Trách nhiệm, thái độ và tài năng của người viết

Làm thế nào để ngày càng có thêm nhiều tiểu thuyết có chất lượng cao về lịch sử Việt Nam đến được với bạn đọc, góp phần tôn bồi tình yêu đất nước, dân tộc trong tâm hồn người Việt? Nhân Dân cuối tuần có cuộc trò chuyện với PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ (ảnh bên), Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương, quanh vấn đề này.

Trách nhiệm, thái độ và tài năng của người viết

- Thưa ông, gần đây nhiều tiểu thuyết lịch sử được giới nghề và bạn đọc đón nhận, và được trao một số giải thưởng trong nước cũng như khu vực. Đây có phải là hiện tượng tự nhiên hay là sự tích tụ của một quá trình?

- Lịch sử là đề tài vô tận để văn học - nghệ thuật khai thác. Nhiều nhà văn đã và vẫn đang say mê sáng tạo dựa trên những tư liệu lịch sử hàng nghìn năm của đất nước, với những cách lý giải lịch sử riêng, góp phần làm sinh động lịch sử. Người viết văn rất khác người viết sử. Lịch sử diễn ra thế nào thì người viết sử phải chép lại trung thành như thế. Còn nhà văn có lợi thế đi sâu vào nội tâm của nhân vật và mỗi người có cách thể hiện, lý giải lịch sử theo những chiều hướng khác nhau. Chỉ một vụ án Lệ Chi viên cũng có nhiều cách nhìn. Hay riêng về thời Trần nhiều nhà văn đương đại có những tác phẩm rất tốt như tiểu thuyết Chim ưng và chàng đan sọt của Bùi Việt Sỹ, Trần Khánh Dư của Lưu Sơn Minh, Đức Thánh Trần của Trần Thanh Cảnh…

Phải khẳng định Việt Nam chúng ta có lịch sử rất hào hùng. Kể cả những sai lầm của một giai đoạn nào đó cũng để lại cho chúng ta những bài học lớn, sâu sắc. Tìm về lịch sử, văn hóa dân tộc giúp nâng bước tâm hồn, cốt cách, trí tuệ, bản lĩnh con người Việt Nam để tiến lên phía trước. 

- Tiểu thuyết lịch sử là thể tài rất kén người viết. Theo ông, làm sao để tác phẩm của nhà văn không khô khan như những cuốn sách sử, mà tạo thêm sự sinh động, đồng thời lại không làm sai lệch lịch sử?

- Ở giai đoạn nào nhà văn cũng có thể viết được tác phẩm hay, chỉ có điều trách nhiệm, thái độ, tài năng của nhà văn đến đâu, khắc họa lịch sử như thế nào thôi. Nhà văn khi viết tiểu thuyết phải bám vào các cứ liệu lịch sử đồng thời lại phải có năng lực tưởng tượng, sáng tạo. Nếu mô tả máy móc, sao chép khô khan lịch sử thì sẽ không có tác phẩm có chất lượng cao.

- Sự xuất hiện của nhiều tác giả hào hứng với thể tài này những năm gần đây liệu có thể hiểu là một chỉ dấu gì trong sự phát triển của nền văn học hay không, thưa ông?

- Mỗi nhà văn đều ý thức được rằng, phản ánh câu chuyện của hôm qua thật ra là nói câu chuyện của hôm nay, thậm chí là mai sau nữa, tùy tài năng và cách gửi gắm thông điệp của mỗi người. Thí dụ nói về ông quan thanh liêm thì cũng có thể liên tưởng đến phẩm chất người cán bộ hiện nay. 

Văn học phản ánh đời sống ở biên độ thời gian rất rộng, có thể xuyên qua thời gian, có khi cả nghìn năm. Bất cứ nhà văn, nhà viết sử nào cũng đều muốn lật lại lịch sử của thời kỳ nào đó để xem tâm hồn, tính cách của người Việt Nam lúc đó như thế nào. Tất nhiên sự tưởng tượng cũng có giới hạn của nó, để làm sinh động lịch sử chứ không phải là bóp méo lịch sử. Các nhà văn cũng phải nhìn một cách đúng đắn, hợp lý. Không thể đứng ở thế kỷ 21 mà phê phán con người ta ở thế kỷ 20 một cách vùi dập. Không thể lấy con người hôm nay để phán xét thô bạo con người hôm qua.

