Kỹ xảo điện ảnh

BỆ PHÓNG GIÚP PHIM VIỆT ĐI XA

Một thế giới kỳ ảo đã được công nghệ CGI xây dựng và mang lại những khuôn hình lung linh cho bộ phim “Trạng Tí phiêu lưu ký”.
Một thế giới kỳ ảo đã được công nghệ CGI xây dựng và mang lại những khuôn hình lung linh cho bộ phim “Trạng Tí phiêu lưu ký”.

Thời gian gần đây, những cái tên đơn vị hoặc cá nhân thuần Việt xuất hiện dày đặc trên generique nhiều bộ phim bom tấn Hollywood hay những series truyền hình đình đám của Netflix, trong một hoặc nhiều công đoạn thực hiện kỹ xảo điện ảnh đã khiến công chúng yêu nghệ thuật thứ bảy trong nước nức lòng. Cũng những cái tên đa phần rất trẻ đó đang góp phần không nhỏ làm nên sự đa dạng về thể loại, phong phú về ngôn ngữ kể chuyện và mãn nhãn về hiệu ứng thị giác cho hàng loạt phim Việt, để chúng không chỉ chinh phục người xem trong nước mà còn đủ sức vươn mình ra ngoài biên giới.

VFX - mở ra thế giới tưởng tượng không giới hạn

Mùa phim Tết 2022, số đông khán giả tới rạp đã bày tỏ thái độ ngạc nhiên, khi biết những trường đoạn lung linh kỳ ảo trong bộ phim thiếu nhi Trạng Tí phiêu lưu ký hay những khuôn hình làm nên hiệu ứng thị giác rùng rợn cho tác phẩm kinh dị Chuyện ma gần nhà... đều là sản phẩm sáng tạo của những chuyên gia kỹ xảo - những “phù thủy VFX” người Việt. Phân đoạn Tí sinh ra giữa đầm sen bên hàng nghìn đóa hoa bung nở, trường đoạn các vị thần xuất hiện kỳ ảo ở phim đầu và những khuôn hình tái hiện con ma không đầu, gương mặt nhân vật bị acid hủy hoại trong phim sau đã tạo ấn tượng thị giác rất mạnh cho người xem. Đó cũng là yếu tố quan trọng giúp Trạng Tí phiêu lưu ký được đánh giá là một phim hấp dẫn hiếm hoi dành cho đối tượng khán giả trẻ em thời gian gần đây. Và Chuyện ma gần nhà - “phim kinh dị nặng đô nhất của điện ảnh Việt” như lời quảng cáo trên poster đã đạt kỷ lục doanh thu phòng vé ngày đầu cao nhất, với 15 tỷ đồng.

Đã qua rồi cái thời cứ cần kỹ xảo là phải ôm phim ra nước ngoài làm hậu kỳ với giá cả trên trời. Giờ thì thần thoại - giả tưởng - kinh dị - chiến tranh - tội phạm, giờ thì ma quỷ - người ngoài hành tinh - thần tiên - quái vật, bất luận nhà sản xuất muốn hướng tới thể loại hoặc hình tượng nhân vật gì, các chuyên gia kỹ xảo trong nước đều có thể sẵn sàng đáp ứng tối đa, với chi phí khá “dễ thở”. Nói như ông Thierry Nguyễn - người sở hữu Bad Clay Studio, “Trạng Tí phiêu lưu ký và Chuyện ma gần nhà là minh chứng rõ ràng cho bước đột phá của kỹ xảo nội địa. Đội ngũ nhân lực, số lượng studio chuyên về kỹ xảo hiện nay ở ta đã đủ đáp ứng nhu cầu của các nhà làm phim, với chất lượng cao”.

