Nối những mùa xuân

Thấm thoắt, tôi đã may mắn có hàng chục chuyến công tác đến với quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1 - nơi tiền tiêu của Tổ quốc. Mỗi khi bước xuống chiếc xuồng nhỏ rời tàu, trước mắt là hòn đảo nhỏ như dấu chấm bâng khuâng giữa xa xanh mênh mông, lòng tôi lại trào lên niềm xúc động vô cùng mãnh liệt, khó tả.

Vừa leo lên con tàu số hiệu KN-263, chúng tôi đã nhác thấy đội bếp đang chuyển từng lọ muối vừng rất lớn, đường kính dễ vài chục centimet còn chiều cao phải nửa mét lên kệ. Trước những cặp mắt ngạc nhiên, bộ đội giải thích: "Trong những chuyến sóng gió dữ dội, nhà bếp cần chuẩn bị chu đáo để nếu ai không ăn uống được gì thì còn có thể lót dạ chút cơm cháy với muối vừng, các đồng chí cứ trải nghiệm đi, rồi sẽ thấm…".

14 giờ 30 phút ngày 29-12-2019, sau lễ tiễn đoàn công tác được tổ chức trang nghiêm, tàu bắt đầu rời cảng. Từng đợt sóng vây bủa dồn dập theo cấp độ tăng dần, trên ca-bin, sóng đánh mờ mịt cửa kính, gạt nước phải hoạt động liên tục. Ai nấy đều choáng váng, cảm nhận được cơn say sóng nên vừa nãy còn phơi phới ngắm biển, chụp ảnh trên boong tàu giờ đã nhanh chóng trở về phòng. Loa phát thanh nội bộ thông báo: "Tàu đang đi ngang sóng, tổ bếp chằng buộc vật dụng kỹ càng". Bỗng có tiếng loảng xoảng rất lớn, âm vang đến cả tầng trên, tầng hầm… loa phát thanh tiếp tục vang lên, báo tin bữa tối sẽ chậm một giờ so với dự định. Dường như ai cũng hiểu điều gì đã xảy ra. Tàu chỉ có sáu thành viên tổ bếp nấu ăn cho gần 100 đại biểu, công việc ấy thật chẳng dễ dàng, nhất là giữa mùa biển động. Bữa cơm đầu tiên không mấy ai rời được phòng mà đi ăn, lác đác chỉ vài người lính dạn dày sóng gió nhưng họ vừa ngồi cái đã vã mồ hôi. Dọc hành lang tàu, thỉnh thoảng tôi lại gặp các chiến sĩ hải quân đang trong tư thế ngủ ngồi, hỏi ra, tất cả anh em bộ đội đều đã nhường không gian, điều kiện sinh hoạt tốt nhất cho khách. Ðêm đến, trong giấc ngủ chập chờn, tiếng nước dằn xô "uỳnh uỳnh, uỳnh" cứ như tàu bị đâm vào vật cản và sắp gãy làm đôi. Tôi chật vật tay bám lan-can, chân bước qua những người nằm dọc lối đi mò lên boong tàu, thấy từng cuộn sóng dữ dằn tưởng chừng ập vào tàu nhưng nhanh chóng lại chui tọt xuống đáy, toàn thân mình như chơi vơi vút lên cao thật cao. Cứ năm, bảy con sóng nhỏ lại có một nhịp sóng lớn. Ðó là nhịp biển. Lại bâng khuâng nhớ về tuổi thơ, trong tác phẩm "Papillon - Người tù khổ sai" tôi từng đọc, có nhân vật nhờ đếm được từng nhịp sóng, hiểu được nhịp biển mà vượt ngục thành công. Những bữa cơm sau đó, đúng như dự đoán, từ sáng tới tối, chẳng mấy ai ăn nổi. Bấy giờ, nhà bếp bèn nấu cơm cháy nhiều hơn thường lệ. Nấu cơm cháy cũng là một nghệ thuật, phải cẩn trọng ướm chừng để có được lớp cháy vàng ruộm, giòn thơm mà không khô, khét. Xong xuôi, bộ đội chuẩn bị từng phần cơm nắm bằng củ khoai con, cho vào cái bát inox, thêm chút muối vừng mang đến từng phòng và động viên khách cố ăn đi một chút.

