Những đứa con của chiến tranh

Kháng chiến chống Mỹ - cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại của dân tộc Việt Nam đã kết thúc bằng mốc son lịch sử 1975. Cùng với niềm hân hoan mừng ngày thống nhất đất nước là những câu chuyện về số phận con người trong chiến tranh. Ở đó có nỗi đau chia ly, xa cách, hy sinh tình riêng vì sự nghiệp chung của đất nước; ở đó có sự đối kháng ý thức hệ; ở đó có nước mắt của ngày hội ngộ, với sự đón nhận, hòa giải… Tựu trung, đó là niềm tin son sắt của các thế hệ người Việt Nam về khát vọng hòa bình, thống nhất và hòa hợp dân tộc.

NSND Trà Giang (bìa phải) bên nguyên mẫu nhân vật bà mẹ trong phim Huyền thoại về người mẹ.
NSND Trà Giang (bìa phải) bên nguyên mẫu nhân vật bà mẹ trong phim Huyền thoại về người mẹ.

Nước mắt sau làn khói

Ngày cuối cùng của tháng tư, những bông sứ sa mạc trên sân nhà ông Nguyễn Cương ở thôn Chánh Hội, xã Mỹ Cát, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Ðịnh như thắm hơn trên nền cát trắng, hòa vào sắc hồng rạng rỡ của lá cờ Tổ quốc đang phấp phới trước hiên nhà. Dịp này là kỷ niệm ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước và cũng là ngày gặp mặt truyền thống của gia đình ông. Trong làn hương trầm vấn vương trên mộ chí hai bậc sinh thành, ông Cương bồi hồi nhớ lại: “Năm 1954, ba tui là Nguyễn Mỹ Phong dắt anh Hai Bin đi tập kết, má tui lo cha mẹ già không ai chăm, lại tiếc mấy công ruộng sai bông chắc hạt nên không chịu đi, mà ở lại cùng hai đứa con thứ là tui và chú Cung. Rồi ít năm sau, chính quyền miền nam o ép gia đình người tập kết ly khai cộng sản, má tui đành phải đi bước nữa để bảo toàn tính mạng cho cả gia đình. Hai anh em lang bạt khắp nơi rồi tui cũng bị bắt lính. Còn chú Cung trốn lính miết, hết bụi tre lại gò mả, thay tên đổi tuổi trong căn cước mãi cũng thoát được cho đến ngày giải phóng. Sống giữa thời đạn bom cực lắm, lúc nào cũng nơm nớp lo âu: bên kia họng súng thế nào chẳng phải cha anh mình!”.

Ông Cung, em trai ông Cương cũng hào hứng bắt chuyện: “Má tui đi bước nữa rồi sinh liền bốn đứa em, mấy năm sau cả má và dượng đều chết thảm vì bom đạn, để lại một bầy nheo nhóc. Suốt bao nhiêu năm cả mấy cha con chẳng ai biết tin tức gì của nhau. Ngày giải phóng, ba về, mới bước vô nhà đã thấy bàn thờ của má, quay sang bên là bốn đứa nhỏ lau nhau, ngơ ngác, ổng khóc: bao nhiêu năm ngày bắc đêm nam mong ngóng, mà giờ chỉ còn là nắm chân nhang vầy sao!”.

Bà Lệ - đứa trẻ lớn nhất trong bốn đứa sàn sàn năm ấy, giờ đã ngoài năm mươi nhớ lại: “Bữa đó ông già về, người lớn chạy ra mừng, biểu tui tới chào ba mà tui không dám, hai chân quíu luôn vì sợ. Tới khi ổng thắp nhang bàn thờ má xong, quay ra ngó hồi lâu rồi bước tới ôm mấy đứa, gọi: con! Tự nhiên tui cũng bật lên: ba! Rồi ba con ôm nhau nức nở. Kể từ đó ba lo hết cho mấy đứa tụi tui nên người, tình ba như trời bể. Giờ ba, má đều khuất hết rồi, anh em tui chọn ngày 30-4 hằng năm làm ngày gặp mặt, nhờ đất nước thống nhất, mọi gia đình mới có ngày sum họp”.

