Vẫn thiếu một điểm tựa

Năm 2023, đội tuyển đấu kiếm quốc gia các nước sẽ phải tăng tốc trong cuộc đua giành vé đến Olympic Paris 2024. Với Đội tuyển đấu kiếm Việt Nam, giấc mơ góp mặt tại đấu trường lớn nhất thế giới sẽ ngày càng trở nên xa vời, nếu không thể giải quyết được những vấn đề tồn tại bấy lâu.
0:00 / 0:00
0:00
Liên đoàn sẽ là điểm tựa vững chắc đưa đấu kiếm Việt Nam phát triển.
Liên đoàn sẽ là điểm tựa vững chắc đưa đấu kiếm Việt Nam phát triển.

CUỐI tháng 9, Giải vô địch đấu kiếm trẻ toàn quốc năm 2022 đã khởi tranh tại Hải Dương, với sự tham gia của 127 vận động viên đến từ tám đoàn gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hải Dương, Bắc Ninh, Quảng Ninh và Công an Nhân dân. Giải đấu không chỉ là cơ hội học hỏi, cọ xát được các kiếm thủ trẻ chờ đợi, mà còn là sự kiện quan trọng nhằm tìm kiếm và lựa chọn những gương mặt xuất sắc cho các cấp độ Đội tuyển quốc gia, với mục tiêu cao nhất là giành vé tham dự Olympic Paris 2024.

Hiện tại, quá trình tuyển chọn và bổ sung các tài năng trẻ lên tuyển đã thuận lợi hơn những năm trước, do có thêm nguồn lực từ hai đơn vị mới là Quảng Ninh và Công an Nhân dân đầu tư cho đấu kiếm. Dẫu vậy, thách thức trong quá trình tìm kiếm vận động viên trẻ cùng bài toán về xã hội hóa đấu kiếm tại các địa phương vẫn luôn là những vướng mắc lớn tồn tại suốt bấy lâu nay.

Thực tế, để đào tạo được một tay kiếm giỏi mất trung bình từ sáu đến tám năm. Muốn làm được điều đó, mỗi đơn vị cũng cần chi hàng tỷ đồng hằng năm để duy trì cả ba tuyến: năng khiếu, trẻ và đội tuyển. Bởi vậy, dù nắm rõ bộ môn này luôn nằm trong chương trình thi đấu của ASIAD và Olympic, nhiều địa phương vẫn không "mặn mà" với đấu kiếm, do không thể giải quyết được vấn đề kinh phí.

Huấn luyện viên đội Công an Nhân dân Phạm Quốc Tài chia sẻ: Hằng năm, đơn vị luôn chủ động tìm kiếm và tuyển chọn vận động viên năng khiếu, nhưng để cho "ra lò" những tay kiếm tốt nhất chỉ vỏn vẹn đếm trên đầu ngón tay. Cái khó nằm ở chỗ đấu kiếm chưa phổ biến như nhiều môn khác, dẫn tới việc không nhiều gia đình đồng ý cho con theo tập môn này. Trong mỗi dịp tuyển quân, các thầy đều phải ra sức giải thích để mọi người nhận ra sự hấp dẫn đặc biệt của bộ môn đấu kiếm. Cũng vì lẽ đó, khi tuyển chọn được các tài năng trẻ, ban huấn luyện luôn nỗ lực bằng mọi giá phải đào tạo nên lứa kế cận ưu tú nhất.

KHÔNG chỉ khó khăn trong công tác đào tạo trẻ, việc chỉ có được nguồn kinh phí hạn hẹp cũng là nguyên nhân khiến nhiều đơn vị, hay thậm chí là Đội tuyển quốc gia chưa thể giải quyết được những bài toán căn cơ nhất. Điển hình như trong quá trình chuẩn bị cho SEA Games 31, đấu kiếm là một trong số ít môn mà vận động viên phải tập chay, không tham dự bất kỳ giải đấu quốc tế nào, bên cạnh sự thiếu vắng của Giải vô địch quốc gia năm 2021 do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo Huấn luyện viên trưởng Đội tuyển đấu kiếm quốc gia Phạm Anh Tuấn, dù đã đề xuất và đang chờ đợi cấp trên phê duyệt để được thi đấu từ một đến hai giải Grand Prix hoặc World Cup, khả năng đội sẽ khó được đi vì rào cản kinh phí. Nếu muốn thúc đẩy đấu kiếm Việt Nam phát triển, bên cạnh việc mở rộng hệ thống thi đấu trong nước, tăng số lượng giải đấu, mỗi vận động viên giành huy chương vàng Giải trẻ toàn quốc cần phải được đi tập huấn tối thiểu một tháng mỗi năm tại các nước có trình độ cao về đấu kiếm. Ngoài ra, cần phải kêu gọi nguồn lực xã hội hóa để các tay kiếm triển vọng tham gia cọ xát, nâng cao trình độ tại các đấu trường quốc tế khoảng ba đến năm giải mỗi năm.

Hơn thế nữa, do kiếm thể thao thuộc danh mục thiết bị được quy định là vũ khí, nên rất khó mua mới bởi các điều kiện về giấy tờ và thủ tục khác nhau. Ông Phùng Lê Quang - Phụ trách bộ môn đấu kiếm (Tổng cục Thể dục-Thể thao) khẳng định: Do tồn tại nhiều vướng mắc trong những lần đề đạt đầu tư thêm trang thiết bị luyện tập cho Đội tuyển quốc gia, đã vài năm nay, đội chưa được trang bị kiếm mới. Ngay tại SEA Games 31 vừa qua, các tuyển thủ đều phải sử dụng kiếm cũ để thi đấu. Với điều kiện như vậy, rất khó để duy trì thành tích ổn định chứ chưa nói tới việc nâng cao thành tích thi đấu.

ĐI tìm lời giải cho các vấn đề trên, những người tâm huyết với đấu kiếm trong nước đang vận động để tổ chức Đại hội trong năm 2022 nhằm thành lập Liên đoàn Đấu kiếm Việt Nam. Nếu kế hoạch thành công, Liên đoàn được kỳ vọng sẽ là điểm tựa vững chắc, giúp tăng cường tổ chức các giải đấu chuyên môn, song song với việc tìm kiếm thêm nhiều nguồn lực xã hội đồng hành. Chính điều này cũng sẽ góp phần thúc đẩy nhiều địa phương quan tâm và đầu tư hơn nữa.

Cuối cùng, muốn phát triển đấu kiếm còn cần đến những chiến dịch quảng bá, tuyên truyền trên các nền tảng truyền thông. Bộ môn thể thao này cũng thường xuyên nằm trong chương trình thi đấu ASIAD và Olympic. Gần nhất, các tay kiếm Việt Nam cũng giành được năm tấm huy chương vàng ở kỳ SEA Games 31 và đang hướng tới thành tích cao ở đấu trường châu Á.

Những tháng ngày sắp tới sẽ là giai đoạn tăng tốc của đội tuyển đấu kiếm quốc gia các nước trong cuộc đua giành vé đến Olympic Paris 2024. Ban huấn luyện Đội tuyển đấu kiếm Việt Nam cũng đang gấp rút hoàn thành phương án kế hoạch năm 2023 liên thông năm 2024 để trình các cấp lãnh đạo xét duyệt.

Khi những khó khăn cùng các giải pháp tháo gỡ đã được nhìn nhận rõ, đấu kiếm Việt Nam không thể trì hoãn hơn nữa. Cần phải phá vỡ rào cản bấy lâu, để tiến về phía trước.