Người Mẹ

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, vì có nhiệm vụ đột xuất nên mãi đến tháng sáu, tôi mới được cấp trên cho nghỉ phép về miền bắc thăm gia đình sau tám năm liên tục ở chiến trường Nam Bộ.

Người Mẹ

Tôi đi ô-tô khách theo đường giao liên do Tổng cục Hậu cần tổ chức. Xuất phát từ Cần Thơ, phải qua đến năm trạm dừng nghỉ, đến chiều thứ năm, xe mới về đến Vinh. Từ đây, chúng tôi được đưa lên xe lửa ra bắc.

Tôi xuống ga Vũ Ẻn vào một buổi chiều tháng 6. Xuống ga, mặc dù ba-lô trên vai rất nặng, tôi vẫn hăm hở cuốc bộ dọc theo đường sắt về nhà. Con búp bê như nhảy múa trên ba-lô theo nhịp bước chân tôi.

Nhà tôi nằm cạnh đường xe lửa, cách một cái đầm. Từ đường xe lửa nhìn vào, ngôi nhà lá năm gian nằm ép mình dưới lũy tre cao vút vẫn như ngày nào, chỉ có mái lá là có phần cũ kỹ, rêu phong hơn xưa.

Tôi chột dạ khi thấy trong nhà, ngoài sân nhà tôi rất đông người. Tôi bước vào sân gật đầu chào mọi người. Sau phút ngỡ ngàng mọi người reo lên ùa ra vây quanh tôi, tay bắt mặt mừng, hỏi thăm rối rít. Người nắm tay, người sờ vào vai, vào đầu tôi. Hóa ra hôm nay bà con trong đội sản xuất của hợp tác xã đến nhà tôi họp vì chị dâu tôi là đội trưởng. Hai thằng nhóc chừng độ tám, mười tuổi gì đó từ ngoài lách đám đông chạy vào nhảy bổ lên ôm cổ tôi vít xuống, giọng đầy cảm khoái: "Chú Ðức về rồi bà ơi!". Tôi chợt nhận ra đây là hai đứa con của anh, chị tôi. Ngày tôi đi bộ đội chúng mới hai, ba tuổi gì đó. Hai đứa nhỏ vừa cười vừa nhìn quanh xem mọi người ngưỡng mộ chú nó đến cỡ nào. Tôi đưa mắt nhìn chung quanh vẫn không thấy mẹ tôi đâu. Tôi bước vào trong nhà, đặt chiếc ba-lô ở gian giữa rồi đi thẳng xuống bếp. Một hình ảnh mà cho đến bây giờ vẫn không phai mờ trong tâm trí tôi. Mẹ tôi đang ngồi cặm cụi thái thân cây chuối để nấu cám cho lợn. Tôi gọi: "Bầm ơi, con về rồi đây!". Mẹ tôi không nhìn lên, vẫn cặm cụi thái chuối. Bà buông một câu gọn lỏn đủ để tôi nghe: "Anh về rồi đấy à?", tôi cúi xuống, ôm lấy hai vai mẹ tôi. Mẹ tôi gầy quá, chiếc áo tứ thân mầu nâu rộng thùng thình mẹ tôi đang mặc khẽ rung lên từng chập. Nước mắt bà rơi lã chã trên đống rau chuối. Bà đưa tay áo quệt ngang lau nước mắt rồi nói với tôi cái giọng lạnh lùng: "Anh vào tiếp khách đi, cứ để mặc tôi!". Tôi vô cùng hoang mang trước thái độ lạnh lùng của mẹ mình. Trong gia đình, tôi là đứa con út nên được nuông chiều nhất. Bao năm xa mẹ, vào nơi hòn tên mũi đạn, giờ sống sót trở về, lẽ ra bà ấy phải ôm lấy tôi mà hả hê, mà kiêu hãnh chứ.

Suốt cả tuần vật vã trên xe, trên tàu giờ tôi đã thấm mệt. Khi mọi người lần lượt ra về, tôi rửa tay chân qua loa rồi lên chiếc giường dải quạt ngày xưa tôi vẫn nằm, ngả lưng.

Ðêm đầu tiên trên quê hương sau tám năm xa cách thật yên tĩnh. Tôi nghe rõ cả tiếng cá quẫy dưới ao trước nhà, tiếng chó sủa ở đầu thôn và cả tiếng thạch sùng điểm nhịp phía sau cánh cửa. Những tưởng sẽ ngủ được ngay, nhưng bao nhiêu kỷ niệm xưa lại ùa về. Và phần nào tôi đã lý giải được tại sao mẹ lại lạnh lùng với tôi như thế.

Chẳng là, tháng 10 năm 1967 sau sáu tháng huấn luyện, tôi và anh em trong tiểu đoàn được đơn vị cho về thăm gia đình mười ngày trước khi vào chiến trường. Về nhà hôm trước, trong bữa cơm chiều hôm sau, mẹ tôi hỏi:

- Anh nghỉ phép được mấy ngày?

- Dạ, còn chín ngày nữa ạ!

- Vậy là đủ thời gian cưới vợ cho anh. Nhà đã chuẩn bị rồi. Hai bác bên nhà và "nó" cũng đã đồng ý, chỉ chờ anh về là làm lễ cưới thôi.

Sau một thoáng suy nghĩ, tôi thưa với mẹ:

- Bầm và gia đình lo cho con, con rất biết ơn. Nhưng vội làm gì. Kể cả tuổi đẻ, năm nay con mới hai mươi tuổi đời. Vả lại con đi một thời gian ngắn lại về mà. Khi đó cưới vợ có muộn đâu. Bầm và cả nhà phải hiểu cho con, trai thời loạn mà!