- Người viết muốn thu hút độc giả thì thường phải xoáy vào những khoảng mờ, khoảng tối của lịch sử mới tạo được sức hấp dẫn. Nhưng nhiều ý kiến của người làm nghề cho rằng, người viết vẫn độc hành, chúng ta hiện vẫn hơi thiếu những hội thảo có sức khơi gợi, hoặc gợi ý những lằn ranh của hư cấu và sự thật. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

- Chúng ta phải nhìn nhận, trong lịch sử có những khoảng thời gian ông cha chúng ta sai lầm. Lịch sử Việt Nam nhìn chung là hào hùng nhưng cũng có những trang đau thương. Các hội nghề nghiệp chuyên ngành nên tổ chức các cuộc hội thảo, mời nhà quản lý, người viết, nhà phê bình đến để trao đổi, tranh luận trên cơ sở khoa học để có những điều chỉnh trong sáng tạo. Nghĩa là, phải đầu tư nhiều hơn cho hội thảo. 

Một vấn đề khác, khi nhà văn viết về lịch sử thì các dữ liệu đã có độ lùi rồi, các chiều kích của lịch sử cũng đã được nhìn đầy đủ hơn. Trong quá trình thẩm định, các cơ quan quản lý về văn học - nghệ thuật cũng nên hiểu khi nhà văn phản ánh những vấn đề đương đại thì có thể đụng chạm chuyện nọ, chuyện kia. Nếu phản ánh của nhà văn cảnh báo về một số hành vi, sự sai trái mà có tính xây dựng, như là cách kiểm điểm chứ không phải kích động, thì cũng cần phải được thấu hiểu, tạo điều kiện. Thậm chí có cơ chế khuyến khích. Nói về cái sai để nhìn nhận và sửa chữa.

- Thời gian qua, trong khi nhiều đơn vị xuất bản, phát hành chưa quan tâm đầu tư cho tiểu thuyết lịch sử, thì các tác giả đã tự in, phát hành, tổ chức ra mắt sách. Theo ông, có cách nào tháo gỡ khó khăn, nhằm động viên, khuyến khích nhà văn tập trung hơn cho dòng tiểu thuyết lịch sử, góp phần mang lại những giá trị về nhận thức xã hội?

- Tôi cũng có suy nghĩ, bấy lâu nay chúng ta hay nói trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ có những tác phẩm mang tầm vóc thời đại. Nhưng ở thời bình chúng ta chưa có tác phẩm xứng tầm. Có nhiều lý do về hiện trạng này. Giới lý luận phê bình nên có những lý giải kỹ hơn, sâu hơn về vấn đề này. Chúng ta cũng tin tưởng đội ngũ nhà văn sẽ có những tác phẩm có chất lượng tốt. Biết đâu, khi chúng ta đang bàn luận vấn đề này thì có nhà văn nào đó đã viết gần xong một tác phẩm hay...

Ở thời điểm nào thì người viết cũng phải có trách nhiệm công dân. Phải đào sâu, sáng tạo trên tinh thần yêu nước. Điều kiện đi lại, tiếp cận tư liệu, tìm hiểu thực tế hiện nay đã tốt hơn thời bao cấp rất nhiều. Cơ quan quản lý cũng đã có nhiều điều chỉnh tạo không gian thích hợp hơn cho sáng tạo nghệ thuật. Các đơn vị chức năng, đơn vị làm sách và cả người viết nữa, cần tập trung quảng bá và hỗ trợ quảng bá tác phẩm có chất lượng cao, nhằm thu hút sự quan tâm của người trong giới, bạn đọc. Không phải là tác phẩm tốt rồi thì không cần quảng bá. Tác phẩm tốt càng phải quảng bá. Thậm chí nên quảng bá từ khi tác phẩm chưa in xong, nhằm thu hút nhiều bạn đọc. Nếu chúng ta chuẩn bị tốt, nhịp nhàng tất cả các khâu thì tôi tin tiểu thuyết lịch sử nói riêng, sáng tác văn học nói chung sẽ khởi sắc. Từ đó cũng sẽ kích thích các ngành nghệ thuật khác khởi sắc.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!