Trước đó, danh sách những tác phẩm điện ảnh mạnh tay đầu tư cho khâu kỹ xảo được liên tục nối dài với Người bất tử, Mắt biếc, Song song, Chị chị em em, Tấm Cám - chuyện chưa kể, Ngày nảy ngày nay..., với khoản kinh phí sản xuất ngày một tăng. Thành công ấn tượng của Hai Phượng, khi đạt doanh thu toàn cầu xấp xỉ 5,8 triệu USD và trở thành phim Việt có tổng doanh thu cao nhất mọi thời tính ở thời điểm phát hành cũng có phần đóng góp không nhỏ của các “phù thủy VFX” trong nước. Nếu không có những trường đoạn tử chiến nghẹt thở trên tàu hỏa, những màn rượt đuổi thót tim trên đường quê của người mẹ đơn thân trong hành trình tìm con được ghi hình trước phông xanh rồi thực hiện kỹ xảo, bộ phim không thể chinh phục hai thị trường lớn Mỹ và Trung Quốc, không thể được nền tảng trực tuyến Netflix mua bản quyền và phát hành trên toàn cầu - điều chưa phim Việt nào làm nổi trước đây - như thế.

BỆ PHÓNG GIÚP PHIM VIỆT ĐI XA -0
 Mạnh tay đầu tư cho phần kỹ xảo đã giúp Hai Phượng chinh phục được cả khán giả trong và ngoài nước.

Thực trạng chưa tương xứng với tiềm năng

Hiệu ứng hình ảnh (Visual Effects, viết tắt là VFX) là thuật ngữ chuyên ngành mô tả quá trình xây dựng, xử lý hình ảnh cho các bộ phim mà cảnh quay thực tế không diễn ra như ta thấy trên màn ảnh. Những “phù thủy VFX” sẽ sử dụng ba công cụ chính giúp xóa nhòa ranh giới giữa “thực” và “không thực”: “Mô phỏng hình ảnh bằng máy tính” (CGI) - “Sử dụng phông xanh” (compositing) để kết hợp nhiều hình ảnh thành một hình duy nhất và “ghi hình chuyển động” (Motion Capture) để tạo ra những nhân vật chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng phong phú của con người như quái vật, người khổng lồ...

Hơn chục cái tên công ty Việt Nam nổi bật (như Sparx - A Virtuos Studio, BlueR Studio, Colory Animation, CYCLO, Luci Digital, Planion Animation, SPARTA Visual Effect Studio, VEGA Animation Studio, Vinamation...) và tên tuổi nhiều chuyên gia kỹ xảo (VFX Artist) như Võ Ngọc Nhi, Nguyễn Hữu Tú, Nguyễn Minh Nhật, Phùng Đình Dũng... đã vươn ra ngoài biên giới, đã trở thành sự lựa chọn của nhiều thương hiệu hãng phim nước ngoài khi cần thực hiện khâu hậu kỳ cho tác phẩm. Sự phát triển nhanh chóng, cả về lượng và chất của đội ngũ chuyên gia kỹ xảo đạt tầm cỡ quốc tế cho thấy tiềm năng không giới hạn của mắt xích quan trọng này, trên lộ trình hướng tới chuyên nghiệp hóa điện ảnh trong nước.

Trong một tài liệu được Mordor Intelligence công bố đầu năm 2021, bất chấp dư chấn của cơn sóng thần đại dịch hoành hành và khiến kinh tế thế giới lao đao, châu Á - Thái Bình Dương vẫn là khu vực dẫn đầu thị trường kỹ xảo điện ảnh về tốc độ tăng trưởng. Và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng phát triển đó. Kỹ xảo điện ảnh đang ngày càng xác lập vị thế quan trọng, ngày càng chiếm tỷ trọng phần trăm lớn hơn trong bảng dự toán chi phí sản xuất phim. Thực tế đã cho thấy, nhờ kỹ xảo, phim tiết kiệm được chi phí tiền kỳ, mang lại hiệu ứng hình ảnh “mãn nhãn” và nâng cao trải nghiệm cho khán giả khi tới rạp.

