Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Ðại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911- 25/8/2021)

Võ Nguyên Giáp "Ngọn núi lửa phủ tuyết"

Trong lịch sử quân sự thế giới hiện đại có lẽ hiếm có người nào xuất thân từ một thầy giáo dạy sử, chưa từng qua một trường lớp quân sự chính quy nào nhưng lại trở thành một danh tướng được nhiều người trong nước và trên thế giới kính phục, ngưỡng mộ. Các nhà nghiên cứu phương Tây và tướng lĩnh một thời từng là đối thủ ở bên kia chiến tuyến gọi Võ Nguyên Giáp là một "Thống soái quân sự cỡ lớn", một "Vị tướng huyền thoại"... Còn những người Pháp tham dự Hội nghị Ðà Lạt tháng 5/1946 lại đặt cho Võ Nguyên Giáp biệt danh "Ngọn núi lửa phủ tuyết".

Nhiều nhà nghiên cứu sau này đã so sánh "tiếng sập cửa" của Võ Nguyên Giáp ở Hội nghị Ðà Lạt tháng 5/1946 với "tiếng sập cửa" kết liễu số phận quân xâm lược Pháp ở Ðiện Biên Phủ chín năm sau đó. Trong ảnh: 17 giờ 30 phút ngày 13/3/1954, Ðại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ra lệnh nổ súng tiến công Tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ. Ảnh: TTXVN
Nhiều nhà nghiên cứu sau này đã so sánh "tiếng sập cửa" của Võ Nguyên Giáp ở Hội nghị Ðà Lạt tháng 5/1946 với "tiếng sập cửa" kết liễu số phận quân xâm lược Pháp ở Ðiện Biên Phủ chín năm sau đó. Trong ảnh: 17 giờ 30 phút ngày 13/3/1954, Ðại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ra lệnh nổ súng tiến công Tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ. Ảnh: TTXVN

Ngược dòng lịch sử 75 năm về trước, Hội nghị Ðà Lạt diễn ra từ ngày 19 tháng 4 đến ngày 11 tháng 5 năm 1946. Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham dự Hội nghị này có 12 thành viên chính thức và 12 cố vấn do Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Tường Tam làm Trưởng đoàn và Chủ tịch Quân ủy Hội - Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp làm Phó Trưởng đoàn.

Hội nghị trù bị Ðà Lạt diễn ra trong bối cảnh Hiệp định Sơ bộ vừa mới được ký kết, Chính phủ liên hiệp kháng chiến - một chính phủ thể hiện cho tinh thần đại đoàn kết cũng vừa mới được thành lập; bởi vậy mà thành phần đoàn đại biểu đi dự hội nghị này cũng mang tính chất liên hiệp rất rõ: Vừa có đại biểu của Mặt trận Việt Minh, vừa có đại biểu của Việt Nam Quốc dân Ðảng và Cách mệnh Ðồng minh; lại vừa có đại biểu đại diện cho giới nhân sĩ, trí thức không đảng phái... Thành phần phức tạp như vậy nên vấn đề đoàn kết nội bộ trong Ðoàn được các thành viên Chính phủ và đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm. Người căn dặn Võ Nguyên Giáp và các thành viên cần phải giữ vững lập trường, dựa theo những nội dung cơ bản của Hiệp định mà đấu tranh. Ðặc biệt, cần phải giữ cho được đoàn kết nội bộ, thống nhất từ ý kiến cho đến hành động.

Mặc dù tại Hội nghị này, Nguyễn Tường Tam là Trưởng đoàn nhưng ông ta đã lảng tránh phần lớn các phiên họp và cũng ít tham gia các cuộc trao đổi, thảo luận trong Ðoàn. Trên thực tế, những cuộc đấu trí căng thẳng, những cuộc tranh luận gay gắt, nảy lửa diễn ra tại các phiên toàn thể cũng như ở các tiểu ban, Võ Nguyên Giáp đều là người "đứng mũi, chịu sào". Trên cương vị Phó Trưởng đoàn, Võ Nguyên Giáp thấm nhuần sâu sắc lời căn dặn của Bác trước lúc lên đường: "Cần đặt vấn đề Nam Bộ và vấn đề đình chiến lên đầu chương trình nghị sự" (1).

Buổi đầu họp Ðoàn, một số thành viên tỏ ra ý tứ và dè dặt khi chuyện trò, trao đổi với Võ Nguyên Giáp. Tuy nhiên, thông qua thái độ gần gũi, hòa đồng, bằng những lời nói khiêm nhường, hành động cương quyết và cách hành xử đậm chất nhân văn, Võ Nguyên Giáp đã nhanh chóng xóa được cái hố ngăn cách "đảng phái", sớm tạo ra mối tình thân giữa các thành viên trong Ðoàn. Cụ Hoàng Xuân Hãn, một trí thức thành viên của Ðoàn đàm phán đã nhận xét: "Ðây là lần đầu tiên tôi biết cá nhân Võ Nguyên Giáp. Trái với tiếng đồn là người róng riết, Giáp đã tỏ thái độ nhã nhặn, có tình cảm nhiều, nhưng ý tưởng thì rất kiên quyết. Trong thời gian được ở và làm việc cùng nhau, tôi đã nhìn thấy rõ cái bản lĩnh đặc biệt của nhà cách mệnh trẻ tuổi này" (2).

