Kỷ niệm 60 năm Ðường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 - 23/10/2021)

Nơi khai mở tuyến đường huyền thoại

... Nhớ xưa trên mảnh đất này

Rạch thành bến cảng, rừng xây kho tàng

Tàu ra bắc, tàu vô nam

Trăm tàu đến bến bốc hàng lên đây...

Tượng đài chiến thắng đường Hồ Chí MInh trên biển tại bến Vàm Lũng, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau). Ảnh: Huỳnh Lâm
Tượng đài chiến thắng đường Hồ Chí MInh trên biển tại bến Vàm Lũng, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau). Ảnh: Huỳnh Lâm

Câu ca trên đã níu chân không ít du khách khi có dịp về thăm Ðất Mũi - mảnh đất tận cùng của Tổ quốc bạt ngàn rừng tràm, rừng đước, quê hương của cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai quật khởi, nơi khai mở và là điểm đến của hàng chục chuyến tàu không số, góp phần tạo nên huyền thoại mang tên Ðường Hồ Chí Minh trên biển.

Với người dân Ðất Mũi nói riêng, Tây Nam Bộ nói chung, vận chuyển vũ khí bằng đường biển không phải là phương thức mới lạ. Ngay từ những ngày đầu chống thực dân Pháp, đã có hàng chục chuyến tàu, thuyền chở vũ khí, có chuyến chở 5-7 tấn, có chuyến chở hàng chục tấn vũ khí... do những thuyền trưởng lão luyện như Dương Quang Ðông, Lê Văn Một, Bông Văn Dĩa, Tư Mau... điều khiển chở vũ khí từ nước ngoài và từ miền bắc, miền trung về bằng đường biển phục vụ yêu cầu của cuộc kháng chiến.

Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, ngay sau phong trào Ðồng Khởi, khi cuộc đấu tranh của nhân dân miền nam phát triển thành một cuộc chiến tranh cách mạng thì nhu cầu về vũ khí để chiến đấu là rất lớn. Trong lúc tuyến đường Hồ Chí Minh trên bộ chưa thể vươn tới các chiến trường ở xa, nhân dân miền nam lại đang khát khao có vũ khí để chiến đấu; trước tình hình đó, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở tuyến vận tải quân sự bằng đường biển chi viện cho cách mạng miền nam. Thêm một lần nữa, lịch sử lại giao phó sứ mệnh cho quân và dân Ðất Mũi tổ chức chuyến tàu đầu tiên "thăm dò, khảo sát" tìm đường ra bắc. Không những vậy, mảnh đất này cũng là nơi đón chuyến tàu chở vũ khí đầu tiên mang tên Phương Ðông 1 nối liền hậu phương lớn miền bắc với tiền tuyến lớn miền nam - chính thức khai mở con đường Hồ Chí Minh trên biển.

Ngay từ trước khi tuyến đường này ra đời, thực hiện chủ trương của Trung ương Cục miền Nam, quân và dân Ðất Mũi cùng với một số tỉnh ven biển Nam Bộ đã chủ động tổ chức lực lượng và chuẩn bị phương tiện "xoi đường, mở lối" vượt biển ra bắc để xin vũ khí.

