Những ngày thiêng liêng

Sài Gòn vào độ nắng mưa bất chợt, thứ thời tiết đặc trưng những ngày đầu thu tháng Tám ở phương nam. Mấy ngày nữa là tròn 76 năm, thành phố thoát khỏi ách gông cùm nô lệ, nhà nước về tay nhân dân. Những ngày hào hùng và vĩ đại ấy còn lưu dấu trong những trang sử vàng dân tộc, như những giá trị và bài học cho các thế hệ soi tỏ. Năm nay, vì đại dịch, thành phố mang dáng vẻ trầm mặc, đầy âu lo, nhưng trong chiều sâu vẫn ẩn chứa quyết tâm và niềm tin trên con đường đi tới. Làm sao giữ được sự ổn định của thành phố hơn 10 triệu dân, chống được dịch, không đứt gãy sản xuất và tiếp tục tiến lên? Vấn đề lại là đoàn kết, sáng tạo khơi dậy lòng dân.

Tại Sài Gòn, ngày 25/8/1945, hơn một triệu quần chúng nội thành và ven đô cùng một số tỉnh lân cận tiến hành mít-tinh, tuần hành vũ trang, lật đổ chính quyền phát-xít Nhật. Ảnh: Tư liệu
Tại Sài Gòn, ngày 25/8/1945, hơn một triệu quần chúng nội thành và ven đô cùng một số tỉnh lân cận tiến hành mít-tinh, tuần hành vũ trang, lật đổ chính quyền phát-xít Nhật. Ảnh: Tư liệu

1. Dịp này 46 năm trước, khi làm báo ở Sài Gòn vừa giải phóng, tôi được giao phỏng vấn nhân chứng sống là các cô chú lão thành cách mạng về những ngày tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở Sài Gòn, dự lễ mừng Quốc khánh và đánh những trận đầu Sài Gòn kháng chiến. Bây giờ, sau gần nửa thế kỷ, sách báo viết về những sự kiện này nhiều thêm, lịch sử Đảng bộ thành phố đã công bố nhiều tư liệu nhận định chính thức, nhiều trang hồi ức của người trong cuộc ở các cương vị khác nhau, soi chiếu từ nhiều góc độ, làm cho sự kiện được sáng tỏ, phong phú hơn. Lịch sử theo thời gian trôi đi, nhưng giá trị và bài học sẽ còn mãi với các thế hệ. Khơi dậy những điều tươi mới, truyền lại những giá trị sâu sắc từ đó sẽ cho mỗi người thấy truyền thống gần gũi, tự hào và tin tưởng hơn trên đường đi tới.

Nhiều năm sau, khi đã có tuổi, tôi giữ một thói quen, vào những ngày lễ trọng của đất nước, thường đến trung tâm thành phố, dạo quanh những địa điểm từng diễn ra các sự kiện quan trọng năm nào, liên tưởng tới nắng gió vài mươi năm trước, để suy ngẫm và hiểu thêm về cuộc đời, lịch sử, đất nước. 

Sài Gòn đang giữa mùa mưa, nắng mưa bất chợt, cũng là thời tiết đặc trưng những ngày đầu thu tháng Tám ở phương nam. Năm nay, vì đại dịch Covid-19, thực hiện giãn cách, nhìn thành phố vắng vẻ, trầm lặng, đầy âu lo, nhưng trong chiều sâu vẫn thấy ẩn chứa quyết tâm và niềm tin trên con đường đi tới. 

Vài ngày nữa là tròn 76 năm thành phố này thoát khỏi ách gông cùm nô lệ, Nhà nước về tay nhân dân. Ấy là những ngày đầy hào hùng và vĩ đại! Điều kỳ diệu ấy còn lưu mãi trong những trang sử vàng của thành phố, của đất nước này. Nhân vật thường được nhiều người nhắc tới là nhà cách mạng kiệt xuất Trần Văn Giàu, Bí thư Xứ ủy và Chủ tịch Lâm ủy (gọi tắt của Ủy ban hành chính lâm thời) Nam Bộ lúc đó. Xa Trung ương, vũ khí trang bị nghèo nàn, lực lượng tiên phong ít và mỏng, nhưng với sức mạnh lòng dân, với sự thông minh quyết đoán của đội ngũ lãnh đạo và người đứng đầu, cuộc tổng khởi nghĩa ở Sài Gòn thắng lợi trọn vẹn, mà báo chí thời đó ca ngợi là diễn ra trong trật tự, không hao một giọt máu, không tốn một tạc đạn nào. 

