Vẫn tìm điểm đột phá

Nỗ lực, lạc quan, nhưng vẫn đầy nghi ngại. Vòng đàm phán thứ bảy nhằm hồi sinh thỏa thuận hạt nhân lịch sử Iran năm 2015 đã được nối lại sau năm tháng gián đoạn, tại Thủ đô Vienna của nước Áo, "trong một tình thế mong manh và không chắc chắn"-như nhận xét của hãng AFP.

Cho dù giới ngoại giao các bên bày tỏ sự lạc quan về những nỗ lực và quyết tâm cứu vãn thỏa thuận-mang tên đầy đủ là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA-ký năm 2015 giữa Iran với nhóm P5+1 bao gồm các cường quốc: Nga, Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức), thì bước vào vòng đàm phán thứ bảy này, vẫn có một vấn đề không thay đổi: Lập trường của Iran.

Với Tehran, kể cả khi họ "quyết tâm chắc chắn để đạt được một thỏa thuận và hướng tới những cuộc đàm phán hiệu quả"-theo lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Said Khatibzadeh, thì điều kiện tiên quyết vẫn liên quan chuyện nước Mỹ đã rút khỏi JCPOA vào năm 2018, đồng thời đơn phương tái áp đặt các hình thức trừng phạt đối với Iran dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Và theo Thứ trưởng Ngoại giao Iran, Trưởng đoàn đàm phán Ali Bagheri Kani: "Việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt chống lại Tehran phải là chương trình nghị sự đầu tiên của Ủy ban hỗn hợp JCPOA. Trên cơ sở đó, sáng 30/11, một nhóm làm việc đã bắt đầu xem xét vấn đề dỡ bỏ các lệnh trừng phạt bất hợp pháp chống lại người dân Iran".

Hồi tháng 6 vừa qua, với lý do tập trung cho cuộc bầu cử tổng thống trong nước, Tehran tuyên bố tạm ngừng các cuộc đàm phán, cho dù vẫn còn rất nhiều vấn đề khúc mắc tồn tại.

Sau đó, khi tân Tổng thống Ebrahim Raisi-một nhà lãnh đạo có quan điểm cứng rắn hơn gấp bội so với người tiền nhiệm Hassan Rouhani-tiếp nhiệm, Iran không chỉ "ung dung" quá mức trước những lời đề nghị nối lại đàm phán từ phía phương Tây, mà còn không ngừng thúc đẩy năng lực phát triển hạt nhân của mình. Đến tháng 8, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi mới tuyên bố Iran sẵn sàng quay trở lại bàn hội nghị.

Đến đầu tháng 11, theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), tính đến ngày 6/11, kho urani của Iran đã tăng lên hơn 2.489 kg, vượt quá mức cho phép theo các điều khoản của JCPOA. IAEA cho biết thêm: Hiện tổng số urani làm giàu ở mức 20% của Iran đã tăng lên 113,8 kg, tăng từ mức 84,3 kg vào tháng 9, và lượng urani làm giàu ở mức 60% là 17,7 kg, tăng từ mức 10 kg ghi nhận trước đó.

Phương Tây có thể hiểu được những hàm ý trong các động thái này. Chuyên gia về Iran-Henry Rome, thuộc cơ quan nghiên cứu Eurasia Group, bình luận: "Việc Iran không sẵn sàng đạt được một thỏa hiệp với IAEA cho thấy triển vọng mong manh của các cuộc đàm phán hạt nhân". Ông cũng cho rằng Iran có thể "tính toán rằng những bước tiến hạt nhân của họ sẽ gây áp lực lớn hơn, khiến phương Tây phải nhân nhượng", song cũng cảnh báo, tính toán đó có thể sẽ "phản tác dụng" Còn chuyên gia về kiểm soát vũ khí quốc tế Kelsey Davenport nhận xét: "Việc gây sức ép sẽ là "con dao hai lưỡi", có thể hủy hoại bất kỳ triển vọng nào nhằm khôi phục JCPOA".

Vậy nên, đằng sau những biểu hiện lạc quan đầy màu sắc ngoại giao, có thể tin rằng giới quan sát quốc tế, nhất là giới quan sát quốc tế phương Tây, không đặt nhiều kỳ vọng vào vòng đàm phán này. Nếu phía Iran vẫn khăng khăng yêu cầu gỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt mà Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp đặt đối với họ kể từ năm 2017, bao gồm những lệnh trừng phạt không liên quan chương trình hạt nhân của Iran, thì mọi chuyện sẽ rất khó đạt được tiến triển thực thụ.

Nước Mỹ đã gửi đi thông điệp qua lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Loloyd Austin rằng "Nếu Iran không sẵn sàng đàm phán nghiêm túc, chúng tôi sẽ xem xét các lựa chọn khác", song dù sao, việc hồi sinh và quay trở lại JCPOA vẫn là một điểm trọng yếu trong chương trình hành động của đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden. Nói cách khác, ông chủ Nhà trắng vẫn cần một thành tựu đối ngoại ở tầm mức ấy, trước cuộc bầu cử giữa kỳ của nước Mỹ năm tới.

Vậy thì, cánh cửa thoát hiểm duy nhất có lẽ vẫn chỉ là chuyện thuyết phục được Tehran, rằng nếu mọi chuyện đổ vỡ, sẽ chẳng có "lợi lộc" gì, cho bất cứ ai.