Vé một chiều

Vé một chiều

Một tin nhắn vào đêm khuya. Của Vợ. "Em đã vào tới tâm dịch! Bắt đầu ngày tác nghiệp đầu tiên". Vợ gửi kèm mấy bức ảnh: Các bác sĩ, điều dưỡng viên đang mặc áo bảo hộ cho Vợ, đội mũ và đeo tấm chắn giọt bắn Face Shield. Trông Vợ như chiến binh áo trắng tuyến đầu mà xã hội đang tôn vinh.

Vợ tên Trang. Chồng tên Hùng.

Đó là hình ảnh từ Trung tâm Hồi sức tích cực của Bệnh viện Việt-Đức được thiết lập tại Bệnh viện Dã chiến 13 huyện Bình Chánh.

Chồng nhắn lại. "Chúc khỏe. An toàn!". Tâm trạng Chồng không vui. Chồng là nhà thơ. Ngu ngơ việc nhà. Vợ để lại cho Chồng hai nách hai con nhỏ, một tiểu học và một mẫu giáo.

Từ ngày có dịch, Vợ bám mặt trận chống dịch để truyền thông. Vợ là phóng viên Truyền hình ND. "Bao" cả mặt trận chống dịch ở Hà Nội và các tỉnh phía bắc khởi đầu là Xuân Lôi, Vĩnh Phúc, gần như không làm việc nhà, Chồng phải thay thế Vợ nấu ăn và chăm con học online. Vào một hôm trời mưa như trút nước khi còn ở ngoài này, Vợ nhắn tin: "Em phải tới ngay điểm dịch. Đi đây. Nhớ đón con!". Và bản tin tối xem ti-vi, Chồng nhìn hình Vợ đứng dưới mưa tường thuật ở một điểm phong tỏa tại Bệnh viện Bạch Mai nơi phát hiện ca F0, thương và xót lòng. Tình huống ấy diễn ra thường xuyên. Chồng ngán oải. Chẳng viết lách được gì. Đầu óc tắc tị.

Sau mỗi lần tác nghiệp nơi có dịch, về, Vợ phải cách ly 14 ngày tại nhà. Dành một buồng ngăn cách chồng con bằng một cái bàn và kéo đường dây ngang, mầu trắng có vạch đỏ giống như của cảnh sát. Chồng phải cung ứng "nhu yếu phẩm" cho Vợ trên cái bàn đó. Chán. Nhiều khi chẳng muốn nói, ra hiệu tay như kẻ câm. Còn Vợ vẫn online trên laptop làm chương trình truyền gửi về trung tâm kỹ thuật, đưa duyệt và lên sóng. Công việc như thế kéo dài hơn năm nay.

Thấy anh Chồng đi siêu thị mua thực phẩm xách bê lôi thôi nhếch nhác, cô hàng xóm yêu thơ anh Chồng, thương "Ai bảo nằng nặc đòi lấy phóng viên?". Và cô xin làm giúp. Giống như Tổ Covid cộng đồng ở phường "đi chợ" hộ.

Lần này Vợ đi xa vào tâm dịch. Nơi ấy hằng ngày có tới hàng chục nghìn ca nhiễm SARS-CoV-2 thể nặng, đã có hàng trăm bệnh nhân Covid-19 đã đi thẳng tới thế giới vĩnh hằng bằng "Vé một chiều". Đó là cái đêm Vợ quyết định làm một đề cương tiền kỳ cho một phim tài liệu "Vào tâm dịch", chỉ dùng hình ảnh các bác sĩ, điều dưỡng viên cứu chữa bệnh nhân nặng tại Trung tâm Hồi sức tích cực Bệnh viện Việt-Đức, không có lời bình, chỉ thu cấy âm thanh hiện trường cùng các câu thoại.

Một dự án táo bạo. Vợ nói với Chồng: "Chồng giúp Vợ nhé?". Chồng biết tính Vợ. Nói giúp mà là mặc định. Chồng lặng im gật đầu.

Đã hơn một tháng hoạt động, Trung tâm Hồi sức cấp cứu đã cứu chữa được hàng trăm bệnh nhân khỏi bệnh, giúp họ có "vé khứ hồi" trở về nhà, cũng có nhiều bệnh nhân ra đi với "vé một chiều" mặc dù các bác sĩ đã nỗ lực hết mình. Ban Biên tập hoan nghênh ý tưởng của phóng viên Vợ, tên Trang, tạo mọi điều kiện kỹ thuật tốt nhất cùng một anh quay phim, một cô trợ lý, để cả ê-kíp có một tác phẩm ít nhất cũng là tri ân với các thầy thuốc đang ngày đêm vật vã chống dịch ở tuyến đầu, nơi lưỡi hái tử thần SARS-CoV-2 không biết phân biệt nể vì một ai.

Và giờ đây Vợ đang ở tâm dịch.