Ngày 25/8, một cuộc tuần hành vĩ đại của hàng triệu quần chúng khẳng định sức mạnh của nhân dân vùng lên giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do. Rồi một tuần sau, vào chủ nhật, ngày 2/9/1945, người dân Sài Gòn lại hân hoan dự đón Lễ Độc lập cùng cả nước. Theo kế hoạch, đúng hai giờ chiều buổi lễ sẽ truyền thanh bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc. Mọi người im lặng chờ nghe, nhưng đến giờ mà “bộ phận kỹ thuật không bắt được làn sóng của Đài phát thanh Hà Nội”. 

Ban tổ chức bối rối, đề nghị ông Trần Văn Giàu phát biểu trấn an mọi người. Và bài phát biểu ứng khẩu của Trần Văn Giàu như một bản hùng văn phản ánh hào khí của người dân đất phương nam trong thời khắc lịch sử mùa thu năm 1945, hoàn toàn thống nhất và sát gần với tinh thần của Tuyên ngôn Độc lập. Nhưng chỉ hai mươi ngày sau, thực dân Pháp núp bóng Đồng minh gây hấn với chúng ta. Một lần nữa, quân và dân miền nam “theo tiếng kêu sơn hà nguy biến” lại gươm súng “lên đàng” để bảo vệ nền độc lập non trẻ.

2. Từ những trang hào hùng những ngày đầu thu Tháng Tám ấy, phải chiến đấu thêm ba mươi năm nữa, với hy sinh không thể đo đếm hết, dân tộc ta mới có được thắng lợi hoàn toàn, đất nước thống nhất, non sông liền một dải. Làm sao có thể đo được tấm lòng của người má Anh hùng Nguyễn Thị Rành ở Củ Chi, khi hiến dâng tám người con trai và hai cháu nội, ngoại cho kháng chiến, bản thân má kiên gan trụ bám khi bom đạn địch ngút trời?

Làm sao tính được sự hy sinh quả cảm của hàng trăm chiến sĩ biệt động thành trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968? Rồi chiến dịch Hồ Chí Minh, nhiều người ngã xuống chỉ vài phút trước ngưỡng cửa hòa bình. Ngay khi đã có hòa bình cũng không phải là đã có tất cả. Bao nhiêu khó khăn mới ập đến và chúng ta lại phải bước vào một cuộc chiến đấu mới, với những khó khăn mới.

Trong những tháng năm dài dặc ấy, Sài Gòn lại thêm một lần góp những sáng tạo của mình. Việc bung ra trong sản xuất, trên tinh thần tự chủ trong sản xuất, kinh doanh, để kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện, lại gặp không ít trở ngại trong những năm đầu sau hậu chiến.

Nhưng được sự khuyến khích của một số lãnh đạo từng trải, dũng cảm và tâm huyết, một số cơ sở như Dệt Thành Công, Dệt Phong Phú, Công ty Lương thực miền Nam, Bia Sài Gòn, Công ty Bột giặt miền Nam, Bến xe miền Đông, Phước Long, Sinco, Thuốc lá Khánh Hội… với cách làm ăn mới, đã tạo tiền đề và dữ kiện để Đảng và Nhà nước hình thành chủ trương về đổi mới kinh tế trong Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986. Đặc biệt, thành phố này cũng là nơi sản sinh nhiều phong trào mang tính nhân văn có sức lan tỏa mạnh và rộng như “Đền ơn đáp nghĩa”, “Xóa đói, giảm nghèo”, “Xây nhà tình nghĩa”, “nhà tình thương”, “Bảo trợ bệnh nhân nghèo”, “Nụ cười cho trẻ thơ”, “Phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng”… được cả nước học tập. Nghĩa tình là một nét đẹp lâu đời, kết tinh từ truyền thống dân tộc, cộng thêm tâm hồn khoáng đạt, hào hiệp, trọng nghĩa của đất phương nam, nay được Đảng bộ thành phố phát huy và nâng lên thành nét đặc trưng cho phẩm chất thành phố hôm nay.

3. Lần bùng phát đại dịch này TP Hồ Chí Minh chịu nặng nề hơn cả. Đã hơn một trăm năm mươi lăm nghìn người dính bệnh. Mỗi ngày lại thêm bốn, năm nghìn người mắc mới, hai, ba trăm người tử vong. Kinh tế ngưng trệ, đời sống người dân, nhất là người lao động vô cùng cực khổ. Làm sao giữ được sự ổn định của thành phố hơn 10 triệu dân, chống được dịch, không đứt gãy sản xuất và tiếp tục tiến lên? Vấn đề lại là đoàn kết, sáng tạo khơi dậy lòng dân. 

