Nguồn nuôi dưỡng những trang viết trên báo Đảng

Đất nước ta, dân tộc ta với nền văn hiến hàng nghìn năm, với cuộc sống lao động và chiến đấu hào hùng trong quá trình dựng nước và giữ nước, luôn là nguồn cảm hứng chủ đạo của những người cầm bút nói chung và những người viết Báo Nhân Dân nói riêng.

Ngày 29/4/2019, anh Sáu Phong (Nguyễn Minh Triết, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, nguyên Chủ tịch nước) trò chuyện với tác giả về những kỷ niệm với người làm báo Đảng.
Ngày 29/4/2019, anh Sáu Phong (Nguyễn Minh Triết, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, nguyên Chủ tịch nước) trò chuyện với tác giả về những kỷ niệm với người làm báo Đảng.

Trong phạm vi bài viết nhân kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022), tôi muốn ghi lại những cảm xúc tự hào và lòng biết ơn sâu nặng đối với Đảng bộ và nhân dân TP Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế, văn hóa lớn thứ hai của đất nước sau Thủ đô Hà Nội, một vùng đất cùng với miền nam "Thành đồng Tổ quốc" đã "đi trước về sau" trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Cùng với niềm vui trong không khí đất nước thống nhất sau ngày 30/4/1975, những khó khăn mới xuất hiện trong đời sống vật chất và tinh thần của Sài Gòn lúc ấy, chúng tôi xúc động được đón nhận sự quan tâm đặc biệt của các thế hệ lãnh đạo Thành ủy đã dành cho báo Đảng. Chỉ bốn tháng sau ngày giải phóng, cuối tháng 8/1975, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng là phải nhanh chóng xuất bản Báo Nhân Dân hằng ngày tại Sài Gòn nhằm cung cấp thông tin kịp thời và toàn diện về công cuộc xây dựng đất nước ta, từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau. Được sự trợ giúp rất thiết thực và hiệu quả của Thành ủy, ngôi biệt thự số 24 đường Tú Xương đã được thành phố dành cho Cơ quan thường trực của báo. Thành phố cấp tạm cho cơ quan một xe hơi 4 chỗ và chiếc xe jeep để chuyển bài vở, công văn. Sau giải phóng, việc chuyển báo Đảng từ Thủ đô vào thành phố chủ yếu bằng xe lửa thường quá chậm, mất khoảng từ bốn đến năm ngày đêm; chưa kể từ Sài Gòn đi các tỉnh miền tây Nam Bộ, phải mất thêm một vài ngày nữa. Vì vậy, việc lập một nhà in để in báo trực tiếp ở Sài Gòn đã trở thành nhiệm vụ cấp bách. Anh Sáu Dân (Võ Văn Kiệt) lúc đó là Bí thư Thành ủy đã trực tiếp giúp báo, không chỉ giải quyết cơ sở vật chất - kỹ thuật, mà còn thường xuyên gợi mở những vấn đề trọng tâm, trọng điểm của thành phố, cần được báo Đảng đề cập. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Tổng Biên tập Thép Mới, vừa củng cố, kiện toàn Cơ quan thường trực, vừa phân công phóng viên viết tin, bài phản ánh khí thế đoàn kết, thi đua lao động sản xuất, giữ vững trật tự trị an, giúp đỡ nhau xây dựng cuộc sống mới...

Là một trong những người có mặt từ ngày đầu ở đây cùng với các anh Mạnh Hồng, Nguyễn Kiến Phước, Trần Thăng, Quang Bình…, sau này bổ sung thêm Ngô Lê Dân, Băng Châu, Phan Toàn, Hương Liên, Thế Gia…, chúng tôi chứng kiến những cuộc làm việc như "con thoi" trong đêm giữa anh Sáu Dân và anh Thép Mới về củng cố cơ sở vật chất, về thông tin tuyên truyền… nhằm tạo sức lan tỏa rộng rãi vị thế của tờ báo Đảng ở vị trí "đầu não" của vùng phía nam. Vào dịp tháng 4/1976, Báo Nhân Dân đã in tại Sài Gòn, đó là một dấu mốc đáng nhớ với những gian khó đủ bề, nhất là về kỹ thuật truyền tin, truyền báo. Bằng sự giúp đỡ hết lòng của thành phố và nhiều cơ quan chức năng, nhất là Thông tấn xã Việt Nam, số lượng in ấn và chất lượng in ngày càng được tăng lên, thời gian ra báo sớm hơn. Tôi có một kỷ niệm khó quên là, vào tháng 10/1976, nhằm tăng cường máy in báo hiện đại từ Nhà in Hà Nội cho Nhà in Sài Gòn, tôi được Ban Biên tập cử đi "áp tải" cỗ máy từ Thủ đô xuống cảng Hải Phòng. Sau ba ngày ba đêm vượt biển, tàu cập bến Nhà Rồng. Lúc đó chưa có điện thoại cầm tay, chị Hà Hoa, Chánh Văn phòng Báo Nhân Dân dặn tôi: đến Sài Gòn, thấy ai đứng trên chiếc xe jeep mui trần cầm tờ Báo Nhân Dân vẫy, thì đúng là người của Cơ quan thường trực ra đón Vinh đó! Và sự việc đã diễn ra như vậy! Hai anh em ôm nhau trong niềm xúc động, hân hoan vì máy đã đến nơi an toàn; ngay một tuần sau đã được lắp đặt vận hành, trực tiếp làm tăng thêm số lượng báo phát hành. Lượng bài, tin, ảnh về Sài Gòn và các tỉnh phía nam phong phú hơn, đa dạng hơn. Đặc biệt, sự kiện bầu cử Quốc hội chung của cả nước diễn ra ngày 25/4/1976; tiếp đó là kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VI đổi tên nước ta là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Hà Nội là Thủ đô của cả nước; Sài Gòn được mang tên TP Hồ Chí Minh... đã được phản ánh đậm nét, cổ vũ lòng yêu nước, tinh thần hòa hợp dân tộc; cả hai miền nam - bắc chung sức, chung lòng xây dựng và phát triển đất nước, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng họp vào tháng 12/1976 - Đại hội đầu tiên hội tụ đại diện hơn một triệu rưỡi đảng viên của cả nước.