Ngay từ khi Hội nghị chưa khai mạc, phía Pháp đã gây ra một số khó khăn, phiền toái, gây cản trở và nhằm lung lạc tinh thần các thành viên trong phái đoàn ta, như: đột ngột tuyên bố thay đổi Trưởng đoàn mà không báo trước; bố trí cho hai Trưởng đoàn lên chào Cao ủy (với thâm ý "Cao ủy sẽ trùm lên cả hai phái đoàn" và như vậy phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chỉ được xếp vào hàng "đại biểu địa phương" trong "xứ Ðông Dương"); tìm mọi cách ngăn cản không cho Phạm Ngọc Thạch từ Sài Gòn lên dự Hội nghị… Một ngày trước khi khai mạc, Pháp ngang nhiên thành lập cái gọi là "Xứ Nam Kỳ tự trị", vi phạm nghiêm trọng Hiệp định Sơ bộ. Âm mưu thâm độc và các hành động trịch thượng, ngang ngược của phái đoàn Pháp đã bị Võ Nguyên Giáp vạch trần, phản đối. Ông yêu cầu phía Pháp phải tôn trọng nguyên tắc bình đẳng giữa hai phái đoàn đại diện cho hai quốc gia tại Hội nghị này. Ngay vấn đề ngôn ngữ phát biểu trong hội nghị, mặc dù phía Pháp yêu cầu dùng tiếng Pháp và trên thực tế các thành viên trong Ðoàn đều rất giỏi tiếng Pháp, song Võ Nguyên Giáp kiên quyết không chấp nhận. Ông cũng như các thành viên khác đều phát biểu bằng tiếng Việt thông qua phiên dịch.

Nhiều thành viên trong phái đoàn của Pháp khi tiếp xúc, trao đổi, tranh luận với Võ Nguyên Giáp những vấn đề hệ trọng liên quan vận mệnh dân tộc Việt Nam cũng như quan hệ bang giao Việt- Pháp đều thừa nhận đã vấp phải ở con người này "cái" mà sau này trong hồi ký của mình, tướng Salan gọi đó là "những lập luận cứng rắn được che đậy bằng một thái độ mềm mỏng, lịch thiệp" (3).

Bàn về vấn đề Liên bang Ðông Dương, trong khi phía Pháp đòi thành lập Liên bang (Việt Nam là một thành viên) do một Cao ủy Pháp đứng đầu, Võ Nguyên Giáp kiên quyết "đập lại", yêu cầu Việt Nam giữ độc lập, liên bang chỉ có quan hệ về kinh tế. Ðồng thời yêu cầu Việt Nam phải có đại diện tại Liên hợp quốc và các nước trong và ngoài Liên hiệp Pháp.

Trong suốt quá trình diễn ra Hội nghị, phía Pháp luôn cố ý lảng tránh vấn đề đình chiến tại Nam Bộ. Thái độ này đã bị Võ Nguyên Giáp vạch rõ: Trong Hiệp định Sơ bộ 6/3 chẳng phải đã ghi "Hai chính phủ lập tức quyết định mọi phương sách cần thiết để đình chỉ cuộc xung đột?". Trả lời Mac Andre về vụ việc một số binh lính Pháp bị ta bắt ở Nam Bộ, Võ Nguyên Giáp "vặn lại": "Bây giờ trong Nam Bộ vẫn đánh nhau, các ông nói đó là dẹp giặc. Nếu nói vậy thì FFT (Lực lượng du kích Pháp chống quân Ðức quốc xã chiếm đóng) của Pháp cũng là giặc chăng? (4). Khi viên tướng Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Pháp trên đường từ Nam Kinh về Pháp ghé qua Hội nghị Ðà Lạt, Võ Nguyên Giáp đã tranh thủ gặp và nói thẳng với vị tướng này: "Người Pháp phải thực hiện đình chiến ở Nam Bộ theo đúng tinh thần của bản Hiệp định. Nếu không, nhân dân Việt Nam sẽ tiếp tục chiến đấu đến cùng. Tôi muốn nói với ông điều này với tư cách là một người kháng chiến" (5).

Võ Nguyên Giáp

Bìa cuốn sách Võ Nguyên Giáp của tác giả G.Boudarel (xuất bản tại Pháp năm 1977). 