Thành phố đã nhạy bén đưa ra những quyết sách phù hợp, kịp thời với diễn biến của dịch bệnh, theo phương châm thực hiện mục tiêu kép, song giữ gìn sức khỏe tính mạng của người dân là trước hết, trên hết. Những biện pháp sáng tạo tại chỗ cùng với sự hỗ trợ giúp đỡ của cả nước, đã từng bước đem lại hiệu quả tích cực. Trong khó khăn, nghĩa tình thêm một lần phát lộ, những sáng kiến thêm một lần bung nở.

Nếu như trước đây, Nhà nước và thành phố bỏ ra nhiều nghìn tỷ đồng để hỗ trợ sản xuất, thì nay lại lo thêm nhiều nghìn tỷ giúp người lao động mất việc làm vì giãn cách xã hội, sắp tới là gói hỗ trợ mới, để giữ vững an sinh xã hội, ngăn dịch bệnh lây lan. Trong đời sống, nhân dân cũng thêm nhiều sáng tạo mới trong giúp đỡ nhau khắc phục khó khăn. 

Nếu trước đây là ATM gạo, ATM khẩu trang, thì nay có thêm ATM oxy, siêu thị 0 đồng, nhà trọ 0 đồng, chuyến xe lưu động nghĩa tình, suất cơm yêu thương... Nhiều công ty, doanh nghiệp lớn ủng hộ quỹ chống dịch của thành phố vài ba trăm tỷ đồng, cùng với hàng triệu người dân có gì góp nấy, có bao nhiêu đóng góp bấy nhiêu, từ các tiểu thương, các cháu học sinh đến những người về hưu, đều sẵn lòng tự nguyện.

Tôi đánh giá cao những nhà sản xuất, kinh doanh dành nhiều tỷ đồng đem ra góp phần ngăn dịch, tạo được hiệu quả rất quan trọng, nhưng về khía cạnh tình cảm, rất cảm kích trước tấm lòng của những người đời sống không dư dả nhưng rất nhiệt tình đóng góp vì nghĩa cử chung. Đấy là chưa kể, nghĩa tình cả nước với thành phố này cũng vô cùng cảm động. 

Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, miền đông, miền trung ruột thịt, cũng khó khăn, cũng đang dịch bệnh, vẫn cung cấp, hỗ trợ thành phố hàng trăm hàng nghìn tấn thịt gia súc, gia cầm, thủy sản, rau củ quả. Hà Nội và các tỉnh phía bắc, cũng dành những phương tiện tốt nhất, những đội quân y tế tinh nhuệ nhất, vào thành phố cùng chống dịch. Quý vô cùng và trân trọng vô cùng!

Tôi cũng rất cảm động về những đồng nghiệp báo chí, văn nghệ ở thành phố này trong các hoạt động chung. Nhiều nhà báo, nhà văn nghệ có mặt ở tuyến đầu, sẵn sàng gánh chịu rủi ro, hy sinh có thể. Bằng sở trường và xúc cảm của mình, họ sáng tạo những vần thơ, trang văn, bản nhạc, thước phim ca ngợi những tấm gương cao đẹp, vận động gây quỹ giúp những người tuyến đầu, những hoàn cảnh khó khăn.

Tiếng hát của họ, những đêm diễn của họ, trong đó có những tên tuổi quen thuộc với công chúng như NSND Tạ Minh Tâm, nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn, các ca sĩ Cẩm Vân, Khắc Triệu, Phương Thanh, Đức Tuấn và rất nhiều nghệ sĩ khác, ở các khu cách ly, bệnh viện dã chiến, dù có khi phải che chắn bằng những bộ đồ bảo hộ, nhưng tấm lòng của họ thì vô cùng đáng quý, có sức cổ vũ lớn lao.

4. Đang những ngày chống dịch quyết liệt. Lãnh đạo thành phố vừa đưa ra phương thức chống dịch mới với mục tiêu đến ngày 15/9 sẽ kiểm soát được dịch. Với truyền thống sáng tạo, nghĩa tình từ quá trình lịch sử, với quyết tâm cao và sự đồng lòng của nhân dân, chúng ta tin điều đó sẽ thành hiện thực, đưa cuộc sống thành phố trở lại trạng thái bình thường mới.