Do nhiệm vụ tăng tính toàn quốc trong tuyên truyền của tờ báo Đảng, nên số phóng viên từ Hà Nội vào làm nhiệm vụ "biệt phái" trong thời gian nhất định tăng lên (như các anh Thu Thành, Trần Truyền, Ngũ Phong, Hữu Hạnh…). Thành phố lại dành cho căn nhà hai lầu ở 82 đường Lý Chính Thắng, quận 3, là nơi ăn nghỉ. Bữa cơm bếp "bà Sáu" hầu như ngày nào cũng chỉ có cá khô kho, canh rau cải, nhưng anh em vẫn thấy ngon bởi không khí đồng cảm, đầm ấm…

Thực hiện yêu cầu quy hoạch của thành phố, trụ sở Cơ quan thường trực từ 24 Tú Xương rời sang số 73 đường Hai Bà Trưng (nơi có cây si cổ thụ tỏa bóng - mà anh chị em hay nói vui là "rời cây đa Hàng Trống vào với cây si Hai Bà Trưng"). Nơi đây có cả một số phòng nghỉ cho cán bộ, phóng viên từ Thủ đô vào công tác. Được khoảng dăm năm thì thành phố lại chuyển Cơ quan thường trực sang một biệt thự hai lầu, một vị trí đắc địa ở nhà số 40, Phạm Ngọc Thạch, quận 3. Sau này, do yêu cầu phát triển, tòa nhà này được xây cao tầng, một phần dành cho các văn phòng công ty thuê để cải thiện kinh tế báo cho cán bộ, phóng viên, nhân viên. Tôi có cảm nhận là, các thế hệ lãnh đạo thành phố, từ các anh Phan Văn Khải, Võ Trần Chí, Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang…, và những năm gần đây là Nguyễn Thiện Nhân, Nguyễn Văn Nên đều dành tình cảm đặc biệt, tìm nhiều cách thức để đáp ứng nhu cầu của báo Đảng trong điều kiện có thể. Điều gây ấn tượng sâu sắc khi tôi làm Tổng Biên tập là tình cảm sâu nặng của anh Sáu Phong (Nguyễn Minh Triết), trước đó làm Bí thư Tỉnh ủy Sông Bé; sau về làm Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, đã dành cho Cơ quan thường trực. Hồi ở Sông Bé, mặc dù trụ sở của Tỉnh ủy còn rất chật chội, anh vẫn quyết định dành một phòng làm việc cho phóng viên thường trú của Báo Nhân Dân ngay tại cơ quan Tỉnh ủy. Khi về TP Hồ Chí Minh, anh thường xuyên lui tới thăm hỏi, động viên anh chị em. Tôi nhớ mãi cuộc họp tổng kết của phóng viên thường trú cả nước diễn ra tại trụ sở 40 Phạm Ngọc Thạch. Hôm đó, Bí thư đã hoãn cuộc họp của Thành ủy sang buổi chiều để dự họp với báo Đảng. Theo trình tự, sau báo cáo tổng kết của Ban Biên tập, tôi mời Bí thư phát biểu ý kiến. Anh nói khiêm tốn: tôi cần nghe hết ý kiến thảo luận của anh chị em, sau đó mới phát biểu cho có cơ sở thực tiễn. Và anh đã làm đúng như anh nói! Điều gây ấn tượng với anh chị em hôm đó là, Bí thư chỉ nói lướt qua một số việc đã và đang làm của thành phố, còn phần lớn thời gian - như anh tâm sự - là xin được gợi mở mấy vấn đề mà xã hội đang quan tâm, đòi hỏi báo Đảng phải "xông vào" lên tiếng cảnh báo. Anh nhấn mạnh, hiện tượng xuống cấp về đạo đức xã hội; về hành vi tham nhũng, quan liêu của một số cán bộ lợi dụng chức quyền; về đạo đức nghề nghiệp của nhà báo… Tôi có cảm tưởng, những thông tin của anh không chỉ có tầm rộng, mà còn có chiều sâu. Anh không phân biệt mình là người lãnh đạo cao cấp, mà thật sự coi mình như người "trong cuộc" đang đồng hành, sẻ chia trách nhiệm với người làm báo Đảng…

47 năm đã trôi qua, Cơ quan thường trực Báo Nhân Dân tại TP Hồ Chí Minh tồn tại và phát triển như hôm nay nhờ sự quan tâm chu đáo, nghĩa tình của Đảng bộ và nhân dân thành phố. Chúng tôi vui mừng và tự hào trước những thành tựu to lớn, toàn diện của thành phố - mà chính thực tiễn phong phú, đa dạng ấy, đã là nguồn nuôi dưỡng những trang viết sinh động của Báo Nhân Dân về thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu.

Hà Nội, 20/4/2022

N.H.V