Tiềm năng có thừa nhưng thực trạng cho thấy độ vênh còn khá lớn. Nhận thức rõ vai trò của kỹ xảo “chỉ chiếm 30% thành công cho dạng phim hài, tình cảm, tâm lý... nhưng đóng góp tới 70% với thể loại hành động, khoa học viễn tưởng hay cổ trang, dã sử, siêu anh hùng” - như chuyên viên Huỳnh Quang Vinh, Công ty nColor ước lượng nhưng dám “chịu chi” cho khâu hậu kỳ này vẫn chỉ có những đơn vị sản xuất “nhà giàu” bởi kinh phí bỏ ra khá đắt đỏ. Từ góc nhìn người trong cuộc, ông Thierry Nguyễn lý giải: “chi phí cho VFX khá cao do ba nguyên nhân chính. Nguồn nhân lực có tay nghề hiếm nên mức thu nhập bình quân cao. Phần mềm cao cấp phải sử dụng nhiều, luôn phải cập nhật thường xuyên (có khi tới 200 triệu đồng/ giấy phép). Nhiều phim lớn đòi hỏi trang bị những máy móc hiện đại hàng đầu, có thể phát sinh chi phí di chuyển nếu quốc gia sở tại không có sẵn trang thiết bị cần thiết”. Trên hết, “nhu cầu sử dụng VFX ngày một cao nhưng ngân sách sản xuất lại thấp. Nếu phim Hollywood dành cả 100 triệu USD thì nhà sản xuất trong nước chỉ có thể đầu tư 10 nghìn đến 100 nghìn USD”. Thực tế này không khiến ai ngạc nhiên vì khoản đầu tư trung bình cho mỗi phim Việt giới hạn trong khoảng một đến hai triệu USD mà nguồn thu chủ yếu chỉ trông chờ vào bán vé, tỷ lệ rủi ro nếu phim không đạt như kỳ vọng khán giả đặt ra là rất cao nên nhà sản xuất phải cân nhắc rất kỹ.

Để khắc phục nỗi e ngại đầu tư này, theo đạo diễn Tạ Nguyên Hiệp của Trái tim quái vật thì cần có thời gian để xác lập niềm tin cho giới làm phim, không thể sốt ruột. “Nếu có niềm tin, nhà sản xuất sẽ xây dựng kịch bản có sử dụng VFX. Nếu công chúng đón nhận tích cực, khoản đầu tư gặt hái thành quả khả quan thì họ sẽ dũng cảm đầu tư hơn”. Còn ở tầm vĩ mô hơn, để VFX Việt Nam ngày một lớn mạnh, ông Samuel Stevenin, Giám đốc Sparx - A Virtuos Studio đã chia sẻ những ý kiến tâm huyết với báo giới: “Các studio trong nước cần hỗ trợ chính những đơn vị đào tạo để nâng cao chất lượng học viên tiệm cận với chuẩn cao nhất của ngành. Về lâu dài cần có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài cho lĩnh vực VFX, tạo điều kiện cho các studio lớn trên thế giới lập trụ sở và mở rộng hoạt động tại Việt Nam nhằm chuyển giao kiến thức, công nghệ và tăng sức cạnh tranh cho thị trường”.

Nhìn từ trường hợp Hai Phượng, nếu được mạnh dạn đầu tư, kỹ xảo Việt hoàn toàn có đủ khả năng trở thành bệ phóng đưa phim Việt bay xa bay cao. Chặng đường để hướng tới cái đích ngành công nghiệp điện ảnh vẫn đang ở những bước khởi đầu, nhưng ai cấm chúng ta có quyền mơ ước!

Những bộ phim “bom tấn” có sự góp mặt của đội ngũ “phù thủy VFX” người Việt

Công ty Sparx - A Virtuos Studio tham gia với vai trò Asset Development vào bộ phim Teenage Mutant Ninja Turtles (Mỹ, 2014), Jurassic World (Mỹ, 2015), Avenger: Infinity War (Mỹ, 2017), Transformers: The Last Knight (Mỹ, 2017), Aquaman (Mỹ, 2018) và Captain Marvel (Mỹ, 2018). Gương mặt trẻ Võ Ngọc Nhi đảm nhiệm vai trò GFX cho Fast&Furious 7 (Mỹ, 2014). Các đơn vị Bad Clay Studio, Cyclo VFX, Opim Digital nhận thực hiện VFX cho Sweet Home - Thế giới ma quái (Hàn Quốc, 2010). Riêng Cyclo làm dịch vụ VFX cho Hotel del Luna - Khách sạn Ánh trăng (Hàn Quốc, 2019). Loạt phim truyền hình ăn khách nhất toàn cầu năm 2021 Squid Game - Trò chơi con mực cũng đã kịp ghi danh đội ngũ nhân sự của OPim Digital, trong hàng loạt vai trò từ Digital Artists, VFX và Data Wrangler.