Trong bữa cơm đầm ấm ngày đoàn viên, bảy anh em tóc đã pha sương cùng hàn huyên tâm sự. Ông Hai Bin ngày ấy theo cha đi tập kết ra bắc, được học hành căn bản, trở thành giảng viên Trường đại học Bách khoa Hà Nội. Bao nhiêu năm tập kết là bấy nhiêu năm “ngày bắc đêm nam” dài đằng đẵng. Ông Ba Cương, người ở lại nhà, bị bắt lính khi vừa đủ tuổi, giờ ông là người coi giữ nhà từ đường ở quê, tháng ngày vui vầy với lũy tre, bờ ruộng. Ngày đứng bên kia chiến tuyến, nỗi sợ phải nhả đạn giết người luôn ám ảnh ông từng giây, từng phút. Còn người em Tư Cung, đứa trẻ bị giằng lại trước giờ lên đường tập kết, sau này chuyên “nghề”… trốn lính. Ông kể: Thật lạ, ngày ấy tuy luôn phải căng mình trong những cuộc chạy trốn đầy gian nan và nguy hiểm, nhưng lòng lại cực kỳ thanh thản bởi không phải cầm lên tay khẩu súng giết người… Những năm tháng phiêu bạt trốn lính trên núi rừng Tây Nguyên đã làm ông Cung thông thuộc vùng đất ấy và sau này chọn làm nơi lập nghiệp.

Khói lửa chiến tranh đã đi qua, trong gian nhà gỗ xưa thoang thoảng khói hương tưởng niệm, nhắc đến mẹ cha đã khuất, gương mặt ai nấy đều chùng xuống. Chiến tranh, với sự ác liệt và tàn nhẫn vốn có đã để lại đằng sau nó bao nhiêu số phận, bao nhiêu cuộc ly tán cả về không gian địa lý lẫn khoảng cách lòng người. Quyết định đớn đau của người mẹ khi đi bước nữa để bảo toàn tính mạng cho cả gia đình và vòng tay khắc khoải ôm trọn bầy con trẻ mồ côi của người cha ngày trở lại, quả thật là những thử thách không dễ gì vượt nổi. Câu chuyện của gia đình ông Phong cũng chính là câu chuyện của bao gia đình đã từng đi qua chiến tranh. Ước vọng của muôn người, đơn giản chỉ là được sống trong yên bình bên người yêu thương.

Chuyện tình và những đứa con của “Bà mẹ huyền thoại”

Hơn 30 năm trước, vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, nữ đạo diễn Bạch Diệp của Hãng Phim truyện Việt Nam đã làm thổn thức bao trái tim khán giả yêu điện ảnh, khi thực hiện bộ phim nổi tiếng “Huyền thoại về người mẹ”. Ðã bao lần xem phim và rơi nước mắt cùng nhân vật mẹ Hương, do diễn viên điện ảnh Trà Giang thủ vai xuất sắc, vậy mà tôi không thể ngờ rằng nguyên mẫu nhân vật bà mẹ huyền thoại và những đứa con trong phim, bao năm qua vẫn ở rất gần nơi tôi sống. Ðó là bà Nguyễn Thị Hường ở đường 1/5, phường Ðống Ða, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh. Tôi đã tự trách mình thật nhiều khi phát hiện ra điều đặc biệt này quá muộn, bà Hường đã qua đời mấy năm trước khi tôi tìm đến.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ giản dị, có phần tuềnh toàng, chị Trương Thị Mỹ Phúc vừa lật giở cuốn album gia đình vừa kể: “Mẹ tôi trở thành nguyên mẫu nhân vật trong phim là do kể lại câu chuyện làm mẹ của cả đàn mấy chục đứa con trong chiến tranh tại hội nghị về công tác nhân đạo toàn quốc năm 1978 ở Hà Nội. Các đại biểu dự hội nghị nghe chuyện ai nấy đều xúc động và sau đó đạo diễn Bạch Diệp đã dựng bộ phim về mẹ. Sau khi phim công chiếu, nhiều khán giả đã về thăm mẹ tôi. Biết thêm về đời mẹ, nhiều người đã thốt lên: sự thật còn éo le, khốc liệt hơn nhiều lần trên phim”.

