Trên bến phù sa

Bao giờ những hạt mưa phùn tháng chạp li ti rơi xuống đậu trên cuống rạ vụ mùa vàng óng của nhà ai còn sót lại chưa kịp đốt là lúc bố tôi bắt đầu làm đất để trồng cà. Một dải đất dài như tấm lụa và đỏ như tiết gà ven sông được người làng tận dụng. Đánh luống rồi mới trồng cây con đã được ươm từ hạt, có khoảng năm sáu cái lá nhỏ. Mẹ tôi gánh nước sông tưới cà, tưới lần này đầu tháng chạp mà tận cuối tháng ba mới phải tưới lần nữa, còn đâu thì trông cả vào trời. Được cái giống cà pháo này ưa mưa phùn như gái phải hơi trai cứ lên bời bời, mươn mướt. Hết mưa phùn thì mãn nụ, khai hoa, đậu quả mà đẻ ra một lũ quả cà con đầu tròn trọc lốc. Mới hôm nào quả be bé bằng cái cúc mà hôm nay đã thập thò như mắt trẻ.

Mùa thu hoạch cà, bà tôi tất tưởi cắp thúng lau ra bờ sông Sò hái cà pháo về muối, những quả cà pháo nõn ngần như khuôn mặt con gái tuổi trăng rằm. Hình như màu hoa đã lặn vào trong sắc quả. Cà thu hoạch về, bà đổ ra mẹt phơi trước sân dưới nắng tàn xuân đặc sánh như mật mía cho se héo vỏ. Bà bảo làm như vậy khi muối xong cà sẽ giòn tan, cắn một miếng, cà nổ giữa hai hàm răng đoang đoác như tiếng pháo, vì vậy mà gọi là cà pháo.
 
 Tôi nhớ bà tôi kể rằng, ở làng có cô Thêu lấy anh Tĩnh. Bữa cơm ra mắt nhà chồng, trời tối om, đèn dầu leo lét, cô Thêu gắp một quả cà pháo và cắn một miếng thật ỏn ẻn, thế mà hạt cà vẫn bắn trúng vào mặt bà Tư mẹ chồng. Bà Tư mắt kém không nhìn rõ thấy gì vội gắt khẽ “Thằng Tĩnh ăn cà thì mím cái môi lại”. Anh Tĩnh cười rinh rích định cất lời nhận thay vợ, thì cô Thêu chợt dịu dàng lên tiếng: “Con vô ý quá. Con xin lỗi mẹ ạ”. Nhưng bà Tư không giận, không trách, còn thương vì cô đã chọn món đầu tiên là cà - món ăn bình dân, rẻ tiền, tức là cô Thêu không chê đạm bạc, chẳng khinh nhà chồng nghèo khó. Đó chẳng phải tương cà là gia bản hay sao. Vả lại, quả cà cô Thêu cắn tiếng kêu giòn tan như tiếng pháo báo hiệu sự khởi đầu no đủ, hạnh phúc.
 
 Trong giấc mơ tháng ba ngày tám lam lũ, nhọc nhằn suốt thời thơ bé, tôi thấy mình ngồi bên cái mẹt rách tuột cạp, bưng bát cơm gạo tám xoan ăn với cà pháo muối xổi chấm tương bần,chan với canh cua nấu rau đay, mồng tơi, quả mướp. Tất cả thức ăn đều đựng trong bát chiết yêu, thứ bát to nhất hồi đó. Mồ hôi trên trán tôi vã ra nhiều quá, rơi cả vào bát canh. Bà quạt cho tôi, âu yếm bảo “Ăn từ từ thôi con, cơm hãy còn nhiều”. Tôi vừa và, vừa nghẹn đến tận lúc thủng nồi, trôi rế mới đứng dậy. Rồi tôi cứ thế khóc, nước mắt đổ ra mặn hơn mồ hôi, chát hơn nước cà muối xổi.
 
 Mùa cà pháo năm Bính Ngọ, ông tôi nhập ngũ lên đường vào miền nam chiến đấu. Chiến tranh đã ác liệt lắm rồi, tiếng bom rơi, đạn nổ đâu đó vọng về giữa canh khuya thảng thốt. Bà tôi bế cô Lan mới ba tuổi ra sân đình tiễn ông tôi ra trận. Nước mắt hậu phương ướt đầm vai áo bộ đội, hẹn ngày chiến thắng sẽ về đoàn tụ. Bà tôi dúi vào tay ông tôi mo cau cơm nắm cõng mấy quả cà muối nén và dặn “Mình cầm đi ăn đường xa cho đỡ đói lòng”. Ông tôi đeo ba-lô đẩy mo cơm về phía bà, bảo “Nhà mang về cho các con ăn, tôi đã có nhà nước lo”. Bà tôi nói giọng cương quyết “Mình phải cầm em mới yên tâm. Em thổi đầy nồi gang cho cả nhà ăn hôm nay, các con có phần cả đấy. Mình đừng bận lòng. Mình đi chân cứng, đá mềm, đánh thắng giặc Mỹ, tránh được hòn tên, mũi đạn mà về với mẹ con em nhé”. Thật ra, hôm ấy bà tôi đã vét hết gạo trong chum để nấu cơm đem nắm mo cau. Ông tôi đem theo mo cau cơm nắm cõng mấy quả cà và lời hẹn chiến thắng sẽ về, vậy mà hơn năm mươi năm nay bà tôi vẫn ra vào trông ngóng.
 
 Miếng cơm độn khoai, ngụm canh cua đồng, quả cà muối xổi… đã góp công nuôi tôi khôn lớn thành người.Trong ký ức tưởng đã bị muôn cuộc mưu sinh làm cho cằn cỗi, vẫn lưu giữ những điều tưởng chừng thật nhỏ bé, như hạt cà gieo trên bến sông phù sa này…