông Âu đóng thùng gửi về. Ấy là những tấm chăn bọc hàng, chèn hàng cho khỏi hư hỏng trước khi đóng thùng gỗ gửi công-ten-nơ. Mớ chăn lót hàng ấy bán đi cũng đủ để một gia đình trở nên sung túc giàu có. Những tấm chăn chiên dệt từ thuần một thứ lông cừu tốt, vừa xốp, vừa nhẹ, vừa mướt như nhung. Đắp vào là ấm rực, sướng đê mê.

Còn chăn chiên gia công hợp tác xã thì khỏi nói. Họ ăn bớt ăn xén, trộn lẫn vào nguyên liệu những thứ sợi bông tạp, tái chế. Tấm chăn dệt ra cứ lổn nhổn những cục là cục và đen đen, xam xám. Sờ vào thì nhám ráp như vỏ cây khô. Ấy nhưng bốc thăm ở cơ quan, xí nghiệp mà mua được thì cũng mừng rơi nước mắt. Tối về, vợ chồng con cái rúc chung tấm chăn mới mà ăm ắp tiếng rúc rích sung sướng. Vợ chồng  dõng dạc hứa với con cái sẽ tiếp tục phấn đấu đạt chiến sĩ thi đua, sang năm được thưởng sẽ mua riêng cho mỗi đứa một tấm chăn chiên làm phần thưởng học sinh giỏi. Bọn trẻ lớn hết cả rồi.

Tuổi thơ tôi gửi cơm thơm cặp lồng
Mẹ ủ chăn bông những mùa Đông đợi
Câu ca cha tìm giấc mơ không tới
Một ngọn đèn dầu chắn gió che giông

Mấy câu thơ cũ ấy tôi viết là về giai đoạn đó. Mùa gió bấc mưa phùn rét căm căm. Cơm chưa kịp nấu xong đã nguội. Các bà tôi bắc nồi cơm chín xuống là xới ngay vào những liễn sứ, cặp lồng. Các bà nhanh tay quấn giấy báo cũ, một lớp chăn chiên rồi mới ủ vào chăn bông. Con cháu đi học, đi làm về mở cơm ra ăn vẫn ấm nóng. Tôi nhớ như in mùi cơm mở ra từ liễn ủ trong chăn bông. Vừa ăn vừa ủ chân trong tấm chăn chiên ấy. Và hơi ấm trong chăn bông ủ cơm cũng  khiến cho đêm Đông bớt rét.

Chiếc chăn chiên gắn với người Việt một thời gian rất dài. Khi chăn cũ nát thì cũng không nhà nào vứt đi mà tái sử dụng vào nhiều việc hữu ích khác. Một mảnh cắt ra làm giẻ lau nhà. Thứ giẻ lau ấy bám hút, lau nhà rất sạch sẽ. Mảnh khác thì để cắt thành dải rồi se chặt lại làm bấc bếp dầu, đèn dầu cho một thứ lửa ánh xanh rất ít muội mà tỏa nhiệt tốt. Việc người mình tái sử dụng như vậy thì kể đến bao giờ cho hết nhỉ?! Hiện tại chắc rất ít người đắp mà chủ yếu sử dụng làm chăn cứu hỏa. Các gia đình còn dùng chăn chiên trải lót để là ủi quần áo. Gần như mọi thợ may đều dùng chăn chiên trải bàn dựng cắt may. Và chiếc chăn chiên nào cũng có vài vết cháy bàn là để quên. Rồi thỉnh thoảng sau này lại bắt gặp tấm chăn chiên được dùng để ủ thúng bánh mì nóng hay nồi ngô luộc. Kẻ đa cảm lại rưng rưng mà nhớ hình ảnh tấm chăn thời nghèo đói nhưng ấm áp tình người xa xưa.

Còn chiếc vỏ chăn con công là niềm mơ ước mọi đôi trẻ sắp kết hôn. Vỏ con công bọc  những cái ruột bông ba cân, năm cân làm cho chiếc giường cưới ấm rực lên màu hạnh phúc.  Chăn bông bọc vỏ con công còn là một tài sản giá trị của mọi nhà. Hình như có lúc trị giá của nó cũng đến cả chỉ vàng.

Nhiều cặp vợ chồng giữ gìn đến mãi về sau. Ngay cả khi đã hết đói kém thì chiếc chăn bông vẫn hiện diện trong nhà như nhân chứng của một thời nghèo khổ nhưng thương yêu ấm áp chan chứa. Dù mầu sắc đã bạc phếch nhưng mặt vải vẫn mịn mượt rất sướng da người đắp.