Bà Nguyễn Thị Hường, vốn là một du kích từ thời chống thực dân Pháp, hoạt động ở thành phố Quy Nhơn. Năm 1954, bà và ông Trương Liêm, mới cưới nhau có ba ngày đã phải chia tay nhau, người đi tập kết, người ở lại quê nhà hoạt động bí mật. Suốt những năm chống Mỹ, nhận nhiệm vụ trên giao, dưới vỏ bọc là nữ hộ sinh, bà Hường âm thầm nuôi dưỡng những đứa con của các đồng đội đã hy sinh hoặc đi thoát ly gởi lại. Rất nhiều trẻ mồ côi khác cũng được bà bao cưu mang đùm bọc, yêu thương như máu thịt. Trải qua bao lần vào tù ra tội, vượt qua bao nỗi khó khăn thiếu thốn chồng chất, bà đã nuôi dạy bao đứa trẻ nên người. Những năm cuối chiến tranh, để che mắt kẻ địch, bà khoác áo nhà Phật lập cô nhi viện nuôi trẻ mồ côi và mong đợi ngày thống nhất. Ngày giải phóng, ông Trương Liêm - chồng bà trở về. Sau phút giây tao ngộ mừng mừng tủi tủi, dòng nước mắt bỗng như đặc quánh: sau lưng ông là bà vợ miền bắc cùng hai đứa trẻ. Thì ra, từ nhiều năm trước ở miền bắc, ông nhận được tin bà đã hy sinh. Sau nhiều đêm day dứt, bà bảo chồng: Thôi mình ạ, tôi già rồi, chưa con cái, lại mang tiếng đã nương nhờ cửa Phật, nên mình về với mẹ con cô ấy, cho con cái được gần cha. Ông khóc, bà khóc, cả bà mẹ chồng cũng khóc. Rồi bất ngờ bà vợ hai lên tiếng: Tất cả là tại chiến tranh, nhưng người ra đi bây giờ phải là em, bao năm qua chị đã hy sinh nhiều rồi, giờ anh phải về với chị! Bà vợ hai nói là làm. Bà quyết định ly hôn để ông yên tâm về với bà cả, nhưng bà vẫn chọn cùng con sống ở Quy Nhơn để hai đứa trẻ được gần cha. Sau cuộc dàn xếp đầy nước mắt ấy, ông bà về cùng nhau dưới một mái nhà. Bao năm chăm sóc những đứa trẻ mồ côi, bà khao khát sinh ra đứa con của chính mình. Năm 1976, bé gái Trương Thị Mỹ Phúc ra đời sau hơn 20 năm chờ đợi. Rồi một ngày, được tin bà vợ hai của ông lâm trọng bệnh, bà Hường tất tả đến thăm và quyết định đưa hai đứa trẻ về chăm sóc. Ít lâu sau, bà hai qua đời.

Bốn mươi lăm năm đã trôi qua, ông Liêm, bà Hường đều đã mất. Những người con nuôi đều đã trưởng thành, có người tham gia Cách mạng đã đến tuổi nghỉ hưu, có người là con lai đã định cư nơi cách đây nửa vòng Trái đất. Hằng năm, ba người con ruột cùng những người con nuôi vẫn tề tựu bên nhau nhân ngày giỗ mẹ cha và kể nhau nghe về câu chuyện tình của họ. Chuyện về hai bà vợ nam - bắc nhường chồng cho nhau thật là kỳ lạ và đáng khâm phục. Còn chuyện về đứa con đầu lòng được sinh ra tận… hơn 20 năm sau ngày cưới thì chắc chỉ có thể là huyền thoại.

Con đã về với Mẹ

Operation Babylift là tên gọi của một chiến dịch di tản trẻ em quy mô lớn của quân đội Hoa Kỳ trong Chiến tranh Việt Nam vào tháng tư năm 1975. Hàng nghìn trẻ em đã bị đưa đi khỏi Việt Nam bằng đường hàng không và được các gia đình trên khắp thế giới nhận nuôi.