Trang cùng ê-kíp có năm ngày tác nghiệp ở tâm dịch. Mỗi ngày, vào buổi khuya, cô online với chồng về hoạt động của Trung tâm.

Chuyện thứ nhất. Vào một ngày có một bác sĩ nữ bị ngất. Dìu ra phòng thoáng cởi bộ đồ bảo hộ, quần áo mặc trong ướt đẫm mồ hôi. Trời thì nóng như thiêu, thân nhiệt tỏa ra không thoát được. Kiệt sức, người bác sĩ ấy than: "Không biết mình có đủ sức trụ lại được không?". Đồng nghiệp an ủi: "Không sao. Sẽ tìm cách. Chị làm được mà!".

Ngay ngày đầu Trang đã thất thần với hai chiếc xe cáng vội vã đưa hai người bệnh từ Bệnh viện Dã chiến 13 sang Trung tâm Hồi sức tích cực, đó là hai bác sĩ. Cả hai đã nhiễm virus corona một tháng nay. Điều trị không thuyên giảm, phải chuyển sang đây. "Dao sắc không gọt được chuôi". Họ cần hồi sức tích cực bằng liệu trình phức tạp hơn. Trang và ê-kíp "săn" cảnh này rất chi tiết. Cái câu "sinh ư nghệ-tử ư nghệ" đã ứng nghiệm với chính các thầy thuốc tuyến đầu.

Câu chuyện thứ hai Trang kể với chồng là có cặp vợ chồng cao tuổi cùng được chuyển tới đây điều trị kê cạnh giường nhau. Bà có bệnh nền tiểu đường. Ông có bệnh nền tim mạch. Ông chỉ phải thở oxy được điều trị tích cực dần phục hồi và được xuất viện. Phải nói dối bà chuyển ông tới phòng phục hồi chức năng. Còn bà thuộc F0 nặng, phải thở máy xâm nhập, hỗ trợ chức năng sống. Lọc máu, thủ thuật ECMO. Cả ê-kíp tập trung cứu bà mà không cứu nổi, phổi bà đã trắng gần hết. Khi thấy tín hiệu ngừng tim trên mô-ni-tơ, tất cả lặng đi, buồn rũ vì lực bất tòng tâm. Cái đau nhất của người qua đời vì Covid-19 là không được gặp mặt người thân, không được nói lời sau cùng, nỗi đau càng đè nặng lên các bác sĩ. Khi nhìn chiếc xe chở xác đẩy bà đi, lòng người nào cũng đau như thắt.

Chuyện thứ ba Trang kể, là các bác sĩ, điều dưỡng viên còn chăm sóc cho người bệnh từ bữa ăn đến vệ sinh cá nhân. Lau rửa, thay quần áo coi người bệnh như người thân. Đặt ghế ngồi bên cạnh người bệnh bón cháo bón cơm từng tí một như cho trẻ nhỏ. Nhiều người bệnh không chịu ăn phải nịnh dụ: "Ba/má thân yêu. Ăn mới khỏe lại sống với chúng con chứ!". Tay cầm đưa thìa cháo, miệng dụ người bệnh để bác sĩ lùa thìa cháo vào miệng bệnh nhân.

Trang kể với chồng có bác sĩ tâm sự rất đau lòng:

- Mình tình nguyện vào tâm dịch là để cứu người. Mà không cứu được thấy mình có lỗi lớn quá. Công sức đổ xuống biển.

- Anh có thường gọi điện ra Hà Nội nói chuyện với vợ con không?

- Nhắn tin. Né tránh chuyện trực tiếp. Bởi các con cứ hỏi: "Bao giờ bố về?". Chị có năm ngày. Chúng tôi không có hạn mức thời gian...

Trang kể: "Một bác sĩ khác làm em thương quá. Ở Hà Nội bố lâm bệnh qua đời mà vắng mặt con trai". Anh ấy buồn rũ, bỏ cơm. Vậy mà có bệnh nhân cấp cứu chuyển sang là ngay tắp lự vùng dậy xốc tinh thần khẩn trương làm các thủ thuật hồi sức.

Đây là mô hình Bệnh viện điều trị Tháp 3 tầng. Trung tâm Hồi sức tích cực là "tầng 3" đặt ngay trong cùng khuôn viên với Bệnh viện Dã chiến 13 nên khi có bệnh nhân nặng, nguy kịch từ Bệnh viện Dã chiến chuyển sang rất tiện lợi.