Ít người biết rằng, vào một đêm hè năm 1961, từ một cửa sông Vàm Lũng thuộc mảnh đất tận cùng xa xôi của Tổ quốc, ông Bông Văn Dĩa - một cựu nghĩa binh của cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai, chỉ với một chiếc la bàn cũ kỹ trong tay đã chỉ huy chuyến tàu "trinh sát, mở đường" đầu tiên vượt biển ra bắc báo cáo với Trung ương, với Bác Hồ về tình hình cách mạng tại quê nhà và xin chi viện vũ khí để chiến đấu. Tiếp sau chuyến tàu này, một số tỉnh ven biển Nam Bộ như Trà Vinh, Bến Tre, Bà Rịa… cũng lần lượt tổ chức những chuyến tàu tìm đường ra bắc. Bằng nhiều hải trình khác nhau, trong số sáu con tàu xuất phát từ các tỉnh Nam Bộ tìm đường ra bắc dạo ấy thì có năm tàu đến được đất bắc, một tàu phải quay lại; trong số năm con tàu đến đích thì có một tàu đi lạc qua đảo Hải Nam, một tàu lạc qua Ma Cao, sau đó mới tìm đường vào các bến ở miền bắc (1). Chuyến tàu xuất phát đầu tiên của Bông Văn Dĩa cập bến Nhật Lệ (Quảng Bình). Kết quả thu được từ hải trình của những chuyến tàu "trinh sát, mở đường" đầu tiên đó là một trong những cơ sở quan trọng để Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định mở tuyến chi viện chiến lược bằng đường biển cho cách mạng miền nam.

Ngày 11/4/1962, con tàu của những người con Ðất Mũi được lệnh mang theo các phương án lập bến tiếp nhận do Bộ Tổng Tham mưu đề xuất nhanh chóng quay trở về nam. Theo đó, phương án 1 là xây dựng hầm cất giấu hàng tại các hòn đảo gần bờ, rồi dùng ghe thuyền trung chuyển vào trong đất liền; phương án 2 là chọn các khu vực biển gần bờ, nơi có nhiều tàu thuyền đánh cá của ngư dân hoạt động, cho tàu trà trộn vào đó để xuống hàng, sau đó chờ thời điểm thích hợp vớt hàng đưa vào bờ; phương án 3 là tìm các cửa sông có địa hình thuận lợi để đưa tàu cập bến xuống hàng. Ngày 18/4/1962, con tàu ấy cập bến Rạch Ráng (Tân Ân), thuyền trưởng Bông Văn Dĩa và thủy thủ đoàn đã báo cáo tình hình chuyến đi và ý kiến chỉ đạo của Trung ương cho Bí thư Khu ủy Khu 9 Phạm Thái Bường. Qua khảo sát tình hình thực tế, "Khu ủy Khu 9 đã quyết định chọn các địa điểm ven biển làm bến tiếp nhận... (2). Từ một phương án vốn được trên xác định là phương án dự phòng, đã được chọn làm phương án chính vì vùng Ðất Mũi có vị trí rất "đắc địa"; nó vừa bảo đảm cho tàu ra vào, xuống hàng được thuận lợi, tiết kiệm được thời gian xuống hàng, có dải rừng đước rậm rạp giữ được yếu tố bí mật, bất ngờ, thuận tiện cho cả việc giấu tàu (nếu phải lưu lại qua đêm) lẫn cất giấu hàng và xây dựng hệ thống kho chứa, nơi đây vốn là "cái nôi" của cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai (1940) nên có thế trận lòng dân rất vững.

Nơi khai mở tuyến đường huyền thoại -0

Tàu không số vận chuyển hàng hóa, vũ khí trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển. Ảnh tư liệu 

Sau chuyến "thăm dò, khảo sát" đầu tiên thành công, trung tuần tháng 7/1962, những người con của Ðất Mũi lại được Trung ương gọi ra bắc để thực hiện chuyến vận chuyển hàng đầu tiên vào nam. Sau khi tàu cập bến Nam Ðịnh, thuyền trưởng Bông Văn Dĩa đã được đón về Hà Nội trực tiếp báo cáo với Bí thư thứ nhất Lê Duẩn và lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu và ông đã được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ chỉ huy dẫn đường đi chuyến đầu tiên.

Ðêm 11/10/1962, chuyến tàu vỏ gỗ mang tên Phương Ðông 1 do Lê Văn Một làm thuyền trưởng, Bông Văn Dĩa làm Bí thư Chi bộ kiêm Chính trị viên cùng với thủy thủ đoàn 13 người, hầu hết là con em Ðất Mũi, chở 30 tấn vũ khí xuất phát từ Ðồ Sơn (Hải Phòng) trực chỉ phương nam thẳng tiến. Do tính chất đặc biệt của chuyến đi, các đồng chí Phạm Hùng, Nguyễn Chí Thanh, Trần Văn Trà... đã xuống tận cảng Ðồ Sơn để dặn dò và động viên thủy thủ đoàn.