Vance McElhinney, năm nay 46 tuổi, hiện ở Anh quốc là một trong số hàng nghìn đứa trẻ đã có mặt trên chuyến bay định mệnh 45 năm trước. Sống trong gia đình bố mẹ nuôi người Anh, Vance McElhinney chưa bao giờ nguôi ngoai về quá khứ bí ẩn của mình, vì ngoại hình, mầu da và khuôn mặt không giống với mọi người chung quanh. Bố mẹ nuôi bảo: Con đến từ cô nhi viện ở Việt Nam. Từ đó trái tim cậu bé da vàng luôn dằn vặt: Việt Nam ở đâu? Cha mẹ tôi là ai? Sao cha mẹ lại bỏ rơi con?Anh nung nấu ý định về Việt Nam để tìm cách trả lời cho câu hỏi lớn nhất của đời mình.

Tháng 2-2018, qua sự giúp đỡ của báo chí, các tổ chức nhân đạo và cộng đồng mạng, lần đầu tiên Vance gặp lại được mẹ ruột của mình sau hơn 40 năm xa cách. Mẹ Vance là bà Lê Thị Anh, hiện sống ở thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh.

Vance nhớ lại: “Lần gặp đầu tiên, bà ôm chầm lấy tôi, bật khóc nức nở, nói: Con giống bố con như đúc. Trái tim tôi mách bảo: Mẹ đây rồi! Nhưng từng đó năm xa cách, không có chút liên lạc nào, tôi cảm thấy xa lạ, không vồ vập. Mẹ tôi sốc vì sự xa cách của con trai. Tôi từng trách bố mẹ đã bỏ rơi mình”.

Chỉ đến khi nhìn thấy kỷ vật là tấm giấy khai sinh và bức ảnh ngày còn bên mẹ, cùng lời kể trong nước mắt của bà, Vance mới hiểu mình đã thật sự tìm thấy cội nguồn.

Tên khai sinh của Vance là Nguyễn Thành Châu. Năm 1975, khi bé Châu được 8 tháng tuổi, bố bỏ đi không lời từ biệt, mẹ bị thương nặng phải cấp cứu trong bệnh viện. Trong tình thế đó, người thân tạm đưa chú bé vào cô nhi viện ở Ghềnh Ráng (Quy Nhơn) để nhờ chăm sóc, đợi mẹ khỏe sẽ đón về. Nào ngờ ngay lúc đó bé Châu bị đưa vào Sài Gòn, lên máy bay theo chiến dịch Operation Babylift ra nước ngoài. Ngày ra viện, biết đã mất con, bà mẹ gần như hóa điên, bỏ đi lang thang khắp nơi kiếm tìm. Hơn 40 năm qua, bà mẹ đau khổ vẫn ở một mình và không ngừng tìm kiếm đứa con thất lạc.

Sau hàng chục năm tìm kiếm gia đình trong nỗi hận: Vì sao mẹ bỏ con? Và đi tìm lời đáp cho câu hỏi: Quê hương là gì? Cuối cùng Vance đã nhận ra: Quê hương là Mẹ, Mẹ không bao giờ bỏ con và những đứa con dù ở đâu cũng luôn hướng về đất mẹ! Cuộc trùng phùng của hai mẹ con Vance - những nạn nhân của chiến tranh, đã hóa giải nỗi đau chia ly, mất mát kéo dài hơn bốn thập niên. Hai năm đã qua, với Vance - Nguyễn Thành Châu quả là những ngày tháng tuyệt vời hạnh phúc. Anh đã tìm được người bạn đời là một cô gái Quy Nhơn xinh đẹp. Vì con trai chưa nói thạo tiếng Việt, nên bà Anh - người mẹ U70 bắt tay vào học tiếng Anh và tập dùng mạng xã hội để ngày ngày trò chuyện cùng con.

Ngày này 45 năm trước, Nguyễn Thành Châu cùng hàng nghìn bé thơ khác bắt đầu cuộc đời lưu lạc trên những chuyến bay định mệnh rời khỏi Việt Nam. 45 năm sau, giờ này Vance - Nguyễn Thành Châu đang ở Anh để thu xếp công việc cho chuyến hồi hương sắp tới. Tình trạng cách ly giữa các vùng trên thế giới trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát có làm cho mọi điều trở nên khó khăn đến mấy, cũng không thể nào ngăn cản được anh ngắm nhìn cô con gái đầu lòng vừa mới chào đời, qua màn hình Facebook.