Thật ra tôi không dám nói trước mặt mẹ rằng vào nơi bom đạn, không ai nói trước được điều gì. Nếu mình có mệnh hệ gì lại làm khổ người ta.

Bà giảng giải cho tôi:

- Anh phải thương bầm chứ! Bầm yếu rồi. Anh vắng nhà, anh cả thì ở xa, các chị con có gia đình riêng cả rồi, những lúc trái gió, trở trời lấy ai đỡ đần cho bầm.

Tôi tìm mọi cách để an ủi, động viên nhưng bà không nghe. Không thuyết phục được tôi, cuối cùng bà gắt lên:

- Thôi, anh đi cho khuất mắt tôi! Tôi không có đứa con ngang bướng, ương ngạnh như anh.

Những ngày sau đó, tôi tìm đủ mọi cách để làm cho bà vui. Tôi chẻ củi, gánh nước, nấu cơm, đi mua trầu cau cho bà. Tôi đóng lại cái chân giường để mẹ tôi nằm cho chắc chắn; hạ thấp cái dây phơi quần áo trước sân cho mẹ tôi khỏi với…

Mười ngày phép trôi đi nhanh quá. Chỉ còn ngày mai nữa là tôi phải có mặt ở đơn vị. Cứ tình trạng này tôi sẽ bị chậm phép. Tôi bèn nghĩ ra một cách. Tôi nói với mẹ:

- Mấy hôm nay máy bay nó ném bom ở ga Ấm Thượng và Chí Chủ. Nhà mình ở gần đường xe lửa thế này con thấy không an toàn. Hay là tối nay, bầm vào nhà Bủ Tín ngủ, sáng mai về (Bủ Tín là nhà thông gia với mẹ tôi). Con sẽ ở nhà với bầm vài hôm nữa!

Ngần ngừ một lát, bà nói:

- Ừ, thế cũng được!

Nói rồi, mẹ tôi vào nhà xách cái bị cói, tay cầm chiếc nón lá lầm lũi đi ra cổng. Tôi gọi với theo:

- Bầm để ba-lô của con ở đâu? Hai ngày nay con chưa thay quần áo. Bà nói vọng lại:

- Tôi vùi trong cây rơm sau nhà đó thôi!

Thì ra mẹ muốn tôi ở nhà thêm mấy hôm, nên bà đã giấu ba-lô của tôi.

Bà đi được một lát, tôi dặn chị dâu tôi mấy việc quan trọng rồi khoác ba-lô lên văn phòng Ủy ban hành chính xã - nơi các đồng chí trong Ðảng ủy, Ủy ban và đoàn thể đang có mặt đông đủ chuẩn bị tiễn đưa con em của xã trở về đơn vị…

Những kỷ niệm xưa kéo tôi vào giấc ngủ ngon lành. Bỗng tôi có cảm giác như ai đang nắm tay, xoa lên mặt và vuốt tóc mình. Tôi choàng dậy. Trong ánh sáng mờ đục của ngọn đèn dầu, mẹ tôi đang ngồi bên cạnh. Bà khẽ nói:

- Con có bị thương ở chỗ nào không? Bầm ngày đêm mong con sống trở về mờ cả mắt. Những hôm trái gió, trở trời đau nhức khắp người, không ngủ được, bầm mở tủ lấy chiếc áo của con ra ngửi cho đỡ nhớ!

Tôi gục đầu vào bộ ngực lép kẹp của bà mà hít no say cái mùi trầu cau quen thuộc còn vương trên áo bà. Mẹ tôi gầy quá. Bố tôi mất sớm, một mình bà nuôi anh, chị em tôi ăn học nên người. Các chị, các anh tôi đều đã có gia đình riêng… Tôi nghẹn lại không nói được lời nào.

Mẹ bảo: Về lần này phải lấy vợ con nhé. Không như lần trước đâu! Bầm yếu nhiều rồi!

- Vâng, bầm yên tâm, con không xa bầm nữa đâu!

Nhớ lại hình ảnh ban chiều, khi mẹ lạnh nhạt với tôi, tôi càng thấm thía sự hy sinh vô cùng to lớn, sức chịu đựng can trường của những người mẹ có con ngoài mặt trận. Tôi chợt nghĩ, nếu như mình vĩnh viễn nằm lại chiến trường thì nỗi nhớ thương, đau đớn của mẹ sẽ khủng khiếp đến nhường nào. Ngược lại, trong lúc tôi ở ngoài mặt trận mà mẹ tôi ra đi thì tôi sẽ ân hận suốt đời về lời nói dối bà hôm về phép trước khi ra trận.

Rất may là cả hai tình huống trên đã không xảy ra đối với mẹ con tôi. Và giờ đây tôi đang ở bên người mẹ vô vàn yêu quý của tôi.

Mùa đông năm 1978, tức là ba năm sau, kể từ ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, mẹ tôi đột ngột qua đời. Khi đó tôi đang ở mặt trận biên giới phía bắc không về kịp để nhìn thấy mẹ lần cuối. Các anh, chị tôi bảo rằng lúc sắp ra đi mẹ tôi thều thào hỏi: "Út nó đã về chưa?..." - Anh, chị tôi phải nói dối: "Em nó sắp về đến nơi rồi!" để cho bà ra đi thanh thản!

Một đất nước với hàng triệu người mẹ bình dị mà vĩ đại như thế thì bất kỳ một kẻ ngoại bang nào dù hùng mạnh và nham hiểm đến đâu cũng không thể nào khuất phục được.