Trải qua một hải trình vật lộn với thời tiết xấu và đấu trí căng thẳng với tàu chiến địch trên biển, ngày 16/10/1962 tàu Phương Ðông 1 đã về đến Ðất Mũi an toàn. Theo kế hoạch, nhẽ ra tàu cập bến Vàm Lũng, song do đêm tối nên lạc vào bến Rạch Gốc (Tân Ân) và bị mắc cạn tại đây. Chỉ sau ba giờ, 65 dân quân cùng với 12 chiếc ghe đã giải phóng hết số hàng đưa vào cất giấu trong rừng đước cùng với tàu, chờ đêm hôm sau nước lên lại tiếp tục đưa tàu và hàng qua bến chính Vàm Lũng.

Người dân Ðất Mũi là vậy. Khi cách mạng cần địa điểm để mở bến và bảo đảm yếu tố bí mật, họ sẵn sàng rời bỏ nhà cửa, ao, đìa, ra tá túc trong những căn chòi dựng tạm cách xa hàng cây số; khi tàu mắc cạn cần giải tỏa hàng hóa, họ sẵn sàng và kịp thời có mặt để giải phóng hàng và cất giấu tàu... Nguyên Bí thư Khu ủy Tây Nam Bộ Nguyễn Thành Thơ (Mười Khẩn) kể rằng "Chuyện ngộ lắm: Ðể bảo vệ bến bãi, công an Khu ta kết hợp với Ðảng bộ địa phương ra lịnh di dời cư dân. Nói tắt là đuổi dân ta đi. Bảo vệ bí mật mà... Một số người dân có thắc mắc, khóc lóc nhưng đi cái một. Tuân lịnh cách mạng mà! Khi tàu của anh Hai Dĩa, rồi sau đó là anh Tư Mau từ miền bắc chở vũ khí về, ghé vào các vàm rạch phải bám vào dân đánh lưới ngoài khơi; vào được bến rồi thì phải huy động dân đốn cây ngụy trang tàu, vác vũ khí vào kho, nghi trang và canh tuần bến bãi, nếu tách khỏi dân là sai lầm lớn... (3).

Ðất Mũi không chỉ là nơi xuất phát và thực hiện thành công nhiều chuyến tàu vượt biển "đầu tiên", mà còn gắn với nhiều câu chuyện thần kỳ như chuyện "Anh hùng Tư Mau - "Người cải dạng", chuyện làm ghe hai đáy... Trong suốt 14 năm hoạt động của tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển, mảnh đất xa xôi, tận cùng của Tổ quốc này đã đón nhận 76 chuyến tàu cập bến an toàn, mang theo 4.294 tấn vũ khí và hàng hóa các loại từ hậu phương lớn miền bắc chi viện cho tiền tuyến lớn miền nam. Phía sau những con số đó, là biết bao hy sinh, mất mát mà người dân Ðất Mũi đã không do dự tận hiến cho tuyến chi viện chiến lược mang tên Ðường Hồ Chí Minh trên biển, cho Cách mạng, cho Ðất nước.

----------------------------------------------

(1) Ðường Hồ Chí Minh trên biển - Con đường của ý chí và sức sáng tạo Việt Nam. Nxb QÐND.H.2011.tr.518.
(2) Tỉnh ủy Cà Mau, BTL Quân khu 9: Bảo đảm giao thông vận tải - Nét đặc sắc của chiến tranh nhân dân ở Ðồng bằng sông Cửu Long trong KCCM, CN. Nxb Phương Ðông. 2006. Tr.17.
(3) Nguyễn Thành Thơ: "Cuối đời nhớ lại". Hồi ký. Bản thảo viết tay. Tr.145.