Một ngày, mẹ tôi giặt cái vỏ chăn, phơi ngoài sân. Tấm vỏ chăn cũ thấm ướt lại thắm rực mầu lên trong nắng. Ngoảnh ra ngoảnh vào thì cái vỏ chăn đã không cánh mà bay. Mẹ tôi đã khóc, khóc rất nhiều. Tôi bảo rằng nhà bắt đầu dễ thở hơn rồi, mẹ có thể mua cái khác cơ mà! Nhưng mẹ tôi bảo, đấy là tấm chăn kỷ niệm của bố mẹ. Tấm vỏ chăn ấy đã gấp lại để quấn cho tôi, cho em tôi lúc mới chào đời. Đấy là hơi ấm hạnh phúc của cả gia đình. Khi gia đình tôi và cả xã hội đều khấm khá hơn, nhà đã sắm những chăn len loại tốt nhất, nhưng mẹ tôi vẫn tiếc, vẫn nhớ tấm vỏ chăn xưa.

Mấy năm gần đây những người trẻ có chút gu lại săn lùng thứ vải con công này để làm vỏ chăn, gối, đệm. Mầu sắc của quá khứ lại rực lên trong những căn phòng mới. Nhưng tôi nhìn lại chỉ thấy đấy là mầu của ký ức buồn vui thuở ấy...

Lồng trong vỏ chăn con công là cái ruột chăn trần bông đã bật lên xốp phồng trong lớp vải màn loại tốt. Hết mùa đông các bà, các chị đều phơi đi phơi lại trong những ngày nắng tốt rồi cuộn lại, bọc nilon cất trên nóc tủ chờ gió mùa năm sau. Mẹ tôi thì thích bọc chăn bông bằng giấy, bà bảo, gói giấy tốt hơn vì nilon dễ hấp hơi gây mốc. Và chớm Đông, khi đài báo những cơn gió mùa Đông Bắc đầu tiên thì mẹ lại vác ruột chăn bông từ trên gác xép xuống và gỡ mấy tờ Nhân Dân cũ bọc chăn ra.

Nhiều năm rồi mớ ruột bông xẹp dí xuống, vón thành từng cục lổn nhổn như nắm đấm, cứng ngắc. Còn lớp trần vải màn thì rạc rách tơi tả. Người ta lại vác cái ruột chăn cũ đi thuê bật bông trần lại cho tơi xốp như mới. Nhà nào khéo tay còn tự bật bông, tự may và trần lại ruột bông. Cung bật vót từ thanh tre cật uốn cong, dày và dẻo. Dây bật làm từ sợi dây dù. Ngày bật bông phải quây màn lại cho bông khỏi bay. Nhưng trẻ con thì thích lắm, nhảy vào giữa đống bông đang bật mà hò hét và cứ thế nô đùa kêu là tuyết. Thứ tuyết đã ngả mầu vàng nâu ám của thời gian.

Còn chiếc ruột gối nhồi bông sợi là sang nhất. Thứ gối gây khó chịu nhất là gối Tây Bắc vì nhồi bằng bông lau. Bông lau thì cứng và lổn nhổn những hạt li ti dài dài thỉnh thoảng lại đâm ra khỏi vỏ chọc rằm rặm vào má vào gáy. Và sướng nhất phải là gối nhồi bằng bông gạo. Hồi bé tôi thường tha thẩn mỗi mùa quả gạo rụng mang về cho bà tích trữ dần. Mãi cũng đủ nhồi cho một chiếc gối xinh. Bông ruột quả gạo sau khi bật lên cho tơi xốp thì phơi nắng rồi mới nhồi gối. Giờ thì chẳng còn nhớ qua bao nhiêu mùa quả gạo rụng bà tôi mới nhồi được cái gối con ấy cho tôi. Chỉ nhớ là mùi bông gạo rất thơm, thơm thấm vào những giấc mơ thơ bé. Còn gối bông gạo thì mềm và ấm như cánh tay bà đang ôm cháu. Sau bà mất, tôi vẫn gối cái gối ấy. Lớn lên thì vẫn giữ làm gối ôm. Khi ngủ vẫn ôm chặt cái gối như hồi nhỏ nằm ngủ được ôm cánh tay của bà.

Trong những tấm ảnh hồi xưa không thấy bà cười. Nhưng nụ cười và vòng tay của bà thì chẳng thể nào quên…

Gập cuốn album lại nhưng tôi không cất đi mà để riêng lên bàn học của con. Chợt nhớ ra rằng thế hệ mình hình như chưa bao giờ kể hết với con cái về những ký ức ấm lạnh thuở nào. Thế hệ trẻ cũng cần được hiểu và chia sẻ những ký ức ấy.

19_1-1643081281426.jpg