Ðêm 31-12, toàn tàu tổ chức đón giao thừa trên vùng biển Tư Chính. Có cành đào, cành mai bằng giấy, đèn nhấp nháy đủ mầu, hoa quả, trà mứt từ các vùng, miền. Trưởng đoàn công tác chúc mừng năm mới, lì xì các thành viên. Mỗi người, một tay giữ đĩa bánh kẹo trên bàn, tay kia vịn cho chắc, vừa cười vừa chống chọi cơn say. Trong chính khoảnh khắc ấy, trong tôi dấy lên niềm khát khao được trải nghiệm một đời sống như những người lính trên tàu, họ đang rất vững vàng, mạnh mẽ. Nghĩ vậy, sau giao thừa, tôi bèn vác chăn gối ra hành lang, nằm cạnh một đồng chí bộ đội. Ðịnh anh em sẽ chuyện trò với nhau trong không khí xuân mới nhưng anh bị cúm, đang đeo khẩu trang, sợ lây sang tôi bèn xin phép nằm cách quãng. Chúng tôi không nói được chuyện gì, chỉ bằng cảm xúc mà thấu hiểu nhau. Giờ khắc ấy, tàu đang neo gần Nhà giàn DK1/11, vị trí chúng tôi nằm là mặt trên bể nước ngầm của tàu, cảm giác nước thốc vào tai rồi tràn vào giấc ngủ. Bỗng tôi nhớ Chấn Long, cậu bé mới 10 tuổi, học lớp 4, Trường tiểu học Dịch Vọng 1, Cầu Giấy, Hà Nội. Quen nhau từ triển lãm ảnh về biển đảo, Chấn Long tìm tôi gửi hạt giống rau, quà Tết ra biển đảo. Ðặc biệt, cậu bé tự nghĩ, tự gấp rất nhiều con hạc giấy nhờ chúng tôi thả xuống biển trong lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ. Những con hạc giấy cuốn lá cờ Tổ quốc quanh mình, hai bên cánh cài hai bông hoa bàng vuông, ngắm kỹ còn thấy cả hình trái tim đỏ, phía sau có thân cây mầu nâu, có một chồi xanh đang nhú lên. Khoảnh khắc đoàn công tác thả hạc giấy xuống biển và đọc thư của Chấn Long, ánh mắt nào cũng rưng rưng, ngấn nước. Cậu bé còn gửi quà cho các bạn nhỏ ở quần đảo Trường Sa, đó là mô hình bánh sinh nhật và hoa quả. Những chiếc bánh có ba tầng, mỗi tầng ghi ý nghĩa riêng. Tầng cao nhất dành cho các bạn, tầng thứ hai biểu trưng cho người mẹ nâng đỡ các con, tầng cuối cùng mầu xanh biếc. Sáu ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa cũng nhận được sáu bộ đèn sen của cậu bé Hà Nội. Chấn Long từng ra chùa Hà, nhặt lá bồ đề về đắp xi-măng thành phôi lá rồi đúc, nung để gắn vào đèn bên cạnh những đóa sen có mầu trắng, xanh, vàng, đỏ. Kèm theo mỗi cặp đèn, cậu bé cũng lại viết thư, nói về ý nghĩa, mong muốn cầu bình an cho các chiến sĩ, hòa bình cho Tổ quốc mình. Tàu neo gần nhà giàn, điện thoại chập chờn nổi lên một vài cột sóng. Cứ có sóng điện thoại là tôi nhận được cuộc gọi, tin nhắn của Chấn Long. Em hỏi thăm sức khỏe các chú bộ đội, đoàn công tác, sau đó mới hỏi quà của mình có đến nơi không. "Chú nhớ dùng mứt gừng cháu tặng và mặc thêm áo khoác nhé, biển sẽ lạnh lắm…", nghe cậu bé nói, tôi đưa tay vào túi tìm mứt gừng, loại mứt cậu tự tay làm, đòi mẹ dẫn ra chợ đến mấy lần mới mua được đúng loại gừng ta nhỏ bằng ngón tay, ít xơ và thơm nức.