Trong phiên họp toàn thể cuối cùng, trở lại vấn đề Nam Bộ, Võ Nguyên Giáp đã tuyên bố thẳng với Phái đoàn Pháp: "Ngày nào Nam Bộ còn bị tách khỏi Việt Nam thì ngày ấy mỗi người dân Việt Nam còn không ngừng dốc hết nghị lực của mình vào cuộc đấu tranh để đưa Nam Bộ trở về trong lòng Tổ quốc. Nếu tiếng nói của chúng tôi không được đáp lại, bản Hiệp định không được tôn trọng thì chúng tôi sẽ không chịu trách nhiệm về tất cả những gì xảy ra trong tương lai... Lịch sử sẽ chứng minh lời nói của chúng tôi là đúng (6). Tiếp nối lời tuyên bố hùng hồn của Võ Nguyên Giáp, các thành viên đoàn Việt Nam lần lượt đứng lên bày tỏ thái độ. Nguyễn Mạnh Tường khẳng định: "Nam Bộ là thịt của thịt chúng tôi; là máu của máu chúng tôi", Nguyễn Văn Huyên thì sâu xa hơn: " Không phải là Nam Bộ của Việt Nam mà là Việt Nam của Nam Bộ"...

Phiên họp toàn thể cuối cùng bị bao phủ một bầu không khí căng thẳng tột độ do thái độ trịch thượng, lố bịch và xấc xược, thiếu tinh thần xây dựng của phía đoàn Pháp, đặc biệt là của D’Argenlieu và Messmer. Không thể tiếp tục kìm nén sự tức giận, Võ Nguyên Giáp đứng phắt dậy dõng dạc tuyên bố: "Nếu các ông cố tình phá hoại cuộc thương thuyết để tiếp tục chiến tranh xâm lược thì chắc chắn Việt Nam sẽ trở thành mảnh đất buộc người Pháp các ông phải đền tội". Nói xong, ông ôm cặp tài liệu đi thẳng ra cửa trước nhiều cặp mắt ngơ ngác, bất ngờ và ngạc nhiên dõi theo của nhiều đại biểu.

Hội nghị Ðà Lạt kết thúc sau hơn ba tuần làm việc căng thẳng mà không thu được kết quả cụ thể nào do lập trường thực dân cố hữu của phía Pháp. Ít người biết rằng trong Chỉ thị ngày 14/4 (năm ngày trước khi Hội nghị khai mạc) mà Paris gửi cho Phái đoàn dự Hội nghị Ðà Lạt của họ, đã nói rõ: "Phải làm sao chứng minh cho thiên hạ thấy rằng nguồn gốc tan vỡ của Hội nghị trù bị Ðà Lạt là do phía Việt Nam gây ra".

Hơn nửa thế kỷ sau Hội nghị, nhiều người lại biết thêm một chi tiết khá thú vị về Võ Nguyên Giáp qua tiết lộ của Cecil B Coris - một nhân chứng, nhà sử học quân sự Mỹ. Ông ta cho biết: Do lập trường chính trị cứng rắn và phong cách lịch lãm của Võ Nguyên Giáp cả trong và ngoài hội nghị mà phái đoàn Pháp đã đặt cho Võ Nguyên Giáp biệt hiệu "Ngọn núi lửa phủ tuyết". Còn nhà sử học Pháp Jean Lacouture - người đã trực tiếp phỏng vấn Võ Nguyên Giáp ngay sau phiên họp cuối cùng của Hội nghị Ðà Lạt thì bình luận: Hình tượng thể hiện sự pha trộn giữa nhiệt tâm cháy bỏng với những phán đoán lạnh lùng tạo nên sức mạnh của Võ Nguyên Giáp(7).

Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao những nỗ lực và cố gắng của Phái đoàn; đặc biệt là phong cách ngoại giao và bản lĩnh của Phó Trưởng đoàn Võ Nguyên Giáp: "Hoan nghênh phái bộ trù bị. Tuy kết quả chưa đủ nhưng phái bộ đã làm cho nước Pháp và ngoại quốc biết rằng người nước ta biết tranh đấu, biết công tác và biết đoàn kết..."(8)

(1) Võ Nguyên Giáp: Tổng tập Hồi ký. Nxb QÐND. H.2010. Tr.270.
(2) Hoàng Xuân Hãn: Một vài ký vãng về Hội nghị Ðà Lạt đăng trong Tập san Sử - Ðịa. Sài Gòn số 23. Tr. 22.
(3) R.Salan: Indochine ruoge.(Ðông Dương Ðỏ.) Hồi ký. Nxb Presses de la Cite. Paris.1975. Bản dịch của Lê Kim.
(4) Hoàng Xuân Hãn. Sđd. Tr.25.
(5) Võ Nguyên Giáp: Tổng tập Hồi ký. Sđd. Tr.275.
(6) Võ Nguyên Giáp: Tổng tập Hồi ký. Sđd. Tr.278.
(7) Trần Trọng Trung: Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Nxb CTQG.H.2006. Tr.179.
(8) Nguyễn Khắc Huỳnh: Ngoại giao Việt Nam - Phương sách và nghệ thuật đàm phán. Nxb CTQG.H.2006.Tr.105.