Những thông tin Vợ gửi ra, còn kèm hình ảnh mới thấy Vợ mình say yêu nghề "như lãng quên mình là gái có chồng". Vợ đạo diễn cho anh quay phim chọn góc máy và cỡ cảnh sao miêu tả được khí chất và nhiệt huyết của các thầy thuốc ở tâm dịch. Những giọt mồ hôi nhỏ vào tấm kính chắn giọt bắn chảy thành dòng. Đôi mắt nhìn đăm đăm vào gương mặt bệnh nhân theo dõi diễn biến. Đôi tay bác sĩ thoăn thoắt thiết lập hệ thống đường truyền thuốc và dịch. Gương mặt đờ đẫn mất hết sinh khí của người bác sĩ bị ngất. Rồi người bác sĩ gieo mình xuống ghế nhắm nghiền mắt lại, bất lực vì đã không cứu được một bệnh nhân vừa trút hơi thở cuối cùng.

Hình ảnh người bác sĩ dụ ngọt bệnh nhân ăn Vợ thu thanh rất tốt: "Thế, thế. Thìa nữa nào. Đúng rồi. Đấy, má thấy không. Có ăn mới có sức chiến thắng bệnh tật về với con cháu chứ?". Rồi một bà bệnh nhân nắm tay bác sĩ thều thào: "Các con tốt quá! Bóc bánh cho mẹ ăn đi!". Đúng là không cần lời bình-Chồng nghĩ.

Sài Gòn là miền đất hay có những cơn mưa bất chợt gọi là mưa bóng mây. Vợ ghi được hình ảnh một người bác sĩ ra hiên thở khí trời xả stress sau khi cứu chữa không thành công cho đồng nghiệp của mình-chính là một trong hai bác sĩ chuyển từ Bệnh viện Dã chiến 13 sang. Gương mặt người bác sĩ buồn thê thảm. Anh ngắm nhìn những giọt mưa chảy ròng từ mái hiên bệnh viện, Trang thu được cả tiếng mưa rơi, người bác sĩ ấy nhìn ra xa nơi có chiếc cáng lầm lũi vận chuyển thi hài người bác sĩ tử vong sang khu nhà xác. Cùng lúc ấy có người đàn ông đi ngược chiều trở lại. Ông ta khum cánh tay cúi đầu chào, nói: "Bác sĩ có nhớ tôi không?". "Nhớ chứ. Ông là chồng của bà bệnh nhân đã qua đời. Đã ra viện sao ông lại vào đây?". "Tôi gặp lãnh đạo Trung tâm, xin cho được làm việc cùng, phục vụ các bệnh nhân Covid. Làm việc gì cũng được".

Đọc và xem những email này, Chồng có chút chạnh lòng. Sao ta có thể ta thán Vợ? Cũng là sự nghiệp. Như nghiệp thơ với ta.

Những ngày tác nghiệp ở tâm dịch đã kết thúc. Vợ trở về Hà Nội. Vợ lại phải cách ly tại nhà như những lần trước. Một cái bàn và sợi dây căng ngang mầu trắng có vạch đỏ, làm làn ranh ngăn cách giữa "vùng xanh" và "vùng cam" trong một căn hộ. Trang ở tâm dịch "vùng đỏ" về, Trạm Y tế phường quản lý. Họ thực hiện xét nghiệm sàng lọc. Test nhanh, Trang âm tính. Ngày thứ hai vẫn âm tính. Ngày thứ ba họ xét nghiệm Realtime PCR. Dương tính. Nhưng Trang thuộc F0 không triệu chứng. Một chút lo ở Chồng. Thoáng chút lo ở Vợ.

Vợ lo là lo cái phim tài liệu "Vào tâm dịch" phải được hoàn thành đúng kế hoạch phát sóng. Hằng ngày ở trong "vùng cam", Vợ xem-đọc lại thẻ nhớ ghi mốc cảnh, làm kịch bản hậu kỳ để cô phóng viên biên tập và quay phim cùng đi dựng phim. Cả hai xét nghiệm đều âm tính. Đến ngày thứ năm xét nghiệm RT-PCR cho kết quả Trang âm tính. Tuy nhiên Trang vẫn chưa được tới cơ quan. Trang bàn với hai đồng nghiệp cùng dựng phim ở phòng kỹ thuật bằng hình thức online. Dựng hình-Làm bảng chữ-Cấy âm thanh-Cấy nhạc. Hai ngày sau có phim.

Hội đồng thẩm định cùng Ban Biên tập duyệt ngay. Trang hồi hộp nghe tin chị trưởng phòng thông báo, rằng cả Hội đồng vỗ tay hoan nghênh: "Hay đấy. Rất tốt!". Trang bật khóc sung sướng, gọi chồng đến cái bàn có chăng dây phân chia "vùng xanh-vùng cam" vươn đôi cánh tay định ôm hôn. Sực nhớ ra "5K", Vợ rút tay lại khuỳnh cùi tay để chạm cùi tay Chồng như các chính khách giao đãi ngoại giao.

Đứa con lớn hỏi: "Bao giờ mẹ được ra vùng xanh?". Mẹ Trang giơ hai ngón tay, cười như nắc nẻ: "Chờ nhé. Còn hai ngày 5K".