Sáng mồng 1 Tết Dương lịch, tàu cấp hàng quà cho hai Nhà giàn DK1/14 và DK1/12, xong sẽ xuôi hướng Cà Mau. Gần cuối hành trình, mọi người có vẻ đã quen sóng nên đỡ say hơn. Ðồng chí Nguyễn Văn Nhật, Chỉ huy phó Nhà giàn DK1/12 đang có mặt trên tàu sau chuyến về phép thăm vợ sinh con. Anh nhận nhiệm vụ rời tàu, tiếp cận nhà giàn bằng phương án bơi. Khi anh bước ra hành lang tàu, mọi người mới ngỡ ngàng biết người lính ấy còn có anh trai chính là đồng chí Nguyễn Minh Ðức, phó tàu. Hai anh em ruột chung chuyến tàu nhưng ai cũng chất trên vai nhiệm vụ của riêng mình, tình cảm ruột thịt được thể hiện tiết chế lắm. Buổi ấy, họ mới chuyện trò với nhau lâu hơn chút. Trước lúc chia tay, người anh đứng nơi đầu sóng che chắn cho em, họ căn dặn nhau những điều cần thiết để bảo đảm an toàn khi rời tàu, và còn những điều gì nữa... Ðức nói với em trai bằng giọng miền trung ấm áp rồi chạy vội vào phòng lấy đôi găng tay vải mới tinh đưa cho Nhật đeo vào. Chỉ lát nữa thôi đôi găng tay sẽ phát huy tác dụng khi Nhật phải bám vào những bậc thang thẳng đứng, đầy gỉ sắt và các con hà sắc lẹm để leo lên nhà giàn. Sau hiệu lệnh của thủ trưởng đoàn, Nguyễn Văn Nhật tự tin và mạnh mẽ lao xuống dòng nước. Mặt biển thẫm lại, sóng cồn cào dữ dội, niềm tin và sức mạnh con người gửi trọn vào một sợi dây nối tàu với nhà giàn mà người chiến sĩ đang bám chặt, cố sức nhoài về phía trước. Trước đó ít phút, có bao hàng vừa ném xuống biển, bị tuột dây chằng đã bị kéo đi cả trăm mét trong nháy mắt. Nhật buông mình xuống biển, những con sóng cao dễ tới ba mét đưa anh lên thật cao rồi lại kéo chìm xuống tận dưới. Khoảng cách của anh với nhà giàn dần rút lại, khoảng cách với người anh trai lại dần xa. Dưới kia không chỉ sóng, gió, muối mặn chát mà khu vực này còn có cả cá mập... Biển đảo mùa này thật quá đỗi gian lao.

Sợi dây người lính bám chặt để trở về "nhà" cứ neo mãi trong lòng tôi. Chúng tôi gọi đó là sợi dây nối những mùa xuân. Giờ khắc anh từ lòng biển sũng ướt bước lên nhà giàn như một bức tượng đồng đẹp đẽ, lừng lững, oai dũng giữa biển xanh và ánh sáng mặt trời. Lá cờ đỏ sao vàng bên cạnh anh phần phật tung bay, đó là tín hiệu chào của những người ở lại đón mùa xuân mới giữa biển cả bao la. Tôi nhìn sâu vào ánh mắt Nguyễn Minh Ðức, anh trai Nhật, thấy ngời lên niềm tin cậy, hân hoan đến nghẹn ngào.

Cuối hải trình, tàu neo ở vùng biển cực nam Tổ quốc, vẫn sợi dây ấy nối tàu với nhà giàn, trao từng gói bánh kẹo, trà, mứt vui xuân… những món quà ấm nồng giản dị và quý giá giữa bốn bề sóng lừng gió mặn. Hương vị vùng, miền mở ra xiết bao cảm xúc. Này là mì gạo Phú Thọ, trà Thái Nguyên bộ đội nhập kho, dùng theo kế hoạch, còn đây có gà khô xé cay, bánh chả Hà Nội, vị đường, mỡ, lá chanh rộn rã, ân cần, sóng gió thế này cứ gọi là số một! Bấy giờ, tôi chợt nhận ra hành lý của mình cũng đã đầy thêm, dăm cái vỏ ốc, đôi lon thịt hộp, toàn là đặc sản của biển gửi về cho Chấn Long. Còn có một lá cờ Tổ quốc từng tung bay kiêu hãnh nơi đầu sóng nay đã bạc mầu, sau lễ hạ cờ trang nghiêm được đóng dấu Nhà giàn DK1/10 - điểm cực nam của Tổ quốc và gửi về đất liền như một món quà thiêng liêng, quý giá.

Ký của Trần Thành